"Thép đã tôi thế đấy! "
16:58', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Sau buổi chiều ảm đạm ấy, một cậu bé 14 tuổi vụt lớn lên. Lớn đến mức đủ sức thay cha làm cha, đủ sức thay mẹ làm mẹ. Vừa dang đôi cánh nhỏ che chở cho đàn em của mình, vừa nỗ lực vươn lên trong học tập. Vào một chiều tàn đông, tôi đến thôn Long Quang (Nhơn Hòa - An Nhơn) để gặp lại Nguyễn Văn Hòa, học sinh lớp 12 A1 Trường THPT An Nhơn 1. Dẫu đã gặp, đã nghe khá nhiều về Hòa, tôi vẫn không thể không bất ngờ trước nghị lực phi thường của 3 anh em họ...

* Vượt qua bất hạnh

  Ba anh em Nguyễn Văn Hòa

Hòa dắt tôi ra con sông Trường Thi sau nhà, kể: "Giáp Tết Tân Tỵ, nghe tin ông Sáu nhà ở bờ bên kia sông mất, đang đêm nhưng ba má nhứt quyết đẩy sõng sang sông… Cơn lũ dữ bất ngờ đã lật sõng cuốn trôi cả ba và má em. 4 năm rồi, nhiều khi nửa đêm chợt tỉnh giấc, em vẫn bàng hoàng chưa tin được rằng mình đã mồ côi cả cha lẫn mẹ!"- Hòa xót xa.

Ba má mất, họ mạc phần thì ở xa, phần thì quá nghèo nên mấy anh em Hòa trở nên bơ vơ. Thoạt đầu, UBND xã Nhơn Hòa định lập hồ sơ đưa cả ba vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp của tỉnh để được chăm sóc, tiếp tục được học hành. "Nhưng lúc đó tự dưng em lại có cảm giác, nếu chia lìa lúc này sợ rằng anh em sẽ "lạc nhau" mất, phải đùm bọc nhau ngay tại ngôi nhà này đặng còn sớm khuya nhang khói cho cha mẹ…" - Hòa kể lại. Cho đến bây giờ vẫn chưa ai giải thích được, một cậu học sinh lớp 7 đang tuổi ăn tuổi ngủ như Hòa lấy đâu ra trí tuệ, năng lực để quán xuyến một gia đình trong đó cô em út chỉ mới non năm tuổi. Thế mà Hòa đã đóng tròn cả 3 vai của mình: làm cha mẹ để nuôi dưỡng chăm sóc em, làm anh để dạy hai em và tự mình phải sống tử tế để làm một đứa con hiếu thảo. Tôi gọi đó là điều kỳ diệu.

Khi nghe tôi hỏi đường đến nhà, một người dân Long Quang kể: Sau khi ba mẹ mất ít lâu, thằng nhỏ dẫn con em út xin nhập học lớp Một. Cô giáo nhận hồ sơ vốn không biết chuyện nên rầy - Ông bà nào mà hay dữ a, biểu thằng nhỏ lớp 7 đi nhập học cho con nhỏ mẫu giáo! Chuyện học hành mà giỡn chơi vậy! Nghe nhắc đến cha mẹ, con nhỏ òa lên khóc nức nở. Thằng Hòa dỗ em- nín đi em, nín đi, anh sẽ làm cha làm mẹ cho em mà. Rồi nó cũng khóc! Nghe ra câu chuyện, cô giáo vừa rầy la cũng ôm hai đứa nhỏ khóc ròng.

* Hạnh phúc lớn dưới một mái nhà nhỏ

Người ta hay nói, "cùng tất biến", "thế rồi mọi chuyện cũng qua…". Nhưng với anh em Hòa, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Dường như mỗi một ngày chuẩn bị đến lại đặt ra trước mắt cậu một bài toán mới. Làm gì để có đủ gạo, đủ mắm, có đủ sách vở cho em ăn học. Thậm chí xuân về Tết đến còn phải có tấm áo mới cho em. Từ lâu rồi, Hòa chẳng còn nghĩ đến những nhu cầu của cá nhân mình nữa. Chuyện ba anh em đùm bọc nhau sống, được bà con chòm xóm thương, bạn bè thương, thầy cô thương, tình thương này giúp họ vượt qua được nỗi đau.

Đang dở câu chuyện, thì trời đổ mưa, như chợt nhớ ra điều gì, Hòa bật dậy: "Sao giờ này mà con Hiệp đi học chưa thấy về cà…". Hòa vơ vội cái áo mưa tiện lợi đã bị rách te tua, bồn chồn đứng chờ em đầu ngõ. Trường THCS Nhơn Hòa, nơi Hiệp đang học cũng là ngôi trường gắn bó với Hòa những năm học cấp 2. Để đến trường, những học sinh ở thôn Long Quang phải đi đò qua sông. Hòa thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy bóng em gái thấp thoáng ngoài chân ruộng phía xa. Tiếp tục câu chuyện dang dở, Hòa nói như phân trần: "Từ ngày ba má mất, đi học, đi làm thì thôi chứ về đến nhà mà không thấy hai đứa nhỏ là em như có lửa đốt trong lòng. Vẫn biết sẽ chẳng có chuyện gì đâu vì hai đứa vẫn thường chơi lẩn quẩn ở hàng xóm, ở trường thì đã có thầy cô. Nhưng em vẫn cứ lo lo, thiệt là lạ".

Ngoài giờ học, bé Mỹ Hảo giúp anh chăn bò

Tôi im lặng, lái cuộc trò chuyện sang việc học của mấy anh em, mà đầu óc cứ lơ mơ lòng chợt dâng lên niềm thương cảm. Hòa ơi, làm sao tôi có thể nói với em rằng, chỉ những bà mẹ hiền, những người cha tốt mới có cái cảm giác lo lo ấy. Cái cảm giác lúc nào cũng phải nghe tiếng, phải thấy bóng dáng con mình trong tầm mắt; vui vì con mình sởn sơ ra đó, lo âu vì thấy con đau ốm… Chỉ những bậc sinh thành, rứt ruột đẻ ra mới có. Đằng này, em đã lo nỗi lo của một bà mẹ, làm những việc của những người cha khi chỉ vừa 14 tuổi, Hòa ơi!

Trưa hôm ấy, tôi ở lại ăn cơm với anh em Hòa. Nồi cơm gạo quê với mấy con cá mặn nhỏ xíu bằng ngón tay đã được cô em út Mỹ Hảo chuẩn bị từ trước đó. Đi học về, thấy nhà có khách, Mỹ Hiệp chạy vội lấy thêm quả trứng ngỗng, tráng lên và bắt đầu dọn cơm. Một bữa cơm đạm bạc nhưng dưới mái nhà ấy sao tôi thấy ấm cúng đến lạ lùng. Hòa gắp thức ăn cho tôi, rồi gắp cho em, các em thương anh lại gắp trứng cho anh. Đĩa trứng, món ăn sang nhất trong bữa cơm hôm ấy cứ như một phép màu của Thạch Sanh, gắp mãi mà vẫn cứ đầy. Tôi lặng lẽ ngồi ngắm ba anh em. Dường như chúng vẫn đang có một gia đình thật đầm ấm, sum vầy. Hòa - năm nay đã 18 tuổi mà trông bé choắt như cậu bé mười bốn, mười lăm. Hai cô em gái thì sạm đen vì vất vả. Từ ngày ba má mất, nguồn sống chính của ba anh em là 135.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của xã. Mấy sào ruộng ba má làm lúc còn sống, giờ bận học, ba anh em Hòa đem cho mướn, mỗi năm nhận được khoảng 400.000 đồng. Ba má mất, để lại một con bò cái và hai con bê, Hòa đã bán mấy con bê để xây mộ, làm giỗ đầu. Con bê cái bây giờ cũng đã đẻ thêm hai lứa bê con. Mấy anh em đi học về, thay phiên nhau đi chận bò, cắt cỏ. Hòa gầy thêm đàn gà và nuôi mấy con ngỗng để bán trứng. Ba anh em tiện tặn để đủ ăn đủ học, đắp đổi qua ngày.

* Thép đã tôi thế đấy!

Tôi nhớ lại cách đây 3 năm, lần đầu tiên gặp Hòa trong buổi lễ trao học bổng cho học sinh vượt khó ba tỉnh vùng bão của Báo Tuổi Trẻ. Nghe tôi hỏi sẽ làm gì với số tiền vừa được tặng, Hòa cười rất tươi và nói rằng em sẽ mua cho em gái một chiếc áo ấm - Chiếc áo len cũ của em Hiệp đã nát. Gần Tết rồi, hai đứa nhỏ cũng cần có tấm áo mới. Lúc ấy, tôi đã thấy Hòa trưởng thành trước tuổi. Giờ, Hòa là chỗ dựa vững chắc cho cái tổ chim non nớt của mình. Năm nay, Hòa đã học lớp 12 và đang chuẩn bị thi đại học. Thầy Lê Công Minh, giáo viên chủ nhiệm của em kể rằng: "Tôi chưa từng gặp cậu học sinh nào có nghị lực sống như Hòa. Trong những khó khăn khôn cùng của số phận, của cuộc đời, Hòa vẫn vững vàng sống và học thật chăm". Còn bé Hiệp, khi được hỏi: "Có lúc nào em nảy ra ý định bỏ học không?". Hiệp cười đôn hậu: "Không đâu cô, những lúc khổ nhất, nhớ ba má nhất con lại thấy mình càng phải học. Chỉ có học, anh em con mới nên người, mới trở thành người có ích, mới không làm bà con xung quanh buồn, vì ai cũng thương con hết mà". Điều kỳ lạ là khi tiếp xúc với ba anh em, nhìn những ánh mắt ấm áp mà anh em họ dành cho nhau, tự dưng tôi lại có cảm giác họ rất lớn, đã trưởng thành. Nhưng khi nghe tiếng cười, lòng tôi lại chùng xuống, tôi biết ba anh em nhà Hòa vẫn chỉ là những đứa trẻ mà thôi. Và như vậy, sẽ rất vô tình nếu không nhắc đến những người láng giềng của Hòa. Nếu không có những tấm lòng đôn hậu, những tình cảm ấm áp của họ, 3 anh em Hòa chắc khó lòng có được ngày hôm nay. Lòng tốt cho con người sung sướng. Cho con người thật sự là người hơn. Có một nhà thơ đã viết như vậy, và trong ngày tàn đông vừa rồi tôi đã tin thêm rằng - Người dân ở thôn Long Quang thật sự đã có những tấm lòng vàng.

Nỗi đau khôn cùng của số phận và sự chia sẻ, yêu thương của mọi người đã tôi rèn cho những cậu bé, cô bé mồ côi cách sống và làm người thật đẹp. Và tôi bỗng nhớ đến tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Ôt-xtơ-rôp-xki: "Thép đã tôi thế đấy!" và xin mượn tên của tác phẩm này làm tựa cho bài báo của mình.

. Quỳnh Hoa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hùng Kê quyền  (29/01/2005)
Trinh sát địa bàn và những chiến công thầm lặng  (29/01/2005)
Đầu xuân trò chuyện với chàng sinh viên giỏi nhất nước Anh  (29/01/2005)
Báo Bình Định - Một năm đổi mới và trưởng thành  (29/01/2005)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Ðịnh trong năm 2004  (29/01/2005)
CLB Hoa Lâm Bình Định sẽ "chinh phục mọi khoảng cách"!  (29/01/2005)
Đi đâu cũng nhớ quê nhà  (29/01/2005)
Câu đối  (29/01/2005)
Câu lạc bộ Xuân  (29/01/2005)
Nhìn thẳng vào tương lai  (29/01/2005)
Hải quan Bình Định từ sóng gió đi lên  (29/01/2005)
Ngành Thuế vững tin bước tiếp chặng đường mới  (29/01/2005)
Làng rèn Tây Phương Danh  (29/01/2005)
Người bạn đồng hành cùng nông dân  (29/01/2005)
Họ sống và yêu nhau  (29/01/2005)