(Đọc tập thơ Vầng trăng tri kỷ của Vân Bích, NXB Văn nghệ TP.HCM, 2004)
Có lẽ Vân Bích đã tự đúc kết về thơ mình trong Khúc đồng dao mới: "Ta viết vu vơ, khúc đồng dao mới/ Như tự hỏi mình: lòng ta sáng tối/ Ai bán tiếng thơm, dù lắm bạc tiền/ Ta mua nghĩa bạn, làm liều thuốc tiên". Thơ là những khám phá, trải nghiệm về nhân sinh mà cái nhân sinh rõ rệt nhất là chính tác giả. Khám phá lớn nhất là khám phá chính mình. Jean Paul Sartre từng nói "Muốn viết mới hãy tự mô tả mình". Thực ra đây là cái tôi lớn lao của nghệ sĩ chứa chan nỗi đời rất đáng khuyến khích chứ không phải cái cá nhân tủn mủn, cay cú, vị kỷ… mà nhiều người lẫn lộn. Vân Bích làm thơ, theo cách nói của ông, là soi rọi lòng mình và mua nghĩa bạn.
Lòng ông thì sáng, tỏ. Như vầng trăng tri kỷ, ký ức đẹp đẽ hào hùng thời đánh giặc, những tâm hồn đẹp những tấm gương tiêu biểu cuộc sống hôm nay.
Đó là nỗi buồn đau lệ ứa, nỗi day dứt khôn nguôi về những đồng đội vĩnh viễn nằm lại. Bài thơ Tiếng sáo trúc kể chuyện cô văn công tặng anh lính cây sáo trúc thời khói lửa Trường Sơn, giờ anh lính - trung tá luống tuổi thường thổi vọng vào "Xa thời gian, xa khuất không gian", "như lời nhắn gọi". Thực ra vấn đề không còn là cây sáo và cô văn công khi câu thơ tiếp theo bật ra đau đớn "Đồng đội ơi! Sao chưa trở lại?". Ông dùng chữ "chưa" vì lòng không nỡ, vì vẫn cứ tin một ngày nào đó đồng đội lại về!
Đó là tiếng reo ca hăm hở dành tặng những vị tướng tài đánh giặc, những sĩ quan, chiến sĩ anh hùng dựng xây, một nữ công nhân bàn tay vàng cạo mủ cao su, những tâm hồn lớn lao, những tấm lòng cao cả; khi có khoảng cách xa vời về không gian và thời gian, về tầm vóc, khi gần gũi thân thiết là những người thân, bè bạn quanh mình… Ông thổ lộ lòng ngưỡng vọng, yêu mến một cách tự nguyện, chân thành. Hăm hở và chân thành đến độ khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông hạ bút:
Nếu Hoàng đế Quang Trung còn sống
Chắc Người phong vị tướng ấy anh hùng
(Cành đào cành mai)
Thực ra thì những danh hiệu thiêng liêng tôn quý đúng nghĩa luôn được phong tặng từ nguồn sáng hiền minh trong lòng dân tộc bất luận thời nào, thứ nguồn sáng huyền nhiệm làm nên quốc hồn quốc túy. Ở khía cạnh tình thì cách hạ bút có thể ngô nghê ấy cũng đáng yêu. Nhưng thơ còn là sản phẩm của trí tuệ. Bạn đọc tiếp nhận thơ từ thuần túy văn bản. Cảm xúc chân thành chưa đủ, thuộc tính quyết định sự trường tồn của thơ, của bài thơ là sự hay, nghĩa là cảm xúc của anh làm xúc động lòng người, nghĩa là mũi tên thơ phải nhằm vào đích và tới đích.
Lòng ông thì rõ. Hai phần Hoàn nguyên và Ngưỡng vọng với ẩn ý Vầng trăng tri kỷ tôn vinh cái đẹp, cái truyền thống thì rõ. Nhưng cái tôi reo ca với mục đích tìm tới cái ta đồng vọng gần như không thể. Những bài thơ hay của văn học cách mạng không phải chỉ viết với chủ đích phục vụ cách mạng, nó được viết bởi những tâm thức mang tầm thời đại. Nên dù viết về cái ta vẫn cứ là cái tôi nghệ sĩ chân chính. Tâm thức thời đại là điều không thể thiếu đối với một nghệ sĩ chân chính! Tâm thức thời đại quyết định bút lực!
Chữ nghĩa Vân Bích không thiếu. Ông viết về mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng:
Mộ một bậc chí sĩ
Nằm trên đỉnh Ấn Sơn
Một điểm son kỳ vĩ
Đẹp như tiếng chuông ngân.
Có vẻ ông không chú tâm nhưng khía cạnh tình yêu trong thơ ông lại đáng đọc:
Rồi sẽ đến một thời
Còng lưng vì mỏi mệt
Vị mặn chát của đời
Anh nhớ em trước hết…
(Tự thú)
Hoặc:
Nụ hôn trên tóc em ta chưa quên đâu
Nụ hôn trên môi em hương chưa phai đâu
Thời gian như con ngựa chiến
Dẫu cố ghì cương cũng bạc đầu.
(Ngơ ngẩn)
Tiếc mình tuổi chớm bảy mươi
Vầng trăng xế bóng lặng ngồi nhìn em!
(Rượu ngon)
Sẽ nhiều người chia sẻ với ông về những nuối tiếc, u hoài rất người này.
Tôi thích phát hiện bất ngờ sau đây của ông:
Một ông lão ăn mày vừa chết
Chôn theo mình đói rét khổ đau
Vợ con ông cứ theo khóc tiếc
Ôi! Vậy thì hạnh phúc nơi đâu?!
(Hạnh phúc nơi đâu)
Cuộc rượu dưới trăng kể chuyện ba người cùng uống thứ rượu "ngâm trăng": "Vầng trăng tri kỷ/ Vẫn thức cùng ta/ Trên giàn thiên lý/ Sương rơi, tiếng gà…/ Ba bè trầm bổng/ Mấy khúc quân hành/ Say lăn chổng gọng/ Có ta có mình…". Thơ bật ra tự nhiên. Không nhắc gì tới ký ức trận mạc, nhưng mỗi chi tiết, mỗi hình ảnh đều có độ nén và gợi nhiều suy tư. Đây là bài thơ hay của ông về đề tài quá khứ và hiện tại trong tâm cảm người lính. Tiếc rằng Vầng trăng tri kỷ chưa nhiều những bài thơ chín và chắc như thế.
Ông đã có những suy gẫm tốt. Tôi không chúc ông viết nhiều. Trên tám chục bài của tập này và năm tập thơ trước là quá nhiều để "mua nghĩa bạn, làm liều thuốc tiên". Chắt lọc và nâng cao hơn về tư duy thơ, ông sẽ có những đồng cảm trong nhiều giới bạn đọc.
. Lê Hoài Lương |