Phía trên chợ Cây Bông, xã Nhơn Khánh (huyện An Nhơn) có một người đàn bà tuổi đã tròm trèm 80 song vẫn lưu trữ được trong bộ nhớ của mình hàng vài trăm câu hát tích tụ từ những hội xuân trải dọc cuộc đời. Đó là cụ Phan Thị Trang, tục danh bà Bốn Trang…
* Đến đây chẳng hát thì hò...
|
Bà Phan Thị Trang |
Cả tuổi thanh xuân của bà trải mình theo những ngày hội xuân. Hết An Khê, rồi các huyện trong tỉnh, xuống thị trấn Bình Định thì thường xuyên hơn, còn như ở chợ Cây Bông, xã Nhơn Khánh thì đôi ba lần một năm lại có đêm hát. Cả những khi xã có đội dự thi, bà cũng được mời tham dự. Bận nào cũng vậy, bao giờ bà cũng nằm trong số những cây hát chủ lực của đội. "Cũng chẳng phải giỏi giang gì, nhưng có lẽ bởi mình có cái giọng hát cũng được, nhất là nhớ được nhiều câu, nhiều bài, gặp tình huống gì là bật ngay ra tình huống ấy nên họ thích chăng? - bà nói.
"Thế hiện giờ, nếu được mời, bà có còn đi hát chăng?", tôi hỏi. "Bây giờ tuổi đã 79 rồi, có muốn cũng hổng được. Nhưng tổ chức ở Cây Bông này thì tôi vẫn hát chứ. Nói hổng phải tự hào gì nhưng tui không hát thì ai vô hát bây giờ. Mà chơi thì chơi chứ sợ gì cậu. Có điều là bây giờ tìm ra người đồng lứa để hát đối đáp cỡ tuổi tui khó lắm. Rồi bà chép miệng: Bây giờ có ai đến mời đi hát là con trai tui nó cứ gạt phăng đi: "Bà già tui lớn rồi chứ nhỏ mọn gì mà cứ biểu bả đi". Nghĩ cũng tội. Nó thương mẹ, chứ chú tính, tui nay đã gần 80 rồi, đi đâu xa chút thì mệt đứt hơi. Biết vậy, nhưng rồi cũng cứ muốn đi".
* Một kho văn hóa phi vật thể sống
Trong cái kho văn hóa phi vật thể mà bà đang nắm giữ bằng giọng hát của mình, không ít những câu có tuồng, có tích. Bà kể: "Mỗi lần tham gia ít ra cũng phải tới 4 người lập thành một đội. Nói là đội nhưng là kẻ trên nguồn xuống, người dưới biển lên, biết hát thì ráp lại. Rồi ai biết câu chi thì hát câu nấy. Như với tui, nhờ nhập tâm nạp được nhiều nên gặp đâu là bập đấy, chứ có tài cán chữ nghĩa chi mà sáng tạo thêm vô. Ngoài những đoạn chào hỏi, đối đáp, những bài có tuồng tích thì người vào vai này, kẻ vào vai khác, rồi cũng bỏ bộ sơ sơ trên sân khấu và hát. Như đây là một đoạn của Ngũ hổ bình Tây nè cậu: "Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình/ Trong ba chữ ấy anh bình chữ chi/Lịnh triều đình chiếu chỉ anh ra đi/Tống quốc không tới, tới chi đơn thành/ Em là nữ chúa tài tình/ Thấy anh tài sắc lại đòi kết duyên…".
Mỗi bài hát như vậy, bà nói, phải hát tới cả nửa tiếng đồng hồ. Tôi lại nài bà hát thêm một đoạn. Hơi e dè, nhưng rồi bà cũng cất lời. Em còn liễu yếu đào tơ/Mẹ già đầu bạc tóc tơ cập kỳ/ Thôi thôi anh đửng lo chi/Để em gánh vác dậy thì dưỡng nuôi/ Lạy cùng trời phật khiến xui/ Chàng đừng phụ bạc nghĩa tui với chàng.
Mỗi đêm hát, bà thường được trả thù lao 15.000-20.000 đồng. Nhưng cái chính, với bà vẫn là niềm vui. "Nói thật với cậu, nếu không có câu hát thì đời tui cũng buồn lắm. Nói là hát chơi cũng đúng, nhưng nói là niềm vui của cuộc đời mình cũng chẳng có sai".
* Ai người sau sẽ tới
Tôi hỏi: "Học của người đã nhiều, nhưng trong cuộc đời, bà đã dạy hát được cho bao nhiêu người?". Bà nói: "Cũng nhiều chứ cậu. Nhưng rồi cũng chỉ dạy ít câu cho vui thôi. Còn bọn trẻ trong nhà ấy à? Bây giờ tụi nó xem hát trên tivi thích hơn chứ đứa nào học hát hò nhà quê này nữa. À! Cách đây ít lâu, có ông cán bộ đưa mấy người đến nghe hát, rồi ghi ghi chép chép nhiều lắm. Rồi họ lại nói: bà dạy cho cái giọng. Trời ơi, tui nghe mà buồn quá. Cái giọng là cái tự trong thiên tư mình đấy chứ, ai mà dạy cho được".
Giọng hát thì đúng là không dạy được, nhưng những câu hát, chẳng lẽ rồi sẽ chẳng kịp trao truyền, khi mà giọng bà đã run run? "Ai người trước đã qua/ Ai người sau chưa tới…" - trong đầu tôi cứ vang vang câu thơ cổ ấy dọc trên đường về.
. Nguyên Hạo |