Kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (20-7-1954 - 20-7-2004):
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương
18:37', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Ngày 7-5-1954, quân đội Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng ngày 10-10-1954, nhân dân thủ đô Hà Nội hân hoang chào đón các đơn vị quân đội ta vào tiếp quản thủ đô

Đúng 16 giờ 30 phút, ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc. Tham dự Hội nghị có 9 đoàn đại biểu: 3 đoàn của các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa; 3 đoàn phương tây: Pháp, Anh, Mỹ; 3 quốc gia liên kết trên bán đảo Đông Dương: Lào, Campuchia và "quốc gia" Bảo Đại (lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia không được mời tham dự Hội nghị). Trong đoàn Việt Nam đi Giơ-ne-vơ có Nouhak, đại diện Phathet Lào và Keo Ma-ny, đại diện Khơ-me Itrarak, mang hộ chiếu Việt Nam. Nhìnt hành phần các bên tham dự Hội nghị, người ta thấy ngay Việt Nam có hai đồng minh (Liên Xô, Trung Quốc), nhưng phải đối phó với 6 bên còn lại.

Lập trường của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; cô lập bọn chủ chiến ở Pháp và bọn can thiệp Mỹ, làm cho nhân dân Pháp thấy chính phủ Pháp lúc bấy giờ do Laniel làm Thủ tướng là hiếu chiến cần phải thay đổi thì Hội nghị Giơ-ne-vơ mới thu được kết quả. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình rộng rãi cả trong và ngoài Hội nghị.

Lập trường của các đoàn đại biểu các nước phương Tây là hiếu chiến. Đoàn đại biểu Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, hất cẳng Pháp và chiếm Đông Dương. Đoàn đại biểu của Vương quốc Anh thì chủ trương chống âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Phái chủ chiến của Pháp Laniel nhận đàm phán với ta để tránh búa rìu dư luận và tránh bị nhân dân Pháp lật đổ, đồng thời cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương. Do lập trường của các bên hữu quan, từ ngày khai mạc cho đến 19-6-1954, Hội nghị tiến triển chậm chạp. Đoàn Pháp và đoàn Mỹ bị ba đoàn Việt Nam - Liên Xô và Trung Quốc kịch liệt lên án về chủ tâm phá hoại hội nghị.

Nhiều người còn nhớ, trong phiên họp thứ hai, ngày 10-5-1954, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã đưa ra đề nghị 8 điểm nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân các nước, nhất là nhân dân Pháp. Hai đồng Chủ tịch Hội nghị Êden (Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh) và Môlôtốp (Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô) cho rằng đề nghị của Việt Nam có tính chất xây dựng và đồng ý lấy hai bản đề nghị của Việt Nam và của Pháp làm cơ sở để thảo luận.

Do đoàn Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn, nội các của Thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12-6-1954. Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ; Mendès France thuộc phái chủ hòa lập chính phủ. Ngày 18-6-1954, khi nhậm chức, ông Mendès France tuyên bố sẽ từ chức, nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Vào thời điểm này, tại Sài Gòn, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền Bảo Đại.

Cuối giai đoạn 1 của Hội nghị vẫn là sự thăm dò với nhau về giải pháp và đưa ra lập trường của mình mà chưa đi đến một thỏa thuận thực chất nào. Từ ngày 10 đến 20-7-1954 là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán. Các đoàn làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia, đoàn Việt Nam đấu tranh quyết liệt, nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Phathet Lào ở hai tỉnh, mà không đạt được việc điều chỉnh cho Khơme Itsarak vùng đóng quân.

Vấn đề giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử, đoàn Việt Nam kiên trì vĩ tuyến 16 và tổng tuyển cử sớm. Ngày 19-7-1954, ba đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc thống nhất đưa cho đoàn Pháp phương án cuối cùng giới tuyến đi qua đường 9-10km. Phương án này được đoàn Việt Nam gợi ý từ tháng 6, nhưng phía Pháp vẫn đòi vĩ tuyến 18. Tại cuộc họp đêm 20-7-1954, 5 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vào phút chót mới thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng, và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, nhưng với thiện chí của phái đoàn ta, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết.

Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị chia cắt giả tạo thành hai miền qua vĩ tuyến 17, mặc dù sự thận trọng của các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ". Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ". Nước Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; thường dân có quyền lựa chọn muốn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu từ ngày 23-9-1945, kết thúc ngày 20-7-1954. Về sự kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "… Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới".

. Nguyễn Xuyến

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hát đối đáp, nơi trao duyên gửi tình   (01/08/2004)
Thơ   (01/08/2004)
"Sanh đa đề, vạn đại lộc"   (01/08/2004)
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)
Côn đồ lộng hành - nỗi lo của mọi người   (18/06/2004)
EURO 2004: Đừng nói trước điều gì khi bóng còn lăn   (18/06/2004)
Đông Á với trào lưu FTA   (18/06/2004)
Thơ   (18/06/2004)
Hàng sầu đông trổ hoa   (18/06/2004)