Mưu sinh bên miệng tử thần
21:25', 29/1/ 2005 (GMT+7)

Những chén xúp vây cá mập với giá cả trăm USD, cộng với những truyền tụng về công dụng của chúng, đã làm cho cá mập trở thành đối tượng tận diệt của ngư dân. Ở vùng biển Hoài Nhơn, từ lâu câu cá mập đã trở thành một nghề, vừa hiểm nguy, vừa gây ra nhiều di họa cho môi trường…

* Đối diện kình ngư

Lão ngư Kiệt Văn Chiến

Lão ngư Kiệt Văn Chiến, người mà dân làng chài Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) quen gọi bằng với cái tên Hai Chiến, có vẻ ít muốn nói về cái nghề của mình. Mắt ông chỉ thoáng ánh lên khi nghe chúng tôi nhắc lại nghề xưa nghiệp cũ: "Tui năm nay 70, thì cũng có gần 50 năm kiếm ăn trên biển bằng cái nghề câu cá mập. Quen rồi thì thấy cũng thường thôi".

Ông Hai Chiến cho biết: Năm 1986, tui bàn với ông Được bán chiếc ghe nhỏ, hùn hạp thêm, sắm chiếc ghe 52 mã lực.

Đi khơi xa, chẳng có máy định vị như bây giờ. Phương tiện hành nghề chỉ là chiếc bộ đàm, thêm cái la bàn và cái chính yếu vẫn là kinh nghiệm biển giã. Cứ bấm ngón tay tính thời gian đi - đến để ước lượng vị trí. Vậy rồi cũng dọc ngang khắp các vùng. "Thường thì dong thuyền một ngày một đêm, nhưng có bận phải đi xa tới 3, 4 ngày đêm mới đến nơi bủa câu. Dàn bủa gồm đường câu chính (sợi cái) bện bằng cước 2 ly dài khoảng 20km. Cứ khoảng hai mươi sải thì đặt một thẻo câu bằng cước 3 ly dài khoảng hai sải tay. Đầu thẻo câu thợ câu nối thêm một đoạn dây thép 1 ly bện dài cả thước rồi mới móc một lưỡi câu bằng inox 5 ly. Tính ra, một dàn bủa có khoảng từ 400 đến 500 lưỡi câu như vậy. Cá mập dữ và hàm răng bén không thua lưỡi lam nên phải làm cẩn thận như vậy. Bắt đầu bủa từ 3, 4 giờ chiều, rồi anh em tranh thủ cơm nước. Đến 7 đến 8 giờ tối là trở ngược lại kéo lên. Mỗi chuyến như vậy, mỗi thuyền có thể bắt được từ vài con đến cả chục. Cá cỡ 200 ký là thường. Có con tới 500 ký nữa"- ông Chiến nói.

* Nước mắt khơi xa

Ở biển Việt Nam có 27 loài cá mập, trong đó nhiều nhất là cá nhám tro và cá mập Mã Lai. Những loài cá có kích thước lớn thuộc họ cá mập: cá mập chồn dài 8-9m, cá mập xanh dài 6-7m, cá mập vây đen dài 4m. Cá mập thường sống ở độ sâu 20-60m. Cá mập thường gặp ở vùng biển đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Mê và các vùng biển gần bờ biển Thái Bình, Ninh Bình, Bình Thuận.

Thế nhưng, chuyện bủa câu hay chờ đến khi con cá mắc câu chỉ là chuyện vặt. Nguy hiểm chỉ bắt đầu khi con cá dính câu. Khi con cá đã được lôi đến mặt nước, một bạn chài khéo tay nhất sẽ có nhiệm vụ đâm chiếc lao thép cắm vào đầu cá. Lao nối với đôi sợi cước rất lớn, một đầu gắn vào một cần trục. Cần trục quay, cá được ép sát mạn tàu. Bấy giờ, thợ câu sẽ dùng một cây lao nhọn, thọc từ óc cá thẳng xuống xương sống cá cho đến khi nào cá chết hẳn. Với những con cá mập cỡ trung là vậy, nhưng gặp phải con cá nặng cỡ 400-500 kg, thợ câu phải rọi đèn pha, dùng lưới quây vùng xung quanh con cá dính câu và cho 1 -2 người xuống nước tìm cách cắt lấy bộ vây. Cá mập vốn say mùi máu, chỉ cần đánh hơi thấy thì bầy cá mập cũng sẽ lao đến rất nhanh. Không có dàn lưới bảo vệ, không có sự hỗ trợ của các tay câu chuyền, câu táp thì…

Sau mỗi chuyến đi câu như vậy thợ câu có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Ông Nguyễn Thân, thôn Ca Công Nam là một trong những chủ ghe ít ỏi ở Hoài Hương còn giữ nghề câu cá mập. Ông Thân nói: "Tui đã quen hơi biển khơi rồi. Con cá mập khỏe, dữ, răng bén mới ớn, chứ như cá bò gù to thì cũng to xác thật đấy, nhưng hễ mắc câu là thôi, hết cựa quậy không đáng ngại gì mấy".

* Cá chết vì vây

Một chiếc thuyền câu cá mập

Xúp vi cá mập là một món ăn khá phổ biến ở châu Á. Trong các nhà hàng đặc sản giá một chén xúp vi cá mập có thể lên đến 100 USD. Vây cá sơ chế được chia làm 3 loại, có giá từ vài trăm đến cả hơn triệu đồng/kg, tùy theo kích cỡ và từng loại cá mập khác nhau. Vây được các thương lái thu gom, bán lại cho những người buôn, mang sang Trung Quốc. Lý do chính khiến nhiều chủ ghe hiện không mặn mà nữa với nghề câu là trữ lượng cá mập đang cạn. "Cá mập sinh sản chậm lắm và có rất ít con. Có hàng triệu con cá khác mới gặp chừng tá con cá mập. Hơn nữa, giống như người, cá mập thường tìm nhau khi tuổi trên 20 và mỗi con cái lại chỉ có thể đẻ một con. Trong khi đó, việc săn bắt cá mập đã có từ lâu, không chỉ Việt Nam mà ở khắp các nước châu Á, nên cá mập hiếm lần. Giờ phải đi vài ngày, dong thuyền ra tận các vùng biển quốc tế gần Philippines Malaysia, Thái Lan... mới câu được. Luẩn quẩn như xưa thì chỉ có mà… ăn cám"- một thợ câu cho biết. Số thuyền câu thưa dần. Xưa, cữ tháng 11 đến tháng 7 là mùa câu, nhưng nay ra Giêng may ra mới có một vài thuyền câu cá mập. Hai thôn Thiện Chánh và Tân Thành ở Tam Quan Bắc còn khoảng 10 chiếc, ở Hoài Hương thêm vài chiếc nữa. Các ghe khác đã chuyển sang câu cá bò gù. Ông Hai Chiến thì tâm sự: "Ghe bây giờ mạnh, máy móc nhiều, tụi trẻ cũng giỏi giang lắm. Ghe thuyền đi dài ngày, xa lắm. Tui nhìn mấy đứa nó cứ bấm bấm mấy cái mà định vị y phóc hà! Vậy mà số cá cũng chẳng bằng hồi tui còn làm".

Không bảo đảm sự sống của cá mập, hệ sinh thái biển bị đe dọa. Là một loài ăn thịt hàng đầu, loài cá này là kẻ thu dọn rác dưới đại dương, thanh toán những sinh vật bệnh, yếu dưới nước, giữ cho hệ sinh thái trong lành. Bởi vậy, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu tất cả các nước thành viên xây dựng và ban hành những kế hoạch nhằm hạn chế việc săn bắt cá mập. Còn nói như một ngư dân đã có hàng chục năm trong nghề câu cá mập nay đã giải nghệ: "Tui xem nhiều phim cá mập tấn công con người chứ trên thực tế có thấy khi nào đâu, trừ phi chính con người tấn công nó trước. Có lẽ con người mới là kẻ thù đáng sợ nhất của cá mập, chứ đâu phải ngược lại".

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phút giao thừa chợt sáng  (29/01/2005)
Chiếc áo Tết  (29/01/2005)
Năm Gà nói chuyện tranh gà  (29/01/2005)
Những vồng vạn thọ  (29/01/2005)
Thơ xuân  (29/01/2005)
Cô giáo trẻ và niềm hạnh phúc "trồng người"  (29/01/2005)
Câu hò đậu tuổi 80  (29/01/2005)
Vị phó giáo sư 38 tuổi và luận án tiến sĩ viết dưới… gầm cầu thang  (29/01/2005)
Người đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam  (29/01/2005)
Bình Định tự tin - hội nhập  (29/01/2005)
Sau khi lên ngôi Hoàng đế Quang Trung làm gì?  (29/01/2005)
Chúng tôi đi ngày ấy  (29/01/2005)
Một nửa là Bình Định  (29/01/2005)
Xuân về trên các khu công nghiệp  (29/01/2005)
Ngày mới ở làng phong Quy Hòa  (29/01/2005)