Vị phó giáo sư 38 tuổi và luận án tiến sĩ viết dưới… gầm cầu thang
19:59', 29/1/ 2005 (GMT+7)

26 tuổi nhận bằng thạc sĩ, 33 tuổi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 38 tuổi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư. Sự nghiệp, công danh đã đến với Phó giáo sư - Tiến sĩ Thái Thuần Quang, Trưởng bộ môn Giải tích - Khoa Toán, Trường Đại học Quy Nhơn, đầy khó khăn, nhưng cũng rất nhanh chóng.

PGS- TS Thái Thuần Quang (bên trái) cùng với thầy Khuê, tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ

Khi được tin Tiến sĩ Toán học Thái Thuần Quang là một trong những người trẻ nhất được Nhà nước phong hàm phó giáo sư vào trung tuần tháng 10 năm 2004, tôi đã tìm gặp anh - một giảng viên trẻ của Trường Đại học Quy Nhơn. Gặp lại tôi, anh không còn là một sinh viên từng đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc ngày nào, mà đã là một phó giáo sư với hàng chục công trình nghiên cứu được đánh giá cao.

Thái Thuần Quang sinh ra và lớn lên ở huyện miền biển Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1988, anh tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, với thành tích xuất sắc và được giữ lại trường. Liền sau đó, anh học thạc sĩ. Năm 1992, ra Hà Nội, Thái Thuần Quang bắt đầu làm nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ về toán học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian này, anh làm quen với cô Tôn Nữ Mỹ Nhật, từ Huế ra Hà Nội học cao học.

"Sau hai năm quen nhau tôi và cô ấy đi đến quyết định "góp gạo nấu chung". Kỷ niệm buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống đều bắt đầu từ đó. Lúc ấy, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Hai chúng tôi phải thuê nhà trọ học như những sinh viên bình thường khác. Vài ba tháng, chúng tôi lại phải chuyển chỗ trọ một lần. Hai năm sau nữa (1996) bà xã tôi mang thai. Về nhà bà ngoại sinh được 3 tháng, lại phải bế con trở ra Hà Nội tiếp tục chương trình học. Mỗi tháng, chúng tôi được nhận mấy trăm ngàn tiền trợ cấp. Phần chợ búa, phần mua sữa cho con nhỏ. Số tiền ít ỏi còn lại không đủ thuê nhà trọ, chúng tôi đến ký túc xá của trường để ở. Không có phòng riêng, Ban quản lý ký túc xá thông cảm sắp xếp cho vợ chồng tôi ở tạm dưới gầm cầu thang. Gia đình tôi sống ở đây gần một năm... Lúc này, vợ tôi vất vả nhiều, vừa lo học, vừa phải ra ngoài dạy thêm để trang trải cuộc sống gia đình. Còn tôi suốt ngày chúi mũi vào sách vở, dành hết thời gian cho luận án tiến sĩ. Và rồi "cái" luận án tiến sĩ của tôi cũng đã hoàn thành ngay dưới gầm cầu thang. Cũng nhờ niềm say mê thôi thúc, chứ nếu không tôi đã bỏ giữa chừng. Bây giờ, những ngày tháng ấy đã thành một kỷ niệm đẹp đối với vợ chồng tôi" - Thái Thuần Quang kể.

PGS -TS Thái Thuần Quang trong một giờ lên lớp

Đang "ngon trớn" kể chuyện mình, PGS-TS Thái Thuần Quang đột ngột ngắt quãng để nói về người thầy đã hướng dẫn anh hoàn thành luận án dưới gầm cầu thang. Anh tâm sự: "Thời gian học ở Hà Nội, tôi thật sự kính trọng và ngưỡng mộ GS-TSKH Nguyễn Văn Khuê. Thầy tôi là một mẫu người miệt mài nghiên cứu, cống hiến không biết mỏi mệt cho các thế hệ sinh viên. Trong cuộc sống cũng như trong nghiên cứu sáng tạo, thầy luôn đề cao sự bình đẳng. Có một hôm trong đêm tối, thầy Khuê một thân một mình đạp xe ba bốn chục cây số đến nhà trọ của học trò chỉ để nói rằng thầy đã tìm ra cách giải bài toán lúc chiều rồi. Có thể nói, chính thầy đã truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu cho tôi".

Noi theo gương thầy, trong thời gian 7 năm sát cánh với những người cùng có "máu" say mê toán học, anh đã lần lượt hoàn thành 8 công trình nghiên cứu về toán học. Năm 1999, Thái Thuần Quang bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với công trình "Tính đều và sự thác triển hàm nguyên, ánh xạ nguyên" và được Hội đồng Bảo vệ luận án đánh giá cao. Sau đó anh trở về lại mái trường xưa trên cương vị là giảng viên chính của Khoa Toán. Sau những giờ đứng lớp, anh vẫn tự thầm lặng nghiên cứu để phần nào thỏa được niềm say mê. Tiếp tục, anh cho ra những công trình: "Biểu diễn mũ của các hàm chỉnh hình loại bị chặn đều", "Ánh xạ chỉnh hình loại đều giữa các DF không gian và sự biểu diễn dạng mũ"... Những công trình này đã được những tạp chí danh tiếng về toán học như Acta Mathematica Sinica (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), J. Aust. Math. Soc (Úc), Southeast Asian Bullentin of Mathematics... đăng tải và đánh giá cao.

Với những cố gắng miệt mài nghiên cứu và cống hiến hết mình cho ngành toán học, tháng 10-2004, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã phong tặng chức danh Phó giáo sư cho anh khi mới 38 tuổi. Thái Thuần Quang trở thành người trẻ nhất ở Trường Đại học Quy Nhơn được phong tặng chức danh vinh dự này.

Trước khi chia tay, PGS-TS Thái Thuần Quang đã có lời nhắn gửi đầy tâm huyết cho các bạn trẻ hôm nay: "Ở giảng đường, thu thập thật nhiều kiến thức; vào đời, lao động bằng sự say mê, bạn sẽ hoàn thành ước nguyện".

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam  (29/01/2005)
Bình Định tự tin - hội nhập  (29/01/2005)
Sau khi lên ngôi Hoàng đế Quang Trung làm gì?  (29/01/2005)
Chúng tôi đi ngày ấy  (29/01/2005)
Một nửa là Bình Định  (29/01/2005)
Xuân về trên các khu công nghiệp  (29/01/2005)
Ngày mới ở làng phong Quy Hòa  (29/01/2005)
Những người yêu tiếng Việt  (29/01/2005)
Chợ quê ngày giáp Tết  (29/01/2005)
Đến Paris ăn bánh cuốn Thanh Trì  (29/01/2005)
Câu đối cụ Huỳnh Thúc Kháng mừng thọ Bác Hồ  (29/01/2005)
Những bông hoa chẳng tàn úa bao giờ  (29/01/2005)
Đón Tết ở... bệnh viện  (29/01/2005)
"Thép đã tôi thế đấy! "  (29/01/2005)
Hùng Kê quyền  (29/01/2005)