Đến Paris ăn bánh cuốn Thanh Trì
19:14', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Cuối thu, lá vàng Hà Nội đua nhau rụng thành một thảm vàng trên các đường phố. Tôi cũng đã gặp cái màu vàng của lá đi hết một vòng tuổi ấy ở Paris mùa thu. Những cây sên cây sến gì đó cứ hồn nhiên thả những chiếc lá vàng rực xuống những con phố lát đá mơ màng trong một ngày chủ nhật có ít người ra đường.

Mùa thu trong công viên Paris

Đi giữa Paris mùa thu, đẹp thì quá đẹp nhưng cuốc bộ hoài rồi cũng… mỏi chân, rồi cũng… đói bụng, hai cha con tôi bèn tính đường quay về với "Mái ấm Việt Nam" (Foyer Việt Nam) ở số nhà 80 phố Monge thuộc khu Latin quận 5. Đây là một quán ăn Việt Nam nhỏ nhắn thanh lịch, khi người ta phải xa nhà đến 10.000 cây số, khi người ta lạc vào một thành phố xa lạ với cả nền văn hóa khác, những ứng xử khác, người ta mới cảm nhận được thế nào là một "mái ấm".

Đừng tưởng người xa quê lâu mới có nỗi nhớ đặc biệt này. Tôi chỉ kịp xa nhà vài tuần, nhưng thật lạ, cứ như mình đã xa quê lâu lắm rồi, đã muốn "nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương" rồi. Canh rau muống ở Paris cũng có và cà dầm tương, món ăn đặc Bắc ấy ở quận 13 cũng có luôn. Nhưng có một món quà sáng ở Foyer Việt Nam quận 5 Paris mà tôi cam đoan với các bác sành ăn là nó ngon không thua gì… món đó ngay ở nơi sinh thành ra nó. Nơi ấy có tên gọi Thanh Trì. Và món quà nghèo nghèo ấy tên gọi là bánh cuốn. Vâng, bánh cuốn Thanh Trì. Tại sao cứ phải bánh cuốn Thanh Trì? Là bởi vì nhà thơ Võ Văn Thận - "thuyền trưởng" của Foyer Việt Nam, người có bằng nấu bếp do Pháp cấp hẳn hoi - đã an ủi thoáng nhớ Hà Nội và cơn đói bụng bất thần của tôi bằng một tuyên bố khiến tôi hơi sững sờ: "Mình ăn bánh cuốn Thanh Trì nhé!". Không phải bánh cuốn chung chung đâu nhé. Mà đích danh bánh cuốn Thanh Trì hẳn hoi. Nói là làm, anh cho mang ra hai đĩa bánh cuốn trắng nõn nà như còn bốc khói. Thôi đích rồi, cái làn da mịn và nõn không thể lẫn của bánh cuốn Hà thành mà Thạch Lam từng nhắc tới một cách trân trọng, mà Vũ Bằng đã hơn một lần dạy ta phải ăn nó như thế nào cho phải đạo. Nghĩa là phải chấm nó với nước mắm có pha tinh chất cà cuống. Nhưng giữa Paris thì lấy đâu ra cà cuống, cái giống này không thể đậu ở các cột đèn dọc Khải Hoàn môn hay đại lộ Champs-Elysees được, như từng có thời đậu trên các cột điện ở quảng trường Ba Đình. Thôi thì đành bằng lòng với một chút nước mắm ngon hiệu Phú Quốc do… Thái Lan sản xuất có dằm ớt tươi chánh hiệu… miền Trung, một ít rau thơm thảo gửi sang từ bên nhà theo đường máy bay. Húng Láng chăng? Bạn tôi, nhà văn Trung Trung Đỉnh vun vén trồng mấy chậu rau húng, tía tô, kinh giới, lấy giống Láng và quan trọng hơn, lấy đất làng Láng để rau có mùi thơm đặc trưng không thể lẫn với rau thơm khắp ba miền. Thỉnh thoảng, từ Quảng Ngãi xa xôi thèm ăn rau thơm Láng, tôi vẫn phôn cho Đỉnh để anh gửi vào cho vài túi rau nhỏ. Ăn lấy nhớ, lấy… thương là chính. Nghĩ cũng lạ, con người ta khi đã ăn chịu với một mùi hương, một đặc vị nào đó rồi, thì khó dứt ra lắm. Vậy là tôi đã được thỏa lòng và ấm… bụng, khi cùng các bạn ngồi lai rai bên chai vang "Forum" và đĩa bánh cuốn Thanh Trì. Mùi hương của gạo mới, độ dẻo vừa phải của miếng bánh cuốn ăn kèm với lát chả quế ngầy ngậy điểm thêm vài nhánh rau ngò, rau húng thơm thơm trong thoáng chốc đã đưa tôi về hàng bánh cuốn Thanh Trì của bà cụ mặc áo gụ ở ngõ Tạm Thương. Rẻ mà dễ ăn lắm là cái "chị" bánh cuốn này.

Sông Seine (Paris) nhìn từ trên cao

Bánh cuốn, đúng là món quà của sự chân tình, như những câu thơ vừa thật tình vừa ngây dại của Võ Văn Thận trong bài BẾP THƠ NHỚ MẸ của anh: "Men ớt bốc cay bùng đôi mắt đỏ/Ơi hành hương gừng sả những chiều quê/Cánh đồng xanh mênh mông lúa bốn bề/Bàn chân nhỏ nương dấu trâu cười với nước". Đúng là thơ của một người làm bếp chuyên nghiệp và của người con miệt vườn Nam Bộ, dù xa quê đã hơn 20 năm mà cách sống vẫn chơn chất ngay lành như luống hành, bụi sả nơi quê nhà - người tôi mới gặp tôi đã thương như một đứa em, thương vì sự chân tình mộc mạc như… bánh cuốn Thanh Trì của Thận. Paris đa văn hóa, Paris như một khối nam châm cực mạnh thu hút những tinh hoa và cả những cái bình thường. Nào ai ngờ, ở đây, con phố Monge nho nhỏ này, nơi trước năm 1968 vẫn là phố lát đá chứ không trải bê tông nhựa như bây giờ, nơi những nhà văn lừng danh như J.P.Sartre, như Simone De Beauvoir… từng bách bộ trước mỗi "cua" giảng ở đại học, nơi quần tụ những chàng và nàng sinh viên từ bốn phương về đây dùi mài kinh sử và cũng để thể hiện bằng hết những xung lực tự do của mình. Gạch lát đường đã được sinh viên cạy lên làm vũ khí trong cái năm 1968 hừng hực ấy. Sau năm 1968, chính quyền Paris phải "nhựa hóa" các con phố ở quận 5 này, nơi ngày xưa gọi là "Khu Latin", trải nhựa để "ngăn chặn từ xa" các cuộc xuống đường có kèm gạch lát đường. Ngồi ở Foyer Việt Nam ăn bánh cuốn Thanh Trì mà ôn chuyện cũ, cứ như mình đang chầm chậm thả bộ theo con phố nhỏ tuyệt đẹp này trở lại ngày xưa. Quán Foyer đắt khách suốt ngày đêm, không chỉ bà con Việt kiều mình hay ghé lại để gặp đồng hương hàn huyên bên đĩa bánh cuốn, tô canh chua, bát dưa giá thịt kho đằm thắm, mà cả những "ông Tây bà Đầm" cũng thường xuyên "du lịch tại chỗ" để nêm nếm nhấm nháp chút hương xa Việt Nam.

Trong số thực khách thường xuyên đã thành bạn thân của quán Foyer Việt Nam có nhà văn đang nổi tiếng ở Pháp-Daniel Pennac, tác giả của tiểu thuyết best-seller "Nhà độc tài và chiếc võng" do nhà Gallimard ấn hành và NXB Đà Nẵng đang dịch in. Tôi cũng đã gặp ở đây những cô những cậu đang làm master, doctor- philo hồn nhiên bưng bê kê dọn, đóng rất nhuyễn vai nhân viên nhà hàng. Các em qua đây du học và quán Foyer này đích thực là "mái ấm" của các em trên đường vừa học vừa làm, lấy lao động giản đơn nuôi lao động phức hợp, lao động cao cấp. Nhưng nghĩ cho cùng, có lao động nào là giản đơn, lao động nào là "phức tạp" đâu nhỉ? Tráng được một đĩa bánh cuốn Thanh Trì đúng chất mà là chuyện giản đơn ư? Nhất là ngay giữa Paris này. Ăn đến đĩa bánh cuốn Thanh Trì thứ… 3, tôi mới chợt nhớ ra câu hỏi mà đúng lẽ mình phải hỏi ngay từ đầu, nhưng do bánh ngon quá và bụng đói quá nên… quên: "Bánh cuốn tráng ở đâu mà… quá đã thế này? " Chủ quán Võ Văn Thận nhẹ nhàng giọng Nam Bộ: "Có một bà cụ quê gốc ở Thanh Trì- Hà Nội qua Pháp đã nửa thế kỷ rồi. Cụ nói ngồi nhà một mình buồn quá nên bảo con cháu đặt mua cối xay bột, nồi tráng bánh theo đúng kiểu nhà quê Thanh Trì xưa, rồi cụ lẩn mẩn tráng bánh. Mỗi tuần cụ chỉ làm 3 buổi, và mỗi buổi cũng chỉ đủ sức tráng khoảng 300 bánh. Cụ dành riêng món quà độc đáo này cho Foyer Việt Nam".

Như thế là ngay tại Paris đã có một địa chỉ "độc quyền" bánh cuốn Thanh Trì. Tôi tò mò: "Nhưng gạo tráng bánh là gạo… Thái Lan chứ? " Võ Văn Thận cười: "Gạo Thái chỉ dẻo nhưng không cho được những cái bánh nền nã thế này. Đây là gạo Dự hương chánh hiệu từ Nam Định gửi sang đấy!" Ra thế! Tôi lại lẩm nhẩm câu thơ của Thận: "Hai tay nâng niu tôi tìm kiếm nguồn cơn/Hương vị cũ giữa vùng sâu thẳm đó".

Quảng Ngãi, giữa Đông 2004

. Thanh Thảo

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Câu đối cụ Huỳnh Thúc Kháng mừng thọ Bác Hồ  (29/01/2005)
Những bông hoa chẳng tàn úa bao giờ  (29/01/2005)
Đón Tết ở... bệnh viện  (29/01/2005)
"Thép đã tôi thế đấy! "  (29/01/2005)
Hùng Kê quyền  (29/01/2005)
Trinh sát địa bàn và những chiến công thầm lặng  (29/01/2005)
Đầu xuân trò chuyện với chàng sinh viên giỏi nhất nước Anh  (29/01/2005)
Báo Bình Định - Một năm đổi mới và trưởng thành  (29/01/2005)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Ðịnh trong năm 2004  (29/01/2005)
CLB Hoa Lâm Bình Định sẽ "chinh phục mọi khoảng cách"!  (29/01/2005)
Đi đâu cũng nhớ quê nhà  (29/01/2005)
Câu đối  (29/01/2005)
Câu lạc bộ Xuân  (29/01/2005)
Nhìn thẳng vào tương lai  (29/01/2005)
Hải quan Bình Định từ sóng gió đi lên  (29/01/2005)