Các nhà lãnh đạo trên thế giới coi nhiệm kỳ II của Bush như cơ hội cho một sự khởi đầu ngoại giao mới. Nhưng, vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy 4 năm trước mắt còn vô khối cái giống với 4 năm vừa qua.
|
Người ta vẫn hoài nghi bất kỳ một sự thay đổi nào của Tổng thống Bush trong nhiệm kỳ II |
Nhà Trắng cũng muốn thế giới nhìn nhận nhiệm kỳ II của chính quyền Bush như một sự khởi đầu mới, với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử đằng sau và cả một chương trình ngoại giao "hoành tráng’’ ở phía trước. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng rằng, phần còn lại của thế giới hy vọng nhiều vào một sự đổi thay trong nhiệm kỳ II của chính quyền Bush. Thực tế, căn cứ vào những bình luận của một số trợ lý thân cận với ông Bush, người ta vẫn tỏ ra lưỡng lự khi nhận xét về bất kỳ thay đổi nào có thể sẽ xảy ra trong 4 năm tới- xét trên phương diện chính sách ngoại giao.
Hãy nhìn vào chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Bush kể từ khi tái đắc cử. Chuyến đi châu Âu đã bị "đẽo gọt" xuống còn có vẻn vẹn 3 ngày - tại Brussels gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu; sau đó sang Mainz hội kiến với Thủ tướng Đức Gerhard Schroder; và điểm dừng chân cuối là Bratislava (Slovakia), cùng với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Cái một thời được coi là "bài diễn tập dài" trong việc "dựng cầu nối ngoại giao" giờ đây đã trở thành cơ hội làm ăn. Điều đó chắc hẳn tốt cho vị Tổng thống "đề cao kết quả cuối cùng" - người chẳng mảy may quan tâm tới ngắm cảnh hay dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước. Nhưng, nó có vẻ như thời gian thỏa hiệp với những "đồng minh cứng đầu" đang dần bị rút ngắn. Với hơi ấm của cuộc bầu cử sau lưng, ông Bush không quan tâm lắm tới những chỉ trích năm ngoái rằng, ông này đã "phí phạm" những đồng minh châu Mỹ.
Không giống thái độ "cứng rắn và quân phiệt" khi tuyên bố tấn công Iraq bất chấp sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, cuối năm ngoái, Nhà Trắng đã chuyển giọng mềm dẻo hơn khi xảy ra vụ ngược đãi tù nhân Iraq Abu Ghraib và cần sự ủng hộ của LHQ đối với cuộc bầu cử tại Iraq. Và những điều sắp tới có thể sẽ không đủ để xoa dịu những đồng minh "đã bị tổn thương".
Được hỏi liệu chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ II có gì mới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Andy Card cho biết: "Bạn ám chỉ Tổng thống phần nào sẽ thành một con bướm khác khi ra khỏi kén vào 20-1-2005 so với cùng ngày này 4 năm trước. Ông ấy vẫn là một con bướm đẹp đang bay vòng quanh. Tuy nhiên, các thời điểm đều khác nhau. Những thách thức đều khác nhau. Và một số tính cách cũng khác nhau. Vì những lý do đó, các mối quan hệ sẽ thay đổi".
Điều đó không hoàn toàn ám chỉ một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Bush ở nhiệm kỳ II này hoặc "một sự cải thiện lớn" theo cách nói của Thượng nghị sĩ Joe Biden - Nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Tân Ngoại trưởng Rice vẫn bảo vệ quan điểm cứng rắn của mình cho dù nhiều cá nhân quan chức Mỹ thừa nhận, 4 năm qua, chính quyền Bush đã mắc không ít sai lầm. Điều đó chắc hẳn không báo trước một sự khởi đầu êm đẹp đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài, những người muốn Mỹ thừa nhận một số sai lầm trong quá khứ. Họ mong đợi được "làm việc" với một chính quyền Bush "tử tế hơn và mềm mỏng hơn".
Đề cập tới vụ scandal Abu Ghraib và việc thả tù binh ở Guantanamo, bà Rice tuyên bố thẳng thừng: "Chúng tôi không muốn chu cấp cho những người không hoặc không muốn hưởng sự bảo vệ. Và Công ước Geneva không nên đem áp dụng đối với những kẻ khủng bố như Al Qaeda...".
Xét về mặt tích cực, Nhà Trắng có thể sẽ hâm nóng các mối quan hệ cá nhân mà ông Bush đã thiết lập với một số nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Thủ tướng Anh Tony Blair và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi. Và có thể ông Bush sẽ đưa ra hàng loạt sáng kiến mềm mỏng hơn về các vấn đề của thế giới. Cụ thể, ông Bush sẽ cam kết tăng viện trợ cho cuộc chiến chống HIV/AIDS và tham gia tích cực vào cái gọi là "Trách nhiệm thách thức thiên niên kỷ đối với các nước đang phát triển".
"Bạn sẽ thấy Mỹ và Pháp ở hai phía khác nhau trong vấn đề Iraq, song lại cùng một phía trong cuộc chiến chống AIDS hoặc bạn sẽ thấy Thụy Điển rất quan tâm tới Tòa án Tội phạm quốc tế, nhưng chúng tôi có cùng mối quan tâm tạo ra những cơ hội kinh tế thông qua Trách nhiệm thách thức thiên niên kỷ", ông Card đánh giá.
Ngoài Iraq, cánh cửa thay đổi thực sự sẽ mở ra trong mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine khi Tổng thống Yasir Arafat từ trần và Thủ tướng Ariel Sharon bắt đầu thực hiện kế hoạch rút khỏi Gaza. Hiện, ông Bush đang dần tìm được "tiếng nói chung" với người kế nhiệm nhà lãnh đạo Palestine. Như vậy, sẽ có chỗ cho một sự khởi đầu mới ở Trung Đông bất chấp ông Bush có thay đổi giọng điệu "trên sân khấu thế giới" hay không?
. H.S (Biên soạn) |