Ngay khi lên ngôi vua, Nguyễn Huệ đã ban hành một loạt chính sách để an dân và tái thiết đất nước.
Một trong những chiếu chỉ được Vua Quang Trung ban hành sớm nhất là Chiếu khuyến nông. Xuống chiếu này là vì ông biết muôn đời dân vẫn lo cho cái ăn lớn bằng trời, xem cái ăn là căn bản (dĩ thực vi thiên, dĩ thực vi bản), dân không no dễ sinh loạn. Nhưng ông cũng lo chống giặc dốt nên đã xuống Chiếu lập học, lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, sử dụng chữ Nôm trong các văn kiện nhà nước. Việc học đã được nhà vua đưa lên là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, nhằm mục đích nâng cao văn hóa đại chúng và đào tạo nhân tài cho đất nước. Nên biết rằng trong lịch sử Việt Nam phải đến đời vua Quang Trung, trường học mới được thành lập đến tận các cấp xã, trường học và giáo viên nằm trong bộ máy chính thức của nhà nước. Lo cái ăn cho dân, lo việc học cho dân như Ngài đã làm khi ấy là vừa lo cho cái lo trước mắt vừa gầy dựng sự nghiệp cho muôn đời.
|
Chân dung tượng Vua Quang Trung ở điện thờ Văn Thần võ tướng Tây Sơn |
Để nền thịnh trị ấy lâu dài, hơn ai hết chính Hoàng đế Quang Trung biết rất rõ rằng cần cải tổ bộ máy nhà nước vốn thiếu rất nhiều kẻ sĩ, trí thức của mình. Những cộng sự của anh em Tây Sơn cho đến trước khi Nguyễn Huệ lên ngôi phần lớn là võ tướng, kẻ sĩ trí thức rất ít. Trong thư gửi Nguyễn Thiếp, ông khiêm tốn tỏ nỗi lo ngại: "Những kẻ giúp việc trong nhất thời đều là những kẻ mạnh bạo". Vì lẽ đó, ông cũng ra Chiếu hiểu dụ các văn võ cựu triều. Trong chiếu này ngay ở đoạn đầu Vua Quang Trung nói rất rõ quan điểm của mình: "Cho nên trẫm không hề lấy cái cớ còn mất, được thua để đổ lỗi cho các ngươi… Các ngươi nên nhân dịp này bắt chước kẻ sĩ của nhà Ân nhanh nhẹn đến giúp việc tế tự cho nhà Chu…". Hay như Chiếu cầu hiền (do Ngô Thì Nhậm chấp bút) Ngài tha thiết: "Từng nghe người hiền ở trên đời cũng như sao sáng trên trời. Sao tất phải chầu ở Bắc thần, người hiền tất phải do thiên tử sử dụng. Nhược bằng giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để người đời dùng, thì đó không phải ý trời sinh ra người hiền tài… Những ai tài đức, đều nên gắng lên, để được rỡ ràng chốn vương đình, một lòng cung kính để cùng hưởng phúc tôn vinh…".
|
Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa (1789 - 2004) tại Tây Sơn - Bình Định |
Trí thức phong kiến cực kỳ xem thường những người xuất thân từ giai cấp nông dân, đặc biệt là những người dám làm một cuộc lật đổ rung trời chuyển đất như Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhưng đôi mắt xanh và tấm lòng chính trực của Quang Trung Nguyễn Huệ đã chinh phục được họ, gây dựng tên tuổi và phóng họ lên trên những tầm cao lịch sử mà có lẽ nếu không gặp Ngài sẽ rất khó đạt được. Có thể kể ra một vài điển hình xuất sắc như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ… Họ được hưởng niềm vinh dự mà nói như Ngô Thì Nhậm là "được sinh ra làm người nước Nam".
Có thể nói rằng sau khi lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã sống toàn tâm với nỗi ưu tư của mình về tương lai của dân tộc, với khát vọng khẳng định giá trị và sức mạnh văn hóa Việt. Những mạch nguồn tư tưởng mang tính đột phá của Ngài cùng một lúc tuôn tràn trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao, quân sự, giáo dục, thương mại… Và cái đích của Ngài là vì dân tộc, vì Tổ quốc Việt Nam. Tinh thần thần tốc tấn công của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đáng được bảo tồn và phát huy như một giá trị văn hóa đích thực, nhất là trên quê hương Bình Định của chúng ta.
. Học Phong |