Kinh tế thủy sản luôn được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có nhiều tiềm năng và lợi thế to lớn. Trong những năm qua, ngành kinh tế này đã có sự phát triển rõ rệt, giá trị sản xuất luôn tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể thì kết quả đạt được trong những năm qua vẫn chưa xứng tầm…
* Tiềm năng dồi dào
|
Một góc phân xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn |
Phải khẳng định rằng, tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh ta là rất dồi dào. Với chiều dài bờ biển 134 km, có nhiều đầm nước mặn, ngọt rất thuận lợi cho nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phát triển. Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.150 ha mặt nước nuôi tôm, mỗi năm cho sản lượng gần 2.000 tấn tôm thương phẩm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 1.920 ha mặt nước nuôi cá ao hồ, cá ruộng lúa, các loại nhuyễn thể…, sản lượng thu hoạch mỗi năm không dưới 2.000 tấn.
Ngoài tiềm năng về nuôi trồng, toàn tỉnh còn có hơn 6.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, với tổng công suất hơn 230.322 CV, tăng 1.442 CV so với cuối năm 2002. Trong đó, tàu tham gia khai thác hải sản xa bờ chiếm 59,1% trong tổng số, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2003; tàu tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương 470 chiếc, tăng 70 chiếc so với năm 2003. Ngoài phát triển về công suất và số lượng, phần lớn các tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở tỉnh ta đều được trang bị máy móc hiện đại. Các thiết bị hàng hải phục vụ cho việc dò tìm ngư trường, liên lạc trên biển như ra đa hàng hải, máy định vị, máy tầm ngư, máy đàm thoại tầm xa… cũng đã được các chủ tàu trang bị đầy đủ. Với số lượng tàu thuyền này, mỗi năm có thể khai thác được khoảng 90.000 tấn hải sản các loại, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ đại dương, cá thu, mực…
Cùng với sự phát triển về đánh bắt và nuôi trồng, những năm gần đây các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh cũng đã chú ý nhiều đến đầu tư thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện toàn tỉnh đã có 5 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng năng lực chế biến đạt 9.000 tấn/năm, vượt 2.000 tấn so với kế hoạch phát triển đến năm 2005 của tỉnh. Ngoài việc nâng cao năng lực chế biến, các DN cũng đã quan tâm nhiều đến chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân lành nghề, tạo tiền đề để phát triển trong tương lai. Bên cạnh các DN, toàn tỉnh còn có 25 cơ sở chế biến và thu gom hàng khô, có khả năng sản xuất và thu gom để xuất khẩu 2.000-3.000 tấn sản phẩm khô/năm; 13 cơ sở thu mua xuất khẩu cá ngừ đại dương, mỗi năm có thể thu mua xuất khẩu 1.500-2.000 tấn… Với tiềm năng và thế mạnh này, ngành kinh tế thủy sản của tỉnh ta hoàn toàn có thể phát triển toàn diện và bền vững.
* Để phát huy lợi thế, tiềm năng
Mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng trong những năm qua, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh qua các năm: năm 2001 đạt mức 27,425 triệu USD, sang năm 2002 giảm xuống còn 21,548 triệu, năm 2003 chỉ còn 12,042 triệu và 6 tháng đầu năm 2004 chỉ mới đạt 5,77 triệu USD. Theo đánh giá của các DN, sở dĩ có tình trạng này là bởi nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Hiện nay, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh phụ thuộc khá nhiều vào sản lượng khai thác và nuôi trồng trong tỉnh. Trong khi đó, thời gian qua, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lại liên tiếp xảy ra dịch bệnh; sản phẩm khai thác tuy nhiều nhưng do không được bảo quản tốt nên nguyên liệu đủ chất lượng để phục vụ chế biến xuất khẩu còn rất ít.
Ngoài khó khăn về nguồn nguyên liệu, sản phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh vẫn còn đơn điệu, chỉ tập trung ở một số mặt hàng chính như: tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương, mực cấp đông… nên hiệu quả và tính cạnh tranh trên thị trường rất hạn chế. Kế đến, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiếp thị vẫn chưa tương xứng với yêu cầu trong xu thế phát triển và hội nhập. Đây cũng là một trong những lực cản lớn làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong các năm qua.
Để khắc phục những hạn chế này, theo nhận định của các chuyên gia là phải sớm khắc phục những khó khăn hiện tại, trong đó vấn đề quan trọng nhất là khâu nguyên liệu. Muốn giải quyết cơ bản được khâu này, không cách nào khác là phải đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng và đánh bắt, trong đó chú trọng đến chất lượng sản phẩm phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Trong nuôi trồng, nên tăng chất lượng tôm nuôi để đáp ứng yêu cầu chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Trong khai thác, phải tổ chức tốt đội tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư đổi mới công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Một đòi hỏi nữa là các cơ quan chức năng cũng nên sớm có kế hoạch thành lập các chợ nguyên liệu, khởi đầu cho hình thức thị trường nguyên liệu chính thức, tránh trình trạng cạnh tranh giá bán, giá mua tràn lan như trong thời gian vừa qua. Các DN chế biến cần nhanh chóng tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường để sản phẩm thủy sản của tỉnh ta nhích gần hơn với yêu cầu thị trường trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, ngành Thủy sản đang triển khai một số biện pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh như: Tập trung quy hoạch đất đai và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với điều kiện từng địa phương; Chuyển những vùng đất lúa nhiễm mặn, trồng cói hiệu quả thấp sang nuôi tôm; Quy hoạch cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp đánh bắt hải sản xuất khẩu của các địa phương, làm cơ sở đầu tư phát triển đội tàu khai thác hải sản xuất khẩu; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá như: cảng cá, chợ cá, bến cá và các luồng lạch trú đậu tàu thuyền….Với những giải pháp tích cực và đồng bộ như vậy, hy vọng ngành Thủy sản tỉnh ta sẽ phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai, xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
. Ngọc Thái |