Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sắp kết thúc và khi thanh thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời) ngày càng cao trên trường quốc tế thì tình hình chính trị, quân sự và nhất là lĩnh vực ngoại giao càng diễn ra phức tạp.
|
Họp bàn kế hoạch giải phóng Quy Nhơn |
Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng trắng trợn xuyên tạc sự thật. Để giúp cộng đồng thế giới hiểu được thực chất cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, Chính phủ Cách mạng lâm thời chủ trương sẵn sàng mở cửa đón các đoàn nhà báo quốc tế đến thăm vùng giải phóng. Nhiều nhà báo quốc tế như: nữ ký giả Pháp Michèle Ray của tờ Le Nouvel Observateur, James Markham của tờ New York Times, Charles Benoit của hãng truyền hình CBS Mỹ, Komori - phóng viên một tờ báo lớn của Nhật Bản… đã được tận mắt chứng kiến. Ấn tượng chung nhất về các đoàn nhà báo này là lòng dũng cảm, sự xông xáo và trung thực, dù bị "trói tay, bịt mắt, cắt lưỡi" vẫn nói lên sự thật - đúng như James Markham đã viết. Tôi đã may mắn được gặp họ.
* Mong manh ranh giới
Khi Hiệp định Paris (1973) sắp được ký kết, ta quyết tâm "chiếm đất, cắm cờ, giành dân" còn địch thì hung hăng tuyên bố sẽ "tràn ngập lãnh thổ". Trên chiến trường Bình Định lúc bấy giờ có nhiều điểm nóng, nhưng sôi sục nhất vẫn là địa bàn Hoài Nhơn. Vào khoảng tháng 9-1972, Nguyễn Văn Thiệu - tổng thống ngụy quyền Sài Gòn - lại có mặt tại Bồng Sơn, Tam Quan, trực tiếp ra lệnh cho sư đoàn 22 phải tái chiếm khu vực Quy Thuận, thu hồi cho được chiếc chuông đồng khổng lồ, một di sản văn hóa quý giá vào loại có một không hai trong nhà thờ Gia Hựu để "làm quà" cho Hội nghị Paris. Thế là trung bình mỗi ngày Mỹ - ngụy bắn xuống thôn Quy Thuận trên 2.000 quả pháo, thường xuyên có 12-18 xe tăng, xe bọc thép chi viện cùng với hàng chục máy bay yểm trợ ròng rã suốt 3 tháng liền nhưng địch vẫn không sao đặt chân được đến vùng đất thánh này, đã vậy còn tổn thất trên 2.000 tên lính, 38 xe tăng… Giữa lúc trên khắp các chiến trường ta đang đánh lớn và thắng lớn thì lãnh đạo Bình Định lại nhận được một bức điện "mật" của đồng chí Võ Đông Giang - Trưởng phái đoàn Liên hiệp Quân sự bốn bên của ta tại Sài Gòn: "9 giờ sáng Chủ nhật ngày 15-9-1972 có hai nhà báo Mỹ đến Bình Định. Ta đón tại ngã ba, trên trục lộ số 1, cách quận lỵ Bồng Sơn 7 km về phiùa Bắc. Họ ngồi bên lề đường, cầm quạt giấy phất phất ba cái; ta cầm khăn mùi soa màu trắng đưa lên ngang tầm mắt cũng vẫy lại ba cái. Khi bắt đúng tín hiệu rồi mới được đưa đi". Lúc bấy giờ, ta và địch cùng tồn tại trong thế "cài răng lược", hay nói cách khác là ranh giới giữa hai vùng rất mong manh…
* Các nhà báo quốc tế đối diện sự thật
Tôi được phân công vào vùng địch tạm kiểm soát đón hai nhà báo quốc tế. Là cán bộ hoạt động ở chiến trường, vốn ngoại ngữ không nhiều, kinh nghiệm tiếp xúc, làm việc với nhà báo nước ngoài còn ít nên tôi rất lo, nhưng đã là "lệnh" thì phải thi hành. Chúng tôi đến điểm hẹn trước giờ "G", nên phải đợi thêm chừng 30 phút trong không khí hồi hộp, căng thẳng mới thấy hai người nước ngoài từ trên ô tô bước xuống. Khi cùng nhận ra tín hiệu, cả hai đều gật đầu "OK" và leo ngay lên chiếc Honda đang nổ máy đợi sẵn. Nhưng chạy mới non cây số thì lính ngụy chốt trên núi Hòn Đền xả súng bắn theo, tất cả phải ném xe nhảy ào xuống ruộng tránh đạn, đợi cho màn đêm buông xuống mới di chuyển tiếp. Hai nhà báo này một của tờ New York Times tên là James Markham và một là Charles Benoit của hãng truyền hình CBS Mỹ và đã từng làm báo ở Sài Gòn, nói tiếng Việt rất sõi. Hai người đều dạn dĩ và rất cởi mở với chúng tôi. Là những phóng viên mặt trận, họ quen lùng sục khắp nơi, nhất là thích đến các điểm nóng - nơi vừa xảy ra chiến sự - như xung quanh khu vực Đồi Mười, cấm Hang Dơi, Chợ Cát, thôn Quy Thuận… Tới đâu họ cũng chứng kiến tư thế sẵn sàng chiến đấu của bộ đội và dân quân du kích với tinh thần quyết tâm đánh trả mọi âm mưu, hành động liều lĩnh của Mỹ - ngụy phá hoại hiệp định ngừng bắn.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, lại có thêm nhiều đoàn nhà báo quốc tế đến huyện Hoài Nhơn, trong số đó có Komori - phóng viên một tờ báo lớn của Nhật Bản -để tìm hiểu thực chất bên nào phá hoại hiệp định; cái Tết diễn ra ở vùng giải phóng ra sao khi lệnh ngừng bắn ban hành. Và, ông đã được chứng kiến lính ngụy Sài Gòn càn quét, lấn chiếm, đốt nhà dân… Chính Komori cũng đã tiếp xúc một đơn vị quân đội Sài Gòn mặc thường phục, không mang vũ khí được Chính phủ Cách mạng lâm thời cho phép về quê ăn Tết với gia đình và người thân. Đoàn vô tuyến truyền hình CBS Mỹ cũng đã đến vùng giải phóng, xin ở lại làm việc trong ba ngày đêm, được lãnh đạo cấp cao và Ban Nghiên cứu hiệp định của tỉnh tiếp xúc, làm việc. Ống kính của họ đã ghi được rất nhiều hình ảnh sống động - phía Hoa Kỳ và ngụy quyền Sài Gòn dù lớn tiếng, to mồm đến mấy cũng không dễ gì có thể phủ nhận được sự thật.
Tất cả các đoàn nhà báo quốc tế đến vùng giải phóng Bắc Bình Định đều được đón tiếp tận tình và chu đáo. Sau khi rời vùng giải phóng, đoàn nào cũng mang theo những ấn tượng tốt đẹp. Trước đó, Michèle Ray - nữ ký giả của tờ Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới) từ người "không mời" đã nhanh chóng trở thành "thượng khách" - bà được đáp ứng mọi nhu cầu, kể cả sinh hoạt cá nhân. Sau ngày về nước, Michèle Ray đã viết một cuốn sách mang tựa đề "Từ hai bờ địa ngục". Bà không tiếc lời ca ngợi các chiến sĩ cách mạng, kể cả những người bình thường ở vùng giải phóng, và khẳng định: "Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng theo Việt Cộng". Thời gian đã gần bốn mươi năm trôi qua, bây giờ, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm với các nhà báo quốc tế mà mình đã có dịp gặp, làm việc trên quê hương Bình Định trong những năm chống Mỹ, tôi vẫn khâm phục sự dũng cảm, xông xáo và trung thực của họ.
* Vài mẩu chuyện vui
Hôm vào vùng địch kiểm soát đón hai nhà báo Mỹ, chúng tôi thuộc nằm lòng nội dung bức điện mật "Họ ngồi bên lề đường, cầm quạt giấy phất phất ba cái…". Nhưng có lẽ do đến quá muộn nên phần vì nắng nóng, phần vì đường xa, hai ông đều phờ phạc lăn kềnh ra bãi cỏ, phanh ngực, cầm quạt quạt lia lịa không biết bao nhiêu cái. Vì "bán tín, bán nghi" chúng tôi phải tiến sát lại giả vờ xin thuốc lá để xác định đối tượng rồi mới rút khăn mùi soa ra vẫy ba cái. Thế là họ vồ tôi ôm thật chặt, áp bộ râu quai nón và phả hơi thở vào mặt tôi nóng hổi. Tôi hoảng quá, chưa biết điều gì diễn ra, thì một trong hai ông chỉ tay lên núi và giục "go go".
Lúc bấy giờ, tâm lý chung của đông đảo cán bộ và nhân dân nghe có các đoàn nhà báo quốc tế đến thăm, mọi người đều náo nức. Một hôm, các vị lãnh đạo tranh thủ đến thăm đoàn vô tuyến truyền hình CBS Mỹ tại xã Hoài Châu. Trong khi ta chuẩn bị nghiêm túc, đúng nghi thức ngoại giao bao nhiêu thì đoàn vô tuyến truyền hình CBS luộm thuộm, nhếch nhác bấy nhiêu - họ mặc áo lót, quần đùi, thậm chí cả quần bò mà không kéo fermatur.
Nữ ký giả Pháp Michèle Ray đến Bắc Bình Định trong thời điểm cực kỳ ác liệt - khắp vùng giải phóng bị bom cày, đạn xới, biết tìm đâu ra một cái toilet dành riêng cho phụ nữ? Ông N.Đ. - người được cử làm thông dịch cho Michèle Ray, kể lại: "Khổ nỗi, cô ta không chịu tắm ban đêm trong ánh đèn dầu mù mờ dưới tầm đại bác của địch, mà chỉ tắm vào buổi chiều, bên gốc dừa, ngoài góc vườn với điều kiện không ai được nhìn. Riêng tôi là thông dịch viên, được kiêm thêm nhiệm vụ xách nước cho Michèle Ray tắm, vì bị cận thị nặng, khỏi mang kính đen nên có lần tôi tình cờ trông thấy nữ ký giả trong trang phục nàng Eva - quả thật cô ấy đẹp như tượng thần Vệ Nữ".
. Lê Thanh Sơn |