Mấy năm gần đây, nhiều người ở Quy Nhơn đã tìm đến nghệ thuật thư pháp như tìm đến một thú chơi tao nhã, lắng đọng, hướng về những cội nguồn văn hóa dân tộc.
* Vì tình yêu tiếng mẹ đẻ
|
Lưu Xuân Thanh viết thư pháp |
Khởi nguyên thư pháp là một loại hình nghệ thuật, một thú chơi tao nhã chỉ có ở những dân tộc thuộc các nền văn hóa sử dụng chữ tượng hình (Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam - trong giai đoạn sử dụng chữ Hán Nôm...). Ở nước ta, khi chuyển sang sử dụng ký tự La tinh để viết tiếng Việt, nhiều người vẫn nặng lòng với thú chơi này và thư pháp tiếng Việt ra đời. Chuyện có thể sử dụng ký tự Latinh để viết thư pháp và những tác phẩm ấy có gọi là thư pháp hay không, đến nay cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng với những người yêu tiếng Việt, những tranh luận mang "tính học thuật" ấy chẳng là cái... đinh rỉ gì so với niềm đam mê được "vẽ bằng chữ", được viết ra để thể hiện tình yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Ông Lưu Xuân Thanh (ở phường Nhơn Phú -TP Quy Nhơn) cho biết: "Nghệ thuật thư pháp đòi hỏi người viết chữ phải đặt tâm chí vào đầu ngòi bút. Cái tâm phải tĩnh mới thổi được hồn cốt vào nét chữ. Hành trình để đến được với những bản thư pháp đẹp cũng giống như cuộc lội ngược dòng tâm thức đi vào bản thể chính mình của những hành giả thiền tông. Tiếng Việt đơn âm, có hình có thanh, qua góc nhìn thư pháp trở nên huyền ảo".
Khi nghĩ về những người chơi thư pháp, đa phần đều hình dung đó là những người đã đứng tuổi. Thế nhưng, Phạm Hoài Vỵ (ở 99/26 Hai Bà Trưng - TP Quy Nhơn) thì ngược lại. Anh còn trẻ, rất trẻ nữa là khác. Nhưng cái tuổi 19 không ngăn cản anh trở thành một thư pháp gia có "số má" hẳn hoi. Để có được những tác phẩm như hôm nay, Vỵ đã mất hết 5 năm chỉ để học... cầm bút.
* Lội ngược dòng về với chính mình
|
Thư pháp của Phạm Hoài Vỵ |
Người ta hay nói "thiền" tức là đi tìm chính mình. Ông Thanh nói: " Từ ngày luyện thư pháp, tôi thấy lòng mình nhẹ hơn, dễ tĩnh tại và thư thái hơn. Khi chỉ còn mình với suy nghĩ về những điều muốn viết ra giấy, ở cảnh giới ấy tạm có thể gọi đó là thư pháp. Khi ta dò được tận cội nguồn của tâm tưởng, minh bạch được suy nghĩ của mình thì thư pháp dường như cứ thế mà chạy trên giấy, lý trí không theo kịp nét bút phóng ra". Suy nghĩ của ông Thanh được nhiều người chơi thư pháp chia sẻ, trong đó có một kẻ hậu sinh tâm đắc - Phạm Hoài Vỵ. Vỵ có vẻ già trước tuổi. Nhưng chính cái nét trẻ trẻ già già của anh khiến những chữ "Nhẫn", "Tâm" hay "Đức"... vừa thấp thoáng sự thâm trầm vừa bộc lộ một phong vị đầy khinh khoái của một người yêu nhạc rock. Khỏi phải nói về chuyện khổ luyện khi viết thư pháp. Nhưng đôi khi chỉ trong một sát na, một khoảnh khắc đốn ngộ về một điều gì đó, người viết có thể xuất thần viết thẳng một lèo ra cái mình cảm nhận trong một lần phóng bút. Người chơi thư pháp gọi đó là tuyệt bút, là những bức viết không thể có hai lần.
* Gieo một nét duyên
Trong nhịp điệu gấp gáp của cuộc sống thời hiện đại, tuy ít ỏi nhưng các thư pháp gia như Đào Viết Bửu, Vũ Ngọc Liễn, Lưu Xuân Thanh, Phạm Hoài Vỵ... vẫn âm thầm tìm cho mình một lối đi riêng và gắng chia sẻ cùng nhau những lúc có dịp tao ngộ. Chưa ai trong số này coi thư pháp như một nghề để có thể mưu sinh. Nhưng ai cũng dành cho nó phần lớn thời gian và công sức. Ông Thanh đã nghỉ hưu, ở nhà lui cui với việc trồng cây cảnh, làm thơ, nghiên cứu Kinh Dịch, thỉnh thoảng lại ngồi với giấy mực. Đào Viết Bửu thì ở trong căn lều nhỏ trên núi vừa giữ nương rẫy, vừa làm thơ và lúc sướng lên lại tìm đến thư pháp. Vỵ đang học ngành xây dựng của trường Đại học Đà Nẵng, lúc rảnh cũng thích làm thơ và viết thơ của mình bằng thư pháp. Đôi lúc bạn bè tri kỷ, người quen tới thăm cảm thấy thích thì họ tặng chữ. Vỵ tâm sự - Thật ruột mà nói, khi thấy có người chia sẻ niềm đam mê, chính mình cũng đã sướng rồi. Kể ra, nói cho đúng, những lúc ấy chính mình cũng thấy nên nói rằng - mình cũng là kẻ được nhận, kẻ được quyền tặng chữ cho bằng hữu chứ! Có người nhận chữ mình tặng cũng sướng lắm chứ.
Những người mê thư pháp kể trên thường chọn cho mình một thú vui để cân bằng cuộc sống. Người chơi đàn, người thích vẽ tranh, nghe nhạc. Tất cả đều xem thư pháp là một nghệ thuật không dành chỗ cho những tham vọng, tư lợi. Họ tìm đến thư pháp chỉ là cái duyên, đam mê và trở thành những người níu giữ lại nét đẹp văn hóa.
. Hải Yến |