Có thể bạn chưa biết đến địa danh Hầm Hô, nhưng bạn không thể không biết đến người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, một trong 3 anh em Nhà Tây Sơn đã từng vào Nam diệt tan quân Xiêm La, dậy lửa trận Rạch Gầm - Xoài Mút; thần tốc ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh, thống nhất cõi bờ, với lời hiệu triệu làm nức lòng người: "Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc sơn hà chi hữu chủ…"
|
Du lịch Hầm Hô |
Năm ngoái, cả nước tưng bừng kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Đống Đa (1789-2004) tại Thủ đô Hà Nội và tại huyện Tây Sơn - quê hương của 3 anh em Nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ… Tết năm nay chúng ta lại hành hương về Hầm Hô - một trong những căn cứ địa của nghĩa binh Tây Sơn. Cùng với các địa danh khác như vùng An Khê - Tây Sơn thượng đạo, Cây me, Giếng nước ở Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong - Tây Sơn hạ đạo, đầm Thị Nại - nơi thủy binh Tây Sơn tập trận và xuất quân thần tốc ra Bắc vào Nam; những cái tên như Phú Xuân, gò Đống Đa… đã gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân cuối thế kỷ 18.
Cách thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn chừng 7 cây số về hướng Tây Nam, Hầm Hô là một dải liên hoàn bậc thang gồm: suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài hơn 1.000 mét. Toàn cảnh non xanh nước biếc Hầm Hô hiện ra còn nguyên nét hoang sơ kỳ ảo, mờ trong sương núi đôi bờ - thuộc khu vực hạ lưu của con sông Kút - đứa con sinh đôi của dòng sông Kôn một thời binh đao, xào xạc dâu xanh và cát trắng. Vùng đất Hầm Hô trở thành huyền thoại từ chính cái tên của mình.
Tương truyền rằng: Cách đây hàng ngàn năm, ở vùng hạ lưu 2 con sông Kôn và sông Kút luôn bị hạn hán đe dọa, cuộc sống của các bộ tộc ven 2 sườn núi còn lệ thuộc vào sự bảo hộ của thần linh để tránh khỏi những con "ma đói" và "ma khát". Vào một năm hạn hán xảy ra khốc liệt nhất, đe dọa thảm họa đói, khát của các buôn làng. Đêm ấy, những tiếng gầm rú kinh hồn vang lên dọc theo triền núi, như vừa hô hoán kêu xin, vừa trách móc thảm thiết đến tận Thiên đình. Thế là "Thần Mưa" đã hiện ra tạo sông, tạo suối, cứu vớt bao sinh linh, hình thành cả một vùng hạ du 2 con sông nối Tây Nguyên và biển Đông. Hai tiếng "Hầm Hô" phải chăng bắt nguồn từ lễ tế thần linh: "hô phong - hoán vũ" tự ngàn xưa. Ngày nay, ngành Khí tượng Thủy văn đã chứng minh được những tiếng gầm rú kinh hồn từ truyền thuyết là có thật! Đó chính là những âm thanh tạo nên của 2 luồng: gió mùa Đông Bắc và gió Nồm từ biển vào gặp nhau qua các truông núi dựng đứng, len lỏi qua khe đá lồi lõm, hang núi đen ngòm, đem khí lạnh từ cao nguyên về, báo hiệu: những cơn mưa cuối Thu đến rồi đó.
Hành hương về Hầm Hô năm nay, chúng ta xuất phát từ Bảo tàng Quang Trung bên bờ Bắc sông Kôn, thắp hương tưởng niệm tại Điện thờ 3 anh em Nhà Tây Sơn và các tướng lĩnh của đội quân bách chiến bách thắng này, tham quan Bảo tàng Quang Trung với một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc: Đàng Trong, Đàng Ngoài, Trịnh - Nguyễn phân tranh, phong trào Tây Sơn dấy lên đã giải quyết được thù trong, giặc ngoài, thống nhất giang san về một cõi. Đoàn hành hương được xem biểu diễn trống trận Quang Trung với những âm thanh tái diễn khí thế xuất quân hào hùng, xung trận thần kỳ và khải hoàn chiến thắng của một đạo quân ra trận dưới ngọn cờ hiệu triệu của phong trào nông dân; được xem biểu diễn võ thuật Tây Sơn. Nghệ thuật và văn hóa Tây Sơn đã tái hiện trang sử, cuộc sống và chiến đấu của một thời chinh chiến và thanh bình. Đoàn hành hương qua cầu Kiên Mỹ. Con đường độc đạo đã được bê tông hóa qua các làng quê, và… chưa đầy 20 phút ô tô sẽ đưa ta đến "Hòn Bóng" với "Bãi Đá Chùm" - nơi có miếu thờ Tiên Hiền do người dân bản xứ tạo lập khi Hầm Hô còn là căn cứ địa cách mạng thời chống Mỹ.
Tua du lịch thắng cảnh Hầm Hô bắt đầu từ đây. Đoàn hành hương được ngồi trên những chiếc thuyền nan, len qua những con lạch nhỏ nước trong vắt lặng lờ, hai bên bờ đầy cây cỏ hoang sơ, điểm xuyết những khóm hoa tím biếc, để đến với những gì kỳ vỹ nhất của Hầm Hô. Thuyền đi đến "Vũng Trâu Nằm" sau 2 tiếng đồng hồ phải dừng lại. Trước mặt là thác "Bóng Trăng" ầm ào tung nước trắng xóa một vùng! Từ vị trí này toàn cảnh Hầm Hô hiện ra: có đủ chim trời, cá nước, thác vực điệp trùng. Đoàn hành hương có thể cắm trại trên những "lưng trâu" nổi trên mặt nước - Đó là những tảng đá khổng lồ, được thời gian và nước lũ bào mòn nhẵn thín. Tại đây, lửa hồng được nhen lên, du khách có thể thưởng thức hương vị của ốc đá luộc- mắm gừng, cá đối nướng xiên- những sản vật độc đáo mà chỉ có Hầm Hô mới ban tặng được từ trong lòng mình, và không thể thiếu chất men cay truyền thống của rượu Bàu Đá, chất men một thời dậy mùi chiến thắng của nghĩa binh Tây Sơn. Nếu cuộc hành trình được tiếp tục, du khách phải đi bộ suốt một ngày, trèo đá, vượt thác, men theo những đường mòn hoang sơ của thú rừng để lại tự ngàn xưa dọc theo 2 bờ sông Kút để lên đến "Thác Dốc", "Hòn Trào". Ở đây, qua một đêm ngủ trong "vườn Địa đàng", sáng hôm sau du khách sẽ đón những tia nắng bình minh xuyên qua kẽ lá, phản chiếu trên mặt nước Hầm Hô giữa muôn vàn âm thanh ríu rít của tiếng chim muông hòa vào không gian huyền bí.
Khi Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn phát tổ máy đầu tiên từ thượng nguồn sông Kút, sông Kôn, quê hương Quang Trung - Tây Sơn được phủ điện lưới quốc gia, ngành Du lịch Bình Định - Tây Sơn như được chắp cánh. Vùng non nước Hầm Hô như được đánh thức dậy bởi hàng ngàn du khách đổ về đây khi con nước mùa xuân bắt đầu lặng lờ một dải. Có thể nói, về Hầm Hô- Tây Sơn không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp một thắng cảnh còn nguyên sơ kỳ thú của một vùng "địa linh nhân kiệt", mà chúng ta còn được soi mình trong dòng lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng, tiêu biểu trên đất Tây Sơn này.
"Cây me cũ, Bến Trầu xưa,
Không nên tình nghĩa… thì cũng đón đưa cho trọn niềm".
Cây me trồng trong sân nhà anh em Tây Sơn đã hơn 300 tuổi, Bến Trường Trầu ngày ấy… là những gì tiêu biểu nhất của vùng đất Tây Sơn. Và, Hầm Hô chắc chắn cũng vậy. Câu ca cứ văng vẳng đâu đây như thúc giục chúng ta: Xuân này về với Hầm Hô.
. Văn Thuận |