Một nửa là Bình Định
19:31', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Sau 13 năm sống chung dưới mái nhà Nghĩa Bình, buổi chia tay vào năm 1989 khiến nhiều người Quảng Ngãi trước khi hồi hương đã mang theo "một nửa" của họ về quê. Mười lăm năm qua, những "một nửa" này đã trở thành công dân chính hiệu tại mảnh đất không sinh ra mình nhưng đã thành máu thịt với họ. Một cái Tết nữa lại về, những "một nửa" ấy, cùng với các đức lang quân và con cái của mình lại… lên tàu lửa, vượt Bình Đê.

Trong sự giàu đẹp của Quảng Ngãi "một nửa Bình Định" đã đóng góp một phần. (Trong ảnh: Một khu dân cư mới ven sông Trà (thị xã Quảng Ngãi)).

Nhớ hồi mới chia tỉnh, nhìn cảnh mấy ông bạn của tôi đùm túm bầu đoàn thê tử trở lại Quảng Ngãi mà thương. Thương nhất, vẫn là những bà vợ người Bình Định. Mang tiếng làm dâu Quảng Ngãi nhưng thời bao cấp, họa hoằn đôi ba năm, "các bà" mới về quê chồng một chuyến. Họ hoàn toàn không nghĩ rằng, đến một ngày nào đó mình về "làm dâu hẳn" tại miền Ấn-Trà này. Thế mà về thật. Về ở hẳn chứ không về loáng thoáng rồi đi. Nói bỡ ngỡ thì không đúng lắm nhưng trong lòng các chị ngày ấy luôn nặng trĩu những âu lo. Phần thì lạ nước lạ cái ở quê chồng, phần bị cơm áo, cửa nhà vây đuổi. Những "căn phòng hạnh phúc" ngày ấy của họ chỉ là vài mét vuông cót ép tạm bợ. Sân chơi của con cái họ chỉ bó hẹp trên những chiếc giường. Tôi nhớ, tòa soạn của Báo Quảng Ngãi ngày ấy được "đóng" trong một hội trường chỉ hơn trăm mét vuông nhưng phải "cõng" thêm những… bốn gia đình nữa. Trong những cuộc trà dư tửu hậu bây giờ, ông bạn của tôi cứ nhắc lại nỗi sợ của anh ngày ấy: "Mỗi "nhà" chỉ cách nhau một tấm… ri-đô nên rất sợ thứ âm thanh được phát ra từ những… chiếc giường! Nhiều khi bị "hàng xóm" nghi oan cho những âm thanh ấy, vì chiếc giường quá ọp ẹp, chỉ cần trở mình một cái là cứ thế nó kêu chứ có dám táy máy gì đâu!". Còn chị vợ anh thì than rằng con bé nhà chị, suốt năm học đầu tiên ở Quảng Ngãi, nó cứ dỏng tai lên nghe cho hết "công suất" nhưng không hiểu thầy giáo của nó nói gì! Chả là, ông thầy này nói rặt giọng Quảng Ngãi, lại không có ai "phiên dịch" nên con bé chẳng hiểu mô tê gì. Ngược lại, nghe giọng Bình Định của con bé, thầy giáo của nó cũng lắc đầu luôn! Chuyện ăn ở, sinh hoạt là vậy, chuyện công việc còn ê ẩm hơn. Chị em nào theo chồng về Quảng Ngãi mà trong cơ quan có "đồng hương" thì còn có chỗ để dốc bầu tâm sự, còn nếu trong cơ quan mà các bà toàn là người Quảng Ngãi thì chị Bình Định nọ suốt ngày làm thinh. Vì nhỡ nói ra một điều gì đó làm tổn thương đến "tình hữu nghị" lúc chia tài sản giữa Bình Định và Quảng Ngãi, coi như đồng nghĩa với chuyện… chuyển công tác cơ quan khác! Không ít người phải quay mặt vào đêm mà nuốt nước mắt trước bao cảnh trớ trêu hồi mới tách tỉnh. Những tiếng thì thụt râm ran trong các cơ quan rằng, anh nào lấy vợ Bình Định thì xếp loại… 3. Loại này, coi như miễn việc đề bạt cất nhắc! Cũng là chuyện tung tin đồn nhảm thế thôi chứ nào có ai hẹp hòi gì trong việc phân biệt Bình Định-Quảng Ngãi đâu. Như chị bạn của tôi, người Bình Định hẳn hoi vẫn được "lên chức" Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh. Thậm chí như ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi bấy giờ, cũng là rể Bình Định. Hồi ấy, nghe người ta đồn đại về chuyện "phân biệt đối xử" nên tôi cũng ngại cho con đường hoạn lộ của mình. Thế nhưng, khi nhìn thấy hàng loạt những anh làm rể Bình Định hoặc những chị làm dâu Quảng Ngãi đồng loạt "lên chức", tôi cũng xăm mình trở vô Bình Định và rước "một nửa" của mình về. Mười mấy năm qua, tôi vẫn cứ "đi ngang" chứ không được cất nhắc gì nhưng hoàn toàn không phải lý do là làm rể Bình Định. Hóa ra con đường hoạn lộ của anh có "thênh thang" hay không, hoàn toàn không phụ thuộc vào chuyện "gốc gác" bản quán của mình.

Vào những dịp cận Tết, mấy ông rể Bình Định chơi thân với nhau hay tụ tập tại các quán cà phê để bàn chuyện đi-ở. Ông nào cũng lắc đầu với chuyện "về quê vợ ăn Tết". Không phải các ông "ghét bỏ" gì quê vợ mà nghĩ đến con đường hun hút xe đò-tàu lửa mấy trăm cây số mà kinh. Con cái thì đòi về ngoại, vợ cũng đòi về thăm cha mẹ, nên chồng đành "xé đôi" thân mình ra: Ngày rưỡi cho Bình Định, nửa Tết còn lại cho Quảng Ngãi. Nhưng khốn nỗi, hành trình tàu xe đã ngốn hết một phần ba cái Tết rồi. Vì vậy, những ai nằm trong diện "một nửa là Bình Định", Tết với họ chỉ có… hai ngày. Tôi đem chuyện này ra "phân tích" cho các đức lang quân cùng cảnh ngộ với mình, rồi kết luận: Lấy vợ Bình Định, vừa "mang tiếng" là lấy con nhà võ, luôn luôn phải "kính trọng" chuyện quyền cước của các bà, lại còn chịu thiệt một ngày nghỉ Tết, hỏi có ai dại hơn mình? Một ông bạn sồn sồn của tôi vỗ đùi đánh đét: "Nếu nói những thằng làm rể Bình Định như mình là "dại" một thì những thằng làm rể Quảng Ngãi, "dại" mười. Vì sao ư? Vì trong lúc chúng ta lên tàu vào Bình Định còn có bạn có bầu để tán phét, thì anh chàng làm rể Quảng Ngãi kia chỉ thui thủi một mình cùng vợ con theo hành trình ngược lại". Tôi yêu cầu ông bạn chỉ người ấy để biết. Ông bạn cười cười: "Vào Báo Bình Định là gặp người ấy thôi mà".

Cũng là chuyện gẫu "gây sự" cho vui với nhau thế thôi. Chuyện trăm năm của đời người, ai mà định trước được. Có một quê để đi-về là hạnh phúc lắm rồi. Tôi đã nhiều lần tự an ủi mình như thế trước khi lên tàu lửa, vượt Bình Đê.

Cuối năm con Khỉ

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xuân về trên các khu công nghiệp  (29/01/2005)
Ngày mới ở làng phong Quy Hòa  (29/01/2005)
Những người yêu tiếng Việt  (29/01/2005)
Chợ quê ngày giáp Tết  (29/01/2005)
Đến Paris ăn bánh cuốn Thanh Trì  (29/01/2005)
Câu đối cụ Huỳnh Thúc Kháng mừng thọ Bác Hồ  (29/01/2005)
Những bông hoa chẳng tàn úa bao giờ  (29/01/2005)
Đón Tết ở... bệnh viện  (29/01/2005)
"Thép đã tôi thế đấy! "  (29/01/2005)
Hùng Kê quyền  (29/01/2005)
Trinh sát địa bàn và những chiến công thầm lặng  (29/01/2005)
Đầu xuân trò chuyện với chàng sinh viên giỏi nhất nước Anh  (29/01/2005)
Báo Bình Định - Một năm đổi mới và trưởng thành  (29/01/2005)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Ðịnh trong năm 2004  (29/01/2005)
CLB Hoa Lâm Bình Định sẽ "chinh phục mọi khoảng cách"!  (29/01/2005)