Trong những năm qua, đời sống của người dân Vân Canh đã từng bước được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vượt qua được đói nghèo. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện, trong đó có Hội Nông dân.
|
Nông dân xã Canh Vinh chăm sóc lúa nước |
Huyện Vân Canh có 5.212 hộ dân, trong đó có trên 85% số hộ làm nông nghiệp. Diện tích sản xuất khá lớn nhưng do trình độ sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế, nhất là các xã vùng cao, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn trên, Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn huyện vận động nông dân các địa phương tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND tỉnh; dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai của từng địa phương và nhu cầu tiêu thụ của thị trường để hướng dẫn cho nông dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, trong năm 2004, Hội còn tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 2.500 nông dân, xây nhiều mô hình trình diễn các loại giống cây, con mới để nông dân được "mắt thấy tai nghe" về hiệu quả kinh tế để rồi từng bước nhân ra diện rộng. Đối với những gia đình gặp khó khăn về vốn thì được Hội tạo điều kiện để được vay vốn để đầu tư sản xuất. Trong năm 2004, huyện Hội đã xây dựng được 28 tổ tiết kiệm vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 274 hội viên nông dân vay với số tiền là 1,773 tỉ đồng và 101 hộ gia đình khác được vay 1,245 tỉ đồng từ nguồn vốn 2308, chương trình 120. Từ nguồn vốn được vay, nông dân trong huyện có điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm lúc nông nhàn.
Bằng những hoạt động thiết thực, Hội Nông dân đã tạo được lòng tin trong nhân dân và thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia vào sinh hoạt Hội. Năm 2004, Hội Nông dân huyện Vân Canh đã kết nạp được 256 hội viên mới, vượt 2,4% so với chỉ tiêu tỉnh giao, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 4.703 hội viên. Các hội viên còn tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh sản xuất lúa nước để tạo nguồn lương thực tại chỗ, nhiều hội viên nông dân đã cải tạo vườn nhà, đất đồi để phát triển kinh tế theo mô hình VAC, VACR kết hợp. Tiêu biểu như gia đình chị Bùi Thị Miên, nông dân ở xã Canh Vinh. Quê của chị ở vùng núi tỉnh Thanh Hóa, vợ chồng lao động lam lũ nhưng không đủ ăn. Năm 1993, hai vợ chồng chị đã vào Bình Định và chọn Vân Canh làm quê hương thứ hai. Ban đầu gia đình chị xin đất sản xuất, làm nhà vách đất để có chỗ che nắng, che mưa với bao khó khăn thiếu thốn. Năm 1996, nhờ được Hội Nông dân tạo điều kiện giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, chị đã mua 50 cây xoài cát Hòa Lộc về trồng, chăn nuôi bò, heo và đào ao thả cá. Chỉ 5 năm sau, gia đình chị đã có tích lũy, hoàn trả xong vốn và có điều kiện xây nhà, cải thiện đời sống. Hiện nay, gia đình chị Miên có thu nhập 20 triệu đồng/năm.
Ngoài chị Miên, ở huyện Vân Canh còn có 2.747 hộ khác đã được Hội Nông dân giúp đỡ trở thành những hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Không chỉ làm giàu cho mình, các hộ SXKDG còn giúp đỡ 207 hộ nghèo trong huyện có điều kiện vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định. Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Canh, cho biết: "Trong những năm qua, các hoạt động trọng tâm của Hội như: phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… đã và đang được nông dân các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Để thu hút nông dân tham gia vào Hội, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay, phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, bảo vệ lợi ích chính đáng cho bà con".
. Phạm Tiến Sỹ |