. Truyện ngắn của Lê Nguyên Ngữ
Khi biết mình không còn làm chủ tay lái được nữa thì… "rầm" một tiếng, hai chị em cô gái trên xe đạp bắn ra và tôi cùng chiếc xe đạp của mình nhập thành một… đống nơi đầu hẻm. Người qua đường bu lại. Thằng bé ngồi sau cô chị choàng ngay dậy, ngoác miệng cười khì với tôi và mọi người. Cô chị thì đứng lên sau, mặt đỏ dần vì ngượng. Tôi rối rít xin lỗi hai chị em cô. Vụ đụng xe tưởng "sứt đầu mẻ trán", hóa ra lại chẳng ai việc gì. Mọi người đều thở phào, tản đi lo cái Tết sắp đến của mình. Chúng tôi kiểm lại chiếc xe cũng chẳng cong vành, tét vỏ gì, duy chiếc áo dài của cô chị - trạc tuổi tôi - thì bị rách đi một chỗ gần nơi quả bóng thêu trên ngực, màu xanh. Nụ cười của thằng bé bỗng tắt ngay khi thấy chị đưa tay che ngực áo. Lúc tận mắt thấy chỗ rách, nó bỗng chảy nước mắt, rồi khóc lên. Tôi hoảng hồn ôm lấy đầu nó, hỏi dồn:
- Em có làm sao không đấy?
Thằng bé lắc đầu và tiếp tục chảy nước mắt, nhìn trân trối vào cái áo của chị nó. Ra là xót của! Là thợ may, dư biết công xá của việc làm lành lại chỗ rách như vậy trên một chiếc áo dài, tôi vội rút tờ bạc mười nghìn dúi vào nó:
- Em chịu khó cầm, về mạng lại cho chị giùm anh.
Chị thằng bé vẫn chưa hết ngượng, nên còn vờ tiếp tục xem xét chiếc xe. "Anh cho nhiều quá thế!", thằng bé giọng đầy nước mắt, lí nhí. Chỉ chờ có vậy, rồi mặc cho hai chị em với tờ bạc mười nghìn, tôi vội lên xe đạp biến vào hẻm. Tuần sau, đang mỏi mắt với việc vẽ, cắt quần áo Tết, vừa ngẩng lên, tôi giật thót người và rơi cây kéo đánh "xoảng" xuống mặt bàn. Thằng bé tông xe bỗng lại lò dò đến, tay khư khư cái bọc như vừa ở bệnh viện về. Cùng đi với một người áng chừng là mẹ nó. Lạy Chúa! Chỉ còn mấy ngày nữa là sẽ qua được "năm tuổi" của tôi, thế mà…!
- Xin lỗi! Tiệm này có còn… nhận hàng may nữa không ạ? Câu hỏi của bà đi với thằng bé làm tôi mừng đến đớ lưỡi, quên phắt là hiệu mình đã thôi nhận hàng trên tháng nay:
- Dạ… Còn! Chi vậy bác?
- Cậu ạ, chẳng là… tôi muốn cậu may giùm cho em nó… cái áo để mặc Tết mà… - Bà vừa nói vừa ngượng nghịu mở gói giấy từ tay thằng bé cười khóc thất thường hôm đụng xe, đưa tôi.
- May theo kiểu chiếc áo này ư? Còn vải đâu, hở bác? - Tôi hỏi và xòe tay ra với bà.
Gương mặt già nua nhăn nheo của bà bỗng đỏ rần lên:
- Là… là tôi nói muốn nhờ cậu may cho em nó cái áo sơ mi từ… chiếc áo dài này. Xin cậu cảm phiền giúp, vì nhà nghèo mà… các cháu lại đông quá!
Ra thế! Dẫu sao thì sự kỳ vọng của bà và nhất là của thằng bé khiến tôi cầm lòng không đậu. Nếu là người nào khác…, đằng này… Vụ đụng xe nơi đầu hẻm lại hiện lên trong trí tôi. Tôi lặng lẽ xổ chiếc áo ra. Đấy là chiếc áo dài tuy giữ gìn còn mới, song loại vải chắc có đâu từ hồi tôi chưa… ra đời. Tôi bỗng giật mình bàng hoàng khi dưới tay hiện ra quả bóng thêu màu xanh và mấy vết rách trên ngực áo. Thấy tôi lặng mãi đi khi nhìn vào vết rách, bà mẹ rụt rè phân trần:
- Cái áo này của con chị ra Tết nghỉ học luôn, bảo mặc giữ gìn để còn sửa lại cái áo Tết cho em mà chẳng may bị té rách vậy đó cậu. Vải áo cũng còn mới! Cậu ráng sửa giùm. - Sợ tôi từ chối, bà liếc qua thằng bé đứng bên nói tiếp: - Từ hôm chiếc áo bị rách, sợ không có đồ mặc Tết nên em nó cứ khóc hoài!
Nghe đến đây, tôi chợt hiểu cái khóc không cầm được của thằng bé khi thấy chỗ rách trên áo dài của chị, nơi đầu hẻm hôm nào. Không biết thằng bé có nhận ra tôi không? Tôi vội đưa chiếc áo lên vờ xem để giấu đi sự xúc động của mình. Qua lần ánh sáng khi giơ lên, tôi lại phát hiện thêm mấy lỗ thủng nữa ẩn bên trong quả bóng thêu.
- Trong quả bóng này cũng có thêm mấy lỗ rách nữa đấy bác!
- Dạ, phải đó cậu! Nguyên trước đó là chiếc áo dài của cô chị cả, bị gián nhấm nên may chuyển xuống cho con em, lúc nó vào học cấp 3. Trường bắt mặc đồng phục, bây giờ…
Thằng bé tỏ ra lo lắng vô cùng, nó hết nhìn tôi lại nhìn cái thước dây đang xoay qua lại xoay về trên chiếc áo dài cũ. Tôi "hạo" sơ diện tích còn sử dụng lại được của chiếc áo và ra hiệu cho cậu bé đến gần để lấy số đo người. Biết là có ít nhiều hy vọng nên thằng bé hớn hở ra mặt.
Khi ướm lại, tôi thấy thật khó kiếm được một sơ mi mặc Tết trên chiếc áo dài có hai lỗ thủng rách liền nhau, nơi phần ngực trước này. Loại vải cũng không thể "trở trái làm mặt" để cho chỗ rách ẩn vào túi áo trên. Giá tôi đừng làm rách thêm một lỗ nữa hôm đụng xe, việc chuyển chiếc áo xuống cho thằng bé sẽ dễ dàng hơn nhiều. Cái miệng nửa mếu nửa cười của thằng bé hôm nào nơi đầu hẻm và trận đá bóng ầm ĩ của bọn trẻ bên ngoài vọng vào khiến tôi nghĩ ra được cách chuyển xuống sơ mi từ chiếc áo dài trước mặt một cách tuyệt vời. Phải, chỉ có trận bóng đá với thủ môn ngộ nghĩnh với một người thợ thêu tài hoa mới đem lại được mùa xuân cho chiếc áo đã qua hai "đời" người mặc này.
"Thôi được rồi! ", nghe tôi thốt lên vậy, những nếp nhăn lo âu trên mặt bà mẹ giãn ra. Thằng bé cũng vui mừng không kém và vội giục mẹ về. Có lẽ cậu ta sợ nán lại, biết đâu tôi sẽ chẳng khám phá ra thêm chỗ rách nào nữa trên chiếc áo vừa trở thành niềm hy vọng của mình…
Bây giờ thì trước mặt tôi, thằng bé đang dang hai vai, xúng xính trong chiếc áo mới. Nơi ngực áo, một con nghé thêu len nâu sậm, bằng động tác rất chi là điệu nghệ của thủ môn loại nhà nghề, đang quơ hai cặp sừng vừa che vết rách, vừa báng trả quả bóng màu xanh. Tất nhiên là để che cho được những vết rách này, cặp sừng của chú nghé hơi vươn dài ra một chút. Nhưng nào có hề gì! Ngược lại, chú bé còn tỏ vẻ rất hài lòng về cách đón bóng bằng sừng của con nghé thủ môn, nên vội giục mẹ đưa tiền trả, thưởng công tôi. Tôi vội ngăn lại khi thấy bà mẹ lấp ló tờ mười nghìn đồng trong tay, lí nhí "Gửi cậu gọi là…". Cũng rất có thể đấy chính là tờ giấy bạc tôi đưa nơi đụng xe đầu hẻm hôm nào. Thấy tôi từ chối, bà mẹ ngẩn ra không hiểu tại sao, cuối cùng đành rối rít cám ơn. Bà miết tay mãi vào con nghé thủ môn mới mướt tơ len và cười. Cái cười mãn nguyện của người mẹ lo được cái áo Tết cho con. Con nghé chặn lại được một quả bóng có nguy cơ thủng lưới trên ngực áo thằng bé, thực sự đã mang lại niềm vui không những với mẹ con bà mà còn cho cả chính tôi.
"Chà… xem con nghé đón bóng đẹp chưa kìa! ". Lẫn trong tiếng reo của bọn trẻ ngoài đường vọng vào là lời của bà mẹ nói với thằng bé. "Nghé đẹp, con mặc phải giữ gìn cho khéo, để Tết sang năm nếu áo ngắn, lại còn chuyển… xuống cho em con nữa đấy". Phố phường vô Tết cứ vang vọng vào những niềm vui như bất tận. Cuối cùng thì chẳng phải tôi, nhưng chính con nghé đang hua sừng đón bóng trên ngực áo kia mới là thủ môn giữ cho mùa xuân không bị "thủng lưới" và mang lại niềm vui cho cậu bé, Tết này.
. L.N.N |