Lời hát ru
18:41', 1/8/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng

Nghe tin anh Phước lấy vợ tôi mừng như bắt được vàng. Chả là bác gái tôi sanh năm người con, hy sinh hết bốn. Bác trai thì bị bọn cai ngục thời Mỹ- Ngụy đánh chết hồi còn chiến tranh. Anh Phước là chỗ dựa duy nhất của bác tôi trong chuỗi ngày còn lại. Mỗi lần nhớ tới cái hợp đồng miệng giữa tôi và bác gái, tôi lại phì cười một mình. Nội dung đại loại: "Bên A: Bác Nguyễn Thị Bưng giao trách nhiệm cho đứa cháu trai tên là: Trần Hoài Bảo từ tháng giêng đến tháng tư năm… mai mối tìm được vợ cho anh Phước của nó, bác sẽ thưởng một chiếc xe đạp cáu cạnh. Bên B: Cháu Trần Hoài Bảo nếu không thực hiện đúng hợp đồng thì sẽ bị phạt gánh đất đổ nền nhà cho bác của nó một tuần". Đó là cái hợp đồng bí mật chỉ có tôi và bác tôi biết.

Dạo ấy tôi năng lui tới nhà bác rủ rê anh Phước đi chơi. Anh quý tôi ở tánh bộc trực pha chút máu nghệ sĩ. Còn tôi thương mến anh ở tấm lòng vị tha, chân thành. Thú thật chẳng phải tôi ham cái phần thưởng hậu hĩnh mà bác tôi sẽ ban cho sau khi hoàn thành công việc. Cái chính là tôi thương bác, thương anh Phước. Nhiều lần tôi bắt gặp bác tôi nhìn những đứa trẻ nhà bên vui đùa, đôi mắt bác buồn thăm thẳm… Một nỗi buồn không thể tả bằng câu, chữ.

Đêm đầu tiên tôi đèo anh Phước đến chơi nhà cô bạn gái tôi có người chị đã lỡ thì con gái, chưa tìm được nơi trao thân, gởi phận. Cô bạn gái hứa giúp tôi làm chiếc cầu nối giữa anh Phước và chị của cô. Trăng tròn vành vạnh, tôi và Lài (tên gọi của cô bạn gái tôi) ngồi trò chuyện một lúc rồi tìm cớ rút lui. Trên mảnh chiếu trải giữa sân chỉ còn lại hai người. Tôi và Lài đi chơi với nhau mà đứa nào cũng ngay ngáy mong cho buổi sơ giao giữa anh Phước và chị Nết của Lài phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Lúc về, xe vừa ra khỏi ngõ nhà Lài, tôi nôn nóng:

- Thế nào ông anh? Chị ấy xinh đấy nhỉ?

- Ờ, kể ra cô bé cũng xinh thật, nhưng cái vốn hiểu về chiến tranh còn nông quá.

- Chao ôi, ông anh lẩn thẩn rồi đó. Đi tìm bạn tình thì cần đếch gì về am hiểu chiến tranh - Tôi gắt.

- Vợ lính mà chẳng hiểu mô tê gì về chiến tranh thì khó mà quý chồng và đồng đội của chồng.

- Anh hãy cố thử xem.

- Cố thế nào được hả chú em? - Anh Phước cười sùng sục, hai tay siết chặt eo ếch tôi đau điếng. Hôm sau tình cờ tôi gặp Lài ngoài phố. Cô nàng gởi cho tôi bức thông điệp bằng lời:

- Ông anh của anh khô khan tình cảm quá xá. Ai đời đi tán gái mà như lên lớp chính trị không bằng. Tôi cười xòa, giả lả:

- Thì thôi vậy. Ta xóa hiệp ước mai mối nha cô bé. Tôi không nản lòng tiếp tục đến nhà bác gái để "chiêu dụ" anh Phước, tìm mối khác. Chợt trong nhà văng vẳng tiếng hát ru con mùi mẫn. "Ai nhỉ?". "Ôi, đúng là giọng ru của bác rồi". Tôi nhủ thầm rón rén đứng nép sau tấm phên tre. Lời hát nao nao lòng tôi:

"Ví dầu cầu ván đóng đinh

À ơi… Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…"

"A! không ngờ bác tôi hát ru hay quá!". Bà cụ ngồi trên võng têm trầu, cười ngượng ngập: "Mấy mươi năm rồi bác đâu còn hát ru. Có thích cũng đành chịu. Các anh chị của cháu hy sinh lúc mười tám, đôi mươi chưa kịp xây dựng gia đình. Thằng Phước nay mai thế nào cũng cưới vợ, bác sẽ được hát ru cháu. Giờ ôn lại những bài hát kẻo quên. Thế chuyện bác giao cho cháu đến đâu rồi?"

- Dạ, cũng sắp thành rồi ạ - Tôi nói đại cho bác vui.

- Tốt! Hãy cố mà giúp bác nghe cháu. Nên chuyện rồi phần thưởng sẽ còn lớn hơn chiếc xe đạp rất nhiều.

- Vâng, ạ!

Tôi nung nấu quyết tâm tiếp tục mai mối tìm vợ cho anh Phước, nhưng rồi mấy đám sau cũng chả thành đám nào. Cô thứ hai anh Phước bảo là thực dụng. Cô thứ ba anh Phước chê là bồng bột. Tôi đã không thực hiện đúng hợp đồng với bác tôi. Một hôm đến chơi, tôi giả vờ hỏi bác:

- Đôi quang gánh nhà mình đâu rồi bác? - Bác tôi mau miệng.

- Bác cho người ta mượn rồi. Ủa, cháu hỏi để làm gì?

Đến khi tôi phá lên cười, bác mới hiểu.

- Thất bại rồi phải không cháu? - Nhìn hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của bác, tôi quay đi như thấy mình có lỗi. Giờ nghe tin anh Phước lấy vợ tôi không vui sao được. Tôi xin phép cơ quan nghỉ ba hôm để huy động đám trai trẻ trong làng cất rạp, sửa soạn đám cưới anh Phước thật tươm tất.

Vợ anh Phước là thanh niên xung phong trong thời chống Mỹ. Chị ấy đẹp người, đẹp nết tuy có hơi lớn tuổi. Ngày anh Phước cưới vợ, tôi nhìn bác, có thể nói bác tôi còn hạnh phúc còn hơn cả cô dâu, chú rể. Lúc nào bác cũng hóm hém cười, nét mặt như trẻ lại hàng chục tuổi.

Sau ngày anh Phước cưới vợ khá lâu tôi mới có dịp đến thăm anh chị. Vừa bước vào sân đã nghe tiếng hát ru con. Lời hát buồn thảm đến mức níu chân tôi lại: "Ầu ơ… Con ở đâu không về với mẹ? Con búp bê này còn chờ đợi vòng tay con…". Tiếng hát ru của chị dâu tôi mang âm hưởng của sự thất vọng, ai oán và có cả tiếng nấc. Tôi rúng động, kinh ngạc không hiểu điều gì đã xảy ra? Chị dâu tôi chưa có con cơ mà? Sao lại thế?

Sau này tôi gạn hỏi nhiều lần anh Phước tôi mới kể, giọng não nề: "Chú biết đấy, anh chị cưới nhau hơn một năm vẫn chưa có tin vui. Anh bảo chị đi kiểm tra sức khỏe. Thế là bác sĩ phát hiện chị của em nhiễm chất độc màu da cam không còn khả năng sinh đẻ, có đau không chớ? Chị sợ anh buồn nên ôm mối sầu riêng. Đêm đêm chị cứ nằm mơ thấy mình sanh con. Những lúc ở nhà một mình chị thường ôm con búp bê mà hát ru".

Không hiểu làm thế nào mà bác tôi biết được chuyện chị tôi nhiễm chất độc, bà ngã bệnh liệt giường mấy hôm liền thì mất. Vậy là ước mơ nhỏ nhoi cuối đời của bác tôi đã không trở thành sự thật. Tôi viết truyện này mong anh Phước hãy tha lỗi cho tôi.

. T.Q.C

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những tên cướp biển của thế kỷ 21   (01/08/2004)
Khăng khít như hai vế đối   (01/08/2004)
Vọng phu   (01/08/2004)
Kỷ niệm cao nguyên Mèo Vạc   (01/08/2004)
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương   (01/08/2004)
Hát đối đáp, nơi trao duyên gửi tình   (01/08/2004)
Thơ   (01/08/2004)
"Sanh đa đề, vạn đại lộc"   (01/08/2004)
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)
Không được nhận nhuận bút vì... trông tử tế lắm!   (18/06/2004)