"Đi với tôi cho biết người nghèo đón Tết ra sao. Năm nay nhiều nhà ở xã mình có nhà mới lắm"- một anh cán bộ xã ở huyện miền núi mời mọc. Một ngày cuối năm, tiết trời se se lạnh, chúng tôi đã làm một cuộc du khảo xuyên tỉnh để nghe ngóng, cảm nhận được không khí Tết đang đến với mọi nhà…
|
UBMTTQVN tỉnh phối hợp với Đài PT-TH Bình Định tổ chức đêm giao lưu "Mái ấm cho người nghèo" - ảnh: Hoàng Vân |
1. Mấy hôm nay, dân làng Hà Ri thuộc xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh mong nắng to đến đỏ con mắt. Không có nắng, lúa ẩm mốc hết. Trong nhà Đinh Pong những bao lúa chưa phơi chất bộn bề. "Hôm nay mình không đi rẫy mà ở nhà phơi lúa"- chủ nhà có râu quai nón trông rất ngầu nở nụ cười hồn hậu. "Mưa này làm sao phơi?". -"Phơi ngay trong nhà mình mà! Chỉ cần mở cửa sổ cho gió lùa vào, tải ra, một ngày là chỗ lúa này khô thôi. Mấy nhà kia thóc phơi dày cả gang còn nhà mình nền rộng…"- Pong nói, vẻ mặt rạng rỡ.
Nhà Đinh Pong chỉ chừng trên 30 m2, phân làm hai theo chiều dọc. Phía trái lại ngăn ra, chia làm hai buồng nhỏ, bên phải để trống, tiện khi nhà có việc, vừa là một sân phơi lý tưởng trong mùa mưa. Sau nhà, một chái bếp chắc chắn mới vừa được dựng lên thay cho cái bếp đã cũ nát. Giờ đây, vợ Pong đã có cái chỗ nấu nướng đàng hoàng, chẳng phải ké né tránh mưa như hồi nấu ở bếp cũ.
Nhà Đinh Pong là một trong 12 nhà còn nghèo nhất làng Hà Ri này. Mấy năm nay, vợ Pong bị bệnh bao tử hành hạ hoài, chỉ nằm bẹp một chỗ, các con còn nhỏ, đều đang đi học. Một mình Pong phải cáng đáng mọi công việc trong nhà. Cái nhà lợp bằng tranh từ nhiều mùa rẫy qua bị mưa tạt, gió lùa rách nát mà vẫn không có tiền lợp lại. Mưa đến, vợ chồng con cái phải nép vào một góc. Hôm tháng tư rồi, Pong được nhận 3 triệu đồng hỗ trợ xây nhà của tỉnh. Nhà xây 3 triệu sao đủ? Vậy là Pong bán một con bò lấy 3 triệu đồng, rồi nhờ anh em, bạn bè trong làng kiếm cây về làm rui, mè, xà nhà và dựng nên căn nhà. Nhà mới, chỉ tô được mặt ngoài, bên trong còn gạch mộc. Pong bảo: "Lâu nữa mới đủ tiền tô nhà, nhưng chuyện đó tính sau. Được vầy là đã ưng cái bụng lắm rồi".
2. Cái ngày chưa xây được nhà mới, cái Thơm con chị Võ Thị Hải ở thôn An Quang, xã Nhơn Khánh, An Nhơn thường ôm mẹ mà khóc: "Lỡ mai này mẹ chết con biết ở chỗ nào". Mỗi lần vậy, chị Hải chỉ biết khóc theo con. Gần bốn mươi tuổi chị mới dám "vượt rào" kiếm đứa con. Từ ngày sinh con ra, hai mẹ con phải chịu cảnh sống nhờ ở đậu. Đất có từ lâu mà không cất nổi nhà. Hết ở nhờ mái hiên của nhà người em rồi lại ở nhờ nhà hàng xóm. Đêm đêm muốn học bài, Thơm phải đến học nhờ đèn nhà hàng xóm vì nhà không có điện…
|
Đinh Pong bên ngôi nhà mới |
Giờ thì việc đầu tiên khi đi học về của Thơm là chạy ùa vào phòng riêng của mình, cất cặp sách, thay đồng phục, rồi ra sau nhà nấu cơm thổi lửa hay dọn dẹp trong nhà giúp mẹ. Căn nhà nhỏ mới xây từ tiền hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, đồ đạc ít nên có vẻ rộng nhưng gọn gàng, ngăn nắp lắm. Thơm quét tước suốt ngày, hết đằng sau rồi ra đằng trước. Lúc chúng tôi đến, Thơm đang hí húi nấu thức ăn sau nhà, gương mặt hồng lên vì ánh lửa. Đưa tay vén mái tóc bết mồ hôi trên má, cô bé nói:"Tết năm nay, cháu mời mấy đứa bạn về chơi cho biết nhà. Mấy năm trước chúng nó đòi tới nhà chơi, cháu toàn phải đi trốn".
3. Cách đây 12 năm, hồi mới ưng anh Trần Văn Long, chị Nguyễn Thị Kim Anh ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn được cha chồng cho cái xác nhà của ông anh để ra riêng. Chị kể: "Vợ chồng tui hì hục dỡ về, xổ ra được 500 gạch, làm được cái nhà như cái chòi, vì chỉ bỏ lọt cái giường và đủ chỗ đặt cái bếp. Nhà ở ngay vườn trũng, mưa xuống là ngập, là dột. Mùa mưa, phải sang nhà bà ngoại để nấu nhờ. Cách đây 10 năm, chồng tui bị tâm thần, thỉnh thoảng lên cơn, ảnh lại đạp đổ, căn nhà ọp ẹp có lần bị xô ngã. Để lấy chỗ chui ra chui vào, tui lấy gạch, dùng tre xỏ, sau vay thêm được 1 triệu nữa làm hồ kẽ, nhờ anh em xuống làm giùm. Má tui thấy vậy thương quá, cho mượn 1 triệu, rồi suốt mấy năm chạy chợ cũng góp được chút xíu, lại phải vay mượn thêm để sửa lại căn nhà được như bây giờ, may được Nhà nước cho 3 triệu mới đủ trả nợ".
Bây giờ, chị Anh đã có nhà mới, dẫu chưa bằng ai nhưng cũng có chỗ che mưa che nắng, có chỗ cho mấy nhỏ ngủ đỡ dột, rồi lại mới xây thêm được cái bếp. Buổi sáng có thể dậy, thổi lon gạo cho lũ nhỏ, đứa học lớp 4, đứa học lớp 6 dằn bụng trước khi đi học. Giờ chị chỉ lo chạy chợ kiếm miếng ăn, rồi dành thêm được ít tiền để lo thuốc thang cho chồng.
Năm nay hơn 3.000 hộ nghèo như nhà Đinh Pong, chị Hải, chị Kim Anh đã được "lên đời", bỏ nhà tranh, rách nát. Nhiều nhà bỏ thêm dăm, mười triệu, thậm chí nhiều hơn để xây nhà khang trang. Một mái nhà có thể chưa đẹp, còn thiếu trước hụt sau nhưng chắc chắn, che được mưa, chắn được gió, với người nghèo đó đã là một niềm hạnh phúc. "Đông tay vỗ nên kêu" - từ chủ trương của tỉnh đến sự góp sức của mỗi người, mỗi ngành, đoàn thể… kẻ ít người nhiều đã mang lại niềm vui cho người nghèo.
Đêm cuối năm Giáp Thân, bên bếp lửa đỏ rực, mẹ con chị Anh quây quần bên nồi bánh tét. Anh Long ngồi hiền lành, ngây người nhìn ánh lửa. "Chút nữa bánh chín, cho tui với sắp nhỏ một cái nghe". Chị chỉ biết gật đầu, nước mắt tràn bờ mi - đã lâu lắm rồi, chị mới nghe anh nói một câu như vậy. Cách đó mấy chục cây số, ở An Nhơn, cái Thơm cũng chẳng thể nào ngủ được. Nó mong đến sáng, mặc đồ mới cùng mẹ đi tết nhà dì, cậu, rồi đến nhà bạn bè. Đi nhà ai nó cũng vồn vã mời: "Đến nhà con thăm chơi cho biết. Năm nay con có nhà mới rồi!".
. Thu Hà |