Những ngày cuối năm, làng rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá - An Nhơn) càng trở nên rộn ràng hơn bởi những tiếng quai búa chan chát, những đốm lửa hồng bừng cháy... Tất cả những người thợ rèn đều hăng say làm việc, mỗi sản phẩm hoàn thành là những giọt mồ hôi họ đổ xuống, nhưng trong ánh mắt họ vẫn long lanh một niềm vui...
|
Anh Trần Thế Nhân đang rèn chiếc kéo |
Theo chân anh Lê Văn Niên - cán bộ Văn phòng UBND thị trấn Đập Đá, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân nổi tiếng của làng rèn. Ông Nguyễn Đức Phúc đang được cụ bà chăm cho từng ly nước trà xanh, trông đôi vợ chồng già này rất hạnh phúc. Như khơi trúng niềm tâm sự về làng rèn, ông lão đã kể về nghề rèn với tất cả niềm tự hào... Vào giai đoạn từ thế kỷ XV đến XVII, vùng đất Tây Phương Danh này rất đỗi hoang sơ, người Việt di cư vào đây khai hoang, lập làng. Đến cuối thế kỷ XVIII, nghĩa quân Tây Sơn đã chọn vùng này làm nơi chăn nuôi, huấn luyện ngựa và sản xuất vũ khí. Làng rèn Tây Phương Danh lúc bấy giờ không những sản xuất nông cụ mà còn là nơi cung cấp vũ khí cho phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.
Tương truyền rằng, ông Tổ của làng rèn Tây Phương Danh là Đào Giã Tượng từ miền Bắc vào Bình Định khai hoang lập làng và mang nghề rèn lập nghiệp trên vùng đất mới. Ông tổ chức sản xuất và truyền nghề rèn cho dân làng ở đây. Nghề rèn dần phát triển và tồn tại mãi đến ngày hôm nay. Hàng năm cứ đến ngày 12-2 âm lịch là ngày cúng Tổ nghề rèn của làng. Ngày giỗ của nghề như một ngày hội truyền thống... Ông Phúc cho biết: "Dân làng chúng tôi từ bao đời nay vẫn gắn bó với nghề rèn, họ có cái ăn, của để, đời sống khá giả, nhà cửa khang trang cũng nhờ nghề rèn. Chính vì vậy, chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn của người đầu tiên đã truyền nghề lại cho làng...".
Nói thì nói vậy, chứ trải qua thời gian, nghề rèn cũng lắm nỗi truân chuyên. Những năm 1950 làng nghề thăng trầm; từ năm 1960 đến năm 1975, các hộ làm nghề rèn có thu nhập cao hơn các nghề khác trong vùng. Một số hộ có ruộng nhưng lại giao cho người khác làm để chuyên hoạt động nghề rèn và thu nhập chính cũng từ nghề rèn. Sau giải phóng, năm 1978, Hợp tác xã rèn Đập Đá được thành lập, đây là thời kỳ làm ăn phát đạt nhất. Giai đoạn từ 1979 đến 1985 là thời kỳ hoàng kim của HTX rèn. Chỉ tiêu kế hoạch sản phẩm được Nhà nước giao hàng năm, có địa chỉ ký hợp đồng tiêu thụ cụ thể, nguyên nhiên vật liệu được cung cấp theo kế hoạch. Các hộ xã viên chỉ lo tập trung khâu sản xuất. Sản phẩm đáp ứng cho cả thị trường tự do và cung cấp theo chỉ tiêu kế hoạch, đến mức trên 2 triệu sản phẩm/năm. Những hộ có nhiều lao động thu nhập bằng lương thực theo định kỳ giao sản phẩm đến hàng tấn gạo, cao hơn so với mức thu nhập bình quân trong vùng. Từ năm 1986 trở về sau, do nền kinh tế thị trường nên HTX rèn Đập Đá không còn được bao cấp đầu ra đầu vào nữa, dần dần đi vào bế tắc và tự giải thể, hộ xã viên phải tự sản tự tiêu. Và, theo quy luật kinh tế, ở địa phương đã hình thành một số dịch vụ cho nghề rèn, một số người đứng ra cung ứng nguyên liệu (chủ yếu là phế liệu) và nhận tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nghề rèn. Sản phẩm rèn đã lưu thông khắp cả nước, đa số là các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ, và các chợ nông thôn trong tỉnh. Cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nghề rèn ở Tây Phương Danh tương đối ổn định và phát triển. Sau đó, thị phần sản phẩm nghề rèn dần bị thu hẹp, làng rèn Tây Phương Danh phải đối mặt cạnh tranh với hàng ngoại nhập và các hàng cùng loại trong nước. Do sản xuất bằng thủ công, mua nguyên liệu với giá cao nên sản phẩm rèn Tây Phương Danh khó tiêu thụ, mạnh ai nấy làm, tự sản tự tiêu nên một số thợ giỏi đã bỏ làng đến các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên để làm nghề. Một số hộ khác chuyển sang nghề buôn bán và làm dịch vụ. Theo tính toán của ông Nguyễn Thành Lâm - một nghệ nhân của làng - thì hiện tại một cơ sở rèn muốn sản xuất bình thường thì phải có một nguồn vốn từ 10 - 15 triệu đồng để trang trải cho đủ 3 lớp vốn: dự trữ nguyên liệu, bán sản phẩm trả chậm, sản xuất hàng gối đầu. Cũng theo ông, hiện nay do yếu tố năng suất lao động, thị phần thu hẹp nên không giải quyết hết số lao động có tay nghề thường xuyên có công việc làm. Nhà nào chồng làm nghề, vợ mang sản phẩm đi bán thì may ra, chứ để con buôn đến mua thì không có lời lãi gì cả.
|
Niềm vui của người thợ rèn |
Ngày nay ở Tây Phương Danh chỉ còn hơn 200 lò rèn/340 hộ làm nghề, mỗi lò có từ 3 nhân công trở lên. Sản phẩm ở đây là các loại nông cụ cầm tay và công cụ cho thợ mộc, thợ nề, bẫy chuột, móng ngựa... Tuy tổ chức sản xuất vẫn mang tính thủ công đơn giản, nhưng mỗi sản phẩm có quy trình riêng, sự bố trí từng khâu công việc khá nhịp nhàng, linh hoạt và khoa học. Hầu hết các lò rèn đều có sự chuyên môn hóa, mỗi lò chỉ sản xuất một hoặc vài sản phẩm nhất định. Chẳng hạn lò ông Nguyễn Hợi chuyên sản xuất rựa và dụng cụ thợ mộc, lò ông Lê Hào chuyên sản xuất lưỡi liềm, lò ông Trần Văn Thảo làm bay thợ hồ. Lò ông Nguyễn Đức Phúc làm nghề rèn cha truyền con nối đã 3 đời nay, sản xuất đa năng từ bào, đục, dũm (thợ mộc), rựa... Đặc biệt là lò của anh Trần Thế Nhân làm nghề "độc", chuyên sản xuất các loại kéo, người dân Bình Định và Tây Nguyên chuộng sản phẩm của anh bởi chiếc kéo có độ chính xác cao, thế kéo mạnh, mẫu mã đẹp... Do có sự chuyên môn hóa nên việc sản xuất ở mỗi lò đều mang tính sản xuất hàng hóa cao, tinh xảo và mang bí quyết riêng của từng lò. Người dân Tây Phương Danh thông minh sáng tạo, bằng sự khéo léo của đôi tay, sự mẫn cảm với độ nóng của ngọn lửa, đã cảm nhận được chính xác độ mềm của sắt thép, độ rắn chắc và sắc bén của những vật dụng.. . mà không cần mô hình, không cần khuôn mẫu nhưng những sản phẩm họ làm ra lại rất phong phú đa dạng về chủng loại. Sản phẩm của họ không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn lan rộng ra cả miền Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy vậy, hiện làng rèn Tây Phương Danh đang đứng trước những khó khăn: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít dẫn đến việc cải tiến công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Sự tồn tại của làng nghề tuy mang ý nghĩa về bảo tồn ngành nghề truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, nhưng do thiếu khả năng hiện đại hóa công nghệ nên sản phẩm chưa được tinh xảo, chất lượng, mẫu mã, giá thành chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường... Để khắc phục dần những hạn chế này, mới đây UBND thị trấn Đập Đá đã phối hợp cùng UBND huyện An Nhơn đã tổ chức cho một số nghệ nhân làng nghề đi tham quan các tỉnh miền Bắc để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nghề rèn. Theo đó, các nghệ nhân lớn tuổi của làng rèn cũng mong muốn lớp trẻ kế nghiệp tốt hơn, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm để đẩy mạnh sản xuất. Hi vọng rằng, với những nỗ lực vươn lên của làng rèn và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, rồi đây làng rèn Tây Phương Danh sẽ được phục hưng.
. Song Hàn |