Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Muốn giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng, các nhà lãnh đạo phải biết chọn thời cơ chín muồi để tuyên truyền, cổ vũ, phát động nhân dân nhất tề nổi dậy lật đổ ách thống trị của chế độ cũ, thiết lập chế độ mới. Một trong những nhân tố quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945 của nhân dân ta là nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa, nghệ thuật chọn thời cơ. Cuộc khởi nghĩa đã "nổ ra đúng lúc phải nổ" theo Lời kêu gọi của Bác Hồ "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến! Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên
|
Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ |
đem sức ta mà tự giải phóng cho ta! Chúng ta không thể chậm trễ". Đó là lúc tình hình quốc tế vô cùng thuận lợi, quân Nhật bại trận mất tinh thần ngồi chờ Đồng Minh đến tước vũ khí; ngụy quyền tay sai tan rã và tỏ thái độ đầu hàng cách mạng. Đó là lúc cao trào chống Nhật, cứu nước đã lên đến đỉnh cao, những người lừng chừng nhất cũng đã đứng vào hàng ngũ cách mạng. Đó là lúc Đảng lãnh đạo đã chuẩn bị đầy đủ và có quyết tâm cao. Thời cơ khởi nghĩa "nghìn năm có một", nếu chọn đúng thì sức mạnh của lực lượng cách mạng sẽ được nhân lên gấp bội, áp đảo và đè bẹp kẻ thù. Nhận rõ những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 19-8, hàng chục vạn quần chúng cách mạng nhất tề đứng lên giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội. Cũng trong ngày 19-8, nhân dân các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Phú Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa vùng lên giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Trước đó, ngày 18-8, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa thắng lợi. Tiếp đó, các ngày 20, 21, 22, khởi nghĩa thành công ở các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn tây, Nghệ An, Ninh Thuận, Nam Định, Hưng Yên, Kiến An, Quảng Yên. Hào khí tổng khởi nghĩa sục sôi trên khắp mọi miền đất nước từ bắc vào nam, từ miền xuôi đến miền núi…
Thời cơ khởi nghĩa đã xuất hiện, nhưng ở Bình Định, hai tổ chức cách mạng - Ủy ban Vận động cứu quốc và Ủy ban Vận động Việt Minh vẫn chưa thống nhất lực lượng và còn có những nhận định và chủ trương khác nhau về khởi nghĩa ở địa phương. Ủy ban Vận động cứu quốc chủ trương: nơi nào chuẩn bị chu đáo, có điều kiện thuận lợi thì có thể cướp chính quyền, nhưng phải thận trọng, tiếp đó lại ra "chỉ thị sắt" nhắc các địa phương không được tự động mà phải chờ lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa thuộc Ủy ban vận động cứu quốc. Trong khi đó, vừa được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, lập tức, ngày 13-8, Ủy ban Vận động Việt Minh họp khẩn cấp tại Ga Quy Nhơn, nhất trí nhận định tình thế cách mạng đã xuất hiện, song việc chuẩn bị của ta chưa đầy đủ. Tuy chưa nhận được lệnh của Trung ương, nhưng căn cứ vào tinh thần Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Trung ương "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", Hội nghị chủ trương: Dù tình hình nào cũng phải kịp thời phát động quần chúng vùng lên giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh đến địa phương. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa do đồng chí Võ Xán lãnh đạo, lập Đội Tự vệ cứu quốc tập trung. Tối 21-8, Ủy ban Khởi nghĩa họp quyết định kế hoạch khởi nghĩa chiếm thành phố - tỉnh lỵ. Cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng.
Ngày 23-8, hàng vạn nhân dân Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Tuy Phước, có lực lượng nửa vũ trang của nhà máy dệt Đơ-li-nhông làm nòng cốt, nhất tề vùng lên giành chính quyền tại tỉnh lỵ. Tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết xin nộp ngay ấn tín, thanh kiếm lệnh cùng toàn bộ hồ sơ, tài sản và các công sở cho lực lượng cách mạng. Ủy ban Khởi nghĩa điện ra lệnh các tri phủ, tri huyện và chỉ huy các đồn bảo an trong tỉnh phải giao ngay chính quyền cho Việt Minh sở tại. Trong vòng hơn một tuần lễ, từ 23 đến 31-8, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi trong toàn tỉnh; Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời từ tỉnh đến huyện, xã được thành lập để làm nhiệm vụ quản lý hành chánh Nhà nước.
Lãnh đạo khởi nghĩa là khoa học và nghệ thuật: Khoa học về vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, vận dụng kinh nghiệm cách mạng các nước và kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa từng phần ở nước ta phù hợp với thực tiễn tình hình khi thời cơ khởi nghĩa xuất hiện; nghệ thuật về tổ chức, sử dụng lực lượng cách mạng bảo đảm giành thắng lợi. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ngoài tình thế và thời cơ chiến lược, còn có tình thế và thời cơ trực tiếp ở địa phương. Khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương nhanh hay chậm, sớm hay muộn tùy thuộc vào bản lĩnh, vào trình độ, khả năng nhận thức của lãnh đạo cách mạng địa phương đó về tình thế và thời cơ cách mạng trực tiếp. Thụ động ngồi chờ mệnh lệnh của Trung ương trong khi phương tiện thông tin liên lạc thời bấy giờ vô cùng khó khăn, chậm trễ thì thời cơ khởi nghĩa "nghìn năm có một" sẽ trôi qua. Nhờ quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về khởi nghĩa giành chính quyền "ở đâu có điều kiện là Đảng bộ và quần chúng cách mạng ở đó cứ theo đường lối của Đảng đã vạch ra mà đứng lên khởi nghĩa, không máy móc chờ lệnh cấp trên…", Ủy ban Vận động Việt Minh, đứng đầu là đồng chí Võ Xán đã sáng suốt chọn thời điểm ngày 23-8 để lãnh đạo khởi nghĩa vừa tránh được tình thế phải đối phó với mấy nghìn quân Nhật từ Tây Nguyên theo đường 19 kéo xuống tập kết tại Quy Nhơn, vừa tạo thế, tạo đà cho các huyện nổi dậy.
Bài học vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Trung ương phù hợp với thực tiễn địa phương của đồng chí Võ Xán trong Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay càng sáng ngời giá trị. Đây cũng là một trong những bí quyết thành công của Đảng bộ và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa tỉnh nhà.
. Hoài Nam |