Tiếng hú chồn cheo
15:24', 31/8/ 2004 (GMT+7)

Thói quen ăn thịt thú rừng dường như đã trở thành thâm căn cố đế. Thực khách chuyên xơi loại thịt này không mấy ai để tâm đến tiếng kêu cứu từ sự săn bắt, giẫy chết của những con thú góp phần cân bằng sinh thái cho chính sự sống con người.

Nhiều vị bước xuống từ những chiếc xe du lịch bóng loáng, gọi bữa tối trị giá hàng triệu đồng. Cảnh sát giao thông xác nhận: đó là "xế hộp" Nhà nước, các doanh nhân ăn nên làm ra. Chủ nhà hàng thì mỉm cười: khoái kinh doanh "hàng độc" bởi mau giàu.

* Nhất cữ lưỡng tiện

Cặp thỏ rừng này đã được thực khách đặt tiệc, 2 giờ nữa chúng sẽ "hóa kiếp"

Người đàn ông mập mạp tên gọi B.Đ. vừa xi nhanh cho những chiếc xe con, cả thảy 11 chiếc, đậu thẳng bãi - đồng thời ông là một trong 4 cổ phần của nhà hàng thịt rừng lớn nhất thành phố Quy Nhơn - vừa hăm hở giới thiệu với chúng tôi: "Thịt rừng ở đây thì khẳm, lúc nào cũng sẵn sàng... Mấy chú đi đông người à, vậy thì nên xơi kỳ đà cho… nhất cử lưỡng tiện! Kỳ đà "chơi" nguyên con chứ không bán lẻ, 450.000 đồng/con hai ký rưỡi. Bảo đảm đầy đủ tiết lẫn mật, chữa được bệnh hen, bệnh "gút" thừa đạm và chữa luôn những ai có chứng… thần kinh kinh niên! Hoặc gọi rắn bảy món, rắn càng độc ăn càng đã, 200.000 đồng/kg…".

Bằng cách giả lả bắt chuyện như gặp người quen đi nhậu, chúng tôi lách sang bàn bên cạnh (thực khách ngày giữa tuần quá đông) với khẩu phần dọn lên trông như một… đại yến. Một đàn anh tuổi chừng 50, phong cách thoải mái, xởi lởi: "Tôi cũng nhớ ông… quen quen! Ở Chi cục Thuế thì phải? Mình tên V. Anh em bọn mình mỗi lần có công tác, đãi đằng "qua lại" thì chọn chỗ này là số dzách. Với một chú chồn hương và một cô nhím nặng tổng cộng 6 kg, làm ra đủ các món thơm lừng "lăn xào hấp nướng" và với chừng này người (12 người) thì… chuyện nhỏ. Chỉ "ba triệu đồng chẵn" chớ mấy"! Được biết, con chồn này có giá 600.000 đồng, thịt nhím có giá xấp xỉ, còn lại là bia lon. Xin anh V. cái phiếu tính tiền bỏ túi chơi nhưng anh bảo không thể… Một bất ngờ thú vị xảy ra: chúng tôi gọi đĩa nhím khoảng 1,5 lạng thịt, được áp giá tính đặc biệt: 24.000 đồng, vì thật sự đã bị chủ quán "tình nghi" là… cán bộ thuế!

Đảo nhiều vòng ở ngoại ô Quy Nhơn, chúng tôi chọn rồi ghé nhà hàng H.X. (phường Trần Quang Diệu) trong một con hẻm bê tông rộng. Chiều cuối tuần, xe hai bánh đậu đầy sân, xe bốn bánh biển số 77B, 43H, 52X, 78B… Vì thấy chúng tôi cằn nhằn, chủ quán người Hà Tĩnh phân trần: "Được chuyện kín đáo thì vướng hẻm nhỏ, anh à. Nếu không, khách của tôi còn đông hơn chứ lị. Ô, anh muốn mua đem về ư, đây sẵn sàng phục vụ nhớ, giá nhẹ hều…"! 170.000đ/cân thịt nhím, 200.000đ/cân thịt chồn có xương, heo rừng 100.000đ/ký không xương, v.v… là giá "không khoan nhượng" đối với những người muốn mua thịt tươi mang về như chúng tôi.

Những quán ăn, quán nhậu tầm cỡ lẻ tẻ, bán thịt rừng theo kiểu "chêm cho có màu sắc" đáp ứng yêu cầu thực khách thì không kể hết. Đến nhà hàng X.T. trên đầu dốc Quy Nhơn đi Sông Cầu (phường Ghềnh Ráng) chúng tôi được bà chủ tiếp đón, tay chỉ vào chuồng kỳ đà: "Nhìn là biết chú em mới đến… Vậy à, nếu không chịu 350.000 đồng thì chị bớt cho chú 30.000đ, được không hử? Đồng ý thì mời vào phòng đi, kín đáo lắm, vừa uống bia vừa được các em dìu dắt cách… xơi thịt"! Chúng tôi gọi món heo hấp cho… "nhẹ hều". Ngờ đâu người bạn trong nhóm gắp miếng thịt ngắm nghía hồi lâu rồi trề môi: Thịt này là thịt heo mọi hoặc heo bò! Ở chợ Đầm có một hảo hán chuyên sống bằng nghề xăm chân lông giống heo này để bán theo giá thịt rừng. Nhìn này, chân lông heo rừng chánh cống có tới ba sợi chụm lại, heo nhà chỉ một mà thôi. Vệt đen sâu gần nửa phân ấy là dấu mực sạ đấy.

Số heo rừng bị bẫy giết hằng ngày đưa về các nhà hàng xem ra vẫn chưa đủ để cung ứng cho các "công ty trách nhiệm hả họng"! Không chỉ ở TP hoặc ở các trung tâm thị trấn mới có quán thịt rừng, mà ngay cả một số vùng nông thôn nghèo khó cũng có những nhà hàng nổi tiếng không kém.

* Quán không tên, bền nhờ... thịt thật!

Đó là quán thịt rừng nằm trên QL19 thuộc xã Nhơn Tân (An Nhơn). Còn ở Phù Cát quán duy nhất kinh doanh độc một món, mà có thể hỏi bất kỳ đứa bé nào trong bán kính 4 km cũng được chỉ chính xác. Tọa lạc trong con đường đất nhỏ của thôn Phú Gia (xã Cát Tường), quán không tên này theo lời chị chủ tiết lộ thì mỗi ngày tiêu thụ bình quân 300 kg thịt rừng, bao gồm cả việc bỏ mối cho hai cơ sở "ruột" bán chêm thịt rừng ở thị trấn Ngô Mây. Chúng tôi thấy ở gian bếp chật chội, cái tủ giữ lạnh của chị chất ứ nự ước chừng 2,5 tạ thịt đã được tùng xẻo ra từng mảng. Chiều chủ nhật, đến 7 giờ tối, 13 bộ bàn ghế của quán đã không còn chỗ trống, phải kê thêm bàn ra khoảnh đất bên nhà, cạnh chiếc camry đỏ, ranger hai màu da.

Phục vụ quán bê ra cho chúng tôi một đĩa thịt cheo. Hăm hở thưởng thức, nhưng nhai mãi miếng thịt chưa đứt, bạn tôi nhăn mặt: "Nghe nói thịt cheo ngon mềm mà sao như nhai lốp xe dzậy cha? Cả đĩa đều thế cả"! "Hỏi thử xem nào…". "Này em, dai quá sao nuốt nổi?". "Nuốt đại đi chú, người ta sao mình vậy! Nhai mãi không đứt vì chú nhai trúng gáy. Cái gáy con vật nào cũng cứng vậy hết, chú sờ gáy chú thử xem(!). Thịt rừng dọn lên mà không có nạc dính liền với da thì là… thịt giả, chẳng ai tin thịt thật. Dù dai đến mấy cũng phải có nó, là "nhãn hiệu cầu chứng" đó chú"- cậu phục vụ quán khoảng 25 tuổi trả lời tỉnh queo. Sẵn trớn, tôi hỏi thêm về việc cung cấp thú, cậu xổ toẹt chẳng cần cân nhắc: "Chú ngoài nghề không biết đó thôi, chứ nay không có giành giật hay chờ đợi như trước. Chỉ cần nhấc điện thoại nhà 750281 gọi thẳng lên "059 chấm chấm chấm" là ngay sáng mai sẽ có đầy đủ số lượng thú cho chú, dạ… bằng xe dù 12 chỗ. Mà thôi, sao chú hỏi lắm thế!". Theo lời chủ quán hướng dẫn, bạn tôi gọi thêm đĩa thịt nhỏ "nai nướng mọi xắt lát" để "nếm cho biết"! Nhưng đĩa thịt này cũng nuốt không trôi vì… khô như ngói! "Màu đen "viền" xung quanh là do nướng cháy, màu đỏ đậm do ướp nhiều ớt… Thua thịt bê nhiều lắm mà sao… đông khách thế?" - bạn tôi tiếp tục thắc mắc. Đĩa thịt cheo 1 lạng hiệu lốp xe giá 30.000 đồng, nửa đĩa nai nướng gồm 7 lát mỏng giá 10.000 đồng.

Một tốp khách 13 người lục tục kéo đến khi chúng tôi đang tính tiền cho chủ quán Cường. Ông trung niên bụng bự vẻ "chủ xị" đi lên đi xuống tận bếp nhiều lần hình như để đích thân kiểm tra thịt và dặn làm món. Vẫn bài bản cũ dưới vai người quen lâu ngày không gặp, tôi chủ động lại gần xin bắt tay anh. Bằng cử chỉ và điệu bộ nghiêm nghị, anh đáp: "Ông nhớ đúng! Tôi tên Ph., hiện dạy môn văn học ở trường cấp 3 Phù Cát. Ờ ờ, những người đi cùng không phải thầy cô giáo cả đâu, họ ở nhiều ngành nữa đấy…".

Ra đến đầu đường, tạt vào một quán nước nhờ pha ly cà phê cho… lại tinh thần. Cô chủ H.Q. nhìn tôi ngao ngán: "Nông dân chúng em làm gì được ăn đặc sản. Chỉ có khách vãng lai như các anh đến thôi; cả Việt kiều nữa. Núi Bà quê em hả, dĩ vãng rồi, sừng sững đó nhưng làm gì còn nghe tiếng vọng mang tác". Một cán bộ cấp thấp ở địa phương kiêm nghề nông cụ cho hay: "Sống không ăn thịt rừng chắc chắn chẳng ai chết. Nhưng người ta khoái chí bởi cảm xúc kẻ có tiền. Cấm mặc cấm, bán vẫn cứ bán… Có lẽ thôn Phú Gia là một trong những "bãi đáp an toàn"… Tiếp xúc với thực khách là doanh nhân nước ngoài tại nhà hàng H.X., chúng tôi nghe câu trả lời qua người thông dịch: "Ở đất nước tôi động vật luôn được quý trọng, chúng là kho báu quốc gia. Từ thơ ấu đến giờ, lần đầu tiên đến Việt Nam tôi biết mình đã ăn động vật không thuần dưỡng".

Đến đây sự thể xin được khép lại… Tiếng hú thê thiết từ những cánh rừng gần xa, từ những đĩa thịt dọn lên như không còn vọng đến tai người. Dư luận cho rằng hàng chục nhà hàng lớn kinh doanh thú rừng khắp tỉnh đã có sự bao che, bất nhất trong quản lý của chính quyền sở tại. Thậm chí có cả bảo kê công khai hoạt động này.

. Hư Trúc

 

­- Báo cáo sơ kết một năm gửi Cục Kiểm lâm Việt Nam ngày 6-7-2004 của "Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng" ở tỉnh Bình Định, kết quả phát hiện, lập biên bản xử lý liên quan đến săn bắt, mua bán động vật hoang dã đã được ghi gọn một dòng: Mua bán, vận chuyển động vật 14 vụ, với 267,5 kg.

- Bản báo cáo cùng ngày của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh về phối hợp liên ngành Kiểm lâm - Công an - LLVT trong công tác bảo vệ rừng (cũng thời gian một năm), ghi: Kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm gồm 3 con voọc chà vá, 1 heo rừng, 4 kỳ đà, 2 chồn hương, 1 con trăn và 440 kg các loại động vật rừng.

Chỉ trong một tuần đi thực tế, từ 31-7 đến 7-8, chúng tôi ghi nhận ở bến đò hồ Núi Một và 4 quán ăn có giết mổ, xào nấu thịt động vật để kinh doanh thì kỳ đà sống đang nhốt trong lồng là 9 con, chồn hương 6 con, cheo 5 con, cùng rất nhiều heo, thỏ, gà, chim xanh, chuột rừng… Những con số trong "bản báo cáo" chỉ là "hạt cát" so với hiện thực diễn ra mỗi ngày.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đội Bá trạo hơn trăm tuổi   (31/08/2004)
Vòng xoay hạt nhựa   (31/08/2004)
Đồng vọng một vầng trăng   (31/08/2004)
Thơ   (31/08/2004)
Những góc phố thân thương   (31/08/2004)
Khát vọng một vùng cao   (31/08/2004)
Ấn tượng về Michèle Ray   (31/08/2004)
Nghề câu mực khơi xa   (31/08/2004)
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Sơn: Hiệu quả từ thực tế   (31/08/2004)
Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm!   (31/08/2004)
Ngày hội lớn của người tiêu dùng Bình Định   (31/08/2004)
Bài học vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương   (31/08/2004)
Mãi mãi sáng ngời tinh thần Cách mạng Tháng Tám   (31/08/2004)
Tự hào là người Việt Nam   (31/08/2004)
Giải pháp nào đưa kinh tế thủy sản phát triển?  (01/08/2004)