Vòng xoay hạt nhựa
15:20', 31/8/ 2004 (GMT+7)

Công việc mua đứt bán đoạn, biến phế liệu thành nguyên liệu sản xuất từ những người thu mua, tái chế có "quy trình" thực hiện như thế nào? Ghi nhận trong việc xử lý chất thải, tác hại môi trường để có sản phẩm nhựa tận dụng như đã thấy trên thị trường hiện nay.

* Nhựa tái sinh từ đâu có

Rác thải sinh hoạt có thể tái chế gồm nhiều loại: giấy, đồng, nhôm, nhựa… Nhưng "ăn khách" nhất là nhựa các loại, từ túi xốp, quẹt ga đến vỏ tivi, bửng honda, chai nước khoáng… Nguồn phế liệu này được đội quân thu gom "3 cấp" tập trung về các vựa bằng những con đường khác nhau. Những người đi đổi hàng hoặc mua phế liệu rong tại các hộ gia đình, ở khắp phố huyện thường gom được loại phế liệu sạch, chất lượng cao. Trước khi đội vệ sinh đô thị thu dọn bãi, xử lý rác thì mỗi sáng sớm hoặc đêm khuya, đã có người "lướt qua" các con đường để thu lượm rác "hạng 1" là băng cassette, ca nhựa bể, vỏ hộp sữa chua. Các chị công nhân đẩy xe rác ai cũng có chuẩn bị một cái bao đựng nhằm tận dụng rác "hạng 2": những rẻo thùng mì tôm, vỏ hộp thuốc lá. Khi rác được vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn thì tất tần tật những gì còn có thể thu gom được là rác "hạng 3", thường là loại nhựa bể vụn, bì ny lông cỡ nhỏ. Nhưng dù là hạng nào, tất cả phế thải ở mọi cỡ kích, nguyên hay bể có nguồn gốc nhựa kể cả lưới mục, vải rẻo - đều được đưa về nơi tập trung để tái chế.

Bà Bốn Hiền ở xã Phước Thuận (Tuy Phước) sống bằng nghề dạo mua phế liệu, kể: "Cũng là tranh thủ lúc nông nhàn nhằm cải thiện đó thôi. Qua chẳng thấy độc hại gì, mấy ông "nhôm nhựa dép đứt" nói nghe ghê quá. May mắn thì gặp phế liệu sạch, nếu dơ một chút về nhà chịu khó giặt giũ, rồi phân loại đâu ra đấy chớ. Nếu không làm kỹ thì bị trừ thẳng tay 30% hao hụt. Ai cho không mình một ngày hai chục ngàn đồng để con cháu có cái ăn thêm? Tui không có vốn nhưng chủ cơ sở ứng trước để mình "trả hàng" cho họ".

Những người sống bằng công việc như bà Bốn riêng tại Quy Nhơn có đến hàng trăm người. Áp dụng "giúp vốn, trả hàng" là cách phổ biến tại vựa phế liệu của bà Hoa trên đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn) và nhiều vựa khác khắp tỉnh. Để kiếm tiền cải thiện đời sống gia đình, những người phụ nữ nông thôn này hùn tiền thuê chung một căn phòng nhỏ trong hẻm để có chỗ nghỉ ngơi và nấu bữa trưa. Chị T. ở Canh Vinh (Vân Canh) cho biết: "Tiền nghỉ một người một ngày chỉ tốn 1.000 đồng thôi chú ơi, bữa ăn cũng thế, mỗi người góp 1.000 tiền gạo với 1.000 đồng cá vụn là đủ. Mỗi tháng cũng dành dụm được khoảng 500.000 đồng đem về nhà. Có chị một, hai tuần mới về quê một bận"…

* Đến cơ sở tái chế

Trong bộ đồ bảo hộ lao động, nhễ nhại mồ hôi, anh Tứ, chủ cơ sở tái chế nhựa Tứ Hải (ở KV2 phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn), chỉ tay cho biết: "Nhựa bì phân loại xong được đưa vào máy băm nước nhiều đợt để làm sạch rồi đổ ra bãi phơi có rào lưới này, đảo nhiều lần trong ngày để nắng hong khô. Mùa mưa thì phải dùng máy sấy. Sau đó số bao bì này sẽ được máy bằm nhuyễn. Đến lúc này anh thấy chúng lấp lánh như… pha lê ấy chứ! Nhưng chưa đâu, chúng sẽ đi tiếp đến máy ó để hóa thân qua nấu lọc và tạo hạt. Đây chính là những hạt nguyên liệu "phó bản" thuộc nhóm cứng HI, PS, AS… sản xuất ổ cắm, phích điện... Tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng vào năm 1996. Dây chuyền này do tôi tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt dần dần đấy. Với 30 lao động, mỗi tháng cơ sở của tôi cho ra 20 - 25 tấn hạt nhựa xuất vào TP Hồ Chí Minh... Một tấn bao bì, nhựa đen khi qua tái chế chỉ còn 280kg, lúc được giá như thời điểm này là 3.200đ/kg, lời lãi quả thật không nhiều nhưng sống được". Một ấn tượng khác dễ gây nhớ ở ông chủ Tứ Hải khoảng 40 tuổi là vẻ đăm chiêu mang một "lý lịch" giang hồ tứ chiếng: Sinh ra tại Quảng Nam, lăn lóc ở TP Hồ Chí Minh, lấy vợ Quảng Ngãi và sống ở Quy Nhơn! Có lẽ cái nghề "rẻ hơn lá chuối", "lấy công làm lời" - như những chị chuyên nghề thu mua phế liệu dạo đã từng nói - là thật không đáng kể. Nhưng tính ra để có 25 tấn nhựa hạt ở chỉ một cơ sở thì nghĩa là các cơ sở trong tỉnh phải ngốn một lượng nhựa thải các loại nhiều đến mức… vô thiên lủng!

Chẳng biết nghề sản xuất đồ nhựa đã hình thành từ lúc nào ở Bình Định nhưng khi thử điểm lại thấy cũng khá nhộn nhịp. Đập Đá trở thành "làng nghề" với những cơ sở mà danh tiếng như Nga Lâu, Thịnh Phát, Ngọc Lan… sản xuất bao PP, ống nước PPC, túi xốp màu… đều ít nhiều có dùng đến phế liệu. Cơ sở Nam Phát (Diêu Trì) sản xuất ống nhựa đen PE dùng trong xây dựng và tưới tiêu nông nghiệp. Cơ sở Hoàng Dung (phường Nhơn Phú) sản xuất một công đoạn duy nhất: mua hạt HD ở các cơ sở tái chế để thổi ra túi xốp bỏ hàng chợ. Cơ sở tái chế nhựa Quý Hiệp (Diêu Trì) chuyên sản xuất, cung cấp các loại bao bì cho bạn hàng trong, ngoài tỉnh. Và, với năng lực tái xuất một tháng 25 tấn túi xốp cùng 15 tấn nhựa hạt, Quý Hiệp trở thành một trong những cơ sở nhựa làm ăn "bảnh" nhất tỉnh. Ông chủ cơ sở này cho biết: "Riêng bao bì, cơ sở tôi thu mua khoảng 4 tấn, mặt hàng chuyên sản xuất là túi xốp có tay xách, bì ươm cây, bì đựng meo nấm, tấm trải luống (dùng một mùa) và cả bạt trồng dưa chống cỏ. Loại bạt chống cỏ của Singapore 27.000 - 29.000đ/kg, nếu mua của cơ sở tôi thì giá chỉ bằng 1/3, tất nhiên đã rẻ thì không bền". Chai nhựa nước khoáng sau khi xử lý sạch thì qua bằm, tẩy trắng rồi "đẩy" vào Sài Gòn 7.200đ/kg, cũng chỉ để thổi ra chai khác. Thấy tôi nhìn cái đồng hồ điện đang quay như chong chóng trong xưởng sản xuất, anh giải thích: "Thiết bị dùng tạo hạt, thổi cuộn… đều phải nung trước khi vận hành từ 1 đến 3 tiếng. Vì tổ chức 3 ca một ngày với 45 công nhân nên tất cả mọi công đoạn cho công việc đều không thể quân hồi vô phèng. Chỉ cần ông nhà đèn cúp điện theo kiểu "ba rọi" nửa nạc nửa mỡ thì chúng tôi mất toi vài ba trăm ngàn đồng… Nghề của chúng tôi có hai vấn đề người ta hay xì xào, đó là mặt bằng và môi trường. Mặt bằng chúng tôi đã thuê rồi, rộng bát ngát, ai chẳng biết càng xa nhà dân càng tốt. Tôi cũng muốn "dời đi" lắm nhưng… biết đi về đâu!".

* Tác hại môi trường

Vấn đề bảo hộ lao động ở các cơ sở tái chế nhựa nói trên chủ yếu là tự trang bị, mỗi nơi một phách và xưởng sản xuất thường nằm chung trong khu vực dân cư. Anh Thái Văn Hòa, thợ kỹ thuật với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, tâm sự: "Tôi làm công việc đứng máy này ổn định đã nhiều năm. Độc hại do phải hít mùi nhựa hằng ngày không thể đo đạc bằng… mũi được. Làm riết rồi quen, có lẽ mũi cũng đã điếc rồi, chỉ khổ cho lá phổi. Nước thải của máy giặt bao bì, máy băm nước được dẫn thẳng xuống hầm ga sau khi đã qua gạn lọc từng mảnh nhựa nhỏ… Các chất thải hữu cơ dễ gây hôi thối hầu như đã được những người thu gom phế liệu phân loại rồi giặt cơ bản trước khi nhập về đây". Và nói như công nhân cũng như người dân xung quanh khu vực có cơ sở tái sinh nhựa thì "mỗi loại nhựa có một mùi riêng, độc hại đấy nhưng vì miếng ăn nên phải chấp nhận thôi, và người dân chúng tôi cũng phải chịu theo. Người ta vẫn xài, vẫn bỏ ra, nghề này vẫn còn tiếp tục…".

Khi đi nhặt, thu gom phế liệu ở mọi ngả đường, phố xá, không ai nghĩ rằng chính mình đã góp một phần thu dọn chất thải, bảo vệ môi trường trong việc xử lý rác vô cơ, làm cho hạt nhựa quay vòng - tái chế sản phẩm có ích cho xã hội. Tuy nhiên, trên góc nhìn đánh giá tác động về môi trường, một cán bộ ngành Khoa học công nghệ đã khẳng định: Chế biến nhựa được tạm xem đã tham gia gom dọn rác thải mà ít nhiều việc xử lý, tái sinh nó qua cách thủ công như hiện nay thì vấn đề ô nhiễm hãy còn là "chuyện dài nhiều tập".

. Trần Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đồng vọng một vầng trăng   (31/08/2004)
Thơ   (31/08/2004)
Những góc phố thân thương   (31/08/2004)
Khát vọng một vùng cao   (31/08/2004)
Ấn tượng về Michèle Ray   (31/08/2004)
Nghề câu mực khơi xa   (31/08/2004)
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Sơn: Hiệu quả từ thực tế   (31/08/2004)
Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm!   (31/08/2004)
Ngày hội lớn của người tiêu dùng Bình Định   (31/08/2004)
Bài học vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương   (31/08/2004)
Mãi mãi sáng ngời tinh thần Cách mạng Tháng Tám   (31/08/2004)
Tự hào là người Việt Nam   (31/08/2004)
Giải pháp nào đưa kinh tế thủy sản phát triển?  (01/08/2004)
Ngõ sau   (01/08/2004)
Tên trộm môtô và cái giá phải trả   (01/08/2004)