Chỉ có 5 bác sĩ, 13 điều dưỡng nên công việc ở Phòng Cấp cứu lưu BVĐK tỉnh lúc nào cũng bận rộn. Tết đến, mỗi tua trực chỉ còn 4 người phục vụ hàng chục ca bệnh. Thầy thuốc ở đây chưa bao giờ được đón cái Tết trọn vẹn với gia đình.
* Đón Tết ở... bệnh viện
|
Một kíp trực đêm của y, bác sĩ Phòng Cấp cứu lưu |
Kíp trực đêm 30 Tết của bác sĩ Võ Đình Dũng với 2 điều dưỡng và một hộ lý được bắt đầu từ lúc 5 giờ chiều và kết thúc vào 7 giờ sáng ngày hôm sau. Dù đêm 30 được các bác sĩ xem là yên tĩnh nhất trong mấy ngày trực tết nhưng đến 7 giờ tối, Phòng Cấp cứu lưu đã có gần 20 bệnh nhân ra vào tới tấp, chủ yếu là tai nạn giao thông và ngộ độc thực phẩm. Vài giờ đồng hồ trôi qua nhanh chóng, bác sĩ Dũng và các cộng sự vẫn liên tiếp đón bệnh nhân. 9 giờ tối, Phòng Cấp cứu được một chút tĩnh lặng. Đêm 30 trở nên thiêng liêng, các y - bác sĩ chỉ cầu mong từ giờ đến sáng không phải chứng kiến một ca nào nữa. Chợt dòng suy nghĩ bị ngắt giữa chừng vì lại thêm một ca tai nạn giao thông. Nạn nhân bị thương không nặng nhưng các y - bác sĩ kíp trực vẫn khá căng thẳng. Đơn giản vì đồng hồ đang điểm dần sang ngày mùng một Tết. Cấp cứu xong, chuyển vào bệnh phòng, anh thay mặt kíp trực lên chúc Tết Ban giám đốc. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, chiếc điện thoại réo liên tục, anh lại bị đồng nghiệp "điệu" về cấp cứu.
Sáng mùng một, kíp trực của bác sĩ Dũng mới kết thúc. Một đồng nghiệp của anh lại tiếp tục công việc. Từ đó trở đi là những ngày bận rộn và căng thẳng bởi số ca cấp cứu tăng lên rất nhiều. Mệt lử với vài chục ca cấp cứu buổi sáng, bác sĩ Nguyễn Hoành Cường vừa bưng bát cơm lên ăn đã lại có bệnh nhân. Bỏ dở bát cơm, lao vào cấp cứu, đến khi xong thì miệng cũng đắng ngắt. "Lúc đó, tôi chỉ còn nhớ là mình đang làm việc, phải làm hết sức mình để cứu nạn nhân chứ không còn nghĩ đến Tết nữa" - anh nói.
Đó là những ngày Tết năm ngoái của các y - bác sĩ Phòng Cấp cứu lưu.
* Cùng chia sẻ
Phòng Cấp cứu lưu là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân và làm các thủ thuật sơ cứu ban đầu trước khi đưa vào bệnh phòng nên các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý thường xuyên đón Tết ở… bệnh viện. Có một quy luật bất thành văn mà họ đã ngầm hiểu là không ai được "đau" hoặc nghỉ phép trong những ngày trước, trong và sau Tết, dĩ nhiên là trừ những trường hợp cực kỳ đặc biệt.
Bác sĩ Tăng Ngọc Dung, Trưởng khoa Khám là người có thâm niên nhất trong số những cán bộ y tế hiện đang làm việc ở Phòng Cấp cứu lưu. Lập gia đình xong, chồng ra Đà Nẵng công tác, vợ ở nhà bế con gửi nhà trẻ bệnh viện để trực. Đến khi chồng chuyển công tác về gần nhà, chị cũng chưa một lần được đón Tết trọn vẹn với gia đình. Dù là con trưởng nhưng mỗi khi Tết về, chị phải vội vã sắm sửa vài ba món đơn giản cúng gia tiên và cho cả nhà dùng. Ngẫm lại, vậy mà đã 26 cái tết trôi qua đều đặn như thế!
Vào những ngày Tết, mỗi tua trực cấp cứu chỉ có 4 người trong khi lưu lượng bệnh nhân tăng gấp hai, ba lần ngày thường nên kíp trực phải "cắm sào" ở bệnh viện 24/24 giờ. Với họ, niềm vui trong 3 ngày Tết được chia đều cho người bệnh và các đồng nghiệp. 27 tuổi, mới 4 năm trong nghề nhưng cũng ngần ấy thời gian điều dưỡng Lê Thị Lệ Hiền đều "trực chiến" trong đêm 30 Tết. Chị cười rất tươi: "Tôi cũng muốn ở nhà ăn bữa cơm, quây quần với gia đình trong đêm 30 Tết, nhưng mình còn "độc thân" nên làm cũng chẳng sao!".
Ngày Tết, lưu lượng bệnh nhân vào Phòng Cấp cứu thường là do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, các bệnh thường gặp do ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý. Năm 2003, trung bình có 66 ca cấp cứu/ngày; năm 2004 tăng lên 72 ca/ngày, nhưng mấy ngày Tết con số này luôn ở mức 120 ca/ngày!
Một mùa xuân nữa đang đến. Trong niềm vui sinh sôi của vạn vật, những y - bác sĩ Phòng Cấp cứu lưu vẫn tiếp tục công việc cứu người thầm lặng của mình mà không đòi hỏi một lời cảm ơn. Họ như những chú ong thầm lặng góp sắc hương cho mùa xuân!
Lại mùa xuân nữa, họ đón Tết ở… bệnh viện!
. Lê Thu Hiền |