Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã vượt qua tuổi "cổ lai hy" từ lâu. Ông là một học giả uyên thâm, giỏi chữ Hán, tính tình lại rất vui vẻ, dễ mến. Chuyện nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu tuồng, nhất là nghệ thuật tuồng Đào Tấn (1845-1907), ông đã có những công trình được công bố, như "Thư mục Đào Tấn" (chủ biên - 1985), "Tuồng Đào Tấn" (2 tập - 1987) gồm khảo dị, hiệu đính, chú thích, diễn giải những tác phẩm tuồng của cụ Đào. Ông còn chủ biên "Thơ và từ Đào Tấn" (1987) giới thiệu hàng trăm bài thơ và từ của Mộng Mai tiên sinh. Ông cũng cho xuất bản "Kẻ sĩ đất thang mộc" (tập 1-1997) gồm 5 danh nhân văn hóa đất Bình Định và vừa giành giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn 5 năm lần thứ hai của tỉnh Bình Định cho tập sách ấy. Hiện ông đang gắng hoàn thành các tập bản thảo "Hai sự thật, một nguyên nhân", "Cùng đề tài, hai kịch chủng" (tiểu luận sân khấu), "Kẻ sĩ đất thang mộc" (tập 2),…
|
Nhà nghiên cứu sân khấu Vũ Ngọc Liễn đang chép lại các câu đối Quang Trung |
Ông chơi với cánh viết trẻ gần gũi, thân mật như bầu bạn. Nhưng với bạn già, tình cảm của ông thật tri kỷ tri âm. Nó được bộc bạch qua những áng văn.
Mỗi lần có dịp vào TP. Hồ Chí Minh, ông thường đến chơi với nhà viết kịch Vĩnh Điền, vừa là bạn văn chương, vừa là bạn cờ tướng. Hai ông ngồi với nhau suốt ngày không biết chán để đàm đạo về sân khấu hoặc "Khi chén rượu, khi cuộc cờ"… Ông Vĩnh Điền viết vở kịch dài về Quang Trung Nguyễn Huệ, được nhà hát Trần Hữu Trang nhận dàn dựng, nhưng phải khổ công sửa chữa, viết đi viết lại nhiều lần. Khi hoàn chỉnh, tác giả chưa kịp xem diễn thì đã đột ngột qua đời. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đau xót khóc bạn bằng đôi liễn:
Tuyệt tác ngâm thành, vị cập trùng quang tinh đẩu lạc;
Khô kỳ hạ tận, hốt nhiên nhất mộng hải thiên không.
(Nghĩa là: Viết xong tác phẩm hay, chưa kịp xem lại, ngôi sao đã rụng;
Giải được thế cờ bí, bỗng trong chốc lát, đất trời như không).
Người giỏi chơi cờ tướng đều có tâm trạng khi giải được thế cờ bí thì lòng sung sướng, lâng lâng như không có đất trời. Ở câu liễn của ông Vũ Ngọc Liễn còn có nghĩa là thế cờ bí của cuộc đời nhà viết kịch. Gia cảnh ông Vĩnh Điền túng thiếu bèn bán ngôi nhà cũ, mua căn nhà nhỏ hơn, còn dành tiền gửi tiết kiệm để sống, như vậy là gỡ được thế cờ bí trong sinh nhai hàng ngày. Hiểu hoàn cảnh ông Vĩnh Điền mới thấy ý nghĩa sâu sắc của câu liễn. Nó như trút cả gan ruột, trí tuệ của ông Liễn mà tiễn bạn. Cả giới sân khấu thành phố đều thán phục, khen cái tình và cái tài của nhà nghiên cứu họ Vũ.
Nhờ những tháng ngày đi sưu tầm, nghiên cứu, dịch thơ và tuồng cụ Đào Tấn mà ông Vũ Ngọc Liễn quen biết nhà thơ Nguyễn Hoài Văn. Ông Văn hơn ông Liễn 7 tuổi, có thể xem là bạn vong niên. Ông Văn cũng giỏi Hán tự, thích đánh cờ. Ông đã có 4 tập thơ in: "Giọt nắng thu" (1970), "Nhánh đêm gầy" (1973), "Vườn mộng" (1989), "Vân Sơn bán mộng" (thơ chữ Hán - 2000)… Ông còn có một tập sưu tầm, bình những câu đối lịch sử của Việt Nam và Bình Định chưa xuất bản và góp công sức sưu tầm, dịch một số thơ từ Đào Tấn.
Từ chỗ tâm hồn đồng điệu, hai ông trở nên tri kỷ. Thỉnh thoảng, ông Nguyễn Hoài Văn từ Đồng Phó (huyện Tây Sơn) xuống, hay ông Vũ Ngọc Liễn từ Quy Nhơn lên, hai ông bạn già lại ngồi trà tửu, ngâm vịnh hoặc chơi cờ. Có những việc quan trọng, hai ông lại viết thư trao đổi hoặc cho con cháu chở đến nhau để cùng bàn luận.
Mùa hè năm Canh Ngọ (1990), ông Nguyễn Hoài Văn đã tặng ông Vũ Ngọc Liễn đôi câu đối:
Nhị nhị niên bắc địa viễn phi hồng, bút mặc hữu duyên, phấn đấu dĩ trường tồn cao sơn bích thủy;
Ngũ ngũ nhật nam thiên an trạch nhạn, văn chương đắc ý, tao phùng như túc ước minh nguyệt thanh phong.
(Nghĩa là: Hai mươi năm chim hồng bay phía bắc, có duyên bút mực phấn đấu cho nước biếc non cao còn mãi;
Năm nhăm ngày nhạn trầm yên ổn ở trời nam, văn chương vừa ý, cuộc tao phùng này như đã hẹn trước cùng trăng sáng gió trong).
Cảm kích tấm lòng của bạn, ông Vũ Ngọc Liễn tặng ông Nguyễn Hoài Văn:
Hà tất vấn phong lưu, năng ẩm năng ca, tửu sắc ngọc giao Vũ Ngọc Liễn;
Mạc sầu vô tri kỷ, thả ngâm thả thướng, thi thư hoài bão Nguyễn Hoài Văn.
(Nghĩa là: Cần gì hỏi có phong lưu hay không, thường uống rượu và hát (bội), tôi là Vũ Ngọc Liễn, vì tôi kết giao cùng rượu ngon và cái đẹp; Đừng buồn không ai tri kỷ, cứ thỏa sức ngâm ngợi thưởng thức, anh là Nguyễn Hoài Văn, bởi anh mang hoài bão của sách vở, thơ ca).
Câu đối thật trẻ trung, khôi hài mà cũng thật sâu sắc.
Ông Vũ Ngọc Liễn viết chữ Hán rất đẹp. Những bài thơ, câu đối hay lời chúc tụng, thường là ông Liễn để bút tích, được ông Nguyễn Hoài Văn lồng khung kính, treo trang trọng nơi biệt phòng của mình.
Tình bạn của các bậc văn nhân khăng khít như hai vế đối, thật đáng kính trọng.
. Nguyễn Văn Chương
|