Bình Định là tỉnh có cả đồng bằng, núi non, biển cả. Thế đất là thế tựa lưng vào Trường Sơn hùng vĩ, dang hai tay vươn mình ôm trọn cả một vùng trời nước bao la. Muối mặn mòi nuôi vững những bước chân, gió thổi căng những lồng ngực tràn đầy sức sống. Trong Đại Nam nhất thống chí, đoạn về người Bình Định viết như sau: "Học trò chăm học, nhân dân siêng cày; tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa… Đồ mặc, đồ dùng thì giản dị mộc mạc, không ưa văn hoa...". Đại Nam nhất thống chí là sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Triều Nguyễn về cơ bản luôn xem dải đất này là "đất phản nghịch" nhưng vẫn buộc phải xác nhận những đặc điểm không thể không xác nhận như vậy. Suốt trong bộ sách, đọc hết mấy chục tỉnh từ Lạng Sơn đến Hà Tiên không thấy người nơi đâu có nét chung "trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa" như người Bình Định - đất võ. Người một xứ có chất trượng nghĩa dễ nổi lên nhiều nhân tài kiệt hiệt. Đất nhiều nhân tài kiệt hiệt thì người có chí lớn dễ mưu đại nghiệp. Và vương triều Tây Sơn - một sự nghiệp tuy ngắn ngủi nhưng chói sáng trong lịch sử dân tộc là một ví dụ.
Người Bình Định có tiếng là thô mộc, "lời nói ngắn như một đòn đánh thẳng". Cũng phải thôi, sống với tâm thức của những người đi mở đất, lúc nào tổ tiên ta cũng đứng trong tâm thế sẵn sàng nên có thói quen chẳng làm thừa thứ gì, chẳng để việc nào dư, cả lời nói cũng thế. Thời hiện đại đâm ra… có ích, vì hễ nói là đến đích, nói là hiểu ngay.
Người là Hoa của Đất. Vâng vì người là hoa của đất nên Đất- Người xứ nẫu còn sinh ra một làn dân ca bài chòi ngọt như tiếng mẹ ru, một điệu tuồng giàu tính ước lệ, cách điệu đến một cành cây cũng thành ngựa, thành bão giông. Võ là thế. Văn cũng thế. Xưa có Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì thì nay có Yến Lan, Phạm Hổ… Thậm chí bắt nguồn với đất này nhiều người đã vụt lên sáng chói - Xuân Diệu, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... Bạn tôi, một nhà thơ, có lần đứng trên đỉnh đèo Bình Đê nhìn về phương Nam mà cảm khái - Năm xửa năm xưa vùng này chắc hoang vu bạt ngàn rừng rú, vậy mà với một manh áo phất phơ, một gánh can trường, tiền nhân ta đã xẻ núi làm đường, khai sơn phá thạch làm nên làng xóm. Trăm năm dâu bể tích bồi mới có được ngày nay, có để mình đứng đây phóng một cái từ Bắc vào Nam lòng tràn đầy kiêu hãnh về quê hương.
Đất như thế. Người là như thế. Mời bạn ngẫm lại mà xem...
Thám hiểm thành Tà-Kơn huyền thoại
Lên Tà-Kơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) để không chỉ được thấy thành đá Tà-Kơn. Đây: xứ sở của những huyền thoại, của những bản hơmoan hát thâu đêm, nơi ngọn lửa Tà Lốc - Tà Lek vẫn âm ỉ cháy trong mỗi tấm lòng. Và đây nữa: vùng đất của những người vùng cao hồn hậu, chất phác…
* Lên ngàn
|
Đá xếp thành một bức tường thành cao, kỳ vĩ |
Làng K8 (tên cũ của Kon-blo) nằm cách trung tâm xã Vĩnh Sơn chừng vài cây số. Ở đây, chúng tôi may mắn tìm được hai người dẫn đường: Đinh Nhíp và Đinh Grao và làm cuộc hành trình xuyên rừng. Đinh Grao sinh năm 1976, lớn hơn Nhíp hai tuổi, nhưng bộ dạng nhỏ thó, lại bị tật một bên chân từ nhỏ. Grao đi bằng một bàn chân, chân kia được thay bằng chiếc gậy chống. Ấy vậy mà anh ta cứ nhoay nhoáy, nhanh như sóc.
Trời lâm râm mưa. Những con dốc đất bazan trơn như mỡ. Chúng tôi lò dò từng bước một. Băng qua cánh rừng cổ thụ, sương bay lòa xòa trước mặt. Cái thâm u của những gốc cây tầm người ôm, những rễ cây ngoằn ngoèo cuộn ngang lối mòn băng rừng, cái lạnh váng vất theo từng đợt, từng đợt sương mù thổi qua. Giữa trưa mà như trời chiều, làm tôi thấy hơi ớn lạnh. Hành trình ngược dốc đã thấm mệt, chúng tôi chỉ còn biết lầm lũi nối nhau đi, như đếm từng bước chân. Như để động viên, Grao quay lại: "Đã đến làng K4 rồi, chỉ băng qua cánh rừng này nữa thôi".
Cuối cùng thì thành đá đã sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi. Phải dò dẫm, len lỏi qua từng phiến đá trơn tuột, bám tay vào những dây leo, đứng được dưới chân thành và ngước nhìn lên mới thấy hết sự hùng vĩ. Những phiến đá ngang mặt bàn, hình lục lăng, hình trụ chữ nhật, tưởng như đã được ai đó gia công đẽo gọt, từng phiến đều chằn chặn, màu trắng đã lám xám rêu. Cứ thế, đá xếp thành bức thành cao hơn chục mét, dài hàng trăm mét. Thành nằm ngay trên một bờ vực, có thể tưởng tượng là dấu tích một hào sâu bảo vệ thành? Một số đá đã đổ xuống, len giữa những cây rừng, ngổn ngang trên mặt đất, càng tạo thêm vẻ kỳ bí. Một số khác xếp phía ngoài, thành những cột trụ lớn. Nhiều tảng đá lẻ giống nhau một cách kỳ lạ và khó có thể nói rằng đây là tạo vật thiên nhiên. Một số người cho rằng đây là dấu tích của một nền văn minh cổ nào đó?
* Ẩn chứa những huyền thoại
Trừ một tiếng đồng hồ chụp ảnh và nghỉ dưới chân thành đá, tính ra, cả đi lẫn về, chúng tôi mất hơn ba tiếng đồng hồ đi bộ. Vắt cắn máu chảy đẫm tất giày. Nhưng câu chuyện về thành Tà-Kơn vẫn neo chúng tôi lại bên bếp lửa của làng Kon-blo. Bok Y Thuế, già làng, vừa kể chuyện, vừa nhẩn nha bập điếu thuốc trên môi, còn anh Nha làm phiên dịch thì cứ toát mồ hôi để tìm cho ra từ mà dịch. Già kể, đại ý: "Xưa, xưa lắm, ở làng Kon-blo này có nàng Hơ-bia. Hẳn trời tạo ra thì nàng mới đẹp được như thế. Một vị thần núi rất muốn lấy nàng. Nhưng thần có vẻ ngoài xấu xí, nàng Hơ-bia muốn thử tài, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lấy thần. Lần thử thứ nhất là lấy nước đổ vào gùi, làm sao cho nước đừng chảy; thứ hai là lấy vỏ chuối đem trồng cho mọc thành cây và thứ ba là lấy con gà chặt đầu rồi làm khô mà gà vẫn sống. Cả ba lần thần núi đều vượt qua được để lấy được nàng Hơ-bia. Và hai người đã cùng nhau xây nên thành Tà-Kơn này. Mà cũng chỉ có cái rựa của hai người yêu nhau mới cắt được những phiến đá như thế". Bàn tay người thiếu nữ Bana đang tiếp từng vùa nước rượu cần thoáng dừng lại. Cũng như cái lặng yên của đám trai tráng trong làng nãy giờ đang rầm rì mời nhau uống rượu cần. Câu chuyện hẳn làm họ để tâm lắng nghe.
Và sau này, qua nhà sưu tầm văn hóa dân gian Hà Giao, tôi được biết thêm một truyền thuyết khác về thành Tà-Kơn. Khác câu chuyện do Bok Y Thuế kể, câu chuyện này xoay quanh cuộc đấu tranh của anh em Đrum, Đrăm với quân Tà-pông-kang, chỉ giống nhau ở phần thi tài. Hóa ra, thành Tà-Kơn không chỉ ẩn chứa một huyền thoại. Những bí ẩn của thành đá Tà-Kơn đã được người Bana mã hóa như vậy.
* Đánh thức Tà-Kơn
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Thanh Tùng có vẻ tâm đắc với vẻ đẹp và sự quyến rũ của thành Tà-Kơn lạ. Ông kể, rằng ông cũng đã từng lên chiêm ngưỡng Tà-Kơn và mơ được đánh thức thành đá này như một điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch thượng nguồn. Để minh chứng cho triển vọng phát triển du lịch của huyện nhà, ông dẫn chúng tôi đi suối nước nóng, rồi men theo con đường mới. Sương mờ trải lưng chừng núi, nhưng từ một điểm cao trên tuyến đường, chúng tôi vẫn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh trung tâm huyện lỵ với dòng sông Kôn uốn khúc, đẹp như một bức tranh lụa.
Tôi thử hình dung nay mai, lên Vĩnh Thạnh, ghé suối nước nóng, ta lại lên Tà-Kơn bằng con đường mới. Phía dưới là mây trời, gió núi và vẻ đẹp của vùng lòng hồ Định Bình, hồ A Vĩnh Sơn. Không khí thoáng đãng, mát mẻ của Vĩnh Sơn, vẻ đẹp nao lòng của những thác nước, cái hồn hậu của những con người vùng cao, sự ấm nồng của ché rượu cần, cái thấm nghĩa đậm tình của bát cơm lúa rẫy, rồi vườn cam Nguyễn Huệ - di tích cấp quốc gia đang được huyện lập dự án trùng tu lại… bấy nhiêu tưởng cũng đã làm nên một sức hút. Chưa nói đến vẻ hấp dẫn kỳ bí của thành Tà-Kơn cùng một chuyến thám hiểm băng rừng.
. Thạch Trung
Ghềnh Ráng: Nàng tiên vừa thức
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cô gái "sắc nước, hương trời", ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, ô lại truy đuổi định cưỡng bức, phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn, nàng biến mất. Người yêu cô tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện trên bầu trời. Từ đó nơi đây được đặt tên là "Ghềnh Ráng Tiên sa".
|
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại bãi tắm Ghềnh Ráng |
Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế cũng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía đông bắc biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Đi dọc theo triền núi ta sẽ được chiêm ngưỡng một số "tác phẩm" tuyệt đẹp của thiên nhiên. Có tảng đá giống như đầu sư tử đang lao đầu xuống biển xanh. Tượng "Vọng phu" trầm tĩnh xa xăm. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp. Xuống biển, ta gặp một "Bãi Trứng" nơi ngày xưa Nam Phương Hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) vẫn thường đến đây để tắm. Bãi tắm có hàng vạn hòn đá tròn như những quả trứng đại bàng nằm xếp. Hai bên, gành đá nhô cao như những chàng vệ sĩ đưa tấm lưng trần, chắn những đợt sóng lớn liên tục xô vào bờ, tung lên cao những đám bọt trắng xóa. Cách Bãi Trứng không xa về hướng Tây là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ Hàn Mặc Tử, được chuyển dời từ Trại phong Quy Hòa về ngày 13-11-1959. Cách Ghềnh Ráng không xa, qua một con dốc là đến Quy Hòa, nơi có bãi cát vàng óng và những hàng thông vi vu trước gió. Với những gì thiên nhiên ban tặng, Ghềnh Ráng đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích quốc gia năm 1991.
Trong mấy năm qua, Nhà nước đã đầu tư hơn 4 tỉ đồng xây dựng đường sá, điện chiếu sáng và nhiều hạng mục công trình khác, biến nơi đây thành một lâm viên xinh đẹp. Cuối năm 2004, để phát huy giá trị của thắng cảnh, tỉnh Bình Định đã cho phép Công ty liên doanh du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đầu tư để biến nơi đây thành một khu nghỉ dưỡng hiện đại. Rừng cây sẽ được trồng thêm, cỏ hoa sẽ xanh tươi hơn, những công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm và nghỉ dưỡng sẽ được thiết lập mà không phá vỡ không gian, giá trị cảnh quan.
Ghềnh Ráng như nàng tiên được đánh thức sau một giấc ngủ dài.
. Minh Hiếu
Trong bóng cổ thành
Tôi khẽ chạm tay lên vách tường cổ đỏ au trong lòng tháp. Những bước chân của gió và cát, đọng lại thành những vết thời gian hiện hình trên từng phiến gạch. Màu thời gian, chỗ đỏ - phơi mình mà đỏ, chỗ sạm đen - dấu của rêu phong còn in hằn trên từng viên gạch. "Đừng quá triền miên trong lòng tháp"- nhớ lại lời khuyên của Hoài Thanh, tôi bước chân ra ngoài đỉnh đồi để ngắm nhìn tháp Cánh Tiên bay trên nắng cổ thành Đồ Bàn - Hoàng Đế (huyện An Nhơn).
|
Một góc khu Nội của thành Hoàng Đế (An Nhơn). Ảnh nhỏ: Một đoạn bờ thành đất của thành Hoàng Đế |
Tháp Cánh Tiên có thể là dấu vết còn của một quần thể kiến trúc đậm đặc tháp mang phế tích hãy còn đây đó trong cổ thành. Vươn cao 20 m trên đỉnh đồi, Cánh Tiên như một sự bứt phá trên tầm cao không gian, như một lời khẳng định về bản lĩnh và sức sáng tạo của con người. Toàn thân tháp là cả một hình khối mạnh mẽ, từng chi tiết cũng như muốn thu mình, muốn bứt phá. Bộ diềm mái, rồi hệ thống đá điểm góc, trang trí nhiều lớp tạo cho Cánh Tiên vẻ bề thế, sang trọng mà huyền bí. Tất cả tạo thành một cảm giác như những đôi cánh đang bay lên, vừa thanh thoát, nhẹ nhàng, lại vừa duyên dáng, huyền diệu, như một người con gái.
Buông tầm mắt ra xa, bên những nếp nhà của cư dân cổ thành, bên những làng nghề truyền thống của đất kinh xưa là những dấu tường thành còn thấp thoáng. Và nữa, ngay trong khuôn viên được xác định là Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế vương triều Thái Đức xưa, dưới bàn tay các nhà khảo cổ trong đợt khai quật năm 2004, nay đã xuất lộ dấu vết kiến trúc thủy hồ thuộc công trình kiến trúc văn hóa cung đình thời Tây Sơn và móng nhà thờ tổ Nguyễn Nhạc.
Vậy đó, giờ đây, khi lang thang trên những góc cổ thành, ta có thể bắt gặp những dấu vết kiến trúc thuộc về ba triều đại cùng hiện diện. Trên một mảnh đất mà ghi dấu bao bước đi của lịch sử. Và phải chăng, hỡi những mắt tượng tròn, to đang dõi theo ta trên từng bước chân kia, hẳn như muốn nói, rằng trải qua những biến thiên thương hải vi tang điền, chỉ riêng văn hóa là còn mãi trong tâm thức con người. "Cái gì chẳng thể mất được nó vẫn tồn tại mãi mãi với thời gian"- tôi bắt gặp những dòng này trong phần cuối Đồ Bàn thành ký của Nguyễn Văn Hiển. Đồ Bàn - Hoàng Đế cũng như những giá trị văn hóa đích thực khác sẽ còn, còn mãi và là những thông điệp của người muôn năm trước trao truyền cho nghìn thế hệ sau.
Một chuyến xe ngựa lộc cộc, rảo qua những con đường của đất kinh xưa, đưa du khách đến với những làng nghề đất Vua, rảo qua những đền - tháp Chăm, rồi thưởng ngoạn những hương vị ẩm thực của đất kinh xưa; dừng bước bên cổ thành vào một đêm trăng, cái ánh trăng đã từng ám ảnh các thi nhân Bình Định, từng góp phần làm nên một Trường thơ Loạn ghi danh trong lịch sử văn học Việt, để lòng mình cộng hưởng cùng những vang động thẳm sâu của ký ức, với dấu tích của những thời kỳ lịch sử đầy biến động. Tại sao không? Khi mà Bộ Văn hóa - Thông tin đã đồng ý cho Bình Định được tổ chức hội thảo khoa học để tiến tới lập dự án trùng tu Tử Cấm Thành thành Hoàng Đế.
. Khải Nhân
Dưới chân núi Hoàng Mai…
Tôi về làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), quê hương của danh sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc thời cận đại Đào Tấn. Đường làng trải dưới chân đi. Âm âm trên mỗi bước chân, dưới những gốc duối, những cây trái vườn nhà, tưởng còn nghe rộn tiếng trống chầu một thuở Học bộ đình, ngôi trường đào tạo nghệ sĩ hát bội của cụ Đào…
Đường vào làng Vinh Thạnh hãy còn nguyên chiếc cổng làng, trên đề bốn chữ Vinh Thạnh lý môn (cổng làng Vinh Thạnh), rồi đình làng Vinh Thạnh, nơi Đào Tấn được cả làng tôn vinh như một vị thần và một lòng thờ cúng. Một làng ẩn nhiều trầm tích văn hóa. Dọc theo con đường làng uốn giữa màu xanh cây trái tỏa hình xương cá, là những bờ rào chè, duối xanh và những ngôi nhà vẫn còn mang chút nề nếp xưa, thâm trầm bên đời sống phố thị đang dần lấn đến.
|
Mộ danh nhân Đào Tấn trên núi Hoàng Mai |
Tôi tìm đúng nơi nền nhà cũ của Đào công. Chiếc cổng vôi và hai cây vạn tuế là dấu tích còn sót lại. Hẳn những người bạn lâu niên ấy, hiện diện từ những ngày tháng cuối đời khi cụ Đào trở về quê cũ, cất đi gánh nặng quan trường, vui với tiếng trống hát bội đêm ngày rộn rã, còn như đang thủ thỉ với người đời sau cái tâm sự nhất phiến băng tâm của một con người biết "đại ẩn" ngay giữa chốn quan trường và trong tâm hồn thì luôn thường trực chí hướng: "Muốn làm mới mẻ dân trong một nước, không thể không làm hưng thịnh tuồng hát của nước đó" (Nguyễn Bá Huân viết về Đào Tấn).
Ngóng về hướng Tây Bắc, ấy là núi Hoàng Mai, còn có tên là núi Đá Vàng (thuộc xã Phước Nghĩa). Nơi ấy, mộ của Mai Tăng, biệt hiệu của Đào Tấn, nằm trên lưng chừng núi, ngoảnh mặt về hướng Nam, nơi mà ông cất tiếng khóc chào đời, nơi trải qua thời thơ ấu nhọc nhằn và cũng là nơi ông đã sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Có người đã nhận xét, rằng thế mộ nằm vào điểm uốn của dòng sông Tranh, một chi lưu của sông Kôn, từ tháp Bánh Ít đổ xuôi đầm Thị Nại, là nơi tụ thủy. Nhưng hẳn cũng không chỉ vì cái lý do phong thủy như vậy, mà hẳn Đào Tấn đã "nhắm" cái vị thế cát địa ấy, còn để gửi một tâm nguyện, rằng Núi mai rồi gửi xương mai nhé/ Ước được hoa mai hóa mộng hồn (Xuân Diệu dịch). Một đời ông, và cả cho đến lúc này có lẽ vẫn vậy, hẳn đang trong hành trình tầm mai chăng?
Làng Vinh Thạnh nay cũng chỉ là một làng quê bình dị như bao làng quê Bình Định khác. Đi trên con đường làng mà lòng còn ngập tràn hình xưa cảnh cũ, chợt đâu đó từ trong ký ức tôi, bật lên một câu hát xa xôi Tháng năm phai mờ cuộc đổi thay…
. Nguyên Hạo
Mũi Rồng - Tân Phụng
Từ thị trấn Phù Mỹ vượt 20 km về xã Mỹ Thọ, du khách sẽ thấy một ghềnh đá màu đỏ, nhô ra biển chừng 20 m, chính giữa ghềnh đá có một khoảng trống, có hòn đá lớn nhô lên ngày đêm nước biển xô vào rồi trào ra miệng như rồng phun nước trắng xóa. Đó chính là Mũi Rồng - một thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều khách đến tham quan.
|
"Hang Mũi Rồng", xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ |
Theo truyền thuyết, Mũi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương gọi là "Đá Vảy Rồng". Đời nhà Đường, Cao Biền- một thầy địa lý chuyên tìm những nơi có long mạch để yếm và ông đã tìm đến Mũi Rồng này. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ. Máu rồng đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát. Loại đá son này rất cứng. Khi mài với nước cho ra thì lại thắm đỏ, khi cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Xưa, học trò khắp nơi hay về đây để lấy loại đá về làm son cho thầy chấm bài. Nếu tinh ý ngày nay thỉnh thoảng ta vẫn có thể tìm thấy những hòn son màu đỏ nằm lẫn trong cát biển.
Khi chiều xuống, với quần thể những bãi đá như Bãi Bàn, Đá Dựng lô xô kỳ thú, khu vực Mũi Rồng - Tân Phụng trông như một con rồng kỳ vĩ đang cất mình ra biển.
. Nguyễn Phúc
Sương khói Hội Vân
Từ thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) đi về hướng Tây chừng 10km, ta sẽ gặp suối nước khoáng Hội Vân. Đây là một thắng cảnh và cũng là một trong bốn nguồn nước nóng được dùng để chữa bệnh ở nước ta.
Chuyện xưa kể rằng, lâu lắm rồi, ngày ấy có một nàng công chúa Champa không may mắc phải một chứng bệnh lạ, da dẻ sần sùi, lở lói. Mặc dù vua cha đã cho tìm kiếm thầy thuốc giỏi khắp nơi về chữa trị, nhưng bệnh tình của công chúa vẫn không khỏi. Để giúp công chúa vơi bớt nỗi buồn, mỗi lần đi săn, ngài đều đưa nàng theo. Một ngày kia khi đến một góc rừng hoang vu, giữa đại ngàn xanh thẳm, nhìn thấy giữa dòng suối nọ có những mạch ngầm sủi lên trông rất đẹp, nhà vua bèn ra lệnh quây màn cho công chúa tắm. Không ngờ, khi tắm xong ghẻ chóc trên người công chúa tự nhiên mất hết, da dẻ trở lại hồng hào. Suối nước khoáng Hội Vân được biết đến từ đó.
Nơi ngày xưa nàng công chúa tắm nay là một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, đáy hồ có những tảng đá nằm xếp lớp, xen kẽ nhau và từ đó những mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói tỏa nghi ngút. Hồ nằm lọt giữa những bãi cát mênh mông, chếch xa xa là dãy núi Bà hùng vĩ. Vào những ngày mùa đông, nhất là vào sớm mai, hơi nước bốc lên tụ lại thành những làn khói mờ mờ khiến cảnh vật trở nên huyền ảo. Khi mặt trời lên, sương mù tan biến mặt hồ trở nên trong vắt. Những bãi cát trắng óng ả khiến người ta muốn ngả mình thư giãn giữa trong xanh. Có người thấy Hội Vân đẹp vào lúc bình minh nhưng cũng không ít người chờ hoàng hôn xuống để ngắm những vũ khúc của sương khói từ đoạn suối dài khoảng 1.000m. Khi con suối từ từ chìm trong mịt mù, rồi cả núi rừng cũng khuất dần, những buồn phiền trong ta dường như cũng vơi bớt đôi phần.
Suối khoáng Hội Vân nổi tiếng và hấp dẫn khách đến từ mọi miền nhờ vẻ đẹp của một danh thắng, nhưng nó cũng thu hút khá nhiều người về đây chỉ với mục đích trị bệnh, điều dưỡng. Từ khi được thành lập (1976) đến nay, Nhà điều dưỡng nước nóng Hội Vân ra đời đã thu hút hàng chục ngàn lượt người đến trị bệnh. Những năm gần đây, số lượng người đến điều trị ngày càng tăng. Theo kế hoạch trong năm 2005, Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ đồng để xây dựng suối nước nóng Hội Vân trở thành khu du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tắm nước nóng, tắm bùn, dịch vụ lưu trú, dịch vụ massage kết hợp với vật lý trị liệu... Khi ấy Hội Vân sẽ còn nổi tiếng hơn.
. Nguyễn Bá
Hầm Hô trong diện mạo mới
|
Du khách tham quan Hầm Hô |
Hầm Hô là một thắng cảnh cách thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) chừng 5km về phía Tây. Mấy năm gần đây, nhờ được bảo vệ khá tích cực, rừng cây, sông suối ở khu di tích Hầm Hô (Tây Phú-Tây Sơn) đã thắm xanh trở lại. Nơi đầu nguồn Hầm Hô, dọc sông Kút hoa lá tươi hơn, tiếng chim hót nhiều và vui hơn. Nếu lên đập dâng - vùng trung tâm của thắng cảnh bằng xuồng, chắc chắn sẽ có lúc hoa lá lòa xòa sẽ vờn qua mặt bạn. Ở những đoạn tĩnh lặng, tiếng nước reo rì rào hòa cùng tiếng gió luồn qua rừng cây tạo thành một bản hòa âm tuyệt diệu. Môi trường sinh thái vùng Hầm Hô đang phục hồi…
Công ty Cổ phần du lịch Hầm Hô - đơn vị đang quản lý và khai thác di tích đã đầu tư làm đường dẫn vào khu thắng cảnh và thường xuyên duy tu. Đồng thời đoạn đường mòn từ bến đò lên đến đập dâng một mặt được phát quang thoáng đãng, mặt khác vẫn được tôn tạo, trồng chen cây cỏ để tạo vẻ nguyên sơ của một lối đi xuyên qua rừng. Ngoài số nhà sàn đã xây dựng, mới đây Công ty Cổ phần du lịch Hầm Hô đã cho xây thêm một số nhà nghỉ ở gần đập dâng để làm nơi nghỉ chân cho những du khách có nhu cầu. Những ngôi nhà khá tiện nghi này được bố trí để không làm phá vỡ không gian cảnh quan, giúp người lưu trú có cảm giác được hòa mình cùng thiên nhiên. Giữa năm 2004, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt thiết kế quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, với tổng diện tích 30 ha, quy mô quy hoạch xây dựng 12,3 ha. Sau đó, Sở VHTT cũng đã hướng dẫn đơn vị đầu tư phương án tôn tạo và khai thác hợp lý danh thắng Hầm Hô theo hướng khai thác di tích vào mục đích du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di tích.
Có thể bạn đã đến Hầm Hô rất nhiều lần, thậm chí bạn đã quen với từng vùng nước nông sâu, từng gộp đá… Nhưng mùa xuân này bạn cũng nên quay lại thăm Hầm Hô một lần để cảm nhận diện mạo mới của thắng cảnh này.
. Đ.A |