Tôi đã có dịp gặp Michèle Ray - nữ ký giả của tờ báo Le Nouvel Obser Vattuer (Người quan sát mới) - từ cuối năm 1966. Lúc đó, tôi là một học sinh trung học còn ông Nguyễn Đức Nghĩa (tức Võ Nham) là hiệu trưởng trường cấp 3 duy nhất ở vùng giải phóng Trung Trung bộ được cử làm thông dịch cho Michèle Ray suốt thời gian bà "bị bắt". Vừa rồi, tôi có dịp gặp lại thầy Nghĩa tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là những câu chuyện về nữ ký giả Michèle Ray mà tôi và ông cùng có dịp được chứng kiến…
|
Ông Nguyễn Đức Nghĩa đang kể về Michèle Ray cho tác giả nghe | Ông Nguyễn Đức Nghĩa kể: Dạo ấy, vào khoảng cuối năm 1966, giữa lúc quân dân ta đang ra sức đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của Mỹ - ngụy vào chiến trường Khu V thì có một phụ nữ nước ngoài, khoảng 28 tuổi, tự lái chiếc ô tô Renault đi sâu vào vùng giải phóng. Vì nghi là "gián điệp Mỹ" nên bà bị bắt tại xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn). Tối hôm ấy, du kích và công an đã đưa bà qua đường Quốc lộ số 1 dưới làn bom đạn và pháo sáng của địch để đến Hoài Hảo, qua Hoài Châu, tới Hoài Sơn. Lúc bấy giờ, tôi đang là hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 duy nhất ở vùng giải phóng, được Ủy ban Mặt trận giải phóng tạm trưng dụng đi làm phiên dịch cho Michèle Ray. Nhiệm vụ chính của tôi là tìm cách khai thác để biết rõ bà này có phải là gián điệp Mỹ không? Và chuyến đi của bà vào vùng giải phóng trong thời điểm này nhằm mục đích gì? Điều lạ lùng là Michèle Ray không hề lo sợ và cũng không ngạc nhiên lắm về trường hợp mình bị bắt. Bà còn thuật lại - bà đã cùng ngồi trực thăng với cố vấn Mỹ và sĩ quan cấp cao của quân đội Sài Gòn đi thị sát khắp các vùng chiến thuật. Và cũng đã từng dự lễ "quốc khánh" tại Sài Gòn. Phía Sài Gòn thường huênh hoang rằng họ đã tái chiếm và "bình định" được hầu hết lãnh thổ miền Nam rồi nên đưa bà đi khảo sát chứng kiến để tuyên truyền cho họ. Nhưng khi trực thăng mới bay ngang qua rừng dừa thì liền bị đạn súng trường từ dưới đất bắn lên - suýt chết! Lễ "quốc khánh" tổ chức giữa Sài Gòn vào ngày 1-11-1966 cũng bị pháo kích dữ dội. Hoảng quá, mọi người nháo nhác nằm chồng lên nhau tránh đạn.
Tôi hỏi Michèle Ray: - Chắc bà cũng phải nằm rạp xuống?
- Không! Đây là cơ hội hiếm có. Tôi tranh thủ giương cao máy ảnh, máy quay phim lên - Michèle Ray trố mắt, huơ tay cố thuyết minh cho rõ tính quan trọng của sự kiện ấy - Mang được về Paris những tấm ảnh đó, những thước phim đó là vô cùng quý giá…
Và, khi nghe tôi thông báo cho biết lính ngụy Sài Gòn đã càn vào vùng giải phóng đốt cháy chiếc xe con của bà, Michèle Ray vẫn không hề lo ngại mà thản nhiên rút tấm họa báo lớn có hình mình bên chiếc xe Renault giới thiệu với mọi người: "Tôi đã từng lái chiếc xe này đi từ cực Nam Mỹ đến cực Bắc Mỹ - chạy liên tục mấy nghìn cây số vẫn không hỏng. Tới Sài Gòn, tôi đến chi nhánh hãng Renault. Lần này, nghe tôi có ý định ra Hà Nội, họ cho mượn xe ngay. Xe đã được bảo hiểm nên dù mất, tôi vẫn không bồi thường…".
- Căn cứ vào đâu để ông khẳng định Michèle Ray không phải gián điệp Mỹ mà là nữ ký giả?
- Nếu là gián điệp thì không bao giờ họ tự nói ra những điều ấy. Hơn nữa, thái độ của bà ta rất bình tĩnh. Nhưng bà vẫn ý thức được là mình đã bị bắt và đang bị nghi vấn nên luôn ý tứ, dè dặt, muốn làm gì cũng xin phép, kể cả quay phim, chụp ảnh. Trường hợp lúc địch càn hoặc đổ quân bất ngờ, bà luôn tuân thủ sự hướng dẫn và sẵn sàng theo xuống hầm bí mật.
- Khi biết Michèle Ray không phải là gián điệp mà là nữ ký giả thì thái độ của ta đối với bà như thế nào?
- Nói chung, tất cả mọi người đều dành cho Michèle Ray những tình cảm rất đặc biệt. Mặc dù lúc bấy giờ còn quá khó khăn, nhưng cấp trên đã lệnh phải thết đãi bà hết sức chu đáo - ngày nào cũng thịt một con gà, bữa ăn nào cũng có bia, nước ngọt, trái cây và … thuốc lá. Tuy không đòi hỏi cầu kỳ, nhưng Michèle Ray không bao giờ chịu ăn các món lặp lại của bữa trước mà rất thích các món dân dã như rau chấm mắm nêm, canh cua đồng và các loại khoai luộc nóng. Bà hay chuẩn bị các loại nữ trang ít tiền hoặc đồ chơi để khi vào nhà dân thì tặng các cháu. Thỉnh thoảng ban đêm, lúc ngưng tiếng bom đạn, bà xin đi dạo trên cánh đồng lúa để vừa ngắm trăng lên, vừa hát những bản dân ca Pháp cho chúng tôi nghe. Có lúc, thấy chúng tôi vừa đàn vừa hát bài "Giải phóng miền Nam", bà cũng hát theo. Khi tiếp xúc với mọi người, bà tránh hỏi tên mà chỉ gọi theo những đặc điểm riêng từng người. Bà gọi anh công an là anh "răng trắng", anh công vụ mang khẩu súng cạc-bin là anh "mắt chồn" (mắt sáng tinh tường). Còn người phiên dịch cho bà, bà gọi là "ông giáo sư đỏ". Trước ngày được thả tự do, UBMT tổ chức một bữa liên hoan chia tay với bà. Khi ngồi vào bàn, thấy mọi người ăn đũa hai đầu, bà cũng bắt chước. Nhưng thấy bà lóng ngóng không gắp được, nhiều người giành bỏ thức ăn cho bà. Cũng hôm đó, bà chủ động đề xuất trang bị cho mình các thứ đồ dùng giống như cán bộ cách mạng. Đó là một bộ bà ba đen, một ba-lô con cóc, một cái võng ni-lông, một cái bát ăn cơm bằng duy-ra gò từ vỏ bom na-pan, một chéo dù hoa, một chiếc nón lá và một đôi dép lốp cao su. Bà có nhã ý muốn tặng tôi và UBMT vài chiếc máy ảnh, máy quay phim nhưng không ai dám nhận. Sau khi trang bị đầy đủ hành lý và tư trang (cả máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, sổ sách đều cho gọn vào ba-lô), bà lần lượt bắt tay, cảm ơn và từ giã tất cả mọi người với tình cảm lưu luyến và xúc động. Nhưng khi ngồi lên xe hon-da chuẩn bị phóng đi, bà sực nhớ ra điều gì có vẻ hệ trọng lắm, liền đấm vào lưng người lái xe thùm thụp ra hiệu dừng lại. Thấy vậy, tôi chạy đến hỏi: "Michèle Ray còn cần gì nữa?". Chỉ lên lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đang phấp phới tung bay, bà tha thiết nói: "Tôi rất muốn có được lá cờ này để làm kỷ niệm". Tôi do dự hỏi lại: "Nếu mang theo có thể nguy hiểm cho bản thân?". "Không sao. Tôi đã có cách". "Cách nào?". Michèle Ray liền mở nút áo, chỉ vào ngực mình nói: "Xếp gọn lại, giấu vào đây".
Khi Michèle Ray tới ga Chương Hòa thì bọn lính ngụy chận lại. Một thằng râu quai nón ra vẻ chỉ huy hất hàm quát lớn:
- Ê, cởi đồ đen ra ngay.
Bà bình tĩnh trả lời:
- Bộ quần áo tôi mới thay, còn sạch.
- Lột đôi dép cao su vứt đi.
- Tôi vứt giày lâu rồi. Đi đôi dép này đã quen.
Hắn hạ giọng:
- Thôi thì… lấy nón lá xuống.
Bà cười mỉm:
- Đâu được, đây là vật kỷ niệm.
Trước thái độ mềm mỏng nhưng rất kiên quyết của bà, bọn lính đành nhượng bộ.
*
* *
Sau ngày về nước, Michèle Ray đã viết cuốn sách "Từ hai bờ địa ngục" (Des deux rives de L'enger) - nghĩa là đi bên nào cũng có thể chết - kể lại cuộc hành trình phiêu lưu mạo hiểm của mình suốt thời gian đến Nam Việt Nam. Và, bà cũng không tiếc lời ngợi ca những người cách mạng, từ anh công an, anh du kích đến người dân bình thường, các cháu học sinh ở vùng giải phóng. Bà còn khẳng định: "Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng theo Việt Cộng".
Là một người có dịp được tiếp xúc với Michèle Ray, ấn tượng đầu tiên của tôi về người nữ ký giả này là dáng người cao lớn nhưng gọn gàng, nhanh nhẹn và dũng cảm - đặc biệt có đôi mắt xanh và lấp lánh như ánh sao. Michèle Ray luôn tròng vào cổ mình hai chiếc máy ảnh và lúc nào cũng ghi ghi chép chép… Mặc dù khi đó tôi mới chỉ là một cô bé 15-16 tuổi nhưng hình ảnh và ấn tượng về Michèle Ray mãi in sâu vào ký ức của tôi. Và, có lẽ đó là lý do vì sao tôi lại đam mê và cũng quyết tâm theo nghề báo.
. Lê Thu |