Mùa hạ lại về trên những góc phố thân yêu. Những góc phố gắn bó tuổi thơ tôi với những kỷ niệm chất ngất thiết tha, thân quen đến nỗi nhắm mắt lại vẫn có thể mường tượng ra một cách dễ dàng.
|
Một góc Quy Nhơn |
Thế mà Vinh còm, thằng bạn thân của tôi lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, sau 20 năm trở lại, ngỡ ngàng khi đặt chân lên lối cũ, trở lại những góc phố ngày xưa. Thị xã Quy Nhơn giờ là thành phố đô thị loại 2, trở nên lạ lẫm với những người xa quê cũng là lẽ thường tình. Vinh và tôi học một lớp từ bậc tiểu học đến bậc trung học. In đậm ký ức tuổi thơ chúng tôi là ngôi trường tiểu học Đào Duy Từ (nay là trường trung học cơ sở Hải Cảng). Những giờ chơi sôi nổi dưới bóng cây trong sân trường theo tôi vào cả trong từng giấc ngủ mộng mị của tuổi thần tiên. Giờ đây, đứng nhìn những hàng cây tỏa bóng mát sân trường, lòng tôi bỗng thấy nao nao. Cây phượng vĩ xưa nằm ở góc cuối sân trường, giờ vẫn còn đó và vẫy những cánh hoa rực lửa chào đón chúng tôi. Cái cầu thang lộ thiên dẫn lên tầng lầu, nơi chúng tôi đứng quan sát sân trường, nay có thể với tay hái những trái sung xinh xắn, được trồng gần đó. Sân trường vào hạ, thiếu bóng người, nhưng tôi nghe như có tiếng giảng bài, vang vọng giọng Huế của cô giáo Hường trọ trẹ khó nghe (sau này đi học ở Huế, nghe giọng Huế tôi lại thấy nhớ cô da diết). Cô đã giảng dạy cho chúng tôi biết người mà ngôi trường mang tên là cụ Đào Duy Từ. Ông là bậc khai quốc công thần thời chúa Nguyễn ở đàng trong, ông tổ nghệ thuật hát Tuồng của nước nhà.
- Con đường Đào Duy Từ bây giờ như thế nào? - Vinh cắt dòng suy nghĩ của tôi.
- Vẫn giữ tên cũ. Nhưng …
- Mình thử đến đó xem sao?
Vinh lôi tôi đi như sợ tôi đổi ý. Con đường này có dốc thoai thoải đủ để người đi bộ có cảm giác đi lên, đi xuống. Hai bên đường hàng cây cao và to đã bị đổ từ những trận bão trước đây, giờ chỉ còn vài cây bồ đề, giữ lại nét thân quen. Đi ngang qua ngôi nhà cổ còn lại bút tích Hán tự khá to, tôi chưa kịp nói gì, Vinh đã vội kéo tay tôi đứng lại xem. Bên dưới ghi dòng chữ: Di tích số 9 đường Đào Duy Từ. Vinh hỏi tôi:
- Sao trước đây mình không biết ngôi nhà này nhỉ!
Điều đáng trách là đôi khi chúng ta quá thờ ơ với những gì mình có, những gì quá thân quen. Chúng tôi nào hay biết góc phố hằng ngày qua lại, trước đây lại có một khu nhà giam (nguyên là nhà của người Hoa dùng để chứa hàng), đặc biệt là nhà giam số 9 với hai phòng biệt giam diện tích chật hẹp, trong đó một phòng kích thước 2,9m x 1,68m, chỉ vỏn vẹn 4,87m2 lại nhốt trên 20 người, có lúc cao điểm lên đến 37 người, khiến cho nhiều người bị chết ngạt và không có mảnh vải che thân. Họ là những chiến sĩ cách mạng ở miền Nam, bị ngụy quyền Sài Gòn bắt giam và dùng nhiều hình thức tra tấn vô cùng dã man nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá. Nghe tôi giải thích xong, Vinh đứng lặng yên. Không ai bảo ai, chúng tôi dành cho họ phút mặc niệm để tỏ lòng biết ơn những con người đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đột nhiên Vinh có ý tưởng muốn thăm lại những con đường vẫn giữ tên cũ đến bây giờ. Băng qua đường Bạch Đằng, Vinh không khỏi kinh ngạc. Đường Bạch Đằng từ ngày bỏ đường ray xe lửa đã trở nên quang đãng hơn, nhà cao tầng mọc lên khang trang, mất đi nét cũ khiến Vinh không nhận ra. Đi lại con đường này, chúng tôi không còn được nắm tay nhau chạy trên đường ray, hoặc bỏ những vỏ nắp ken trên đường ray khi tàu chạy qua như một thời quậy phá nữa. Lúc này trên bầu trời mây đen kéo đến dày đặc, cơn mưa bất chợt trút xuống sau một ngày oi ả. Giá như được quay trở lại thời gian cách đây ba mươi lăm năm về trước, chúng tôi sẽ không ngần ngại chạy ù dưới mưa, thậm chí cả tắm truồng… Chúng tôi vội rẽ vào đường Phạm Hồng Thái, vừa bách bộ trên vỉa hè, vừa tránh mưa. Con đường Phạm Hồng Thái không dài để cơn mưa kết thúc như mong muốn, chúng tôi đành dừng lại ở góc đường trú mưa. Bất ngờ Vinh vỗ vai tôi. Nhìn theo hướng tay Vinh đang trỏ lên tường, tôi và Vinh cùng đọc thầm nội dung tấm bia khắc chìm: Di tích Khách sạn Việt Cường - Quy Nhơn. Đêm ngày 10 tháng 2 năm 1965, quân Giải phóng đã tập kích, đánh sập các tầng lầu, diệt và làm bị thương hơn 70 tên lính và sĩ quan Mỹ… Nơi chúng tôi trú mưa bây giờ không còn là Khách sạn Việt Cường mà là Ban Thanh tra Giao thông Vận tải, thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định. Mọi vật cho dù có đổi thay nhưng di tích lịch sử vẫn luôn còn đó, nó luôn ghi dấu những chiến công rực rỡ của các chiến sĩ ta, những con người làm nên lịch sử.
"Con đường có lá, có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…". Tiếng loa phóng thanh treo trên trụ điện đường phố vang lên giọng hát truyền cảm của ca sĩ Nhã Phương, trình bày bài hát: Con đường có lá me bay, một nhạc phẩm của Hoàng Hiệp được phổ từ thơ của Diệp Minh Tuyền, rất ngẫu nhiên nhưng lại phù hợp với con đường chúng tôi đi qua. Con đường hai chiều Nguyễn Thái Học, vẫn còn đó hàng me, mùa này lá không bay như bài hát mà xanh mơn mởn, trải dài đến đường Lý Thường Kiệt. Rẽ qua đường Trần Phú, bước chân của Vinh bỗng ngắn lại và sắc mặt thay đổi. Điều đó cũng dễ hiểu đối với những ai xa quê trở về lối cũ, đường xưa, trở về với thời cắp sách đến trường nhiều kỷ niệm. Trên lối đi này, Vinh còm từng đưa đón một nữ sinh, bây giờ đã thành vợ anh… Hai hàng phượng vỹ như nghiêng mình đón người xưa, thả những cánh hoa màu huyết. Con đường Trần Phú không đủ dài để cảm xúc chúng tôi lắng xuống. Vinh như dán mắt vào cổng trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Khuôn viên kiến trúc rất bề thế và thoáng đẹp. Bất chợt kéo tay tôi, Vinh thốt lên:
- Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng lại đẹp quá!
Ngày xưa nơi đây là trụ sở Tòa Hành chính tỉnh Bình Định của ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 31 tháng 3 năm 1975, quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thị xã Quy Nhơn. Trước khi ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tháo chạy thoát thân bằng đường thủy, nơi đây là một trong những chốt giữ, phản kích ác liệt nhất của chúng. Đây là một trong những góc phố đẹp và có ý nghĩa về lịch sử.
Rẽ qua đường Nguyễn Huệ, chúng tôi đến Tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, xác xe tăng ngụy quyền Sài Gòn vẫn còn nằm lại bên mép biển, ghi dấu chiến công thần tốc của quân giải phóng (nay đã được đưa vào trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh). Giờ đây, con đường Xuân Diệu chạy dọc theo mép biển được xây dựng khang trang, trữ tình, hãnh diện mang tên của thi sĩ, người nổi tiếng với những bài thơ tình mãnh liệt về biển. Đi dọc theo đường Xuân Diệu, tôi đang miên man với những bài thơ tình của nhà thơ, chợt giật mình khi nghe Vinh hỏi:
- Ông Tám bây giờ ra sao?
- Ông Tám nào?
- Ông Tám "khùng" đó.
Nhắc đến ông Tám tôi không tránh khỏi nao lòng. Những ngày tháng cuối cùng trước khi ông mất, tôi và anh bạn nhiếp ảnh có đến ghi lại chân dung ông. Lúc này một bàn chân của ông đã bị nhiễm trùng nặng, không đi lại được. Ông bị tai nạn giao thông. Người gây tai nạn bỏ chạy. Vết thương không được chăm sóc chu đáo, ông lại hay đi nên ngày một nặng hơn. Sống cách ly với mọi người, nơi ông ở là một túp lều nhỏ bên bờ biển (khu dân cư đánh bắt cá), hằng ngày có cô con gái đến chăm sóc, băng bó vết thương nhưng ông gỡ bỏ hết khi cơn đau hoành hành. Chúng tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc gửi cho ông ít tiền để thuốc thang. Ông Tám là hình ảnh thân quen của chúng tôi thời niên thiếu. Hằng ngày chúng tôi bắt gặp một ông lão ôm bó hoa và bó nhang đến góc phố này, góc phố kia để tặng hoa cho đám cưới và thắp hương cho đám tang, giỗ kỵ. Đặc biệt, ông nhớ chính xác từng địa chỉ và đến đúng ngày, hằng năm. Được nhận hoa hoặc nhang do ông trao là điều phước đức cho mỗi gia đình. Họ rất quý ông. Sau khi mời ăn uống no nê còn gói quà để ông mang về. Điều buồn cười là sau khi tặng hoa, cúng nhang, ông xin lại chủ nhà để mang đến nhà khác tặng tiếp. Chúng tôi hay trêu chọc ông. Nhiều đứa trẻ tinh nghịch đã ném đá, có lúc trúng vào đầu chảy máu, nhưng ông chỉ dí nắm đấm dọa lại. Ông Tám không nói được, chỉ ú ớ, nhưng trong ánh mắt của ông chẳng có vẻ tức giận, có lẽ ông trách chúng tôi không nên làm vậy. Tấm lòng nhân ái của ông đối với trẻ con thật là đặc biệt. Khi đến tuổi trưởng thành, chúng tôi mới nhận ra được điều này. Chúng tôi càng yêu quý ông hơn. Ông là hiện thân của một tấm lòng nhân ái, thân thuộc đến từng góc phố…
Thành phố Quy Nhơn bây giờ thay da đổi thịt, đổi mới từng ngày. Nhiều góc phố như "eo nín thở" giờ là "eo tình nhân", thơ mộng bên bờ biển biếc, với những ghế đá hẹn hò rợp mát dưới bóng cây công viên. Bến xe cũ biến thành công viên thành phố xinh đẹp. Nghĩa trang cạnh Hồ Le, hóa thân thành Bến xe khách Cổ phần. Ngã Ba Đống Đa - Trần Hưng Đạo bây giờ là ngã tư đảo giao thông, đường đi đến cầu Nhơn Hội đang thi công... Tiếc rằng ông Tám đã đi xa, không còn sống để được thấy từng góc phố ngày một khang trang, xinh đẹp như thiếu nữ tuổi hai mươi tràn đầy sức sống. Vinh đề nghị tôi đưa anh đến nhà ông Tám để thắp hương cho ông. Trên đường đến nhà ông Tám, chúng tôi men theo mép biển. Đi giữa những chướng ngại vật trên đường, tôi thầm mong ước một ngày nào đó bờ biển Quy Nhơn sẽ sạch đẹp. Thành phố Quy Nhơn trở thành điểm du lịch của khu vực là điều mà ai ai cũng kỳ vọng và mong đợi… Rời nhà ông Tám, nhìn thấy tôi trong tâm trạng không được vui, Vinh gợi ý:
- Mình đi ăn bánh Ba-tê-sô nhé!
Vinh kéo dòng suy nghĩ của tôi trở về với khẩu vị ưa thích. Ăn bánh Ba-tê-sô và uống nước đậu nành thật là hợp khẩu. Hiệu bánh ở góc đường Tăng Bạt Hổ - Lê Hồng Phong. Chủ nhân hiệu bánh là bác Trần Lễ, ông cụ yêu thơ và họa nên hợp gu với các văn nghệ sĩ. Bây giờ bác Lễ đã mất, hiệu bánh cũng không còn nữa. Góc phố thiếu một bóng người, một hiệu bánh nơi ngã tư thân quen. Nơi ngã tư này còn có tên là ngã tư đèn đỏ. Đêm đến, đây là điểm nhìn từ xa để xác định vị trí trung tâm thành phố Quy Nhơn. Ngọn đèn đỏ chính là cột ăng-ten của Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định. Nơi đây, đêm giao thừa xuân Mậu Thân (1968), quân Giải phóng đã tiến công và tiêu diệt hằng trăm tên địch, làm chủ suốt 7 ngày đêm. Trước cổng Sở Văn hóa - Thông tin, cơ quan tôi đang công tác, tấm bia di tích lịch sử luôn in đậm trong trái tim tôi mỗi khi đến cơ quan làm việc, nhắc nhở tôi phải sống sao cho xứng đáng với những đồng chí đã đổ xương máu để có ngày hôm nay.
* * *
Chia tay Vinh ở sân bay Phù Cát, bạn nắm tay tôi bịn rịn. Lần này về Quy Nhơn, Vinh có ý định thuyết phục tôi vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhưng sau những ngày sống với tôi ở quê nhà, bạn nhận ra một điều: mỗi người có một lý tưởng riêng. Bạn hiểu tôi không thể rứt ra được thành phố Quy Nhơn, rời xa những góc phố đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên từng ngày. Thành phố Quy Nhơn, thành phố của tuổi thơ tôi, thành phố biển và thi ca. Bạn hiểu tôi không thể rời xa những góc phố thân thương, một khi đã quyết định:
Tôi làm nhà cuối phố thân yêu
Nền đất cũ rất quen mà lạ
Tiếng trống tuồng âm vang rộn rã
Thôi thúc tôi sau bữa cơm chiều.
. Nguyễn Chơn Hiền |