Cô giáo trẻ và niềm hạnh phúc "trồng người"
20:54', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Giới thiệu về Nguyễn Thị Nghệ An, giáo viên Trường Tiểu học Bồng Sơn (Hoài Nhơn), cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Ái Liên nói gọn: "An bé nhỏ nhưng có chí lắm!". Bé nhỏ thì đúng rồi, cả về vóc dáng lẫn tuổi đời…

Gia đình là chỗ dựa với cô giáo Nghệ An

Không có chí thì sao Nghệ An làm nên được những thành tích như thế này: năm 1995, ra trường về dạy Trường Tiểu học Bồng Sơn; hai năm sau, theo học đại học từ xa; đến năm 1999, khi ở tuổi 25, thì được đứng vào hàng ngũ của Đảng; năm 2003 liên tiếp đoạt giải nhì kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh rồi giải nhất cấp quốc gia. Vừa đi dạy, vừa tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường, cho huyện từ năm 1996 đến nay và không ít học sinh của cô đã là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2004, gia đình cô là gia đình tiêu biểu của huyện Hoài Nhơn dự Liên hoan các Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ II và đoạt giải nhất.

"Nhưng nếu không được tiếp sức từ gia đình thì dù có cố gắng mấy cũng khó thành công"- Nghệ An kể: "Nói thật mơ ước hồi nhỏ của mình là luật sư chứ không phải là cô giáo. Vậy rồi học hết cấp 3, gia đình lại không muốn mình thi vào đại học luật. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình hồi đó mà đi học xa thì cũng khó. Vậy là mình thi vào Khoa Tiểu học - Trường Trung học Sư phạm Bình Định (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định). Có lẽ là có cái duyên dạy học. Mà cũng lạ, gia đình mình có 5 chị em gái thì 4 người đã theo nghề giáo"- cô Nghệ An kể.

Tháng 9 - 1995 về trường thì sang năm 1996, Nghệ An bắt đầu đảm nhận giảng dạy lớp bồi dưỡng học sinh giỏi đầu tiên. Cho đến giờ, trừ buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều hôm thì cô bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường, hôm thì bồi dưỡng học sinh giỏi cho huyện. Cô tâm sự: "Dạy học sinh giỏi cũng vất vả, nhưng không mệt bằng làm chủ nhiệm các lớp thường. Vì lớp thường có nhiều em cũng ngỗ nghịch lắm. Giáo viên như mình thì cứ phải khóc vì học trò hoài. Nhưng buồn nhất là có những khi mình đã đặt cả niềm tin vào các em. Vậy rồi có em lại làm mình thất vọng".

Nhưng chính những học trò ngỗ nghịch nhất lại là những em còn nhớ đến cô giáo nhiều nhất. Nhớ đến cô giáo biết quan tâm đến hoàn cảnh từng đứa, đến từng nhà vận động gia đình cho các em tiếp tục đi học, rồi còn dành thời gian rảnh kèm cặp thêm. "Bận 20-11 năm ngoái, mình nhận được một cái thiệp không ghi tên, chỉ ghi: "Em là đứa học trò ngỗ nghịch mà có lẽ chẳng bao giờ cô quên được!". Nhìn nét chữ, mình đoán ngay ra là em nào. Tự dưng thấy ấm lòng lạ!"- cô Nghệ An kể.

Một mối bận tâm khác với cô giáo trẻ này là những em học trò có hoàn cảnh khó khăn. Nghệ An vẫn nhớ đến hoàn cảnh của Huỳnh Ngọc Long, nhà nghèo, bố mẹ đều đi kinh tế mới. Long ở nhà với ông bà nội. Rồi Thái Thị Thơm, gia đình rất nghèo, mẹ bán vé số, ba đi làm thuê làm mướn. Bản thân Thơm ngoài giờ học cũng đi làm thêm. Có lúc, các em này tính bỏ học. Vậy là cô giáo phải tới từng nhà thuyết phục, rồi vận động Hội phụ huynh và các bạn trong lớp cùng quyên góp giúp bạn vượt khó. Học sinh của cô như Cao Xuân Vinh, năm rồi thi vào Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh được 29/30 điểm; như Nguyên, Nghĩa… đã là học sinh giỏi của huyện, của tỉnh.

"Cái chính là mình đặt cả cái tâm vào nghề dạy học. Muốn dạy cho tốt, cho hay thì năm nào cũng phải soạn lại giáo án để cập nhật kiến thức. Rồi quan tâm đến hoàn cảnh, khả năng của từng học sinh. Các em thiếu hay yếu chỗ nào thì giúp chỗ đó. Nếu nói là kinh nghiệm thì kinh nghiệm của mình chỉ có vậy"- cô Nghệ An tâm sự.

. Khải Nhân

 

"Chuyện nhà ông Sáu" là tiểu phẩm mà gia đình cô giáo Nghệ An, với bốn thành viên là ông Nguyễn Hay (bố cô), hai vợ chồng cô và bé Diệp Khánh Linh (con gái đầu) tham gia Liên hoan các Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh. Tiểu phẩm xoay quanh chuyện ông nội (do ông Hay đóng) mong có một đứa cháu trai trong khi vợ chồng anh con trai đã có hai cháu gái. Ai cũng tấm tắc trước một bé Linh mới 4 tuổi cũng diễn ra trò lắm và cuối cùng giật ngay giải diễn viên nhí của Liên hoan. Còn chị Nghệ An thì giật thêm giải nhất hùng biện.

"Chuyện nhà ông Sáu là vậy, nhưng gia đình anh chị thì có ý định…"- tôi hỏi. "Không đâu! Hai đứa con gái như vầy là quá sức rồi" - anh Thức nói.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Câu hò đậu tuổi 80  (29/01/2005)
Vị phó giáo sư 38 tuổi và luận án tiến sĩ viết dưới… gầm cầu thang  (29/01/2005)
Người đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam  (29/01/2005)
Bình Định tự tin - hội nhập  (29/01/2005)
Sau khi lên ngôi Hoàng đế Quang Trung làm gì?  (29/01/2005)
Chúng tôi đi ngày ấy  (29/01/2005)
Một nửa là Bình Định  (29/01/2005)
Xuân về trên các khu công nghiệp  (29/01/2005)
Ngày mới ở làng phong Quy Hòa  (29/01/2005)
Những người yêu tiếng Việt  (29/01/2005)
Chợ quê ngày giáp Tết  (29/01/2005)
Đến Paris ăn bánh cuốn Thanh Trì  (29/01/2005)
Câu đối cụ Huỳnh Thúc Kháng mừng thọ Bác Hồ  (29/01/2005)
Những bông hoa chẳng tàn úa bao giờ  (29/01/2005)
Đón Tết ở... bệnh viện  (29/01/2005)