Truy lùng tội phạm
Những bước chân thầm lặng
14:35', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Năm 2004, các đơn vị chức năng thuộc cơ quan Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đã truy lùng bắt giữ 77 đối tượng, vận động đầu thú 7 đối tượng, thanh loại 9 đối tượng. Trong số đối tượng bị bắt và đầu thú có 5 đối tượng nguy hiểm, 1 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Để viết lên những con số khô khan này, các chiến sĩ truy lùng tội phạm đã có mặt ở hầu hết các miền của Tổ quốc và gian khổ nguy hiểm luôn đồng hành với bước chân của các anh...

Những phiên tòa lưu động đã góp phần tích cực trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm

1. Lực lượng Công an nói chung, trong đó có những chiến sĩ truy lùng tội phạm, bất cứ lúc nào khi có lệnh là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Tháng Chạp năm ngoái, khi mọi người tất bật lo chuẩn bị đón Tết thì Thượng úy Nguyễn Thành Sơn - trinh sát phòng PC14 Công an tỉnh- lại thu xếp hành trang lên đường ra Đà Nẵng. Qua công tác xác minh, trinh sát vừa phát hiện Huỳnh Đăng Lộc (1974) - đối tượng truy nã đặc biệt - xuất hiện tại đây. Tên Lộc là lưu manh chuyên nghiệp có nhiều tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích... Y đã từng bị đưa vào trường giáo dưỡng 24 tháng, sau khi ra trường tiếp tục phạm tội bị Tòa án TP Quy Nhơn xử phạt 24 tháng tù giam về tội trộm cắp. Năm 1996 vừa mãn hạn tù về địa phương, Lộc cầm đầu một nhóm đối tượng gồm 4 tên, bắt cóc một cô gái đưa ra bãi biển hãm hiếp và cướp tài sản của nạn nhân rồi bỏ trốn mỗi tên một ngả. Trong những năm qua, đồng bọn của Huỳnh Đăng Lộc lần lượt bị lôi ra trước vành móng ngựa, có tên bị phạt 7 năm tù giam, chỉ riêng y biệt tăm, lực lượng truy lùng đã tốn nhiều công sức nhưng chưa bắt được y. Vì vậy, việc xác định được tung tích của tên Lộc lần này làm cho cán bộ, chiến sĩ PC14 ai cũng phấn khởi. Và, mặc dù năm hết Tết đến nhưng được giao nhiệm vụ, Nguyễn Thành Sơn lên đường ngay. Tại TP Đà Nẵng, Nguyễn Thành Sơn phối hợp với công an địa phương kiểm tra lại tài liệu trinh sát cung cấp, đã phát hiện được Huỳnh Đăng Lộc có nhiều địa chỉ khác nhau và không ở cố định nơi nào. Lần theo những địa chỉ này, Nguyễn Thành Sơn đã đến thị trấn Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam, tại đây anh bí mật giám sát nơi tên Lộc thường lui tới và y đã bị bắt khi vừa từ bãi vàng Phước Sơn về đây ăn Tết. Trong chuyến công tác này, Thượng úy Nguyễn Thành Sơn đã bắt được Huỳnh Đăng Lộc và Nguyễn Thị Gái, chiều 27 tháng Chạp, 2 đối tượng được dẫn giải về đến trại giam Công an tỉnh an toàn...

Việc truy bắt Phạm Hoài Nam (1981) ở phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn phạm tội cướp tài sản cũng là một thành tích của phòng Cảnh sát hình sự - nay là phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội- rất đáng được ghi nhận. Tên Nam từ Quy Nhơn lên xã Phước An (Tuy Phước) gây ra vụ cướp nghiêm trọng và bỏ trốn ngay sau đó. Quá trình điều tra, các đơn vị chức năng xác định Phạm Hoài Nam là thủ phạm gây ra vụ án trên. Tuy nhiên lúc này y như bóng chim tăm cá, ngay trong gia đình và người thân của y cũng không ai xác định được y đang lẩn trốn tại đâu! Lệnh truy nã đặc biệt được phát ra và mặc dù giáp Tết, công việc bề bộn nhưng trinh sát PC14 vẫn quyết tâm bắt bằng được tên cướp trước đêm giao thừa. Để thực hiện được quyết tâm này các anh đã sử dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Kết quả chiều 29 Tết, Phạm Hoài Nam bị bắt. Đưa tên tội phạm nguy hiểm vào trại xong, các anh lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ mới. Cuộc sống bình yên của mọi người, nhất là trong những ngày thiêng liêng này, đang cần sự có mặt của các anh...

2. Cùng với việc xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh truy lùng đối tượng truy nã, Công an tỉnh còn tiến hành các biện pháp vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú thông qua các mối quan hệ thân thuộc của đối tượng. Bằng các biện pháp như gửi thư, trực tiếp gặp gỡ gia đình các đối tượng giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với đối tượng phạm tội ra tự thú, khuyên nhủ, hướng dẫn họ vận động con em ra đầu thú. "Mưa dầm thấm lâu", sự kiên trì của các anh cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thể và nhân dân, năm 2004 có 7 đối tượng đã từ trong bóng tối tìm đường ra chỗ sáng. Trong đó có Nguyễn Thanh An - đối tượng thuộc diện truy nã đặc biệt nguy hiểm. Tháng 4 đến tháng 6 -1995, Nguyễn Thanh An - quê ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát), có hộ khẩu thường trú tại TP Nha Trang - đã cấu kết cùng Tống Văn Ngọc (SN 1972), quê ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa giết chết anh Dương Mộng Hoàng chạy xe Honda thồ ở thị trấn Phù Mỹ để cướp tài sản, tiền bạc. Sau hơn 8 tháng lần theo dấu vết của bọn tội phạm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày 1-2-1996, tại Cam Ranh, Công an tỉnh Bình Định đã bắt giữ Tống Văn Ngọc, làm rõ diễn biến vụ giết người cướp tài sản nói trên. Và, tên Ngọc đã bị Tòa án tỉnh Bình Định tuyên phạt tử hình, nhưng sau đó y làm đơn xin tha tội chết và được Chủ tịch nước chấp nhận. Riêng Nguyễn Thanh An, sau khi chia nhau với tên Ngọc số tiền và tài sản cướp được của anh Dương Mộng Hoàng, y đã trốn khỏi địa phương. Ngày 8-2-1996, Công an tỉnh Bình Định ra lệnh truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Thanh An và từ đó đến nay trinh sát phòng PC14 vừa kiên trì xác minh truy tìm, vừa vận động, thuyết phục gia đình tác động y ra đầu thú. Hàng năm, Công an tỉnh đều gửi thư vận động đến gia đình tên An để có dịp họ chuyển cho y. Nhưng gần 9 năm qua, Nguyễn Thanh An trốn hết nơi này đến nơi khác, không dám về lại địa phương. Đến tháng 5-2004, Nguyễn Thanh An lẻn về thăm nhà và mẹ y đã 80 tuổi đưa cho y lá thư của Công an tỉnh Bình Định, khuyên y nên ra đầu thú. Sau ba tháng nghiền ngẫm nội dung lá thư, cuối cùng Nguyễn Thanh An quyết định ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

3. Công tác truy lùng tội phạm được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi và đôi khi cả máu của cán bộ, chiến sĩ công an. Với bản chất ngoan cố, không ít tên tội phạm trong số gây án bỏ trốn đã thay đổi họ tên, tạo vỏ bọc là người lương thiện, sống lẫn lộn với mọi người và khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả để tiếp tục trốn chạy. Bởi vậy, những con số thống kê số đối tượng bị bắt, đầu thú và thanh loại tưởng như khô khan ấy nhưng lại chứa đựng bao nỗi gian lao vất vả cùng những niềm vui, nỗi trăn trở lo lắng của các chiến sĩ truy lùng tội phạm. Kết thúc năm 2004, Bình Định hiện còn 138 đối tượng truy nã, trong đó 18 đối tượng thuộc diện nguy hiểm chưa bị sa lưới pháp luật. Vì vậy, cuộc truy lùng đầy gian khổ, hiểm nguy đang còn tiếp diễn. Và các anh luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường khi có lệnh...

. Mai Linh Giang

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/01/2005)
Câu lạc bộ Bình Định nguyệt san   (29/12/2004)
Vụ án trong quán cà phê và tên cướp mới ra tù   (29/12/2004)
Santa Claus: Hình tượng cho cuộc sống của tình yêu thương   (29/12/2004)
Thợ cắt tóc   (29/12/2004)
Vài phút với ông đồ thời @   (29/12/2004)
Chuyện của Bá Thạch   (29/12/2004)
Đường ra trận xanh mát hồn thơ   (29/12/2004)
Thơ   (29/12/2004)
Chuyện kể của người thuyền phó tàu không số   (29/12/2004)
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu: Những người chữa bệnh bằng đôi tay   (29/12/2004)
Những quán cà phê tình ở Quy Nhơn   (29/12/2004)
Nơi ươm mầm hy vọngcho con em bệnh nhân phong   (29/12/2004)
Vui buồn đời thợ xây...   (29/12/2004)
Nghề "thả chà" đánh bắt cá   (29/12/2004)