Mùa câu mực khơi xa bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 9. Thời gian đi về một chuyến câu khơi từ 20-25 ngày lênh đênh trên biển đến tận các ngư trường lớn trong nước như Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ninh…
Sau một thời gian dài chờ đợi những người thợ câu mực khơi về, cuối cùng tôi đã gặp được anh Trần Đăng Khoa - KV 10 phường Hải Cảng - Quy Nhơn vừa rời ngư trường Vũng Tàu trở về. Chuyến đi khơi lần này, trên chiếc thuyền 33CV (trị giá 150 triệu đồng), anh lại chuẩn bị 2.500 lít dầu mỡ, 100 cây đá lạnh, gần 4m3 nước ngọt, hơn 1 tạ gạo, rau quả, thức ăn, chuẩn bị cho 1 tháng ra khơi của 7 người với tổng chi phí thực phẩm, nguyên liệu là 12 triệu đồng/chuyến. Tàu anh đi ngư trường Vũng Tàu - dọc đảo Côn Sơn. Tính ra từ Vũng Tàu đến ngư trường đánh bắt phải mất 48 tiếng đồng hồ. Trên tàu anh còn mang theo gần 30 két đựng mực tươi (muối mực dưới đá trong két), đồng thời còn có 1 giàn phơi gồm 2 tầng bằng gỗ và tre dùng để phơi sản phẩm sau khi câu được. Hai bên mạn thuyền còn treo thêm 2 hàng thùng
|
Những chiếc thuyền nghề câu mực |
phuy nhựa, mỗi hàng 3 chiếc loại 100 lít buộc theo hàng dọc để giữ cân bằng cho thuyền không bị lật khi sóng gió lớn cùng sức nặng của giàn phơi; 7 chiếc thúng nan có đường kính 1,4 - 1,6m được xếp gọn gàng đặt ở trước mũi và sau đuôi thuyền, đợi đến ngư trường thì thả xuống nước câu mực. Mỗi thợ câu được chuẩn bị 2 bộ câu (mỗi bộ 16 lưỡi câu) - 1 bộ đặt trên mặt nước, 1 bộ đặt dưới biển. Anh còn chuẩn bị thêm 1 máy định vị trị giá 5 triệu đồng, 1 máy bộ đàm 3,5 triệu đồng để liên lạc với đất liền. Sau 48 giờ lênh đênh trên biển, tàu đã ra đến ngư trường. Việc đầu tiên là cánh thợ cùng nhau bung dù để giữ cho thuyền không bị quay ngang, dễ bị sóng đánh lật. Các tay thợ kiểm tra đồ nghề xong, đúng 17 giờ chiều, thuyền bắt đầu thả thúng: 4 thợ bạn cùng 4 chiếc thúng được thả xuống biển dọc theo 1 hải lý. Trong mỗi thúng được trang bị 1 bình ắc quy 12V thắp sáng 1 bóng đèn thả xuống nước dùng ánh sáng để nhử mực đến, 1 đèn tín hiệu để khi cần thiết thì báo cho thuyền lớn hỗ trợ, 2 bộ câu, 1 cánh buồm nhỏ để thúng trôi nhanh hơn. Đồ nghề câu mực gồm rường câu bằng thép, vài ống cước nhỏ, 1 vợt lưới đựng mực. Mồi câu mực là sợi kim tuyến và dây thun màu (phù hợp với đặc điểm của mực thấy ánh sáng là tìm đến). Các thúng câu cứ trôi dần về phía trước, cánh thợ thì chăm chú nhìn bầy mực ẩn hiện dưới mặt biển sâu, thuyền lớn thì cứ trôi dọc theo thúng. Còn cha con anh Khoa ở trên thuyền thay phiên nhau vừa giữ tay lái, vừa dõi theo các thúng, vừa quan sát thời tiết, lúc rảnh rỗi thì cùng một anh thợ bạn (kiêm luôn cả nhiệm vụ nấu ăn cho cả tàu) đứng trên thuyền lớn để câu.
Anh Khoa cho biết kinh nghiệm câu mực của mình: "Khi mực không ăn mồi cao su thì dùng mồi cá móc vào lưỡi câu thả xuống hoặc dùng mành chụp để bắt mực. Khi thời tiết gió nhẹ khoảng cấp 3 thì dừng thuyền nơi nào có san hô, sỏi đá để câu mực dưới đất. Còn trời gió cấp 7 thì mở rộng vùng câu, dừng thuyền nơi nào có mực nhiều. Thường gió lớn cấp 7-8 thì mực nhiều, mực nổi lên ăn các mồi trong nước. Nếu gió từ cấp 7 trở xuống thì vẫn câu, có neo rê thả trôi, neo trôi chậm nên rất dễ câu mực. Ban đêm, cứ từ 20 đến 24 giờ khuya thì mực đi ăn, lúc gần hết giờ mực ăn thì thả lưới chụp sẽ thu hoạch nhiều hơn…".
Chừng 2 giờ sáng, anh thợ câu Thanh nghỉ tay trước và bắt đầu nghề đầu bếp của mình. Anh lần lượt xẻ số mực mình vừa câu được đem rửa sạch, cắt lấy phần đầu và thân bỏ vào két ướp đá, mỗi két đựng 15kg mực tươi (để cung cấp mực nguyên liệu cho xuất khẩu), còn những bộ phận khác thì phơi khô để bán. Đồng thời anh cũng tranh thủ làm sạch những con mực rồi đưa lên giàn phơi rồi chuẩn bị cơm nước cho cả thuyền. Gần 4 giờ sáng, thuyền lớn phát đèn sáng rực báo hiệu đêm câu mực khơi đã kết thúc. Cánh thợ lần lượt thu dọn đồ câu, thuyền lớn đến vớt thúng. Sau mỗi đợt câu, các thúng có thêm số lượng mực câu được nên trọng lượng nặng hơn (trung bình được vài chục kg, lúc nhiều thì 40-50kg mực tươi) nên việc vớt thúng lúc này mất thời gian hơn lúc thả. Lên thuyền, cánh thợ lại tất bật xẻ mực ướp đá hoặc cho lên giàn phơi. Công việc này phụ thuộc vào khối lượng mực câu được nhiều hay ít, có hôm số lượng mực câu nhiều phải làm đến tận 10 giờ sáng. Sau khoảng thời gian này là cơm nước và nghỉ ngơi. 14 giờ chiều lại lên giàn đảo mực rồi chuẩn bị đồ câu. 16 giờ ăn cơm rồi 17 giờ lại tiếp tục việc câu.
Cứ thế, công việc câu mực của chiếc thuyền anh Khoa lặp đi lặp lại trong vòng 25 ngày lênh đênh trên biển. Thuyền cập bến cảng Vũng Tàu thì các két mực được chuyển lên cho các lò sấy rồi nhập cho các công ty xuất khẩu xuất sang Trung Quốc. Anh Khoa cho biết: "Tụi tôi hết xuống thuyền rồi lại lên bờ, cứ quanh quẩn ở vùng biển Vũng Tàu, Kiên Giang chứ không về Quy Nhơn, chỉ khi nào tàu đến hạn đăng kiểm thì mới quay về nhà. Thú thật chi phí chạy đi chạy về, có lúc vì tàu hư nữa, tốn kém lắm. Thôi thì cứ ở Vũng Tàu làm ăn cho chắc chuyện. Bình quân một chuyến câu được 4 tạ mực tươi, trừ chi phí còn lãi 8-9 triệu đồng. Tàu tôi câu đạt nhất là 6,5 tạ mực tươi". Thế còn cách ăn chia như thế nào? - Tôi hỏi. "Tôi chia 5:5, người đi bạn 5, chủ tàu 5. Nhưng người chủ tàu vẫn được chia một phần trong cái 5 của cánh thợ bạn. Quy luật làm ăn mà! Như vậy, bình quân một chuyến đi câu 20 ngày thì một lao động có được 500.000 - 600.000 đồng, chủ tàu lãi hơn 4 triệu đồng. Nói chung là tùy số mực câu đạt hay không đạt mà ăn chia thôi. Nghề biển thất bát lắm chứ không ổn định đâu…".
Còn những thuyền câu khác nếu có điều kiện về đến Cảng Quy Nhơn thì đã có đầu nậu đợi sẵn. Họ thu mua sản phẩm tùy theo giá mực. Ông Phạm Ngọc Mỹ ở KV7 phường Hải Cảng, Quy Nhơn - một thợ câu mực "có tiếng" - cho biết: "Những tàu nào khi ra ngư trường câu mực mà mọi chi phí nguyên liệu, thực phẩm do đầu nậu cấp thì khi cập bến đầu nậu căn cứ vào giá mực mà thu lại sản phẩm để trừ vào số tổn họ đã bỏ ra. Cánh thợ câu chúng tôi bán sản phẩm rồi tích cóp đều lại trả tổn. Số còn lại thì theo quy luật mà chia. Riêng thợ câu là đầu bếp thì câu được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không chia cho chủ thuyền cũng không trả tổn, vì anh ta có công lo cơm nước cho cả thuyền trong suốt chuyến hải hành. Đi câu mực khơi đôi lúc gặp may cũng câu được cá ngừ đại dương. Những tàu có công suất lớn từ 90CV trở lên, thường có chuẩn bị sẵn thẻo bò gù (đồ câu cá ngừ đại dương). Khi các thúng câu phát hiện thấy có cá ngừ đại dương chừng 30-40kg chờn vờn bên thúng thì kéo rường câu mực lên, thả thẻo bò gù xuống câu liền và phát tín hiệu đèn gọi thuyền lớn đến trợ giúp. Đôi lúc thợ câu còn gặp cả con cá chủa chừng vài kg và dĩ nhiên nó trở thành nguồn thức ăn trên biển tuyệt ngon cho cả thuyền…
Làm nghề câu mực sợ nhất là những cơn giông nơi biển lớn. Rồi cái khó khăn do người đi bạn thấy được mùa mực thì mới chịu đi, đôi lúc trên biển làm ăn thất bát, số tiền họ mượn chủ thuyền để chi tiêu lắm lúc lại không trả được… Chi phí ra khơi lớn, nhiều lúc lại bị thua lỗ nên các tàu câu mực không trụ nổi… Ông Trương Thanh Hùng - Chủ tịch Hội ngư dân phường Hải Cảng - cho biết: "Đa số các nguồn vốn của Nhà nước do các tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở địa phương vay mượn đều khó có cơ hội trả được. Nhiều chủ tàu câu mực đã bán tàu giải nghệ. Hiện thời cả phường còn chưa được 10 chiếc hành nghề. Do đó, để tồn tại nghề câu mực hay câu cá ngừ đại dương không phải là chuyện dễ!".
. Thu Hiền
|