Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm!
15:0', 31/8/ 2004 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, người nuôi tôm ở Bình Định đã liên tiếp bị thất bại do dịch bệnh. Thế nhưng, mức thiệt hại ấy so với những năm trước thì đã có mức giảm thiểu đáng kể và so với các tỉnh trong khu vực thì đây là con số khá "khiêm nhường". Kết quả này có được là nhờ người nuôi tôm đã bắt đầu mở được cho mình một hướng đi bền vững!

* Tiến tới hình thái nuôi tôm mang tính cộng đồng

Kiểm tra chất lượng tôm nuôi trên cát ở xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn)

Sau nhiều năm chịu thất bại nặng nề, hầu hết người nuôi tôm ở Bình Định đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, có không ít người đã trở nên trắng tay, nợ nần chồng chất! Thế nhưng, bỏ nghề là chuyện không thể bởi trong tình cảnh hiện nay, ngoại trừ nghề nuôi tôm thì chẳng còn nghề nào khác có thể giúp họ trả nợ và tái ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, muốn được như thế thì phải có biện pháp hạn chế dịch bệnh cho tôm. Từ thực tế, đa số người nuôi tôm đã nhận ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại nặng nề cho nghề nuôi tôm trong nhiều năm qua là do cách nuôi còn thiếu tính cộng đồng. Phần ai nấy lo, mặc kệ lịch thời vụ của ngành chủ quản đưa ra, tranh thủ lúc chưa vào chính vụ (lúc ấy tôm giống còn rẻ) đã tổ chức thả nuôi sớm. Đến khi hồ tôm của mình bị nhiễm bệnh, lẽ ra cần phải xử lý diệt mầm bệnh trước khi xả nước cải tạo hồ để tiếp tục nuôi thì họ đã không làm như vậy. Mặc kệ mầm bệnh, họ cứ xả tràn ra các hồ lân cận, ra cả nguồn nước tự nhiên và thế là dịch bệnh nhanh chóng lây lan diện rộng, tiêu diệt cả những vùng tôm rộng lớn.

Để giải quyết vấn nạn trên, hiện nay người nuôi tôm ở nhiều địa phương đã dần hình thành những tổ chức nuôi tôm cộng đồng. Tại những vùng nuôi tôm trọng điểm, nhiều Chi hội nuôi tôm cộng đồng đã được thành lập. Mỗi Chi hội có khoảng 20 hội viên tham gia với diện tích khoảng vài chục ha hồ nuôi. Bộ máy quản lý của mỗi Chi hội được hình thành bài bản với 1 chi hội trưởng, 1 chi hội phó, 1 thư ký và 2 kỹ thuật. Bộ máy quản lý này hoạt động theo kiểu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", làm việc không một chế độ thù lao. Sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng 2 lần vào thời điểm thủy triều và nếu cần thiết thì tổ chức họp bất thường để cùng nhau bàn bạc cách đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Cuối mỗi vụ nuôi, từng Chi hội họp tổng kết để rút kinh nghiệm, bàn phương án chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp, đề ra lịch cải tạo hồ đồng loạt, lịch thả giống. Ngoài mức hỗ trợ khá ít ỏi của các cấp ngành chức năng, các thành viên của Hội tự nguyện đóng góp 2.000.000đ/ha/năm để làm khoản kinh phí sinh hoạt và dự phòng tương trợ nhau khi gặp rủi ro trong sản xuất.

Trong tình cảnh hiện nay, sự đóng góp nhỏ nhoi này đã có lợi ích thiết thực trong việc hỗ trợ được cho những hộ nuôi khó khăn có nguồn vốn để mua con giống mà không cần phải vay nóng với lãi suất cao. Trong thực tế sản xuất, hình thái sản xuất (SX) mang tính cộng đồng này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Anh Hồ Phước Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến ngư tỉnh - cho biết: "Trong khi nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đang khốn đốn vì dịch bệnh thì 22 hộ trong Câu lạc bộ Nuôi tôm cộng đồng ở xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) đã thành công trong vụ nuôi này. Với 7 ha (22 hộ), họ đã đạt năng suất hơn 32 tấn, hộ lãi cao nhất là 80 triệu và thấp nhất là 15 triệu đồng!". Hiện hình thái nuôi tôm cộng đồng đang ngày càng được nhân rộng.

* Hướng đi bền vững

Tuy nhiên, đó chỉ mới là một số vấn đề mà người nuôi có thể tham gia giải quyết được. Đối với sự an toàn trong nghề nuôi tôm hiện nay vẫn còn có nhiều "vấn nạn" ngoài tầm của người nông dân. Trước tiên phải kể đến con giống! Về chất lượng con giống thì họ không thể chủ động được mà phải trông cậy hoàn toàn vào ngành chức năng. Thế nhưng, sự trông cậy này chưa thật sự vững chắc. Anh Phạm Văn Chạy (thôn Đông Điền, xã Phước Thắng - Tuy Phước) cho biết: "Về chất lượng con giống hiện nay, đa số người nuôi chúng tôi đang "phú dâng" cho trời! Theo quán triệt của nhóm hộ nuôi tôm cộng đồng, tôm giống phải được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Thế nhưng trong vụ này, chúng tôi đã chọn mua đến 6 mẫu giống của những trại SX tôm giống trên địa bàn TP Quy Nhơn nhưng không mẫu nào đạt chất lượng. Trong khi đó, cứ mỗi lần kiểm dịch 1 mẫu giống thì chúng tôi phải mất khoản chi phí là 320.000đ. Để chọn được con giống có chất lượng, chúng tôi phải trải qua 6 lượt kiểm dịch và phải mất đến gần 2 triệu đồng. Đó cũng là lý do vì sao đa số người nuôi tôm cứ mua "lụi" con giống về thả mà không màng đến chất lượng và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại. Chúng tôi nghĩ: tại sao việc kiểm dịch con giống lại không thuộc về trách nhiệm của các cơ sở SX tôm giống trước khi sản phẩm của họ được đưa ra thị trường!? Có như vậy thì chúng tôi mới thật sự được yên tâm khi mua giống và đó cũng là một cách buộc những cơ sở SX tôm giống có trách nhiệm hơn về sản phẩm của mình…". Và, theo chúng tôi, đây là một vấn đề cần được cơ quan chức năng xem xét!

Bên cạnh vướng mắc tồn tại nói trên, người nuôi tôm cũng đã có quyền phấn khởi khi Bình Định đã có những dự án tạo thế bền vững cho nghề nuôi tôm. Cũng theo anh Hồ Phước Hoàng - Phó Giám đốc TT Khuyến ngư - thì trước mắt, những vùng nuôi tôm trọng điểm sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình cung cấp nước ngọt và hệ thống kênh mương nhằm tạo môi trường nước dùng vào việc nuôi tôm được ổn định. Bằng hướng đi này, đồng thời sau khi những mô hình nuôi thí nghiệm nhằm cải tạo môi trường nước tại Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại thành công và được nhân rộng, hy vọng trong thời gian tới người nuôi tôm ở Bình Định (đặc biệt ở khu vực đầm Thị Nại) sẽ hạn chế được rủi ro và sẽ không còn khốn đốn như  hiện nay!

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngày hội lớn của người tiêu dùng Bình Định   (31/08/2004)
Bài học vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương   (31/08/2004)
Mãi mãi sáng ngời tinh thần Cách mạng Tháng Tám   (31/08/2004)
Tự hào là người Việt Nam   (31/08/2004)
Giải pháp nào đưa kinh tế thủy sản phát triển?  (01/08/2004)
Ngõ sau   (01/08/2004)
Tên trộm môtô và cái giá phải trả   (01/08/2004)
Cựu vô địch Quyền anh Đặng Hiếu Hiền và những kỷ niệm về Thế Vận hội Olympic   (01/08/2004)
Quên và nhớ   (01/08/2004)
Lời hát ru   (01/08/2004)
Những tên cướp biển của thế kỷ 21   (01/08/2004)
Khăng khít như hai vế đối   (01/08/2004)
Vọng phu   (01/08/2004)
Kỷ niệm cao nguyên Mèo Vạc   (01/08/2004)
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương   (01/08/2004)