Sau hơn 3 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, năng suất và chất lượng cây trồng ở huyện Tây Sơn tăng khá, bước đầu hình thành nhiều cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm.
* Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Năm 2001, UBND huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn từ năm 2001 đến 2005, phấn đấu đến năm 2005 ổn định diện tích sản xuất lúa 13.500 ha, chú trọng tăng năng suất và chất lượng lúa để đạt sản lượng 64.800 tấn; chuyển dần những diện tích lúa bấp bênh kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn, hình thành nhiều cánh đồng cho thu nhập cao…
|
Nông dân xã Bình Nghi sản xuất dưa hấu |
Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát quỹ đất, đưa các loại cây trồng mới trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương và tập quán canh tác của nông dân để sản xuất. Đối với các xã đồng bằng như: Tây Vinh, Tây Bình, Tây An, Bình Hòa…tập trung nâng cao năng suất và chất lượng cây lúa; các xã: Bình Tường, Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú, Bình Thành… tăng cường sản xuất các loại cây trồng cạn như: bắp lai, đậu phụng, đậu nành… áp dụng các biện pháp sản xuất luân canh để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; các xã Tây Giang, Tây Thuận, Bình Tân, Bình Thuận… phát triển cây mì, điều. Riêng cây mía, huyện đã san ủi 350 ha đất trồng bạch đàn ở xã Bình Thành để trồng mía thâm canh có nước tưới. Phòng NN-PTNT lựa chọn các loại giống cây trồng mới, xây dựng mô hình trình diễn để vừa chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, vừa làm cơ sở cho các địa phương đánh giá để nhân ra diện rộng; các hội đoàn thể vận động nông dân tăng cường công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ưu tiên giải quyết vốn vay cho những hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế…
Nhờ quy hoạch cụ thể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ, nên năng suất các loại cây trồng chủ lực của huyện đều tăng khá. Năm 2003, nông dân trong huyện đã sản xuất được 13.895 ha lúa, năng suất bình quân đạt trên 47 tạ/ha, tăng gần 5 tạ so với năm 2000; 947 ha bắp lai, gấp 2,3 lần so với năm 2000, sản lượng đạt 3.825 tấn, tăng trên 2.100 tấn; 785 ha đậu phụng, đậu nành… Vụ đông xuân và hè thu 2004, năng suất và chất lượng các cây trồng chủ lực của huyện tiếp tục tăng khá, bước đầu hình thành nhiều cánh đồng cho thu nhập cao, nhiều hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm.
* Hình thành nhiều cánh đồng cho thu nhập cao
Ông Lê Văn Khánh-Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn - cho biết: "Hiện nay có 180 ha đất phù sa ven sông Kôn thuộc địa phận các xã: Tây Giang, thị trấn Phú Phong, Bình Nghi, Bình Thành, bà con nông dân đã áp dụng nhiều phương pháp canh tác luân canh, xen canh các loại cây trồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Tại các địa phương này, Phòng NN-PTNT huyện đã xây dựng nhiều điểm trình diễn các loại cây trồng mới để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nhằm giúp bà con nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích".
Kết hợp kinh nghiệm lâu nay với các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều hộ đã có thu nhập cao. Ông Lê Văn Thiệu, một nông dân ở khối I thị trấn Phú Phong, cho biết: "Gia đình tôi có 12 sào đất sản xuất lúa và 15 sào đất màu ven sông. Đối với cây lúa, tôi sử dụng các giống mới ML48, OM1490, KD 18… và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với trước đây. Còn 15 sào đất màu, tôi áp dụng phương pháp sản xuất luân canh: vụ đông xuân trồng dưa hấu, vụ hè thu trồng đậu nành, vụ 3 trồng bắp lai, bình quân mỗi năm có thu nhập trên 136 triệu đồng, lãi ròng 92 triệu đồng. Ông Nguyễn Phố, nông dân ở thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thành, cho biết: "Hiện nay bà con trong thôn đã biết lựa chọn các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn và áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Riêng gia đình tôi có 1 ha đất trồng lúa và 6 sào đất màu. Sản xuất lúa để ăn và phục vụ cho chăn nuôi, còn diện tích màu tôi đưa cây dưa leo trồng ở vụ đông xuân, vụ hè trồng 2 lứa hành, vụ thu trồng dưa leo, bình quân mỗi năm thu được trên 56 triệu đồng".
Ông Lê Minh Luận, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: "Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ, trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học, cải tiến phương thức sản xuất, đồng thời đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân".
. Phạm Tiến Sỹ |