Đội Bá trạo ở thôn Hưng Lương (xã Nhơn Lý - thành phố Quy Nhơn) đã có từ lâu lắm. Đến nỗi, kể cả những người cao tuổi nhất cũng chẳng thể nhớ đích xác thời điểm Đội ra đời, cũng như chẳng ai có thể nói rành mạch về nguồn gốc của hò bá trạo. Người già cũng chỉ có thể ước chừng Đội đã có gần 150 tuổi.
Trải qua mấy mươi năm dâu bể, trạo phu kẻ còn, người mất. Bài bản gốc thất lạc. Câu hát phai dần theo trí nhớ người già. Năm 1957, Đội Bá trạo được thành lập lại. Nhưng rồi chiến tranh, hò bá trạo thêm một lần gián đoạn. Những bài bá trạo của làng Hưng Lương - tinh hoa văn hóa đặc trưng trong lễ hội Cầu ngư của cư dân làng biển này - một thời gian dài tưởng chừng đã thất truyền....
* Tìm lại câu hát ngày xưa
|
Đội Bá trạo xa Nhơn Lý biểu diễn tại Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển toàn tỉnh lần thứ VI-2004 |
Bây giờ, ông Hà Cầu (hiện phụ trách Đội Bá trạo xã Nhơn Lý) đã vượt quá tuổi "xưa nay hiếm". Chừng như, đã thành quy luật, càng có tuổi thì người ta lại càng nhớ về kỷ niệm của ngày cũ. Với ông Cầu, ký ức gần bốn mươi năm về trước, khi ông hãy còn là một trạo phu trong Đội Bá trạo địa phương, tham gia những ngày lễ hội Cầu ngư của làng chài thôi thúc ông tìm lại di sản xưa. Suốt mấy tháng trời, bỏ việc nhà cho vợ, ông lần lượt gõ cửa từng nhà các cụ cao niên trong làng, trong xã. Mỗi người già giúp ông chép lại vài câu. Cộng với cái vốn hãy còn trong trí nhớ. Vậy là sau nhiều tháng góp nhặt, ông Cầu đã có một bản thảo tương đối hoàn chỉnh. "Tôi chỉ làm theo nguyện vọng của dân làng nên được nhiều người ủng hộ. Cũng may là tuy không ai còn nhớ trọn, nhưng người nhớ được câu này, người nhớ lại câu kia, vậy là tui ghi chép lại, rồi viết hoàn chỉnh được bài lăng, hát nghinh thần trong lễ cầu ngư"- ông Cầu nói. Rồi ông bổ sung thêm, giọng có chút ngậm ngùi: "Tui nhớ hồi xưa có tới ba bài lận. Bài lăng này, rồi một bài cho ngày lễ đình làng, rồi bài cúng cô hồn. Nay chỉ mới ghi chép được bài lăng…".
* Gian nan ngày lập đội
"Cái khó nhất trong ngày đầu thành lập là phải làm sao kéo được thanh niên tham gia Đội. Anh em tụi tui phải đến từng nhà, vận động từng người mới kiếm ra được 27 người tham gia tập luyện. Mà đâu phải tập một, hai bữa, phải ròng rã cả nửa năm trời, mới gọi là quen dần câu hát, động tác. Cũng may là bà con trong làng thấy vậy, ai cũng động viên. Góp tiền bồi dưỡng thì hổng có, nhưng bà con giúp mình cách khác: những anh em tham gia Đội Bá trạo, trong những ngày tập luyện, không đi bạn nhưng vẫn được chia tiền như bình thường. Nhờ vậy, mọi người đều ra sức cố gắng" - ông Cầu kể. Ngày mới thành lập, Đội chủ yếu biểu diễn trong lễ hội cầu ngư, những dịp lễ hội của làng, của xã. Nhận thấy đây là một loại hình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa dân gian độc đáo của người dân vùng biển, ngày 14-10-2000, UBND thành phố Quy Nhơn ra quyết định thành lập CLB Bá trạo Nhơn Lý. "Sau ngày thành lập, ngành Văn hóa - Thông tin thành phố cử cán bộ chuyên môn giúp đỡ. Rồi lại hỗ trợ thêm được chút ít kinh phí. Đặc biệt là Đội thường xuyên được mời tham gia biểu diễn trong các kỳ lễ hội" - ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Quy Nhơn, cho biết. Người dân Nhơn Lý do vậy càng thấy phấn khởi và thêm yêu Đội Bá trạo xã mình.
* Một nét văn hóa vùng biển độc đáo
Chèo bá trạo là một hoạt động văn hóa gắn với tục thờ cúng cá ông, được trình diễn trong các lễ hội của cư dân vùng biển. Theo các nhà nghiên cứu, bá là trăm, trạo là chèo, và từ "bá trạo" dùng để chỉ tất cả những người bạn chèo (cũng có người viết là "bả trạo", với nghĩa: bả là nắm chắc).
Ra Nhơn Lý đúng vào những ngày Đội Bá trạo đang ra sức tập luyện nước rút để kịp tham gia Lễ hội Văn hóa - Thể thao toàn tỉnh lần thứ VI, đang tất bật với công tác chuẩn bị, ông Trần Dâng, thư ký Đội, tranh thủ cho tôi biết thêm, rằng mỗi dịp lễ hội cầu ngư, đội biểu diễn chèo nghinh thần tới hơn hai tiếng đồng hồ. Nhưng tham gia Lễ hội lần này bài biểu diễn rút lại còn chừng 15 phút. Đội Bá trạo xếp theo đội hình như một chiếc thuyền. Trước là tổng thương, sau là tổng lái, hai bên là con trạo (trạo phu) trên tay là những dầm chèo được sơn phết đủ màu. Tất cả họ đều là những ngư dân làng chài, ăn mặc theo sắc phục truyền thống. Tổng lái cầm chèo dọc, lúc "cạy" sang trái, lúc bát sang phải, có nhiều kinh nghiệm lèo lái con thuyền những khi sóng to gió lớn. Tổng thương (tức tổng mũi, tổng tiền) quan sát, định hướng, cản mũi, trở buồm mũi theo lệnh tổng lái. Trong diễn xuất, tổng thương tay cầm sanh giữ nhịp, nhô tới, nhô lui theo dợn sóng để các bạn chèo làm theo. Mỗi đội trạo có từ 6 đến 8 cặp trạo phu. Trạo phu vừa chèo thuyền, vừa đánh bát, dùng mái chèo gõ nhịp đệm cho người hát. Nói chung, tổng thương, tổng lái là hai vai diễn đầy cá tính phải thông thạo các lối ngâm, xướng, bạch, thán, oán, vịnh, nam, khách, tẩu mã… phải biết các điệu lý, hò miền Trung.
Nhìn những trạo phu vừa nắm chắc tay chèo, vừa hát trong niềm thành kính, tôn trọng thiêng liêng, ta có cảm giác, ở đây, hình như lại có lớp văn hóa đáy của các dân tộc vùng biển xa xưa trong lời ca rất mới:
Một mừng đất nước thanh bình
Xã hội tiến bộ văn minh mạnh giàu
Hai mừng nghiệp lưới nghề câu
Dưới trên đoàn kết giúp nhau khi cần…
Bổn chèo bá trạo có 5 lớp: 1. Nghi lễ (Tổng lái, tổng thương điều khiển đội trạo làm lễ bái yết), 2. Ca ngợi công đức Ông Nam Hải: nói lên công đức thần linh đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phần này trang nghiêm, đậm chất trữ tình. 3. Đội trạo nghỉ ngơi, hát những câu hát trữ tình, nói lên tâm trạng và cảm xúc trước cảnh trời yên bể lặng, trăng thanh gió mát… 4. Lớp giông bão: Nhìn thấu trời mù mịt, trổ gió, lồng đèn, tàu hổ vội báo với tổng thương, tổng lái. Bá trạo nhanh tay đưa thuyền vượt qua giông bão, Nhịp chèo dồn dập, rộn ràng, đội hình xáo trộn, biến hóa. 5. Lớp kết: biển lặng, trời êm, cảnh thanh bình trở lại, bá trạo gác chèo, chấm dứt buổi diễn. |
Cả Đội cùng diễn xướng, theo phong cách hát bội, xoay quanh một chiếc thuyền tượng trưng bằng các nhân vật điều khiển có thứ bậc và những tay chèo. Chiếc thuyền, nhân vật và cảnh trí như thấm đượm tính chất thiêng liêng. Chợt nhớ, có lần đọc ở đâu đó, rằng, ở đây hình như có vương vất hơi hướng lễ Tiwak của người Dayak trên đảo Borneo vốn đã làm cơ sở cho V.Goloubev lập thuyết để giải thích các hình đúc trên trống đồng. Xem ra cũng có phần hữu lý.
Bổn chèo ở Nhơn Lý cũng giống như những bổn chèo ở các làng chài khác, đều viết theo thể văn hát Tuồng: thất ngôn tứ tuyệt, lục bát, vè 5 chữ, nói lối… nhưng có nét khác biệt theo nguồn hứng văn chương của người đặt bài cùng những chi tiết địa phương. Chẳng hạn, lớp hề (diễu) như ở các bổn chèo khác được thay bằng lớp đội trạo thư giãn, hát những câu hát trữ tình. Gần đây, khi Đội Bá trạo hình thành trở lại, một số câu chữ trong bổn chèo được "cải biên" bằng những câu chữ khá mới… Xét trên một phương diện nào đó, đây là việc làm tích cực, nhưng đứng ở khía cạnh văn hóa dân gian, đây là việc làm có phần tùy tiện, có nguy cơ dẫn đến việc làm mất đi tính nguyên gốc của một di sản văn hóa độc đáo.
* Thay lời kết
Hỏi ông Cầu về dự định tương lai, rằng liệu những bổn chèo bá trạo có tiếp tục được sưu tầm, và Đội Bá trạo có phát triển thêm về nhân lực? "Mấy thằng nhỏ tham gia hồi đó, bây giờ cũng đã tuổi băm rồi. Tụi tui đang tính tìm học trò mới, nhưng có lẽ cũng khó..." - ông Cầu nói vậy rồi bỏ lửng. Ông phải chạy vội lại nơi tập luyện vì phát hiện một trạo phu động tác còn chưa chuẩn. Đội Bá trạo đã tập đến đoạn cuối. Vẳng bên tai tôi, giữa những tiếng nhị, tiếng thanh la, tiếng sáo, câu hò bá trạo như một lời khuyên nhủ, hay một triết lý sống được đúc rút từ cuộc sống không hiếm phong ba, hiểm nguy của người dân làng biển. Rằng Đời sao khỏi lúc thăng trầm/ Vượt nguy phải biết chung lòng cùng nhau…
. Lê Viết Thọ |