Trong ký ức của nhiều người, làng phong nằm trong thung lũng ven biển Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng - TP. Quy Nhơn) là vùng đất dành cho những con người mà số phận đã khép lại với dấu chấm hết. Nhưng đó là chuyện ngày trước, bây giờ làng phong Quy Hòa đã đổi khác rất nhiều…
* Một chút về lịch sử
|
Một góc khu dân cư làng phong Quy Hòa |
Nhìn từ trên cao, thung lũng Quy Hòa như một vầng trăng khuyết lượn dài nép mình bên bờ biển. Đẹp và thơ mộng là cảm nhận của nhiều người khi đến đây. 76 năm trước (1929), khi linh mục Paul Maheu (1869- 1931) tìm ra thung lũng Quy Hòa ông chỉ nghĩ một cách đơn giản - đã tìm một nơi xa cách với thế giới bên ngoài để xây dựng một khu điều trị bệnh nhân phong. Bệnh viện Laproserie de Quy Hòa ban đầu chỉ gồm một vài căn nhà xây để làm nơi điều trị, nơi ở của các soeur và nhà của bệnh nhân là những ngôi nhà tranh vách đất. Năm 1932 sau một trận bão khủng khiếp, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân trong trại bị cuốn phăng, các soeur thuộc dòng Phan sinh thừa sai đức mẹ (Franciscan missionaries of Mary) đã vận động nhiều nguồn tài trợ để tái thiết bệnh viện. Cũng thời điểm này, giám đốc bệnh viện - soeur Charles Antoine và người phụ tá của mình là soeur Ozithe (qua đời ngày 20-12-2001 ở Paris) đã đặt ra chương trình xây dựng lại bệnh viện, nhà ở để người phong có nơi trú ngụ kiên cố, lâu dài. Có thể nói nhờ thực hiện quy hoạch này mà khu điều trị phong Quy Hòa ngày nay được xếp vào hàng là một trong những bệnh viện đẹp nhất thế giới.
Soeur Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã bỏ công quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân. Theo soeur Marlene Nghiêm - người đã chứng kiến toàn bộ quá trình xây dựng bệnh viện kể lại: "Cả khu nhà biến thành một công viên khổng lồ. Tôi là người từng quản lý xưởng sản xuất gạch bông, nhiều bệnh nhân đã tự vẽ mẫu gạch hoặc nhờ các soeur vẽ lại theo ý tưởng của mình, vì vậy ở đây có nhiều mẫu gạch có thể nói là độc nhất vô nhị". Soeur Ozithe vẽ rất nhiều kiểu nhà và giúp những chủ hộ tương lai chọn mẫu, chỉnh sửa để có những mẫu nhà như ý nguyện. Mỗi căn nhà chất chứa một niềm tâm sự của chủ nhân và chính vì điều này mà gần như các ngôi nhà ở làng phong đều là "độc bản".
Như đã thấy dù đã được an ủi khá nhiều nhưng những định kiến xã hội vẫn khiến các bệnh nhân phong bị ghẻ lạnh. Cuộc sống của họ cho đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước gần như vẫn bị khép kín với thế giới bên ngoài.
* Quy Hòa hôm nay
Ở làng phong Quy Hòa hiện có gần 350 hộ gia đình với hơn 1.000 cư dân. Tất cả các bệnh nhân này đều đã được chữa dứt điểm bệnh phong. Trong số này có chừng 350 người bị tàn phế và được nhà nước trợ cấp thường xuyên.
Ông Nguyễn Hữu Đồng - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân làng phong Quy Hòa vui mừng cho biết: "Tại làng phong, nay có trường tiểu học, thư viện và hệ thống truyền thanh để phục vụ dân trong làng. Hơn 30% hộ gia đình ở đây có xe gắn máy, trên 50% hộ có ti vi sử dụng; 100% trẻ em trong độ tuổi đến lớp đều được đi học. Riêng những em phải đi học ở các trường học ở nội thành Quy Nhơn thì có xe đưa đón. Hiện làng có 24 cháu đang học ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong nước. Chừng mươi năm trước thôi, có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ sẽ có được những chuyện này".
|
Lớp học mẫu giáo tại làng phong Quy Hòa |
Nhưng điều đáng mừng nhất là những năm gần đây, bên cạnh việc trở về phục vụ cho làng phong, nhiều người trưởng thành từ Quy Hòa đã tìm được việc làm ổn định ở bên ngoài. Ông Sáu - một cư dân của làng phong tâm sự: "Chừng mươi, mười lăm năm trước, chúng tôi trồng được khá nhiều loại rau trái nhưng cũng chỉ bán lẩn quẩn trong này thôi, ra chợ nếu biết đó là từ làng phong, không ai chịu mua, có cho họ cũng không nhận. Thậm chí nhiều người khi vô chơi cũng không dám ăn uống trong này kia. Họ ngại chúng tôi đã đành, nhưng cả thế hệ thứ hai thứ ba được khẳng định là sạch bệnh cũng bị người đời kỳ thị, xa lánh. Nay thì đỡ nhiều rồi. Nhiều cháu trẻ trong làng phong Quy Hòa đã kết duyên với nhiều cư dân bên ngoài và đưa nhau về Quy Hòa xây tổ ấm. Đó là nhờ Nhà nước tuyên truyền cho toàn dân hiểu rõ về bệnh phong. Những bệnh nhân lớn tuổi như tôi xem đó mới chính là cái được lớn nhất, giàu ý nghĩa mà Nhà nước, các y, bác sĩ đã đem lại cho bệnh nhân phong".
Để Quy Hòa có được như ngày hôm nay không thể không nói đến nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa trong việc tăng cường quan hệ để tìm nguồn tài trợ ngoài ngân sách để nâng cao khả năng điều trị và cải tạo làng phong. Tính đến nay, đã có 5 tổ chức trong và ngoài nước thường xuyên hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và đào tạo nghề cho con em bệnh nhân làng phong Quy Hòa. Điển hình như Bệnh viện đã ký kết với Hội chống phong Hà Lan hỗ trợ xây dựng trường mẫu giáo, nhà trẻ, mua dụng cụ học sinh, trồng 200 cây dừa trong khuôn viên Quy Hòa. Hoặc nhờ tích cực vận động xây dựng quan hệ mà tổ chức phi chính phủ AUTEUIL (Cộng hòa Pháp) đã dành cho Bệnh viện nhiều chương trình hỗ trợ dài hạn, mới đây là khoản tài trợ trị giá 42 triệu đồng/năm để hỗ trợ việc học văn hóa và học nghề cho con em bệnh nhân phong…
Ông Nguyễn Thanh Tân - Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa, cho biết: "Một mặt chúng tôi chú trọng đến việc cải thiện những hình ảnh liên quan đến bệnh phong và người phong trong cộng đồng. Mặt khác, chúng tôi cũng nỗ lực hết mình để hỗ trợ họ tích lũy được năng lực nội sinh, để họ có được niềm tin vào cuộc sống, mà việc nâng dần trình độ văn hóa cho thế hệ thứ hai, thứ ba là then chốt. Chữa bệnh về thân xác và chữa luôn cả nỗi mặc cảm trong tâm hồn là hai nhiệm vụ được chúng tôi triển khai song song. Do đó, trong những năm qua ngoài việc chăm sóc sức khỏe, đời sống cho người dân trong làng, chúng tôi tập trung hướng các khoản viện trợ vào các chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ việc học hành và đào tạo nghề. Như vậy, khi được học và có công việc làm ổn định thì người làng phong mới thoát được mặc cảm và tìm thấy tương lai".
Nhờ sự động viên ấy, ở làng phong hiện có nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập tương đối khá cho bà con (chăn nuôi gia súc, đánh bắt hải sản gần bờ…). Đặc biệt vừa qua nhiều người trong làng đang triển khai mô hình nuôi gà, trồng cỏ- nuôi bò có thu nhập bình quân trên 500.000 đồng/tháng. Ông Nguyễn Thân, 62 tuổi, người đã sống trên 20 năm ở Quy Hòa, cho biết: "Tôi luôn nghĩ rằng mình phải làm gì đó tự nuôi mình, không thể cứ để Nhà nước nuôi hoài. Lúc đầu tôi nuôi được vài chục con, cứ thế gầy dần, nay trại gà của tôi đã được vài trăm con. Thu nhập bình quân từ việc nuôi gà khoảng 600.000 đồng/tháng. Với tôi như thế là rất lớn".
Những người như ông Thân ngày càng nhiều và niềm vui khi tự mình có thể trang trải được nhiều nhu cầu của bản thân đã thắp lửa tự tin trong mắt họ. Và chính nỗ lực vươn lên của những bệnh nhân này đã động viên "thế hệ sạch bệnh phong" nhiều hơn bất cứ chiến dịch truyền thông nào.
. Anh Tú |