Bình Định nằm ở một vị thế địa lý quan trọng có tầm chiến lược. Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Định vừa là hậu cứ của phong trào địch hậu Đông - Bắc các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, vừa là căn cứ của các cơ quan Liên Khu ủy V và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Trung bộ.
|
: Phác thảo tượng đài kỷ niệm ngày tập kết ra Bắc của KTS Nguyễn Xuân Tiên |
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, lệnh đình chiến có hiệu lực, Bình Định vẫn là tỉnh tự do, do ta quản lý và là khu vực 300 ngày chuyển quân tập kết. Cảng Quy Nhơn là địa điểm duy nhất đưa các lực lượng vũ trang và chính trị ở các tỉnh Liên khu V ra Bắc. Đây là một dấu ấn lịch sử quan trọng của quân và dân khu V trong kháng chiến chống Mỹ.
Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày chuyến tàu chuyển quân tập kết cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn (16-5-1955 - 16-5-2005), Sở Văn hóa Thông tin đã mời một số đồng chí cách mạng lão thành nguyên là lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan họp bàn việc xây dựng Bia kỷ niệm và khảo sát chọn địa điểm xây dựng, trình Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương và đưa vào kế hoạch đầu tư.
Vừa qua, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin đã mời kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Xuân Tiên - giảng viên Trường đại học Mỹ thuật và KTS Lâm Quang Nới - Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh - phác thảo hai biểu tượng kỷ niệm cuộc chuyển quân tập hết 300 ngày đêm trên bãi biển Quy Nhơn.
Chủ đề tư tưởng của công trình lịch sử trên là "Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập". Tập kết các lực lượng vũ trang, chính trị ra Bắc là nội dung chủ yếu của thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và là công tác lớn, rất quan trọng của Liên khu V. Toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn là cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, con em cán bộ và học sinh lần lượt xuống tàu tập kết ra Bắc. Đây là cuộc chia ly vì nghĩa lớn thiêng liêng, cao cả nhưng cũng hết sức cảm động. Cảnh con tiễn cha, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng trong những ngày sôi động ấy đã hằn sâu trong tiềm thức của cả một thế hệ, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam và là một nhu cầu chiến lược về nhân sự cốt cán cho đất nước sau này. Đặc biệt là cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập và tự do cho dân tộc.
Bia kỷ niệm cuộc tập kết ra Bắc tại bãi biển Quy Nhơn được hai tác giả Nguyễn Xuân Tiên và Lâm Quang Nới xây dựng như một biểu tượng về một đài vinh quang chiến thắng, trên đó ghi nhận một cách chân thực về tình cảm con người trước lúc chia tay người thân, gia đình và bạn bè để đi xa vì sự nghiệp cách mạng. Ngày 6-1-2005 Sở Văn hóa Thông tin tổ chức họp duyệt ý tưởng phác thảo trình Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Xây dựng Bia di tích cuộc tập kết tại bãi biển Quy Nhơn nhằm ghi lại một sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam. Nó còn là bài học lịch sử trực quan sinh động để giáo dục một cách tốt nhất lòng yêu nước, tinh thần dân tộc son sắt cho các thế hệ mai sau. Đồng thời đây cũng là niềm tự hào của quê hương Bình Định, nơi diễn ra sự kiện vô cùng to lớn ấy của đất nước.
. Nguyễn Thanh Quang |