Khát vọng một vùng cao
15:8', 31/8/ 2004 (GMT+7)

. Ghi chép của Ngọc Thái

Cũng đã khá lâu, tôi mới có dịp lên Vĩnh Thạnh. Trở lại Vĩnh Thạnh lần này, ấn tượng về một vùng cao nghèo khó, người dân thụ động trong suy nghĩ làm ăn đã không còn trong tôi mà thay vào đó là một ấn tượng mới: Người vùng cao bây giờ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm và cuộc sống đang dần dần khởi sắc…

* Nét mới vùng cao

Ấn tượng nhất trong tôi khi đặt chân đến Vĩnh Thạnh lần này là mọi cảnh vật đều thoáng đẹp hẳn lên. Tỉnh lộ 637, từ ngã ba cầu 16 (QL19) đến trung tâm huyện đều đã được nhựa hóa, xe máy chạy bon bon. Con ngầm phía Nam huyện cũng đã được thay bằng chiếc cầu bê tông kiên cố, vững chãi. Khu trung tâm mới của huyện đã hút tầm mắt chúng tôi bởi những ngôi nhà mới xây, ánh điện lung linh mỗi lúc đêm về…

Khu trung tâm mới của huyện Vĩnh Thạnh

Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh kể với chúng tôi về những thay đổi mang tính đột phá trên bước đường phát triển kinh tế của người dân mình: "Người Vĩnh Thạnh bây giờ đã thay đổi nhiều trong suy nghĩ làm ăn, phát triển kinh tế, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số. Người Ba na Vĩnh Thạnh không còn bám vào cái rừng, cái rẫy với cuộc sống du canh du cư, mà đã biết trồng cây lúa nước thâm canh, cây công nghiệp, cây ăn quả và làm kinh tế trang trại…". Để minh chứng cho lời giới thiệu của mình, ông đưa chúng tôi đi thăm một số làng vùng cao ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo… Trên suốt chặng đường đi, chúng tôi chứng kiến nhiều hình ảnh người dân Ba na cặm cụi nhổ từng cọng cỏ trong ruộng lúa nước, chăm sóc vườn điều đang kỳ thu hoạch, cải tạo ao cá chuẩn bị cho vụ nuôi mới… Tất cả đều là những chuyện mới, là minh chứng cụ thể nhất cho sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân vùng cao Vĩnh Thạnh. Ông Đinh K’Răng, Bí thư chi bộ làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp), nhớ lại: "Trước đây chừng 5 năm, cuộc sống của dân làng tôi phần lớn là tự cấp tự túc với cái đói đeo đẳng quanh năm. Vào những năm thiên tai mất mùa, cảnh đói nghèo đã tìm đến gọi cửa hàng chục nhà. Vậy mà bây giờ, chỉ sau 5 năm thay đổi cách làm ăn, cuộc sống của từng nhà đã ngày càng sung túc hơn". Bác Đinh Đay, một người dân làng Hà Ri, thổ lộ: "Ngày trước, chúng tôi chỉ biết gieo lúa rẫy, trồng mì để giải quyết cái ăn trước mắt nên luôn đối mặt với sự khó khăn, thiếu thốn. Nay nhờ cán bộ hướng dẫn cách làm ăn mới, trồng được cây lúa nước, cây công nghiệp, nuôi được cá… nên đã có tiền sửa nhà, mua ti vi, máy hát". Tranh thủ tiếp chuyện với tôi ngay tại ao cá của mình, bác Đinh Đay hồ hởi cho biết thêm: "Cá tôi vừa mới thu hoạch xong, bán được hơn 10.000 đồng/kg. Giá mà các anh đến sớm, chứng kiến được cảnh thu hoạch cá, phấn khởi lắm…".

Người dân vùng cao Vĩnh Thạnh bây giờ cũng đã lược bỏ bớt nhiều tục lệ, lễ lạc, mê tínlạc hậu. Từng gia đình đã biết ăn tiêu có kế hoạch, tiết kiệm đưa lên hàng đầu. Cả huyện là một cộng đồng, đồng tâm nhất trí vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào bản thân, tự lực, tự cường, lại giàu ước mơ, khát vọng. Người dân trong độ tuổi lao động còn sức khỏe, đều gắn sức làm ra của cải. Trong chuyến đi này, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện làm giàu của người dân Vĩnh Thạnh. Nào chuyện Bá Đang (Vĩnh Sơn) từ nghèo khó nhờ phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi bò, đã tích lũy xây được nhà, mua được ti vi, xe máy; ông Đinh K’lok (Vĩnh Hiệp), nhờ chọn đúng hướng làm ăn, đã thoát được cảnh đói nghèo và trở thành triệu phú…

* Ước vọng tương lai…

Sự thay đổi về nhận thức đã mở ra hướng làm ăn mới cho người dân Vĩnh Thạnh. Từ cuộc sống chỉ quen với cái rừng, cái rẫy, hiện nay cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện đã là: gần 900 ha lúa nước, 1.550 ha điều, 478 ha cà phê, 514 ha mía, 110 ha bông vải, 82 ha dưa hấu, 13.817 con heo, 11.008 con bò, 780 con trâu và gần 40 ha diện tích mặt nước ao hồ nuôi cá nước ngọt… Giá trị sản xuất hàng hóa của Vĩnh Thạnh tăng bình quân 10-12%/năm. Cả huyện không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 1.451 hộ, chiếm 23,97%, giảm 15% so với năm 2002. Cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa tinh thần cũng đã được nâng lên rõ rệt. Vĩnh Thạnh hiện có 46/46 thôn, làng có điện, với tỉ lệ hộ dùng điện đạt 84%. Chương trình nước sạch nông thôn cũng đã về với người dân nơi đây, với 86% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh. Mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, phục vụ tốt việc đi lại và giao thương kinh tế cho nhân dân. Hệ thống thông tin liên lạc cũng không ngừng phát triển. Các điểm Bưu điện Văn hóa xã đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Vĩnh Thạnh bây giờ không còn những hủ tục lạc hậu như trước. Trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường…

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa làm hài lòng cán bộ và người dân Vĩnh Thạnh. Trên bước đường phát triển của mình, Vĩnh Thạnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không ít diện tích đất lúa thiếu nước, đất vườn nhà… còn bỏ hoang, chưa được tận dụng để phát triển kinh tế; lối làm ăn manh mún như trồng dăm cây đào, mấy gốc chanh, gốc xoài và nuôi vài con gà còn tồn tại trong một bộ phận dân cư Vĩnh Thạnh. Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện, nhận xét: "Làm như thế lấy đâu ra giàu". Bởi vậy, huyện đã đồng loạt "ra quân" đánh thức đất hoang, khoanh vùng, chia ô những vùng rừng đã được quy hoạch cho người dân sản xuất và hướng họ vào sản xuất chuyên canh. Ngoài ra, huyện cũng đang thực hiện việc đẩy mạnh chương trình cấp 1 hóa giống lúa; trồng mới và thâm canh tăng năng suất một số cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, điều, mía và các loại cây ăn quả…

Sau khi giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh của huyện, đồng chí Chủ tịch đã đưa chúng tôi đi tham quan một số dự án lớn, đã và đang có kế hoạch đầu tư xây dựng trên quê hương Vĩnh Thạnh: Dự án nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, Hồ Thủy lợi Định Bình, Nhà máy Thủy điện Định Bình, tuyến đường Đông Trường Sơn… Khi kể về một số dự án, giọng ông bỗng sôi nổi: May mắn nhận được các công trình, dự án lớn như vậy, buộc chúng tôi phải bật dậy vươn lên…

. N.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ấn tượng về Michèle Ray   (31/08/2004)
Nghề câu mực khơi xa   (31/08/2004)
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Sơn: Hiệu quả từ thực tế   (31/08/2004)
Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm!   (31/08/2004)
Ngày hội lớn của người tiêu dùng Bình Định   (31/08/2004)
Bài học vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương   (31/08/2004)
Mãi mãi sáng ngời tinh thần Cách mạng Tháng Tám   (31/08/2004)
Tự hào là người Việt Nam   (31/08/2004)
Giải pháp nào đưa kinh tế thủy sản phát triển?  (01/08/2004)
Ngõ sau   (01/08/2004)
Tên trộm môtô và cái giá phải trả   (01/08/2004)
Cựu vô địch Quyền anh Đặng Hiếu Hiền và những kỷ niệm về Thế Vận hội Olympic   (01/08/2004)
Quên và nhớ   (01/08/2004)
Lời hát ru   (01/08/2004)
Những tên cướp biển của thế kỷ 21   (01/08/2004)