Vọng phu
19:50', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Đất nước tôi từ "ngày xửa ngày xưa" đã phải chống trả nhiều giặc giã từ bốn phương tràn đến; người dân quê tôi đã trải bao ly biệt, mất mát, thương đau. Hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã một đi không trở lại, xương máu của họ thấm từng thước đất. Và, dưới mái tranh nghèo, những người vợ hiền thủy chung chờ đợi, mòn mỏi ngóng trông.

Tháng tháng… năm năm… phương trời hy vọng!

Có phải vì thế chăng mà "tâm động đến thần", các dãy núi từ Bắc chí Nam đều mọc lên những khối đá tạc hình người mẹ bồng con ngóng nhìn về phía chân trời xa xăm.

Trên thế giới này, chưa ở đâu có nhiều hòn Vọng phu như đất nước tôi. Những hòn Vọng phu là những phiến đá hoa cương được dựng lên cùng với núi, từ cái thời khai sơn lập địa. Tạo hóa có lý lắm thay! Những hòn Vọng phu ngàn năm vẫn đứng đó mà đợi chờ, mà hy vọng, mặc cho phong ba bão táp, bom đạn tơi bời.

Hòn Vọng phu trên đỉnh núi Bà

Ở Lạng Sơn, nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, trên dãy núi bên sông Kỳ Cùng, nàng Tô Thị bồng con nhìn về chốn núi rừng thăm thẳm. Chồng của nàng đã ngã xuống từ thuở giặc phương Bắc muốn làm cỏ xứ "An Nam đô hộ phủ". Ngày nay, chúng tôi trèo lên núi, thắp nén nhang, cầu cho linh hồn những người không trở về được thanh thoát và tỏ lòng tôn kính sự chung thủy của người phụ nữ Việt Nam; cũng là cầu cho chiến tranh đừng bao giờ trở lại, để bao mái nhà còn có vợ, có chồng. Vào miền Trung ta lại gặp các hòn Vọng phu ở núi Nhồi (Thanh Hóa), ở núi Bà (Bình Định), ở núi Rầu (Quảng Nam). Vào tận miền Nam, ta lại gặp nàng ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Khắp nơi, các nàng đều mòn mỏi bồng con nhìn ra biển - nơi bao lần giặc giã xâm lăng từ phía đó đổ vào. Ngày ngày, những người dân đi biển vẫn thắp nhang nhìn lên tượng nàng mà khấn vái:

Lạy trời cho cả gió đông

Cho thuyền tôi chạy, cho chồng bà lên!

Nhưng chồng bà và ngàn trai tráng đã không thể trở về, xương máu của họ đã giữ yên biển trời, và để người sống đừng quên bóng ma chiến tranh còn lởn vởn.

Nhưng, cũng không ở đâu như đất nước tôi, có hàng vạn người mẹ, người vợ chờ chồng, chờ con trọn cuộc đời mà không hóa đá. Dân tộc tôi có những Vọng phu sống giữa đời thường:

Cầm lòng chị đứng chờ anh

Thịt xương còn đó mà thành Vọng phu.

Bao người mẹ, người vợ tiễn chồng con ra đi từ thời: "Kìa ai tiếng khóc nỉ non/ Ấy vợ chú lính trèo hòn Đèo Ngang". Rồi đến ngày giặc Pháp gây hấn, mẹ đã cơm đùm tiễn chồng đi kháng chiến. Chồng đi biền biệt, mẹ lại lần lượt tiễn các con đi hết chiến trường này đến chiến trường khác trong lửa bom đang ngùn ngụt cả ba miền Nam-Trung-Bắc. Đời mẹ vò võ ngày đêm, chăn đơn gối chiếc, hạt gạo cắn đôi, lau giọt mồ hôi, chống cuốc nhìn trời xa xăm. Lưng mẹ đã còng, cái niêu thay chỗ cái nồi, đơm lưng cơm rồi nghẹn ngào lau nước mắt thương chồng, nhớ con. Đêm đêm, nghe lá vườn xào xạc, mẹ ngỡ bước chân ai trở về!

Thưa mẹ! Chúng con nhìn lên hòn Vọng phu và hiểu rằng sự chờ đợi không phải là vô vọng - linh hồn những người ra đi đang trở về rì rào cùng cỏ cây hoa lá với núi sông biển trời. Và, nhìn lên hòn Vọng phu, chúng con tự vấn mình sống sao cho xứng với sự chờ đợi của mẹ: "Một đời trăm trận bão giông/ Mẹ ta bỏm bẻm trầu không, lặng nhìn".

. Kim Dung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm cao nguyên Mèo Vạc   (01/08/2004)
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương   (01/08/2004)
Hát đối đáp, nơi trao duyên gửi tình   (01/08/2004)
Thơ   (01/08/2004)
"Sanh đa đề, vạn đại lộc"   (01/08/2004)
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)
Côn đồ lộng hành - nỗi lo của mọi người   (18/06/2004)
EURO 2004: Đừng nói trước điều gì khi bóng còn lăn   (18/06/2004)
Đông Á với trào lưu FTA   (18/06/2004)