Năm Gà nói chuyện tranh gà
20:32', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Tương truyền, người Việt đã biết làm một thứ giấy gọi là "mật hương chỉ" vào thế kỷ thứ III. Sách Thiền uyển tập anh đời Trần chép - tổ tiên nhà sư Tín Học, cuối thế kỷ XII đã giỏi nghề khắc ván. Nghề làm giấy và khắc ván ở ta như vậy đã có từ xưa. Và rất có thể vào một ngày đẹp trời, trong một phút ngẫu hứng rỗi việc khắc… giải buồn, tổ tiên ta đã sáng tạo ra tranh khắc và chơi tranh…

1.

Gà trống - Tranh dân gian Đông Hồ

Nói đến tranh dân gian, nhất là tranh Tết thì phải nói đến tranh Đông Hồ. Làng Đông Hồ nằm ven sông Đuống, cách Hà Nội chừng 40 km về phía đông, xưa có tên Đông Mại (hay Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc (nay là làng Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) là làng có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Ở làng tranh dân gian Đông Hồ nay, nhiều gia đình vẫn còn giữ được hàng trăm ván khắc cổ, coi là của gia bảo, và hàng năm khi xuân về vẫn đem ra in tranh bán Tết.

Tranh dân gian Đông Hồ mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét duy lý rất ngây thơ, đơn giản nhưng lại hợp tình. Tranh Đông Hồ in bằng tay trên bảng gỗ khắc nổi, mỗi màu in có ván khắc riêng. Giấy in tranh là giấy dó, thường phủ một lớp phấn điệp hơi óng ánh. Màu làm tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó; màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu son lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp… Xem ra, người Đông Hồ khá thân thiện với môi trường.

Tranh Đông Hồ chỉ làm và bán mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán, cho nên chủ đề mùa xuân, những ước vọng vẫn bật lên khi chồi xanh cựa mình thường tràn ngập trong tranh. Bởi thế nhiều người vẫn gọi là tranh Tết. Dán một bức tranh Tết chứa chan hy vọng lên tường, người nông dân (những người đầu tiên dán tranh Tết lên tường hẳn phải là nông dân) muốn thả luôn cái bãng lãng của mùa xuân dưới mái rạ ấm áp của mình. Chắc là để đường cày nhẹ hơn, vụ gặt vàng màu lúa chín hơn…

2.

Sau nhiều năm bị quên lãng, người Đông Hồ đang dần phục hồi cái nghề làm nên tên tuổi làng mình. Có lẽ sau nhiều năm tung tẩy, quầy quả với tranh Tàu in trên nhựa mỏng, tranh Thái lòe loẹt in trên giấy đóng trong khung nhựa, cuối cùng dân ta cũng thấy được rằng cái vẻ nền nã, nhuần nhị của tranh ta cuối cùng vẫn hợp với người mình hơn. Khi lòng mình chợt trống, khi hồn mình chợt vắng, quay lại là cố nhiên.

Một đàn gà - Tranh dân gian Đông Hồ

Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng nhận xét: "Trên thớ điệp, khi hớn hở, khi thanh thản, những màu nguyên rung lên theo ánh sáng. Màu vàng hòe tượng trưng cho sự no đủ, màu vàng rộm lên như cánh đồng lúa chín, màu xanh như lũy tre, màu đỏ gấc như yếm thắm, màu nhiễu tím như thắt lưng, màu đen như váy lĩnh giữa mùa quan họ. Tiếng nói sâu kín của bản năng và tiềm thức không biết bao lần làm ta giật mình, bồi hồi trong kỷ niệm. Nét tranh khắc rất sâu, màu in phẳng đẹp. Thẩm mỹ của tranh Đông Hồ - trong thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian nói chung, là nó giản dị, chân thật, có lúc ngây ngô đến vụng về. Nhưng nó bao hàm một vẻ đẹp không thể cưỡng lại của một tâm hồn xa, như thật còn phảng phất đâu đây của dân tộc, như sự nối tiếp âm thầm của một nền văn hóa lâu đời. Đứng trước một tờ tranh Đông Hồ, chính là cái lý do tồn tại đó, cái ý vị hồn nhiên mà nó chứa đựng trong mình, hoặc cái ý tưởng trong lành mà nó muốn biểu đạt, đã làm ta xúc động".

3.

Sao chẳng thấy kể gì đến tranh gà nhỉ! Ô không, làm sao có thể quên tranh gà giữa lúc này được. Thì đây…

Đông Hồ và một vài làng quê gần đó có giống gà quý (gà Hồ, gà Đông Cảo…), dáng đẹp, tốt sắc lại nặng cân. Có lẽ nhờ thế mà cùng với ước vọng phồn thực, con gà trống trong tranh Đông Hồ mới sặc sỡ và oai vệ làm sao. Con gà trống được dân gian xưng tụng nhờ năm cái đức: văn (vẻ đẹp, mào gà), (cựa gà, vũ khí), nhân (biết thương yêu đồng loại, kiếm được thức ăn ngon là gọi bầy đàn đến), dũng (gặp kẻ thù là sẵn sàng giao chiến), tín (hàng ngày gáy báo giờ rất đúng). Gieo mơ ước trong những lời cầu nguyện khi đất trời giao mùa có lẽ là đặc trưng của nhân loại. Nông dân cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho đất đai thêm màu mỡ, thương nhân cầu công việc xuôi chèo mát mái, kẻ sĩ mong công danh tấn tới… Cặp tranh vinh hoa phú quý của Đông Hồ gói ghém được hết thảy những ước mơ này. Còn gì không có trong tranh. Bức bé trai bụ bẫm ôm gà trống có chữ vinh hoa, bức bé gái xinh tươi ôm con vịt có chữ phú quý, treo thành một cặp trong nhà. Giàu sang, no đủ, hạnh phúc; một năm, một đời tươi tắn rạng rỡ trên tường chẳng phải là đã quá đủ hay sao! Lại còn có cả gà Cát tường như ý. Con gà dân gian sống động, đĩnh đạc nom đẹp quá thể, như chỉ chực bước ra khỏi tường vươn cổ gáy ò… ó… o. Khi làm bộ tranh Mẹ con đàn gà, dân gian còn muốn gởi vào đó niềm mơ ước gia đình đông vui, thuận hòa. Xem bộ tranh này khi ngày cùng tháng tận, ta như nghe được cả tiếng cục cục gọi con ấm áp của gà mẹ, tiếng chiêm chiếp, lích rích liến láu của gà con… Những kẻ xa quê khi cuộn tranh này gói vào lòng, hẳn sẽ không khỏi bùi ngùi thương cảm rồi nhớ mẹ nhớ cha…

Những cảm giác ấm áp nhường ấy, liệu tranh Tàu, tranh Thái có làm được chăng? Thưa là không!

. Duyên - Hiên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những vồng vạn thọ  (29/01/2005)
Thơ xuân  (29/01/2005)
Cô giáo trẻ và niềm hạnh phúc "trồng người"  (29/01/2005)
Câu hò đậu tuổi 80  (29/01/2005)
Vị phó giáo sư 38 tuổi và luận án tiến sĩ viết dưới… gầm cầu thang  (29/01/2005)
Người đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam  (29/01/2005)
Bình Định tự tin - hội nhập  (29/01/2005)
Sau khi lên ngôi Hoàng đế Quang Trung làm gì?  (29/01/2005)
Chúng tôi đi ngày ấy  (29/01/2005)
Một nửa là Bình Định  (29/01/2005)
Xuân về trên các khu công nghiệp  (29/01/2005)
Ngày mới ở làng phong Quy Hòa  (29/01/2005)
Những người yêu tiếng Việt  (29/01/2005)
Chợ quê ngày giáp Tết  (29/01/2005)
Đến Paris ăn bánh cuốn Thanh Trì  (29/01/2005)