Tiếng quê
15:34', 31/8/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Lê Sa Long

"Quê hương nếu ai không nhớ

sẽ không lớn nổi thành người"

"Đây là tiếng nói nhân dân Bình Định…". Từ chiếc Radio, giọng người phát thanh viên Đài Phát thanh Bình Định được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam làm hắn bồi hồi, lắng tai nghe. Người hắn mệt mỏi rã rời, không khí lực, đó là kết quả cuộc nhậu từ chiều qua đến quá nửa đêm. Hắn còn lờ mờ nhớ lúc 12 giờ đêm, bước thấp bước cao hắn vào phòng thuyền trưởng của hắn để lấy cái can rượu Bàu Đá 5 lít mà chú của hắn mang từ quê vào cho tuần trước. Ở nhà không ai uống, hắn đem xuống tàu, hắn dự tính mỗi ngày uống một ít, nhưng giờ nó nằm bẹp dí dưới chân hắn, không biết nắp núm văng đường nào, có lẽ sáng nay anh em thủy thủ đã dọn dẹp và vứt đi cùng đống hổ lốn…

Đã 4 ngày trôi qua, biển động, sóng gió cấp 5, cấp 6; có khi cấp 7. Không về đất liền được, tàu hắn phải buộc vào phao ở Bãi Ngự - đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc - Kiên Giang. Cùng buộc phao với hắn còn 3 tàu nữa mà thuyền trưởng, thuyền phó đều là chiến hữu ruột của hắn, trong đó có một thuyền trưởng hải quân là bạn học từ cấp III. Hai thằng cùng thi vào Học viện Hải quân Nha Trang, tốt nghiệp xong cùng xin về vùng 5 Hải quân với ước nguyện đi xa, mặc sức vẫy vùng.

Ai cũng nói hắn tài hoa, làm gì cũng nhanh và chuẩn xác. Hơn 4 năm ở Học viện, không học viên nào vượt qua hắn trong môn chạy vũ trang. Mặc dù chỉ cao 1,62m nhưng hắn luôn là tiền đạo xuất sắc của Tiểu đoàn Hàng hải. Điểm các môn học của hắn rất cao, nhưng hắn suýt không được thi tốt nghiệp vì tội đầu têu trốn ngủ, dẫn 3 thằng cùng lớp ra bãi chiến thuật để tập võ Bình Định, bị trực ban trưởng của Học viện tuần tra bắt gặp. Hắn thường hay đùa với bạn bè: Đó là năm 88 của thế kỷ trước, bị kỷ luật, bị khai trừ Đảng, nếu không được nhiều người quý mến thì đã bị tay tiểu đoàn phó chính trị cho "anh về Cầu Đâu (1) anh cắm câu…" - bao giờ hắn cũng lên câu vọng cổ ở cuối.

Tàu lắc nhẹ, Radio lệch sóng nghe rè rè, hắn nhíu cặp mày rậm khó chịu, hắn định chỉnh lại, nhưng lười, hắn nằm yên với cảm giác lâng lâng bải hoải khắp tứ chi… Hắn nhướng mắt nhìn đồng hồ trên tường, giờ này mọi người đã ăn cơm và đang nghỉ trưa. Anh em ở tàu quen lệ, khi hắn uống "quá đã" thì không được gọi, trừ trường hợp cấp bách. Ai đã ý tứ hạ rèm cửa ca-bin tàu để nắng không rọi vào hắn.

*     *

*

Hết phổ thông, hắn nộp đơn thi vào trường Đại học An ninh, các thủ tục xét tuyển qua hết, nhưng hồ sơ bị trả lại vì cái lý lịch tưởng đỏ như son của hắn: Ba má tập kết về đều là đảng viên, 2 chị gái là đảng viên, hắn sinh ra tại Hà Nội. Cô, dì, chú, bác đều là đảng viên. Nhưng bản xác minh lý lịch của hắn được vị thường trực xã ở quê nhận xét: "… Anh Định có một người cậu ruột đi lính ngụy, bị cách mạng bắn chết". Hắn không có khái niệm gì về ông cậu này, hắn chỉ biết có một người cậu bị chết, bấy giờ hỏi lại thì cậu hắn bị bắt lính năm 1971 và bị chết khi quân - dân huyện Hoài Nhơn kết hợp tấn công và nổi dậy vào tháng 4-1972. Lúc đó hắn mới 4 tuổi, đang ở Hà Nội, đã phải gồng mình hứng chịu những trận bom khủng khiếp của pháo đài bay B52 Mỹ.

Hắn hụt hẫng, buồn bã, bao ước mơ trở thành một trinh sát an ninh bỗng chốc tan vỡ… Hắn trở nên lầm lì, nhưng trong hắn là sự xáo trộn dữ dội, hắn đâm oán trách tất cả. Hắn không nói ra điều đó, bởi hắn biết má hắn sẽ càng buồn thêm, không chừng còn ngã bệnh nặng: Vì người em quá cố mà đứa con trai duy nhất của bà không thực hiện được giấc mơ ấp ủ từ lâu.

Hắn thích tự do, hắn muốn mãi là đại úy. Hắn nằng nặc xin ra quân, trầy trật mãi rồi hắn cũng toại nguyện. Được người quen giới thiệu, hắn xin vào Xí nghiệp vận tải hành khách đường biển tỉnh Kiên Giang, bây giờ là Công ty vận tải hành khách đường biển Kiên Giang. Sau thời gian thử việc, Xí nghiệp giao hắn làm thuyền trưởng tàu khách Kiên Giang 02, chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc; thỉnh thoảng tàu hắn cũng đi Cà Mau, TP Hồ Chí Minh hay Đồng Nai… Hắn có nhà, có vợ và một con trai kháu khỉnh tại thị xã Rạch Giá. Đời sống kinh tế khá, nói chung hắn tự do hơn hồi ở quân đội, nhưng nhiều khi hắn vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng một điều gì đó. Nhiều lúc nghiền ngẫm, hắn biết nhưng hắn không dám đối mặt với nó vì bao năm qua hắn đã chối bỏ, cố lãng quên.

Năm ngoái, ông già ở TP Hồ Chí Minh điện báo má hắn đổ bệnh, nhớ con nhớ cháu, nhắn hắn về gấp. Lúc tắc -xi dừng đầu hẻm, hắn vừa mở cửa: "Cô cậu dzề đâu, tui chở cho, tui không lấy mắc đâu". Toàn thân hắn nôn nao xốn xang vì giọng nói của ông già xích lô. Hắn dám cá bất cứ giá nào, ông già này là người quê hắn, nhưng hắn vẫn kiểm chứng: "Cụ có phải người Tam Quan không ạ?", "Phải, tui ở quảy! Chi dzậy cậu?". Hắn muốn nghe cái giọng "nẫu" đặc sệt ấy. Hơn 10 năm rồi, hắn không về quê, chính xác là 14 năm, kể từ khi ba má hắn chuyển nhà ở Quy Nhơn vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cho gần hắn và hai người con gái lớn, hắn đã viện đủ mọi lý do để không thực hiện nghĩa vụ của một đứa cháu đích tôn - trưởng tộc tương lai. Nhưng cái giọng nói ấy là tiếng của những người ông, người chú, bác, họ hàng hắn ở quê mà suốt những năm cấp I, II hè nào hắn cũng được gửi về đó. Giọng nói, ngữ điệu ấy thấm sâu vào cơ thể như máu như thịt hắn, không thể nào nhạt phai, dù ba má hắn bị pha tiếng do đi lại, tiếp xúc nhiều; dù hai bà chị và bản thân hắn phát âm đúng giọng Hà Nội.

Hắn đã gặp nhiều người Bình Định, quê hắn, sinh sống làm ăn khắp nơi ở đất Nam Bộ, thậm chí cả trên các đảo lớn, nhỏ xa xôi, nhưng không ai nói làm hắn xốn xang bồi hồi như ông già đạp xích lô này. Vợ hắn ngồi với con trên chiếc xích lô phía trước ngoái đầu trố mắt ngạc nhiên nhìn chằm chặp hắn đạp xe xích lô chở ông già, hai mắt đỏ hoe… Chưa đầy hai trăm mét, vợ hắn đã trả tiền rồi nhưng hắn vẫn dúi vô tay ông già tờ 50 ngàn rồi sải bước vào nhà ba má hắn như chạy trốn…

*     *

*

- Báo cáo thuyền trưởng! Công ty điện hỏi tàu có thể về Phú Quốc để kịp sáng mai chở khách vô Rạch Giá? Biển bắt đầu êm rồi! - Tiếng người trực vô tuyến điện vang bên tai hắn.

Hắn bật dậy, 14 giờ 20 phút.

- Thông báo toàn tàu! Toàn tàu làm công tác chuẩn bị, 18 giờ xuất phát về Phú Quốc!

Giọng hắn vang đanh, gãy gọn, không có vẻ gì của người vừa say dậy.

Hắn nghiêng người định tắt Radio, nhưng khi vừa chạm đến, hắn bỗng dừng lại, hạ tay xuống rồi từ từ tựa hẳn vào cạnh bàn chăm chú lắng nghe: "Từ cửa Tam Quan vòng về An Lão, mời bạn đi theo dãy Trường Sơn, giáp đường Mười chín xuống biển Quy Nhơn, ngàn năm mảnh đất Tây Sơn anh hùng. Quê tôi sông núi điệp trùng, biển dài sông rộng ruộng đồng phì nhiêu…". Ôi, điệu bài chòi quê hắn, cho đến hôm nay hắn mới thấy da diết đến nao lòng.

Về thôi - hắn quyết định - trước hết là về Công ty xin nghỉ phép để về thăm quê, thăm nơi chôn nhau cắt rốn của ba má hắn, mồ mả ông bà nội ngoại, dòng tộc Trần Trung của hắn. Về mà tạ tội với tổ tiên họ hàng vì bao năm biền biệt xa xứ.

. L.S.L

---

(1) Cầu Đôi: tên cây cầu ở TP Quy Nhơn.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiếng hú chồn cheo   (31/08/2004)
Đội Bá trạo hơn trăm tuổi   (31/08/2004)
Vòng xoay hạt nhựa   (31/08/2004)
Đồng vọng một vầng trăng   (31/08/2004)
Thơ   (31/08/2004)
Những góc phố thân thương   (31/08/2004)
Khát vọng một vùng cao   (31/08/2004)
Ấn tượng về Michèle Ray   (31/08/2004)
Nghề câu mực khơi xa   (31/08/2004)
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tây Sơn: Hiệu quả từ thực tế   (31/08/2004)
Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm!   (31/08/2004)
Ngày hội lớn của người tiêu dùng Bình Định   (31/08/2004)
Bài học vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương   (31/08/2004)
Mãi mãi sáng ngời tinh thần Cách mạng Tháng Tám   (31/08/2004)
Tự hào là người Việt Nam   (31/08/2004)