Đi đâu cũng nhớ quê nhà
16:30', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Nhắc đến hội Đổ giàn và làng võ An Thái (An Nhơn) người ta hay nhắc đến môn phái Bình Thái đạo. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc nói chuyện với cô Diệp Lệ Bích - chưởng môn đời thứ ba võ phái này hiện đang định cư tại Vương quốc Anh.

* Chào chị Bích, giữ vai trò chưởng môn nhưng lại định cư ở nước ngoài, chị điều hành Bình Thái đạo như thế nào?

Chưởng môn Diệp Lệ Bích (bên trái) trong một lần về Bình Định. Người bên cạnh là chuẩn võ sư Nguyễn Trung Đức, một môn đồ của Bình Thái đạo

- Tôi được chính cha tôi là võ sư Diệp Bảo Sanh giao chấp chưởng quyền chưởng môn Bình Thái đạo khi còn ở Việt Nam. Tiếc là tôi rời Việt Nam khi còn rất trẻ, những việc làm của các bậc tiền bối, tôi chưa được biết nhiều. Nhưng tôi được kế thừa những gì nội tổ Diệp Tường Phát (tức cụ Tàu Sáu) và thân sinh Diệp Bảo Sanh gầy dựng nên. Đó là hệ thống võ lý, võ thuật, những bài thuốc gia truyền, nghệ thuật châm cứu riêng của môn phái. Năm 1984, tôi bắt đầu mở những lớp dạy võ đầu tiên để truyền bá Bình Thái đạo. Môn sinh của Bình Thái đạo có đến mấy trăm người, đa số là người Anh và Việt kiều ở Vương quốc Anh. Nhiều thế hệ võ sinh đã được mời trình diễn trên truyền hình, ở các trường học, trong những lễ hội vui xuân của cộng đồng người Việt ở nhiều tỉnh khác nhau tại Anh. Nhưng hiện nay, do tôi bận khá nhiều việc nên phòng tập này hoạt động không được sôi nổi lắm.

* Chị có thể cho biết nguyên nhân?

- Võ của dân tộc mình nói chung và của môn phái Bình Thái đạo nói riêng là một thành tố cấu thành văn hóa dân tộc với đầy đủ các giá trị cơ bản như mọi thành tố khác. Tuy nhiên, Bình Thái đạo cũng như nhiều môn phái võ Việt Nam khác, hiện chỉ mới phát huy được phần võ thuật, còn hệ thống lý luận về võ, dạy võ như dạy một triết lý, một quan niệm sống, rèn luyện đạo làm người thì cũng còn hạn chế. Điều này thật ra cũng rất khó truyền đạt, bởi môn sinh người nước ngoài đã hấp thu nền văn hóa của dân tộc họ, việc tiếp nhận thêm triết lý làm người của một dân tộc khác không đơn giản như học các động tác tự vệ. Việc truyền đạt y võ (hệ thống những phương pháp chữa bệnh cho con người theo các nguyên lý của võ thuật) cũng chưa được kết hợp chặt chẽ, kịp thời trong quá trình học tập võ thuật. Khi ba yếu tố này chưa thể phát triển song hành thì võ Việt Nam chưa thu hút nhiều sự chú ý của công chúng tưởng cũng là chuyện bình thường. Nhưng tôi tin mọi việc sẽ khác đi vì văn hóa Việt Nam thường chinh phục người ta theo kiểu "mưa dầm thấm đất"…

* Có khi nào chị có ý định phát triển Bình Thái đạo ở quê nhà trở lại không? Hay truyền lại để ai đó thay mình phát triển?

- Đi đâu tôi cũng nhớ tới quê hương mình và cảm thấy hối tiếc khi để cho di sản võ học của ông cha bị mai một theo năm tháng nơi đất khách quê người. Tôi có người anh nuôi đang mở võ đường tại Bình Định. Tôi cũng có ý định một ngày nào đó sẽ về Việt Nam, hỗ trợ để đào tạo đội ngũ võ sư, huấn luyện viên… Nếu được Nhà nước cho phép và ủng hộ, tôi hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé của mình cùng các bậc tiền bối ở quê nhà chung tay đưa nền võ học Bình Định phát triển trên tầm cao mới. Đó không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn là ước muốn của ông nội, cha tôi và những người nặng lòng với võ dân tộc. Tự tay tôi, chính tôi phải làm những việc ấy. Tất nhiên, để làm được điều đó không chỉ cần có một tấm lòng…

* Nhân nói chuyện về tấm lòng, xin được hỏi thêm chị là người khởi xướng và tham gia nhiều hoạt động từ thiện để giúp đỡ những trẻ em nghèo Việt Nam nhưng giấu tên?

- Cách chào của Bình Thái đạo là bàn tay trái ngăn nắm đấm của tay phải, với ý nghĩa là bảo vệ lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, trấn áp những kẻ vô đạo. Người Bình Định ưa làm việc nghĩa, tôi là người Bình Định hẳn bản tính đó cũng thấm vào người tôi. Tôi nghĩ những người ở xa, tình cảm hướng về quê hương cũng lạ lắm. Có người ra đi từ tấm bé, chưa một lần về thăm quê, nhưng khi nghe vận động giúp đỡ những đồng bào nghèo quê mình, là hưởng ứng ngay. Trong huyết quản của tôi dòng máu Việt luôn luôn sôi sục. Hiện tại, tính cả anh em bà con, cháu chắt, những người mà tôi nhận bảo trợ, đỡ đầu có hơn 500 người ở Việt Nam… Họ chính là cái neo tâm cảm, là nơi chốn tình cảm để tôi đi về với quê hương.

* Gần Tết rồi chắc chị nhớ quê nhà nhiều lắm?

- Ôi trời, nhớ ghê lắm chớ! Dù đã định cư ở Anh đã lâu nhưng trong ký ức của tôi, làng quê An Thái êm đềm với bờ sông, lũy tre, họ mạc… vẫn là một miền quê đẹp nhất. Ở đó có những kỷ niệm về gia đình, bè bạn, những kỷ niệm tuổi thơ… Mình thèm được tìm lại hương vị Tết của những ngày xưa… Bình Định là nơi mà mình không thể không quay về… Một mùa xuân nữa lại về, qua Báo Bình Định xin gởi đến quê hương đôi dòng tâm sự như một lời chúc phúc. Chúc bà con quê mình một năm mới an khang, hạnh phúc.

* Cảm ơn chị, chúc chị và gia đình một năm mới sức khỏe và thành đạt.

. Mai Hồng (thực hiện)

 

Vài nét về Bình Thái đạo

Võ thuật Trung Hoa đã du nhập vào Bình Định khá sớm. Sự có mặt của các viên tướng võ nghệ cao cường như: Tập Đình, Lý Tài (người Trung Hoa) chiến đấu trong hàng ngũ quân Tây Sơn là một bằng chứng. Từ nửa đầu thế kỷ XIX dòng họ Lý, đứng đầu là ông tổ Lý Hùng từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) tìm đến vùng đất Tuy Phước để sinh cơ lập nghiệp và mở trường dạy võ, sau đó lại dời đến vùng đất Đập Đá - An Nhơn. Tiếp theo sau dòng họ Lý có dòng họ Diệp từ Trung Quốc đến định cư buôn bán và mở trường dạy võ ở vùng An Thái (Nhơn Phúc - An Nhơn). Người khai nghiệp dòng võ họ Diệp là võ sư Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, tục danh Tàu Sáu. Ông sinh năm 1896 tại An Thái, Nhơn Phúc, cha là người Trung Hoa, mẹ là người Minh Hương.

Năm 13 tuổi Diệp Trường Phát được song thân cho về Trung Quốc, Hồng Kông học cả văn lẫn võ ở nhiều trường lớp, chùa chiền, thụ giáo bởi nhiều võ sư khác nhau. Năm 28 tuổi ông trở về An Thái. Khoảng năm 1925, bằng sở học của mình, ông đã dung hòa các tinh hoa nhiều trường phái võ thuật của Trung Hoa và Việt Nam sáng lập Bình Thái đạo với hệ thống quyền thuật phù hợp với thể trạng của người Việt. Võ sư Diệp Trường Phát là người góp công đào tạo nhiều võ nhân nổi tiếng trong vùng như Chín Kỳ, Năm Tường, Phó Tuần Chẩn, Ba Phùng… Cùng các thế hệ tiếp theo có Quách Cang, Diệp Bảo Sanh (con ông Diệp Trường Phát), Tạ Cảnh Thâm… Theo Tiến sĩ Mai Văn Muôn (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT): Công tâm mà xét, cụ Tàu Sáu là người có sở học về võ rất uyên thâm, nhờ đó đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa võ thuật lâu đời của cả vùng rộng lớn An Thái - An Vinh - Thuận Truyền - Kiên Mỹ - Cảnh Hàng - Vân Sơn - Háo Lễ - Văn Quang - Nước Mặn - Hữu Phát - Kỳ Sơn… vì nó có cùng gốc gác là võ Bình Định - Tây Sơn nửa sau thế kỷ XVIII, góp phần hình thành hệ thống quyền thuật của môn phái khá chặt chẽ, được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng. Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miên công, là phần xuất sắc cao diệu chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền.

Võ sư Diệp Trường Phát và võ sư Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh) là hai cao thủ võ lâm lúc bấy giờ, đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi võ nghệ và kết quả cuối cùng phần thắng môn roi thường thuộc về Hồ Nhu, còn về quyền thuộc về Diệp Trường Phát. Từ đó, Hồ Nhu mến phục tài của Diệp Trường Phát và đề tặng: Thủ vũ An Thái ngã vô song (tức: Tay quyền An Thái không có hai). Và Diệp Trường Phát cũng rất kính nể đường roi tuyệt kỹ của Hồ Nhu nên tặng lại: Đoản côn Thuận Truyền duy hữu chủ (tức: Đòn roi Thuận Truyền chỉ có một). Không chỉ nổi tiếng về quyền, cụ Tàu Sáu còn là một lương y đã cùng các võ sư, danh y ở Bình Định thừa kế, sáng tạo nhiều bài thuốc võ gia truyền hoặc điều trị theo phương pháp bấm huyệt, xoa bóp không cần dùng thuốc. Phong trào võ nghệ những năm đầu thế kỷ XX ở vùng đất An Thái, Tây Sơn, Tuy Phước phát triển khá mạnh, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của võ sư Diệp Trường Phát.

. Đ.A (tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Câu đối  (29/01/2005)
Câu lạc bộ Xuân  (29/01/2005)
Nhìn thẳng vào tương lai  (29/01/2005)
Hải quan Bình Định từ sóng gió đi lên  (29/01/2005)
Ngành Thuế vững tin bước tiếp chặng đường mới  (29/01/2005)
Làng rèn Tây Phương Danh  (29/01/2005)
Người bạn đồng hành cùng nông dân  (29/01/2005)
Họ sống và yêu nhau  (29/01/2005)
Nhà thơ "Thưa mẹ, Trái tim"- Chuyện bây giờ mới kể  (29/01/2005)
Xuân này về… Hầm Hô  (29/01/2005)
"Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập"  (29/01/2005)
8 hiện vật điêu khắc đá Chămpa  (29/01/2005)
Thơ  (29/01/2005)
Tinh thần hiếu học của người Bình Định xưa và dòng họ "tứ đại khoa danh"  (29/01/2005)
Con gà rắc rối  (29/01/2005)