Họ sống và yêu nhau
15:42', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Vậy là đôi vợ chồng khuyết tật Phạm Ánh- Nguyễn Thị Tuyết cưới nhau đã được nửa năm. Tôi đến tìm họ tại khu tập thể của Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga vào một buổi tối cuối năm, tiết trời đông, se lạnh.

           Cùng nhau thổi bếp

Chị Nguyễn Thị Tuyết đón tôi trong hình dáng của một người phụ nữ đang mang thai, sự mệt mỏi không che lấp được khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của chị. Một lát sau, anh Phạm Ánh tham gia dạy một lớp xóa mù chữ cho trẻ khuyết tật cũng trở về nhà. Căn phòng hạnh phúc của họ chỉ rộng chừng 15 m2 nhưng tôi thấy nó như rộng hơn bởi sự vắng bóng những tiện nghi cho một cuộc sống gia đình. Tuyết kể: "Em mang thai mấy tháng đầu bị ốm nghén dữ lắm, sức đã yếu lại không ăn uống được gì nên nhiều khi cảm thấy kiệt sức. Anh Ánh cũng là người khuyết tật nên rất khó khăn khi giúp vợ…". Người phụ nữ bình thường khi mang thai, sinh nở đã là khó khăn rồi, đối với người tàn tật như Tuyết sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng cứ nhìn vào ánh mắt họ, nụ cười thường trực trên môi họ, tôi chợt hiểu rằng, họ đang hạnh phúc - một niềm hạnh phúc vì có nhau trong cuộc đời. Họ đang hài lòng với những gì mà mình có được.

Năm 3 tuổi, cô bé Tuyết quê ở Cát Lâm (Phù Cát) bị một cơn sốt cao hành hạ và sau khi dứt sốt, Tuyết đã không còn tự đi lại được nữa. Đôi chân bị bại liệt đã trì kéo và đeo đẳng cuộc sống bình thường của Tuyết. Thế nhưng, ước mơ được đi học không bao giờ nguôi ngoai trong cô. Đi học mẫu giáo, vào tiểu học, Tuyết được bạn cõng, rồi em trai dìu đi. Lên đến cấp 3, xuống học tại Trường THPT Phù Cát số 1, cách nhà hàng chục cây số, Tuyết phải ở trọ lại đây để học. Nhà nghèo, có đến 7 anh chị em, cho con học hết phổ thông đã là một cố gắng lớn của gia đình, nhưng thấy Tuyết ham học quá, cha mẹï cô cũng không nỡ bắt cô phải nghỉ. Vậy là thân gái khuyết tật, Tuyết đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để tự lo cho cuộc sống của bản thân và học hành. Học hết cấp 3, Tuyết lại tiếp tục khăn gói xuống Quy Nhơn học lớp trung cấp kế toán, rồi xuống Cơ sở dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga (nay là Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga) học may, thêu, đan. Tuyết kể, cô gắn bó với Trung tâm này đã 11 năm rồi. Từ một người học nghề, làm nghề và hiện nay, Tuyết đảm đương trách nhiệm thư ký cho Trung tâm. Công việc của cô khá vất vả với hàng loạt việc không tên nhưng không thể thiếu để tạo nên bộ mặt cho Trung tâm và nối các hoạt động của Trung tâm với bên ngoài. Để làm tốt công việc của mình, Tuyết đã tự học và đã sử dụng thuần thục vi tính. Ngoài ra, cô còn tranh thủ thời gian ban đêm để theo học đại học ngoại ngữ tại Trường Đại học Quy Nhơn. Thấy tôi cứ xuýt xoa không hiểu nổi tại sao một người khiếm khuyết về cơ thể như cô lại có thể làm được tất cả những việc mà người bình thường đã dễ mấy ai có thể làm tốt được. Tuyết cười: "Vì chị nhìn tôi như một điều gì đó không bình thường, còn đối với tôi, tất cả những việc đó tôi đã phải làm cho cuộc sống bình thường của mình từ rất lâu nên không còn cảm thấy khó khăn nữa".

Ban liên lạc cựu sinh viên Đại học Đà Lạt tặng tiền hỗ trợ khi vợ chồng Phạm Ánh gặp khó khăn

Có thể là như thế, nhưng tôi hiểu để biến những điều không bình thường thành bình thường, điều không thể thành có thể như Tuyết thì không phải ai cũng làm được. Bỗng Tuyết nhăn nhó và đưa tay đặt lên bụng mình: "Con trai, gần 6 tháng tuổi nên đạp dữ quá!"ù. Thằng bé chắc chưa hiểu được nỗi vất vả của mẹ khi phải chắt chiu sức lực của mình để nắm chặt cái mầm của hạnh phúc, của hy vọng tương lai nên mới làm đau mẹ nó đây. Người ít nói- Phạm Ánh- bây giờ cũng đã lên tiếng: "Thằng nhóc chắc giống cha lắm, ngồi trong bụng mẹ chật chội nên quậy dữ há!".

Cách đây vài năm, Tuyết nhận được lá đơn gởi đến Trung tâm Nguyễn Nga, thư mở đầu bằng câu "Đã 10 năm rồi tôi chưa tìm được việc làm…"- một sự đồng cảm trào dâng trong lòng Tuyết. Và đến khi gặp được tác giả của lá đơn, Tuyết cảm thấy anh đã là người quen thuộc của mình rồi. Còn Phạm Ánh thì quả quyết như đinh đóng cột: "Có tình yêu sẽ vượt qua tất cả!". Và niềm tin và tình yêu đã cho họ hạnh phúc. Một hạnh phúc được chắt lọc trong những gian nan của cuộc đời. Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, khoa Ngữ văn, thế nhưng chàng trai khuyết tật quê ở Cát Hanh (Phù Cát)- Phạm Ánh vẫn không sao tìm được việc làm. Anh làm thơ từ hồi đi học và trong những ngày rộng tháng dài chờ xin việc, thơ đã làm bạn cùng anh và cho anh nghị lực để sống và làm người. Ánh có khoảng 50 bài thơ đã được đăng rải rác trên các báo, tạp chí của trung ương và địa phương. Mới đây, anh đã tập hợp lại và cho ra đời tập thơ đầu tay của mình: Lối cũ. Tuyết đang chuẩn bị sinh con, kinh tế rất eo hẹp nhưng "được in thơ là mơ ước cháy bỏng của ảnh nên em đã vay mượn của trung tâm và bạn bè giúp Ánh cho ra đời tập thơ này…"- và Tuyết rất vui khi nói với tôi: "Quan điểm của vợ chồng em là dù khó khăn thêm một chút cũng có thể chịu đựng được để tạo thêm niềm vui trong cuộc sống…".

Như vậy là trong một năm Phạm Ánh đã làm được hai việc mà anh xem là trọng đại: lập gia đình và in thơ. Vợ chồng Ánh- Tuyết đã luôn luôn phấn đấu để làm được thêm nhiều việc trọng đại nữa cho mình và cho cuộc đời. "Khi có nhau, hạnh phúc được nhân đôi và nỗi buồn như xẻ nửa", tôi chợt nhớ đến câu nói của một ai đó và thầm cầu chúc cho những mơ ước của họ trở thành hiện thực.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thơ "Thưa mẹ, Trái tim"- Chuyện bây giờ mới kể  (29/01/2005)
Xuân này về… Hầm Hô  (29/01/2005)
"Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập"  (29/01/2005)
8 hiện vật điêu khắc đá Chămpa  (29/01/2005)
Thơ  (29/01/2005)
Tinh thần hiếu học của người Bình Định xưa và dòng họ "tứ đại khoa danh"  (29/01/2005)
Con gà rắc rối  (29/01/2005)
Những ký ức không phai  (29/01/2005)
Đòn bánh tét của bà  (29/01/2005)
Ngày xuân lạm bàn về thú chơi cây cảnh  (29/01/2005)
Lâm trang trại ở tuổi 67  (29/01/2005)
Phiêu lưu cùng cascadeur nữ  (29/01/2005)
Chính sách ngoại giao có gì mới?  (29/01/2005)
Những ngày gió đông bạn gái mặc gì  (29/01/2005)
Liệu Hoa Lâm Bình Định có lập nên kỳ tích mới?  (29/01/2005)