Trước khi những phong trào đầy tính nhân bản đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam bùng phát khắp thế giới, có một Việt kiều âm thầm nghiên cứu, đấu tranh, tiếp sức cho các nạn nhân bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm với đồng bào. Đó là Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Australia - Một người con của quê hương Bình Định, quê gốc ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) với công trình "Chất độc da cam, dioxin và hệ quả".
* "Tôi thấy mình có bổn phận..."
|
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn rời Việt Nam năm 1982, sau đó đến Australia và bắt đầu cuộc mưu sinh để có tiền đi học từ việc rửa chén bát đến phụ bếp, rồi làm phụ tá trong một bệnh viện... Năm 1987, ông tốt nghiệp thạc sĩ, 3 năm sau bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán thống kê và dịch tễ học, nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ tại Đại học Basle (Thụy Sĩ). Năm 1997 tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa nội tiết học, được bổ nhiệm làm Phó giáo sư Đại học Wright States (Mỹ).
Hiện Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn là nhà nghiên cứu y học cấp cao của Viện Nghiên cứu y khoa Gravan (Australia), giảng dạy tại ĐH New South Wales... |
Điều gì khiến một nhà di truyền và nội tiết học lại nghiên cứu về hệ quả chất độc da cam? Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn tâm sự rằng, lúc nhỏ ông từng chứng kiến cảnh rải chất độc hóa học của Mỹ. Điều đó ám ảnh ông. Khi ra nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều tài liệu về chất độc da cam, ông nhận thấy đây là một vấn đề khoa học và xã hội lớn, có ảnh hưởng đến hàng triệu NNCĐDC. Và với trái tim của một trí thức Việt Nam canh cánh nỗi đau của đồng bào mình, Tiến sĩ đã nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề này. Khi các NNCĐDC Việt Nam phát đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ, ông liên hệ với NXB Trẻ (TPHCM) để xuất bản các công trình nghiên cứu có liên quan đến NNCĐDC của mình. Cuốn Chất độc da cam, dioxin và hệ quả (NXB Trẻ, 7-2004) được xuất bản vào thời điểm nhạy cảm nên đã được công chúng quan tâm.
Không chỉ dừng lại ở tác phẩm trên, gần đây hàng loạt bài viết của TS Nguyễn Văn Tuấn trên các báo ở Việt Nam cũng như ở các nước đã chứng minh rằng không chỉ xảy ra với người Việt, chất độc da cam cũng để lại di chứng rất lớn với lính Mỹ và lính chư hầu từng tham chiến tại Việt Nam. Ông cũng là người công bố số liệu mới nhất về lượng chất độc hóa học Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam là 76,9 triệu lít (cao hơn 9,4 triệu lít so với kết quả đã từng công bố). Ông cũng chứng minh được rằng, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học phi pháp lớn nhất trong lịch sử nhân loại, bất chấp các công ước quốc tế như Quy ước La Hague (1907), Công ước Geneva (1925), Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (1969) cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh... Và ông kết luận, đó là "tội ác chống nhân loại", "tội phạm chiến tranh".
* Một người con Bình Định
Không chỉ vậy, tâm sự với chúng tôi, ông nói sẵn sàng về Việt Nam và đã phác họa sẵn một chương trình nghiên cứu chất độc da cam với các đồng nghiệp Việt Nam một cách có hệ thống. Ông đề nghị thành lập hẳn một cục nghiên cứu với những ủy ban chuyên trách; tranh thủ, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để biến chương trình nghiên cứu chất độc da cam của chúng ta thành một chương trình mang tính quốc tế, khách quan, có tính thuyết phục. Ông rất nóng lòng, bức xúc muốn nghiên cứu sớm để có những công trình khoa học tiếp sức cho các NNCĐDC Việt Nam đang kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ. Đó cũng là cách đấu tranh tích cực trên diễn đàn quốc tế, vì sự hiện diện của ta (các nghiên cứu từ Việt Nam) trên diễn đàn khoa học quốc tế còn khiêm tốn. Ông tin rằng chân lý sẽ thuộc về các NNCĐDC.
Chất độc da cam, dioxin và hệ quả (NXB Trẻ, 7-2004) như là một phần bản cáo trạng tố cáo tội ác của việc sản xuất, rải chất độc da cam của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Vượt lên nỗi đau của một dân tộc, tác phẩm còn cảnh báo cho nhân loại nhớ rằng hậu quả của việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh là tội ác man rợ với nhân loại. Với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tác phẩm còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần trong hành trình đấu tranh đòi công lý. |
Thoạt đầu tôi nghĩ ông là người Nam Bộ. Đến khi tiếp xúc mới biết Tiến sĩ là người Bình Định, quê gốc ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Nhưng ông sống ở Kiên Giang từ bé. Ông kể, cha ông, thời chống Pháp là bộ đội Vệ quốc quân, cùng đồng đội đồng chí vào Nam trong chiến dịch Nam tiến. Người chiến sĩ ấy để lại chiến trường một cánh tay, ông trở thành thương binh và định cư tại Kiên Giang. Sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang, mãi sau 1975 gia đình ông mới có dịp về quê Bình Định.
Được tin, tác phẩm của mình được đồng bào trong nước quan tâm, ông rất vui nhưng vẫn nói: "Vui nhưng chưa trọn vẹn, chỉ khi nào Chính phủ Mỹ chính thức ghi nhận, xin lỗi và khi nào công lý được thực thi, các NNCĐDC được bồi thường, nỗi đau của đồng bào mình được xoa dịu, thì niềm vui của chúng ta mới trọn vẹn". Ông còn nhiều mối quan tâm khác, đặc biệt về tình hình giáo dục ở Việt Nam, về đời sống, sức khỏe của các NNCĐDC, về việc nghiên cứu một cách toàn diện chất độc da cam...
Nghe nói chuyện quê gốc đổi thay nhiều lắm, ông trầm tư. Thì ai chẳng có lúc lặng lòng mình xuống vì nỗi nhớ quê cha đất tổ của riêng mình. Ông tâm sự: "Tôi muốn nói rằng, bà con NNCĐDC trong nước có nhiều bạn bè và "đồng minh" quốc tế lắm, kiều bào mình lúc nào cũng nghĩ đến họ và làm tất cả những gì có thể làm được để cùng chia sẻ nỗi đau chung. Tết Ất Dậu, cho phép tôi chúc bà con hưởng một cái Tết an lành, hạnh phúc và hy vọng cuộc đấu tranh vì công lý sẽ có kết quả mỹ mãn. Chúc bà con quê hương Bình Định mình một năm mới hạnh phúc, an khang...".
. Lưu Nhi Dũ
(Báo Người Lao Động) |