Nhà thơ "Thưa mẹ, Trái tim"- Chuyện bây giờ mới kể
15:38', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Khi còn là học sinh cấp ba ở Quảng Bình, một đêm khuya ở làng cát Thượng Luật, tôi nghe Đài phát thanh Giải Phóng ngâm bài thơ "Thưa mẹ, Trái tim" của Trần Quang Long với tất cả niềm xúc động sâu sắc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết nhà thơ mới 25 tuổi đã có những câu thơ gan ruột, nổ vang như súng trận:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc

Con sẽ mài thơ như kiếm sắc

Chặt đầu văn nghệ tay sai

... Nếu thơ con bất lực

Con xin nguyện trọn đời

Dùng chính quả tim làm trái phá

Sống chết một lần thôi!

Nhà thơ Trần Quang Long - ảnh chụp năm 1965

Thơ Trần Quang Long ám ảnh tôi từ đó. Những năm sau này ở Huế, tôi luôn tìm hiểu về đời và thơ Trần Quang Long để yêu thêm nhà thơ tài hoa, mệnh yểu này. Ở Huế hiện còn nhiều người thân và bạn bè của anh Long như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Đắc Xuân,… Đặc biệt là vợ chồng anh Nguyễn Hữu Ngô - Trần Thị Kiên Trinh. Họa sĩ Nguyễn Hữu Ngô vừa là bạn rất thân, vừa là em rể của Long, anh từng làm biên tập viên ở Đài phát thanh Giải Phóng, người đã từng đưa thơ Trần Quang Long lên sóng phát thanh thuở ấy. Còn chị Trần Thị Kiên Trinh là em thứ 12 trong số 18 người con của ông Trần Quang Minh (Long là con thứ 5, sinh ngày 6-2-1941). Ông Minh thường đặt tên tất cả con gái của mình là "Liên". Riêng cô em này, Long đã xin phép cha được đặt tên khai sinh. Cái tên Kiên Trinh đặt cho em gái chính là lời nguyện của Long trước con đường đã chọn: Con đường dấn thân vì sự tồn vong của Tổ quốc!

Trần Quang Long làm thơ từ năm 17 tuổi, khi anh học lớp đệ nhất (lớp 12) Trường Quốc học Huế. Những bài thơ "học trò" lúc ấy đã chứng tỏ khả năng thơ tinh tế, bẩm sinh của Long: "Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…" hay "Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều…" (Nghiêng nón). Đó là bài thơ được chép vào sổ tay của rất nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh. Đọc địa danh và ngày tháng ghi dưới các bài thơ Long làm trong năm 1963, khi đang học đại học, tôi thấy Trần Quang Long giang hồ suốt từ Huế, vô Quy Nhơn, Tuy Hòa, Vũng Tàu, Sài Gòn…

Những năm 1960-1962, trong thơ học trò của Trần Quang Long đã xuất hiện những hình ảnh nhận chân thời cuộc: Ừ thôi em ở lại/ Còn gì nữa mà mong/ Quê hương mình điêu đứng/ Nhạt phai những má hồng… Học ở Đại học Sư phạm, mới năm đầu Long đã thể hiện ý thức phản kháng. Các năm từ 1963-1968 thật sự là giai đoạn dấn thân quyết liệt cho tranh đấu, cho thơ của Trần Quang Long. Chỉ hơn 5 năm ngắn ngủi, nhưng là 5 năm rực sáng trên vòm trời của tuổi trẻ miền Nam "xuống đường", của "ngôi sao" Trần Quang Long! Anh làm thơ, đấu tranh, diễn thuyết, ra sách báo, bị bắt tù, thả ra lại đấu tranh, rồi vào chiến khu… trải hết niềm vui, nỗi đau của người chiến sĩ! Đêm Phật Đản 1963 dù không theo đạo Phật nhưng Long cũng dắt một người bạn gái xuống bờ sông Hương xem thả đèn. Đến đầu cầu Trường Tiền, chứng kiến cảnh lính Ngô Đình Diệm dùng xe tăng, lựu đạn đàn áp dã man tín đồ Phật giáo, thế là Long sát cánh cùng lực lượng sinh viên Phật tử đấu tranh chống Diệm từ đó! Anh là sáng lập viên Ban vận động phong trào sinh viên, học sinh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm; phụ trách báo chí của Tổng Hội Sinh viên Huế, chủ trương ra tạp chí "Đất mới", sáng lập "Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng" và mở "Quán bạn Huế", nơi lui tới của sinh viên, học sinh Huế. Thực chất đây là các tổ chức chính trị của sinh viên chống âm mưu của Mỹ - ngụy ru ngủ thanh niên. Tháng 8-1963, Trần Quang Long bị chính quyền Diệm bắt bỏ tù. Khi Long bị giam ở Huế có một mục sư thân chính quyền ngụy đến nhà giam đề nghị anh ký vào tờ cam đoan để được bảo lãnh về với gia đình. Trong tờ cam đoan có câu "… chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…", thế là Long từ chối ký tên, nói diễu cợt: "Bạn bè ở tù hết, về trước một mình chơi với ai! ". Đến cuối năm, khi Diệm bị giết, anh mới được thả. Ra tù, anh tiếp tục ra các tờ báo và biên tập các tập thơ "Sinh viên Huế", "Đất mới", "Dân" (1964). Anh Nguyễn Hữu Ngô kể, có lần ra Quảng Trị, Long đã đến đầu cầu Hiền Lương, đăm đắm nhìn lá cờ Tổ quốc to lớn bay trên đỉnh cột cờ bờ Bắc. Anh vội bảo anh Ngô chụp cho tấm ảnh mình đang đứng dưới bóng cờ đỏ sao vàng ở bên kia giới tuyến!

Năm 1964, khi sắp tốt nghiệp đại học, Long lại bị ngụy quyền bắt bỏ tù lần nữa vì bài thơ "Hồi kết cuộc" đăng trên tờ báo Dân số 3 với bút danh Cao Trần Vũ. Bài thơ phản đối việc "triển lãm xác Việt Cộng" mà tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I ngụy tổ chức. "Những tử thi ngổn ngang/Không còn nhìn ra mặt/ Cũng không có áo quần/ Nằm chung một dải đất/ Nghèo đói và lầm than/ Bà mẹ già chống gậy/ Nước mắt chảy hai hàng…". Bọn địch cho rằng, tác giả bài thơ "Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Việt Cộng", nên bắt giam Long. Cả nhà hoảng hốt vì nếu Long bị tù dài ngày, thì không thể thi tốt nghiệp đại học được. Anh Nguyễn Hữu Ngô cho biết, lúc ấy gia đình phải bán một ngôi nhà mới đủ tiền để "chạy" cho Long trắng án! Năm 1965, Trần Quang Long chính thức gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên-Học sinh-Sinh viên Giải phóng Trung Trung Bộ. Anh được đưa vào vùng giải phóng Điện Bàn, Quảng Nam tập huấn một thời gian.

Cuối năm 1965, tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long được bổ vào dạy học tại Trường Trung học Cường Để - Quy Nhơn (nay là Trường THPT Quốc học). Tại đây, anh vừa dạy học vừa là ngòi nổ của phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Quy Nhơn. Anh thảo truyền đơn, viết biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, tổ chức cho cả ngàn sinh viên-học sinh biểu tình chống Mỹ - ngụy và tham gia phong trào "Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc tỉnh Bình Định". Bằng thơ ca, Long đã khơi lên sự thức tỉnh trong ý thức học sinh. Bài thơ "Buổi sáng ở đống rác" mô tả cảnh cụ già tóc bạc, người đàn bà, thằng bé gầy nhom đang tranh nhau bới rác. Bài thơ "Bài học cuối năm", anh tổng kết chỉ trong một năm đã có 12 em trong lớp bỏ học để đi bới rác, đi bụi đời, đi làm sở Mỹ… Những bài thơ đã hun nóng ý thức dân tộc của tuổi trẻ. Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Quy Nhơn bị đàn áp dã man. Địch dùng lưỡi lê, báng súng tấn công các thầy giáo trường Bồ Đề, Cường Để. Trần Quang Long bị chúng dùng báng súng đánh gãy chân, té xỉu. Đêm đó, 119 thầy giáo và học sinh Quy Nhơn bị bắt, trong đó có thầy giáo trẻ Trần Quang Long. Trước khi vào tù, một học sinh trường Bồ Đề đã cởi chiếc áo trắng đầy máu me đang mặc trên người đưa cho thầy Long đề bài thơ bốn câu ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh Quy Nhơn. Chiếc áo có bài thơ đẫm máu chuyền tay nhau, 119 học sinh và giáo viên đều ký tên xung quanh bài thơ của thầy Long (anh Ngô cho biết, cách đây hơn chục năm, chiếc áo thơ - máu vô giá ấy vẫn còn được giữ tại nhà anh Lương Quang Phúc ở Quy Nhơn). Đây là lần thứ tư Long bị địch bắt. Khi Long lành chân, gia đình lại một lần nữa bỏ tiền "vận động" cho Long ra tù và được đi dạy ở Cần Thơ. Lúc đó là mùa đông năm 1966. Có lẽ ngụy quyền muốn đưa Long vào Cần Thơ để cách ly anh với phong trào tranh đấu của tuổi trẻ Huế, Quy Nhơn.

Nhưng vào Cần Thơ, ngay lập tức Long nối đường dây hoạt động với phong trào. Anh là sáng lập viên Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Anh tuyển chọn và xuất bản tập thơ sinh viên "Tiếng hát những người đi tới" để cổ vũ đấu tranh. Đây là thời kỳ sáng tác của Trần Quang Long nở rộ nhất. Anh viết với nhiều bút hiệu khác nhau như Trần Quang Long, Cao Trần Vũ, Chánh Sử, Thảo Nguyên, Trần Hoàng Phong. Hình như linh cảm thấy thời gian của mình đang ngắn dần phía trước, nên anh muốn trút tâm hồn, trí lực của mình trên từng trang viết. Anh viết ngày viết đêm, trong hơn một năm mà hàng trăm bài thơ ra đời, trong đó có những bài nổi tiếng như "Thưa mẹ, Trái tim", "Lớn lên không ngừng", "Nụ cười chiến thắng"… Riêng bài "Nụ cười chiến thắng" dài 60 câu, viết về chị Võ Thị Thắng, nữ sinh trường Gia Long - Sài Gòn, tham gia đấu tranh, bị tòa án quân sự ngụy quyền xử 20 năm khổ sai: Mang trong tim mình ngọn lửa trung kiên/ Chị thắp sáng nụ cười Chiến Thắng… Chính tứ thơ "Nụ cười chiến thắng" của Trần Quang Long đã trở thành hình tượng nổi tiếng của tuổi trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vang vọng cho đến ngày nay.

Thời kỳ này, Trần Quang Long kết hôn với Tôn Nữ Quỳnh Như. Quỳnh Như dòng hoàng tộc Huế, con của nhà giáo Tôn Thất Dương Kỵ, giảng viên Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, một gia đình rất có danh tiếng thời đó. Trần Quang Long dạy học ở Cần Thơ, Quỳnh Như thì ở Sài Gòn, xa nhau gần 200 cây số. Xa vợ, lá thư nào của Long cũng thấm đẫm yêu thương và trách nhiệm. Thư riêng nhưng Long cũng bộc bạch hết với vợ những suy nghĩ của mình về việc chung: "… nhưng vì nghĩ tới bạn bè anh em, những người thân yêu của mình đang chịu hy sinh quá nhiều, mình lẽ nào chỉ bận tâm lo lắng cho cá nhân…" (thư ngày 19-11-1967). Kinh tế gia đình hai vợ chồng thời kỳ này khá lắm, Quỳnh Như thì con nhà khá giả, có xe máy để đi, còn thầy Long ở Cần Thơ thu nhập rất cao. Theo thư Long viết cho vợ thì, ngoài lương chính 7.800 đồng (tiền ngụy) một tháng, anh còn nhận tiền dạy thêm mỗi tháng 6.500 đồng nữa. Anh thu nhập mỗi tháng hơn 14.000 đồng! Vào năm 1967, ở Sài Gòn một gia đình 6 người, đi chợ nấu ăn thoải mái, một tháng chỉ hết 600 đồng; một chiếc xe Honda đam Nhật đập hộp giá 20.000 đồng. Dạy mấy tháng Long đã có tiền mua một ngôi nhà ở Thanh Đa - Sài Gòn để chuẩn bị đưa vợ con đến ở. Đời sống như thế, nhưng Trần Quang Long vẫn không rời bỏ con đường mình đã chọn. Đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc!

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời, ông Tôn Thất Dương Kỵ - cha vợ của Long - là Tổng thư ký. Còn Trần Quang Long là Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ Sài Gòn. Anh xông xáo cùng nhiều bạn bè tổ chức lực lượng đấu tranh. Địch phản công, không bắt được Trần Quang Long, chúng bắt Quỳnh Như đang mang thai vào tù, còn anh thoát về Cần Thơ, rồi vào chiến khu.

Ở chiến khu, Trần Quang Long làm rất nhiều thơ gửi ra miền Bắc. Năm 1974, Nhà xuất bản Giải Phóng in tập thơ "Thưa mẹ, Trái tim" của Trần Quang Long, do Mãn Khánh Dương Kỵ, cha vợ anh đề tựa!

Tài năng đang ở độ sung mãn, thì Trần Quang Long hy sinh cùng với một số đồng chí tại Bộ chỉ huy Miền (R) ở Tây Ninh ngày 11-10-1968 do một trận bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm. Như thế là Trần Quang Long ra đi ở tuổi 27, khi chưa thấy Tổ quốc thống nhất sau Đại thắng Mùa Xuân 1975. Cuộc đời Trần Quang Long quả thật ngắn ngủi, nhưng trái tim thơ của anh mãi đập với đất nước này, với cuộc đời này, vì đó là trái tim biết đập vì con người, một trái tim bất diệt!

. Ngô Minh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xuân này về… Hầm Hô  (29/01/2005)
"Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập"  (29/01/2005)
8 hiện vật điêu khắc đá Chămpa  (29/01/2005)
Thơ  (29/01/2005)
Tinh thần hiếu học của người Bình Định xưa và dòng họ "tứ đại khoa danh"  (29/01/2005)
Con gà rắc rối  (29/01/2005)
Những ký ức không phai  (29/01/2005)
Đòn bánh tét của bà  (29/01/2005)
Ngày xuân lạm bàn về thú chơi cây cảnh  (29/01/2005)
Lâm trang trại ở tuổi 67  (29/01/2005)
Phiêu lưu cùng cascadeur nữ  (29/01/2005)
Chính sách ngoại giao có gì mới?  (29/01/2005)
Những ngày gió đông bạn gái mặc gì  (29/01/2005)
Liệu Hoa Lâm Bình Định có lập nên kỳ tích mới?  (29/01/2005)
Những bước chân thầm lặng  (29/01/2005)