Tạp bút:
Quên và nhớ
18:42', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Có thể nói đời người là một chuỗi nhớ và quên, quên và nhớ.

Ngay từ thuở nằm nôi đứa trẻ đã phải tập nhớ những điệu cười, điệu khóc. Lớn lên đi học phải làm sao nhớ được mặt chữ, nhớ được cách phát âm, rồi nhớ những câu văn, câu thơ, nhớ được những định nghĩa, định lý, tiên đề, hệ quả, những công thức, hằng đẳng thức lý, hóa, lượng, đại, hình… Càng học lên càng phải nhớ nhiều. Càng lớn lên càng có nhiều việc, nhiều điều phải nhớ. Trong quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ công tác làm ăn hàng ngày hàng giờ diễn ra biết bao nhiêu hiện tượng, sự việc, đòi hỏi người ta phải nhớ. Nào là trắng - đen, thiếu - thừa, trả - vay, cho - nhận…. Biết bao nhiêu điều không cho phép ta được quên. Có những điều ta phải nhớ tức thì, có những điều ta phải nhớ trong một thời gian nhất định, có những điều ta phải nhớ mãi mãi. Nhớ là một tất yếu. Nhớ là một việc bắt buộc và cần thiết.

Nhưng ta không thể nào nhớ được tất cả! Ta chỉ nhớ được những điều nào đó trong một thời gian nào đó, một thời điểm nào đó mà thôi. Và, nhớ được điều này, có thể ta sẽ quên điều khác. Bộ nhớ của con người cũng có giới hạn. Thế là sinh ra quên. Quên cũng là một tất yếu. Và vì thế, quên cũng là cần thiết.

Trong cuộc sống có mười lăm điều cần nhớ thì điều đầu tiên là sức khỏe "Sức khỏe là trung tâm". Ta cần nhớ để giữ gìn, bồi dưỡng và rèn luyện sức khỏe. Người Việt Nam ta có câu "có sức khỏe là có tất cả. Không có sức khỏe là không có gì". Sức khỏe rõ ràng là một điều mọi người đều phải nhớ, cần phải nhớ để giữ gìn, bồi dưỡng và rèn luyện.

Ấy thế nhưng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, những chiến sĩ Vệ quốc quân, Giải phóng quân đã quên đi tuổi xuân, sức khỏe và tính mạng của riêng mình, dũng cảm xông vào khói bom, lửa đạn để giành lấy tuổi xuân, sức khỏe và tính mạng cho toàn dân tộc. Trong hỏa hoạn, trong bão lũ, bao nhiêu người đã dũng cảm quên đi sức khỏe và tính mạng của mình, đã nhảy vào lửa, nhảy vào dòng nước chảy xiết - để cứu lấy sức khỏe và tính mạng cho người khác. Cái quên của những chiến sĩ ấy, của những con người ấy thật anh hùng biết bao, đáng khâm phục biết bao, đáng để cho chúng ta nhớ mãi một đời!

Thật buồn là trong xã hội ta có những người cứ nhăm nhăm nhớ những điều không nên nhớ, cứ quên tuột những điều không nên quên. Những người ấy cho ai nợ cái gì dù là bằng cái móng tay, dù là một đồng một cắc cũng nhăm nhăm nhớ đòi cho bằng được; quyền lợi, bổng lộc có gì là nhăm nhăm nhớ đòi cho bằng được. Thế nhưng, ai giúp đỡ họ cái gì, ai cứu giúp họ cái gì thì dù cho to lớn đến đâu họ cũng sẵn sàng quên hoặc chí ít cũng tìm cách quên cho bằng được.

Còn ta? Trong một trường hợp cụ thể nào đấy, chưa chắc ta đã dám nhảy vào lửa, chưa chắc ta đã dám nhảy xuống dòng nước chảy xiết - để cứu người! Vâng, việc đó là rất khó. Nhưng lạy trời, ta không phải là hạng người tiểu nhân và vô ơn bạc nghĩa kia…

. Phạm Minh Giang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lời hát ru   (01/08/2004)
Những tên cướp biển của thế kỷ 21   (01/08/2004)
Khăng khít như hai vế đối   (01/08/2004)
Vọng phu   (01/08/2004)
Kỷ niệm cao nguyên Mèo Vạc   (01/08/2004)
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương   (01/08/2004)
Hát đối đáp, nơi trao duyên gửi tình   (01/08/2004)
Thơ   (01/08/2004)
"Sanh đa đề, vạn đại lộc"   (01/08/2004)
Bô rác phận người   (01/08/2004)
Châu Trúc: Mất dần một nguồn chình   (01/08/2004)
Vấn đề đô thị hóa nông thôn ở Bình Định   (01/08/2004)
Trọn vẹn nghĩa tình   (01/08/2004)
Nhà báo Hoài Nam: Một cái tâm trong sáng   (18/06/2004)
Trung thành với lợi ích của bạn đọc   (18/06/2004)