Không chỉ đánh người gây thương tích, gây rối trật tự công cộng (TTCC), hủy hoại tài sản công dân, đe dọa, hành hung người khác…, bọn côn đồ còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Những vụ án xảy ra gần đây đã thật sự là nỗi lo của người dân lương thiện.
* Giải quyết mâu thuẫn theo kiểu côn đồ
Khoảng 1 giờ sáng ngày 9-7-2004, một nhóm gồm 6 thanh niên, kẻ cầm mã tấu, kẻ cầm xà beng, kẻ mang theo gạch đá, kéo từ thị trấn Phù Mỹ ra thôn Văn Trường thuộc xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) bao vây nhà anh Nguyễn Tấn Lực (1955) để "hỏi tội"! 6 tên côn đồ này là Võ Văn Cường (1984) ở xã Phước An, huyện Tuy Phước; Nguyễn Thanh Quỳnh (1985) ở Mỹ Trinh, Phù Mỹ; Nguyễn Quý Thương (1982), Nguyễn Văn Lang (1976), Nguyễn Anh Tuấn (1980), Nguyễn Văn Phụng (1983) cùng ở thị trấn Phù Mỹ. Trước khi kéo nhau đi hành hung người khác, bọn chúng đưa nhau vào quán ăn nhậu và bàn bạc, phân công nhiệm vụ từng tên. Đến nơi, Nguyễn Văn Lang - kẻ cầm đầu - đã cùng đồng bọn dùng cây gậy, gạch đá đập phá nhà anh Lực và khi anh Lực mở cửa ra thì chúng liền dùng hung khí mang theo tấn công tới tấp. Anh Nguyễn Văn Sạn (1969) - em ruột anh Lực - thấy vậy đến can ngăn cũng bị chúng đâm chém không nương tay. Sau một hồi ẩu đả, các anh Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Văn Sạn và tên côn đồ Nguyễn Văn Phụng bị thương, được bà con đưa vào bệnh viện huyện Phù Mỹ cấp cứu. Tại đây, anh Sạn đã không qua khỏi. Từ những mâu thuẫn đơn giản trong cuộc sống, bọn côn đồ đã làm một nông dân hiền lành chân chất phải thiệt mạng khiến nhiều người căm phẫn. Hiện nay vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lý.
|
Chiếc ô tô bị ném đá vỡ kính trong vụ côn đồ lộng hành ngày 10-7-2004 |
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 8-7-2004, tại KV 3 phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, tên Trần Ngọc Thanh (1965) đã dùng rựa chém ông Võ Cát (1933) chết tại chỗ và cháu nội ông Cát là Võ Văn Lướt (1982) bị thương. Nguyên nhân, ông Võ Cát lấn chiếm đất gò, ngăn cản không cho Trần Ngọc Thanh mở lối đi nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Chính quyền địa phương đã mời cả hai lên trụ sở UBND phường giải quyết nhiều lần nhưng chưa có kết quả. Hôm ấy, các ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường, Võ Văn Chánh - đại diện Tư pháp phường và ông Nguyễn Văn Đàm - cán bộ địa chính phường - trực tiếp đến hiện trường đo đạc xác định lại chỉ giới để có cơ sở giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp này thì hai bên lớn tiếng cãi nhau. Lời qua tiếng lại một lúc, bất ngờ Trần Ngọc Thanh chụp lấy rựa chém ông Võ Cát và anh Võ Văn Lướt. Sau khi gây án, tên Thanh bỏ trốn đến 22 giờ cùng ngày mới bị bắt giữ.
* Dùng "luật rừng", sợ "luật rừng"
Khoảng 22 giờ ngày 10-7-2004, hai chiếc ôtô mang biển số 76K 0008 và 52S 0051 chở 13 người từ hướng Quy Nhơn chạy lên Vân Canh và dừng lại ở địa phận thôn Thanh Minh thuộc xã Canh Hiển. Tại đây, số người này kéo đến đập phá nhà anh Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Trung và một số người khác. Trước hành vi coi thường luật pháp của bọn côn đồ, bà con xung quanh kéo đến và họ đã phản ứng bằng việc dùng đá ném trả. Vụ việc được Công an huyện Vân Canh ngăn chặn kịp thời, nếu không có thể còn nghiêm trọng hơn. Thiệt hại do hai bên gây ra cho nhau: xe ôtô 76K 0008 bị vỡ kính, 4 cánh cửa ra vào, 2 cánh cửa sổ nhà dân bị hư hỏng, một số cây ăn quả bị chặt phá, anh Nguyễn Văn Hội bị thương. Ông Hoàng Trung Sơn (1965) ở 309 Hùng Vương - TP Quy Nhơn lên xã Canh Hiển mở trang trại nuôi cá. Chưa đến kỳ thu hoạch, ao cá của ông bị một số người bắt trộm, và khi điều tra xác định được kẻ trộm, thay vì nhờ chính quyền xử lý theo luật pháp thì ông Sơn lại dùng "luật rừng" để giải quyết. Sau khi hoàn thành thủ tục ban đầu, thấy chưa cần thiết phải giữ người, Công an huyện cho số thanh niên trên ra về nhưng họ không dám rời khỏi khu vực trụ sở Công an huyện vì sợ bà con xã Canh Hiển chặn đường dùng "luật rừng" với họ. Trong trường hợp này, quả đúng là "gậy ông đập lưng ông"…
Chỉ một số vụ án điển hình nêu trên đã phần nào cho thấy sự lộng hành của bọn côn đồ và nỗi lo của bà con là có thật. Để giải quyết vấn nạn này, các cấp các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động quần chúng phòng, chống tội phạm. Đồng thời, các ngành pháp luật cần nhanh chóng điều tra kết luận, kịp thời đưa bọn côn đồ ra xét xử tại các phiên tòa lưu động để răn đe, giáo dục chung. Đối với số đối tượng, hành vi của chúng chưa đến mức xử lý theo luật hình sự thì lập hồ sơ quản lý tại địa phương hoặc đưa vào các cơ sở giáo dục. Thực hiện tốt những biện pháp tích cực trên sẽ hạn chế được nạn côn đồ, trả lại cho nhân dân sự bình yên.
. Xuân Linh
|