Đầu tuần qua, 48 nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi cử tri ủng hộ John Kerry, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Họ hy vọng ông Kerry sẽ khôi phục vị thế xứng đáng của Mỹ là một cường quốc khoa học, lĩnh vực gần như đã bị "sao lãng" dưới thời chính quyền George W. Bush.
Nhằm kiềm chế mức thâm hụt ngân sách khổng lồ xuống còn một nửa trong 5 năm tới, chính quyền Bush cắt giảm ngân sách nghiên cứu của 21/24 cơ quan liên bang, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA). Nỗ lực nghiên cứu tế bào gốc (stem-cell), hy vọng sẽ mở ra "cuộc cách mạng" trong việc điều trị các căn bệnh nan y hiện nay như đái đường và chấn thương tủy sống cũng bị hạn chế đáng kể. Chính quyền Bush còn bị chỉ trích là "phản khoa học" khi cắt bỏ thông tin về sự nóng lên của trái đất trong báo cáo năm 2003 của Cơ quan Bảo vệ môi trường, ra lệnh thay đổi báo cáo Nghiên cứu địa chất cảnh báo về hiểm họa môi trường từ việc khai thác dầu tại Khu bảo tồn quốc gia Bắc cực…
|
Vệ tinh Rosetta của Cơ quan Hàng không châu Âu (ESA) hoạt động ổn định và có giá thành rẻ hơn vệ tinh do Mỹ sản xuất |
Mức ngân sách của Mỹ dành cho nghiên cứu vẫn đứng hàng kỷ lục thế giới, năm nay là hơn 126 tỉ USD. Tuy nhiên, điều đáng nói là số tiền này được phân bổ không đều do chính quyền Bush chú trọng nhiều hơn đến sức mạnh quân sự. Ngân sách dành cho nghiên cứu quân sự của Mỹ năm nay tăng lên 66 tỉ USD, cao hơn cả thời Chiến tranh Lạnh (tính theo đồng USD cố định) và cao hơn rất nhiều so với mức chi tiêu của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Burton Richter, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 1967, nói rằng thông thường các nhà khoa học không mấy khi sử dụng tên tuổi của họ vào bất cứ mục đích gì ngoài khoa học. Như thế, việc các nhà khoa học Mỹ kêu gọi cử tri ủng hộ ông Kerry là điều "không bình thường". Rich-ter nói: "Tôi hy vọng điều bất thường này là bức thông điệp cho thấy mức độ nghiêm túc về suy nghĩ của giới khoa học chúng tôi trước những sai lầm hiện nay". Harnold Varmus, người đoạt giải Nobel Y học năm 1989, cho rằng chính quyền Bush có thái độ thiếu nghiêm túc trước lời khuyên từ cộng đồng khoa học. Mario J. Molia, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 1995, tỏ ra quan ngại trước việc ông Bush "cường điệu hóa chính trị lấn át những thông tin khoa học". Một số nhà khoa học còn nói rằng ông Bush đã khiến Mỹ tụt hậu so với châu Âu và châu Á trong lĩnh vực bằng sáng chế, phát minh tiên tiến và những công bố mới trên các tạp chí khoa học.
* Mỹ không còn là "đầu tàu" trong nhiều ngành nghiên cứu khoa học
Báo New York Times mới đây đã báo động về việc Mỹ đang mất dần ưu thế vượt trội trong các lĩnh vực khoa học và sáng tạo mũi nhọn; sự tiến bộ của các nước khác trong khoa học cơ bản giờ đã đủ sức cạnh tranh, thậm chí vượt trội Mỹ. Ví dụ như ở lĩnh vực bằng sáng chế: Mỹ vẫn chiếm phần lớn, nhưng tỷ lệ này đang giảm mạnh, trong khi người nước ngoài, đặc biệt là người châu Á, ngày càng tăng (chiếm khoảng ¼ số bằng sáng chế do chính người Mỹ cấp) và ở một số lĩnh vực còn vượt cả người Mỹ.
Một bằng chứng cụ thể hơn nữa là số công trình nghiên cứu của người Mỹ được công bố trên các tạp chí khoa học cũng giảm rất mạnh. Tạp chí Vật lý thống kê trong 2 thập kỷ qua số công trình nghiên cứu của Mỹ giảm từ 61% năm 1983 xuống còn 29% hồi năm ngoái. Ông Martin Blume, Tổng biên tập tạp chí này cho biết: Công trình nghiên cứu của người Mỹ ở các tạp chí khoa học khác cũng giảm với tốc độ tương tự. Lĩnh vực giải Nobel khoa học cũng bộc lộ rõ sự tụt hậu nghiêm trọng. Sau thời "hoàng kim" thống trị các giải Nobel ở giai đoạn 1960-1990, tỷ lệ người Mỹ trong danh sách đoạt giải Nobel năm 2000 chỉ còn 505, số còn lại thuộc về Anh, Nhật bản, Nga, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ và New Zealand.
Mỹ không còn "sức hút" đối với giới khoa học, mà nguyên nhân chủ yếu là từ chính sách nhập cư và ưu đãi nhân tài của chính quyền Bush. Các nhà khoa học nước ngoài học tập và nghiên cứu tại Mỹ ngày càng có xu hướng trở về làm việc tại nước họ chứ không ở lại như trước đây, các chuyên gia gọi đây là hiện tượng "chất xám chảy ngược". Viện Khoa học Mỹ cho biết số lượng sinh viên đỗ bằng tiến sĩ người Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan hằng năm xin ở lại làm việc tại Mỹ hiện đã giảm tới hàng trăm người so với thời kỳ đỉnh cao giữa thập niên 1990. Số lượng người tốt nghiệp đại học vào Mỹ làm nghiên cứu sinh cũng giảm đáng kể (25%). Trong khi ấy, các nhà khoa học châu Âu và châu Á ngày càng chiếm lĩnh các đỉnh cao nghiên cứu khoa học, ví dụ như phát hiện của các nhà nghiên cứu khoa học châu Âu về sự sống trên sao Hỏa hay sự tiến bộ trong lĩnh vực vật lý phân tử.
Các nhà khoa học nói rằng những hiện tượng nói trên là đáng báo động, bởi kiến thức khoa học mới chính là "động cơ" của nền kinh tế và ngành phát minh công nghiệp của Mỹ.
. N.A (biên soạn) |