Chúng tôi đi ngày ấy
19:33', 29/1/ 2005 (GMT+7)

"Đoàn văn công Liên khu V" đó là cái tên gọi tổng hợp ba bộ phận nghệ thuật: Hát Bội, kịch Bài Chòi (còn gọi là kịch dân ca) và ca múa nhạc sau khi tập kết ra Bắc dưới quyền quản lý của Bộ Văn hóa. Còn lúc hoạt động ở chiến trường LKV dưới quyền quản lý của Khu Tuyên truyền Văn nghệ LKV, đóng quân ở Tài Lương (Hoài Nhơn) thì ba đơn vị nghệ thuật này hoạt động độc lập.

Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc tập kết ra Bắc, bộ phận hát Bội (các nghệ sĩ hát Bội Bình Định và Quảng Nam gộp lại) đi chuyến tàu sớm nhất, hình như vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9-1954 thì phải (?). Vì phải có mặt ở Hà Nội cho kịp thời gian khai mạc Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất, bộ phận hát Bội tham dự Đại hội bằng vở tuồng "Chị Ngộ" của Nguyễn Lai. Hai bộ phận kịch Bài Chòi và ca múa nhạc vì còn phải bổ sung lực lượng nên đi chuyến tàu sau, cùng chuyến với toàn bộ lực lượng văn nghệ sĩ kháng chiến LKV đi tập kết. Chuyến tàu này cập bến Quí Cao (Thái Bình) vì gặp sóng gió không cập bến Sầm Sơn được.

Đoàn Tuồng Liên khu V chụp ảnh kỷ niệm ở bãi biển Quy Nhơn trước ngày tập kết ra Bắc

Về Hà Nội nghỉ ngơi vài tuần lấy lại sức, tất cả chúng tôi đều phải tập trung ở Chèm (ngoại thành Hà Nội) học chính trị. Hơn hai tuần học tập xong, một mặt lo xây dựng tiết mục, một mặt lo điều chỉnh tổ chức, phân phối lại lực lượng nghệ thuật cho phù hợp với khả năng từng người, rồi cả ba bộ phận đều nhận lệnh xuất quân xuống tàu trở lại Quy Nhơn cùng mười đoàn văn công bạn như Đoàn kịch nói Trung ương (cụ Thế Lữ, bà Song Kim, anh Đào Mộng Long, chị Trúc Quỳnh… đều có mặt trong chuyến đi này), Đoàn văn công Nam Bộ (gồm ba bộ phận: cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, nghệ sĩ Tám Danh, Ba Du, Nguyễn Ngọc Bạch, Quốc Hương… cùng đi chuyến này), Đoàn ca múa nhạc Trung ương (gần 100 người), Đoàn nghệ thuật múa rối và một số đơn vị khác nữa… nói chung là một đội quân nghệ thuật rất hùng hậu cùng vào đây biểu diễn phục vụ đồng bào ở Khu vực tập kết 300 ngày từ nam sông Vệ đến Quy Nhơn rồi rút quân ra Bắc bằng chuyến tàu chuyển quân cuối cùng ngày 16-5-1955.

Bây giờ ngồi nghĩ lại những gì đã diễn ra, đã làm hồi ấy sao mà như chuyện thần tiên. Chỉ trong 300 ngày mà chúng ta cùng lúc giải quyết hàng núi công việc, nào là lo tiễn đưa toàn bộ lực lượng quân sự và dân sự của toàn chiến trường LKV từ khí tài quân sự đến từng con người cụ thể lên đường đi ra Bắc, làm sao biết được số lượng là bao nhiêu, chỉ biết suốt 300 ngày, ngày nào cũng thế nườm nượp người lên đường tập kết; nào là công tác bàn giao đất đai cho đối phương, nào phải cảm ơn, phải ghi công những người, những tổ chức có công với kháng chiến chín năm, rồi lau nước mắt chia tay giữa người ra đi với người ở lại…

Thế đấy! Nơi đây là Khu vực tập kết 300 ngày, Quy Nhơn là bến cảng của Khu vực tập kết 300 ngày mà cũng là mảnh đất chứa đựng trong mình nó một sự kiện lịch sử vui buồn của quê hương, của dân tộc. Sự kiện này mãi còn âm ỉ, mãi còn minh tâm khắc cốt đến muôn ngàn đời sau.

Trong thời điểm cay nghiệt ấy, dưới danh nghĩa Đoàn văn công LKV bộ phận hát Bội biểu diễn phục vụ đồng bào vở tuồng Hồng Môn hội ẩm của Tống Phước Phổ, viết về cuộc họp tranh hùng giữa Hán Bái Công và Sở Hạn Võ để đàm phán: hễ ai đưa quân vào chiếm đất Quang Trung trước thì người ấy được thiên hạ, bên thua cuộc không được gây sự về sau; bộ phận kịch Bài Chòi diễn vở Trước giờ tạm biệt của Ngô Quang Thắng, nội dung kịch là chuyện thời sự nóng hổi về kẻ đi người ở lúc bấy giờ; bộ phận ca múa nhạc thì biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ của đồng bằng và miền núi LKV.

Các bạn thử hình dung, với một đội quân văn nghệ hùng hậu dường ấy, đêm nào cũng diễn, các đoàn nghệ thuật phân công biểu diễn theo từng cụm dân cư khắp vùng, người xem đông nghịt, "đi xem văn công" lúc này đồng nghĩa với đi chia tay tiễn biệt nhau mà… Có thể nói một đợt biểu diễn với quy mô chưa từng có và ắt hẳn không bao giờ lặp lại. Một chiến công của đội quân văn nghệ thay vì đội quân cầm súng. Dư luận bấy giờ cho chúng tôi biết: kẻ địch lẩn lút theo dõi cũng khiếp sợ việc làm này.

Cuối đợt công tác, tôi được về phép một ngày đêm thăm gia đình. Đêm ấy ba tôi thức trắng. Thấy ba buồn tôi thưa:

- Ba cứ coi như con đi học hai năm rồi về!

- Hai năm, đó là chuyện trên giấy tờ con ạ!

Suy nghĩ của ba tôi được thực tế kiểm nghiệm, tròn hai thập kỷ chúng tôi đã phải sống trong trạng thái tinh thần: "Ngày Bắc đêm Nam".

Và tôi còn nhớ mãi cái hôm biểu diễn ở Chợ Cát Bồng Sơn. Chúng tôi đang diễn thì có lệnh: Trước sáu giờ sáng mai ta phải rút hết lực lượng sang phía nam cầu Bồng Sơn (hồi ấy bàn giao đất đai theo lối cuốn chiếu, có giám sát quốc tế giám sát việc bàn giao). Cầu Bồng Sơn làm bằng tre song song với cầu sắt bị bom Pháp phá sập. Tuy có anh chị cấp dưỡng theo lo việc ăn uống cho chúng tôi, nhưng trong trường hợp này không lo kịp, đành chịu nhịn ăn sáng đợi sang bên kia cầu sẽ tính.

Chúng tôi đang tập họp tại đầu cầu phía Bắc dưới hai lùm tre rậm, bất ngờ có ba gánh mì Quảng của ba cô gái trạc tuổi 30 vội vã đến mời chúng tôi ăn.

- Bọn tôi hiện giờ không có tiền các chị ạ!

- Cứ ăn kẻo đói, chị em tui cho nợ, đi tập kết về trả cũng được!

Chúng tôi cùng nhau thầm thì: khó xử quá đây.

Ba cô mì Quảng lại thúc giục:

- Không ăn thì chị em tui giận đấy!

May sao anh Nguyễn Minh Vỹ (*) đến kịp chứng kiến sự tình, anh ra lệnh: Cứ phải ăn cho vừa lòng bà con.

Vâng, chúng tôi ăn. Vì đang đói, thêm nặng tình nên bát mì Quảng ngày ấy ngon hơn mọi ngày, nhưng món nợ này cho đến nay vẫn chưa trả được.

. Vũ Ngọc Liễn

 (*) Anh Nguyễn Minh Vỹ tức Tôn Thất Vỹ là người chỉ huy cao nhất trong đợt biểu diễn của chúng tôi.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một nửa là Bình Định  (29/01/2005)
Xuân về trên các khu công nghiệp  (29/01/2005)
Ngày mới ở làng phong Quy Hòa  (29/01/2005)
Những người yêu tiếng Việt  (29/01/2005)
Chợ quê ngày giáp Tết  (29/01/2005)
Đến Paris ăn bánh cuốn Thanh Trì  (29/01/2005)
Câu đối cụ Huỳnh Thúc Kháng mừng thọ Bác Hồ  (29/01/2005)
Những bông hoa chẳng tàn úa bao giờ  (29/01/2005)
Đón Tết ở... bệnh viện  (29/01/2005)
"Thép đã tôi thế đấy! "  (29/01/2005)
Hùng Kê quyền  (29/01/2005)
Trinh sát địa bàn và những chiến công thầm lặng  (29/01/2005)
Đầu xuân trò chuyện với chàng sinh viên giỏi nhất nước Anh  (29/01/2005)
Báo Bình Định - Một năm đổi mới và trưởng thành  (29/01/2005)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh Bình Ðịnh trong năm 2004  (29/01/2005)