Hồ sơ - Tư liệu:
Những tên cướp biển của thế kỷ 21
18:38', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Những tưởng chuyện cướp biển đã đi vào dĩ vãng khi các đội tàu khách, tàu buôn trở nên hùng mạnh hơn, phương tiện liên lạc, định vị toàn cầu mạnh hơn, đồng thời các tuyến đường biển quan trọng đều đã được kiểm soát bởi các hiệp định tuần tra biển. Vậy mà, nạn cướp biển ngày lại càng trở nên nóng bỏng, ước tính mỗi năm bọn hải tặc đã cướp đi khoảng 1 tỉ USD.

* Những chuyến tàu chết chóc

Cách đây 3 năm, toàn thể thế giới đã nghe nói về câu chuyện của Luliam Tei - chủ một con tàu chở hàng Singapore mang tên Hye Mieko. Vào một ngày đẹp trời, con tàu xinh đẹp Hy Mieko của Luliam rơi vào tay hải tặc. Thật không may cho những tên cướp biển, tàu Hy Mieko được lắp đặt một thiết bị phát sóng cực mạnh và nhờ có máy dò sóng đặc hiệu, Luiam đã phát hiện chính xác vị trí của con tàu. Ông liền dùng trực thăng để đuổi theo chúng, đồng thời phát tín hiệu cấp cứu tới tàu chiến của tất cả các nước trong khu vực. Nhờ vậy, hải quân Trung Quốc đã bắt giữ được con tàu và bọn cướp.

          Tuần tra trên biển

Rất hiếm trường hợp may mắn như vậy. Ngày 20-10-1999, một tàu hàng Nhật Bản (tàu Alondra Rainbow) chở nhôm thỏi trị giá tới 20 triệu USD đã bị bọn hải tặc người Indonesia cướp mất ở vùng eo biển Malacca. Thủy thủ đoàn gồm 2 sĩ quan Nhật và 15 người Philippines đã bị thả trôi trên một chiếc bè cùng chút thức ăn và nước uống. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ may mắn được ngư dân Thái Lan cứu sống. Hai tuần sau vụ cướp tàu Rainbow, bọn hải tặc đọ súng dữ dội với một... chiến hạm Ấn Độ.

Ngày 12-8-1998, tàu chở hàng Anna Sierra, khởi hành từ Bangkok (Thái Lan) treo cờ Síp đi tới Philippines, trên khoang chở lượng đường lớn trị giá 5 triệu USD. Mới đi được ¼ quãng đường, bọn cướp biển áp sát và buộc tàu quay lại Cảng Beihai- Trung Quốc. Tại đây, dù bọn cướp đã che giấu và thay đổi con tàu, nhưng nó vẫn bị nhân viên Cục Đường biển quốc tế phát hiện. Số đường được thu hồi, bọn cướp bị tóm gọn.

Trên đây chỉ là vài trong số hàng trăm vụ cướp biển mỗi năm, mà theo thống kê của Tổ chức Hàng hải quốc tế, giá trị tài sản mà chúng cướp được lên tới 1 tỉ USD. Thực tế cho thấy, 7-8 năm trở lại đây, vùng ven biển Indonessia, Malaysia, Thái Lan… đã trở thành thiên đường với bọn cướp biển. Hơn ½ số vụ cướp biển toàn thế giới diễn ra ở đây. Bọn hải tặc nơi đây là những kẻ bản lĩnh và chuyên nghiệp nhất thế giới vì chúng không chỉ cướp của cải trên tàu mà còn cướp cả tàu. Những chiếc tàu này, kể cả những tàu có trọng tải rất lớn, được chúng ngụy trang, sơn sửa và bán cho ngư dân hoặc các ông chủ giàu có với giá trị rất mềm: chỉ 300.000 USD là có thể mua được một chiếc tàu cỡ vừa của bọn hải tặc.

Những tên cướp biển ở vùng biển Caribê, Mexico và Colombia không có những trang thiết bị hiện đại như " đồng sự" ở châu Á, nên mục tiêu số một của hải tặc Mỹ Latinh là tàu vận tải hành khách và các thuyền lớn. Chúng thường tấn công bất ngờ, đe dọa tinh thần hành khách để cướp tiền bạc, tư trang và hàng hóa. Hải tặc châu Phi hoạt động từ vùng biển Angola tới Sénégal chỉ có ít súng và thuyền cao tốc. Chúng thường bí mật trèo lên boong giết sạch những ai chúng tóm được để trừ hậu họa. Tuy nhiên, đối với những thủy thủ dũng cảm thì những tên cướp châu Phi chưa hẳn đáng sợ, bởi chúng chỉ ít hoặc không có súng. Một viên thuyền trưởng một con tàu Anh thường xuyên neo đậu ở Cảng Lagos - Negerria, người sống sót trong một vụ cướp biển, khẳng định: "Chỉ cần bắn vài phát đạn ngay khi bọn cướp trèo lên boong là chúng sẽ bỏ chạy, nhưng tiếc rằng không phải ai cũng đủ bình tĩnh để làm điều đó".

Ở một số vùng biển, bọn cướp biển sử dụng những thuyền đánh cá bình thường không có vũ khí, giả vờ áp sát mạn tàu xin nước, xin lửa rồi bất thần đánh úp. Một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng cướp phá thành công là nhờ công tác nội gián. Chúng tìm cách gài người (hoặc mua chuộc quan chức) vào các công ty đường biển, các cảng để biết lộ trình các tàu, biết hàng hóa và khả năng phòng vệ của tàu, rồi chúng bày binh bố trận hết sức tỉ mỉ để tấn công sao cho chắc ăn nhất. Những băng cướp chuyên nghiệp còn tổ chức mối quan hệ chặt chẽ với các tầng lớp tội phạm khác như bọn tiêu thụ đồ gian, bọn buôn bán vũ khí (để có thể mua hoặc thuê vũ khí đi cướp). Thậm chí, chúng còn cho người thành lập công ty hoặc mở cửa hàng để tiêu thụ đồ cướp và hợp lý hóa tài sản cướp bóc được.

Năm 2000 được coi là năm đen tối nhất bởi chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có tới 120 vụ cướp biển. Do điều kiện địa hình, các eo biển trở nên đặc biệt nguy hiểm. Tất cả các thuyền bè qua đây đều phải giảm tốc độ và rất khó điều khiển, tạo điều kiện cho hải tặc tấn công. Eo biển Malacca được mệnh danh là con đường địa ngục, bởi tàu bè bị hải tặc "viếng thăm" liên tục (47 vụ năm 1997). Mới đây, để chống lại nạn cướp biển, hải quân các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã cùng xây dựng một kế hoạch tuần tra chung trên vùng biển này.

* Phòng chống nạn cướp biển - nỗ lực và thử thách

Năm 1989, tổng số vụ cướp biển xảy ra tại vùng biển Indonesia mới có 60 vụ, vậy mà năm 1999 đã lên tới 113 vụ. Trong năm 1999, theo thống kê của Cục Hàng hải quốc tế, toàn khu vực biển châu Á, số vụ cướp biển đã tăng 73% so với năm 1998, chưa kể vô số vụ do bị chống trả quyết liệt, bọn hải tặc phải bỏ chạy.

Công ước quốc tế về chống cướp biển, luật đường biển đã được Liên hiệp quốc thông qua năm 1994. Từ đó đến nay, đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế và khu vực bàn về vấn đề này nhưng rõ ràng công tác phòng chống chưa đủ mạnh để ngăn chặn sự bành trướng của hải tặc. Tháng 4-2000, Nhật - nước bị thiệt hại lớn nhất vì nạn cướp biển - đã tổ chức hội thảo quốc tế, qua đó muốn hợp tác cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore… tổ chức một lực lượng an ninh chung tuần tiễu trên biển chống hải tặc. Kế hoạch của Nhật có 3 mục tiêu: thành lập một cơ quan bảo vệ bờ biển trong khu vực; tăng cường tư vấn, ủng hộ các công ty tàu biển phương pháp và thiết bị phòng chống cướp biển; nâng cao hợp tác khu vực để đối phó hải tặc.

Đề nghị này đang được các nước xem xét triển khai từng phần. Từ năm 1992, Trung tâm chống cướp biển châu Á được thành lập dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổ chức Hàng hải quốc tế và đã tỏ ra hữu hiệu khi ngăn chặn được 10 vụ cướp biển lớn. Uy thế của trung tâm đã làm cho hải tặc không dám tổ chức những cuộc cướp phá lộ liễu. Ngoài ra, trung tâm này còn nhận chuyển những thông tin phòng chống cướp 24/24 giờ đi toàn thế giới. Trung tâm còn có chức năng kiểm tra chủ sở hữu của những chiếc tàu và làm trung gian cho những quy định luật pháp khác nhau giữa các nước.

Một trong những yếu tố cơ bản khiến cho việc nâng cao hợp tác khu vực phòng chống hải tặc là vấn đề kinh phí. Chi phí cho những đội tàu tuần tra chung hoặc tàu trực chiến sẽ rất lớn. Cản trở thứ 2 chính là sự e ngại lẫn nhau: sợ tàu nước này "tranh thủ" nhòm ngó nước kia. Cản trở thứ ba là rất khó thanh lọc những phần tử nội gián cho hải tặc trong những công ty đường biển, các cảng… Khó khăn cuối cùng là bọn cướp biển ngày nay giấu thân phận rất khéo. Lúc bình thường chúng là những thuyền chài, chủ tàu cá, tàu buôn…, khi có cơ hội thuận tiện, chúng liền "lột xác" để đi cướp.

Ở thế kỷ trước, những tên cướp huyền thoại đều phải gánh chịu một kết cục bi đát: John Defol chết trong cảnh nghèo đói, bị bạn bè bỏ rơi. Râu Đen bị giết, sau đó thân thể bị cắt ra từng mảnh. Thuyền trưởng Kiđ bị nước Anh kết án nhưng chính đồng bọn lại treo cổ hắn. Những tên cướp biển ngày nay rất ít bị bắt và đây chính là nỗi lo lắng thường trực của tất cả những ai đi biển.

. Ngọc Ánh (biên dịch)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khăng khít như hai vế đối   (01/08/2004)
Vọng phu   (01/08/2004)
Kỷ niệm cao nguyên Mèo Vạc   (01/08/2004)
Kỷ niệm cao nguyên Mèo Vạc   (01/08/2004)
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương   (01/08/2004)
Hát đối đáp, nơi trao duyên gửi tình   (01/08/2004)
Thơ   (01/08/2004)
"Sanh đa đề, vạn đại lộc"   (01/08/2004)
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)