Khách đi chợ tình Khau Vai hôm qua còn lưu lại khá đông, nên đoàn văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số phải nghỉ tại nhà khách xa trung tâm huyện lỵ Mèo Vạc. Đoàn gồm anh em của 12 tỉnh thành, trong đó có tôi ở Bình Định, nhà văn Nguyễn Liêu ở Đăk Lăk và nhạc sĩ người Bahnar Rơngao là A Đủ ở Kon Tum, còn lại anh em các dân tộc phía Bắc.
Cơm trưa xong, anh em kéo nhau ra chợ ở trung tâm huyện lỵ. Trưa đang mưa lâm thâm, anh em vẫn đi. Chợ đang xây dựng, đồng bào che từng chòi nhỏ để bán hàng, có cả những hàng đứng bán ven đường nhựa của thị trấn đang hình thành. Chỗ này mấy chị người Lô Lô đứng bán heo con, những con heo bị cột dây run rẩy vì mưa lạnh. Chỗ nọ mấy anh người Mông mặc đồ đen đứng trả giá mua bò, con bò nào cũng mướt rượt. Những con dê cũng bị cột kêu be be sau gầm xe tải, những con chó kêu ăng ẳng trong giỏ sắt, lũ gà lũ vịt bị cột chân cột cánh chốc chốc lại đập cánh kêu quàng quạc trong tiếng mưa rơi. Mấy chị người Giáy gùi củi bán, đi dọc theo đường phố, mắt nhìn vào những hàng đầy ắp các quầy, nào xoong nồi, quần áo, nào các thứ hàng tạp hóa lỉnh ca lỉnh kỉnh đủ kiểu đủ màu đang bày biện kêu mời. Phiên chợ đã vãn dần, nhưng vẫn còn nhiều màu sắc trên trang phục của chị em, tôi chịu thua không phân biệt nổi, chỉ thấy các chị em đẹp như hoa rừng đủ màu sắc diễm lệ.
Tôi kéo nhạc sĩ A Đủ đến phía các quầy rượu và thắng cố. Tôi không uống được rượu, chỉ muốn ăn bát thắng cố nổi tiếng để ngấm hương vị vùng cực bắc đất nước ta. Nhưng quầy nào cũng đầy người, phần nhiều là đàn ông con trai. Họ thì thào nói chuyện, tay bưng bát rượu cười hơ hớ, có mấy anh đã ngà ngà lặng lẽ mắt lờ đờ nhìn mưa giăng.
|
Đoàn văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thăm ngôi nhà cổ của đồng bào Mông ở Mèo Vạc (tác giả đứng thứ tư từ trái sang) |
Thấy cảnh người ở chợ hôm nay, tôi nhớ đến chợ Miêu Cao trong truyện Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của nhà văn Nguyên Ngọc. Cái phiên chợ đau buồn xa xưa ấy chỉ độc buôn bán thuốc phiện, bởi cả vùng cao nguyên đá này trồng toàn thuốc phiện. Còn phiên chợ bây giờ không có thuốc phiện, và cả vùng cao nguyên đá này trồng toàn ngô và lúa cùng cây công nghiệp khác, và cuộc sống đồng bào các dân tộc ít người đang đi lên. Riêng huyện Mèo Vạc đá tai mèo chiếm 90% diện tích, dù tỷ lệ đói nghèo còn 15% mà bình quân lương thực quy thóc năm 2003 đạt 300kg đầu người, và có điều lạ là đàn bò cao nhất tỉnh, có 17.000 con…
Sáng hôm sau, đoàn chia làm hai đi thăm làng Cháng Pả của đồng bào Mông và làng Sảng Pả của đồng bào Lô Lô. Con đường bê tông dẫn anh em đến làng Cháng Pả khá gần. Nhà nào cũng lợp ngói hay tấm lợp do chính quyền tặng. Có ngôi nhà cổ hơn trăm tuổi. Từ sân lên bậc tam cấp và hè đều lát đá tảng vuông vức, chân cột táng đá hoa văn trái khế khá đẹp, tường đất nện dày, vách ngăn toàn gỗ chia nhiều gian, nhưng chỉ có đôi vợ chồng còn trẻ với ba con nhỏ. Ngoài vườn ngô đang lên xanh nghịt. Thấy mấy sào ngô khô treo trước hè, tôi hỏi anh chủ nhà:
- Vụ ngô vừa rồi chỉ có bấy nhiêu sao?
- Ồ đấy là giống - Anh cười - Còn ngô ăn để chỗ kho. Mà bây giờ không ai lo đói ăn, chỉ lo đói tiền thôi mà - Anh lại cười và mời đoàn uống rượu, nhưng chúng tôi cảm ơn vì còn thăm nhà khác.
Thấy cặp vợ chồng chủ nhà còn trẻ và hạnh phúc, tôi nhớ chuyện chợ tình ở Khau Vai. Từ đây đến Khau Vai chừng vài chục cây số là nơi họp chợ đúng ngày 27 tháng 3 âm lịch từ năm 1919. Gần trăm năm qua, những người đi chợ là đi tìm bạn cũ, hay cả vợ chồng cùng đi tìm người xưa của mình để tâm sự, kể những nỗi buồn niềm vui của gia đình hay sự lớn lên khôn ngoan của con cháu. Họ gửi gắm nỗi lòng nhớ thương vào các làn điệu dân ca suốt đêm 26 và cả ngày 27, làm cho mảnh đất núi rừng Khau Vai nồng nàn tình ái. Những người đi chợ nhớ chuyện đôi trai Nùng và gái Giáy yêu nhau, nhưng không lấy nhau vì phong tục cổ lỗ của gia đình ngăn cản, khiến hai làng hận thù đánh nhau rất dữ. Để tránh cảnh đổ máu, đôi bạn Nùng và Giáy quyên sinh. Hai làng Nùng và Giáy tiếc thương đôi bạn tình làm tang lễ chu đáo, và từ đấy họ hết đánh nhau, cũng từ đấy vào ngày giỗ họ đến thắp hương, và hình thành dần nếp phong tục chợ tình Khau Vai!
Buổi chiều, anh em ngạc nhiên khi nghe nhà văn Cao Duy Sơn - người Tày - là Chánh văn phòng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số báo không ăn cơm nhà hàng, mà ăn dân gian thân mật ở gia đình. Bữa nào cũng ăn nhà hàng đã hơi chán, giờ anh em được ăn cơm gia đình thì hay quá!
Anh em lần lượt vào sân nhà đồng bào Lô Lô ngay bên đường. Nhà lợp tấm lợp đã cũ, giữa nóc có hình tượng trưng như là lưỡng long tranh châu, hai đầu đều có đuôi vểnh lên, và có tầng gỗ cũ hơi đen đen. Trong nhà đặt sẵn 4 cái bàn thấp hình vuông, có băng gỗ bốn bên cho tám người ngồi. Trên bàn bày kín thức ăn và hai chai rượu trắng đục.
Anh em vào thăm bà cụ Thàng Thị Kèn đã 86 tuổi, bà đang ốm nằm gian phía trong. Cụ nhận quà và cảm ơn anh em đã có lòng thương người già đau ốm, và cụ bảo đã giao hai con trai tiếp khách. Anh Lò Mí Sanh nhường lời mở đầu cho anh cả là Lò Giàng Páo. Bây giờ tôi mới biết anh Lò Giàng Páo - ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - là người đi cùng đoàn từ Hà Nội lên đây. Anh Páo cười và nói:
- Bà cụ xin lỗi vì ốm không tiếp được, anh em đến thăm nhà là mừng lắm rồi. Mấy hôm nay anh em ăn tại các nhà hàng, nay xin mời anh em ăn bữa cơm rau với gia đình, mà nói là cơm chứ không có cơm đâu nhé - Anh lại cười - Nào, xin mời anh em cạn ly đầu tiên. Xin mời…
Vài chục anh em đã quen nhau mấy ngày rồi, không ngại ngùng gì, họ cụng ly mời nhau í ới. Riêng tôi chỉ nhấm chút ít. Nhưng anh Lò Mí Sanh không chịu buông tha, cầm ly nói với tôi:
- Anh không uống rượu thì buồn lắm đấy.
- Dạ, tôi bị bệnh nên kiêng rượu.
- Ở Mèo Vạc này rượu là thuốc. Anh phải uống thì khỏi bệnh thôi mà.
Nể tình anh, tôi hớp một hớp nhỏ.
- Được, anh ăn nhiều vào đi nhé!
Rồi anh Sanh gắp thịt bỏ vào bát tôi. Trên bàn có rau sống, có rau luộc xanh um, có măng tươi, có cà pháo… Chợt chị vợ anh Sanh là Thàng Thị Ninh đến mời tôi cụng ly, rồi em trai chị Ninh là anh Thàng Mí Sò đến mời tôi cụng ly, và họ lại gắp thức ăn cho tôi với cả nụ cười cởi mở chân thành.
Anh Lò Giàng Páo cầm ly rượu đến bên tôi, thì chợt có một cô đến tay cũng cầm ly rượu. Anh Páo giới thiệu đó là cô em gái Lò Thị Dính khá xinh dù không mặc trang phục Lô Lô. Thật sự tôi sợ say vì rượu vì người. Nhưng anh Páo nói tiếng Lô Lô với cô em rồi cô cụng ly tôi và lườm một cái rồi mỉm cười quay ra.
Anh Páo giảng cho tôi mấy món ăn dân tộc, ngoài đĩa gà luộc chặt vuông, đĩa thịt lợn trắng khổ lớn, anh chỉ cho đĩa thịt lợn đen là giống lợn địa phương ăn không ngấy. Bát thắng cố gà, hóa ra thắng cố không chỉ nấu bằng thịt bò, thịt lợn, thịt dê. Và đối diện với bát thắng cố là bát canh đậu nành cũng xay nhỏ lọc kỹ, nhưng không làm miếng. Bát canh đậu nành là món giải rượu rất tốt. Rồi cả món mèn mén thay cơm như anh Páo đã nói từ đầu. Mèn mén là bột ngô xay thật nhuyễn rồi đồ lên thơm thơm. Ăn mèn mén là ăn chậm và nhai kỹ sẽ thấy bùi bùi, ngòn ngọt, vừa là lạ vừa đúng là ngon.
Qua chuyện trò, tôi càng cảm phục nghị lực phấn đấu học tập của anh Páo. Cái thuở từ Mèo Vạc xuống thị xã Hà Giang chưa đầy 150 cây số đường nhựa như bây giờ, cậu Páo bé bỏng phải đi bộ mất bảy ngày để học phổ thông, quả là chuyện không bình thường. Và tôi biết bây giờ đồng bào Mèo Vạc cũng như cán bộ Hà Giang đều yêu quý và tự hào về Lò Giàng Páo của họ, bởi anh là Tiến sĩ dân tộc học còn trẻ, và là vị tiến sĩ duy nhất của đồng bào Lô Lô tận miền rẻo cao xa xôi cực bắc của Tổ quốc chúng ta!
Quy Nhơn, 6-2004
. Hà Giao
(Hội Văn học nghệ thuật Bình Định) |