Phố mé Sơn Triều
9:32', 30/1/ 2005 (GMT+7)

Tôi có may mắn hơn bao người là giờ đây, dù đã ở phố, tôi vẫn thường được nhìn ngắm gương mặt của quê mình. Mỗi lần nhớ quê, chỉ cần ba mươi phút đi xe máy là tôi đã có thể trở về ngôi làng nhỏ bên dãy núi Sơn Triều ăm ắp kỷ niệm thời thơ ấu...

Rất nhiều thanh niên ở Nhơn Hòa đã tìm được việc làm tại các nhà máy trong Cụm công nghiệp Nhơn Hòa. (Trong ảnh: Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Thái Bảo - CCN Nhơn Hòa)

Làng Nhơn Hòa của tôi nằm trải dài ven Quốc lộ số 1, đoạn cầu Bà Di đến cầu Tân An; lại nằm trải dọc ven dãy núi Sơn Triều của Quốc lộ 19 ở cực nam huyện An Nhơn. Hai mươi năm, trải bao ngọt bùi cay đắng, tôi lớn lên cùng làng quê này. Rồi hơn hai mươi năm xa quê, tôi có cả trăm lần trở về làng cũ nhưng lần nào lòng dạ cũng nao nao, xao xuyến. Nhà ở bên Quốc lộ 19, tuổi thơ tôi vẫn âm âm tiếng xích xe tăng Mỹ nghiến xuống mặt đường. Đất làng tôi không rộng, độ dốc lại cao nên mỗi mùa nước lụt nếu không bị thủy phá cũng bị sa bồi, dinh dưỡng cứ mòn đi.

Rồi dòng thác cách mạng đã cuốn phăng đồn bót Mỹ. Thế hệ chúng tôi cũng tựa vào dãy Sơn Triều mà lớn lên. Ngoài giờ học và mùa đồng áng, chị em chúng tôi lại lên núi, khi thì đốn củi, đẽo cây; khi thì sàng sạn, đập đá… Cánh đồng Mua nhỏ bé cho chúng tôi hạt gạo, con cua, con cá, con ếch…, còn dãy Sơn Triều lại cho áo quần, sách vở… Quê hương đã mở lòng nuôi chị em tôi học hành, khôn lớn.

Bây giờ, mỗi lần trở về thăm quê, tôi lại nhận ra những nét mới. Ven dãy Sơn Triều, giờ mọc lên những khu nhà xưởng của hai mươi bốn doanh nghiệp mà ngành nghề kinh doanh chủ yếu là gỗ và đá. Một vùng trời công nghiệp vang động kéo theo sự sầm uất của một khu dân cư.

Hai năm trước, thôn Tân Hòa được thành lập; cầu Trường Thi hoàn thành; hoạt động dịch vụ, thương mại nhanh chóng phát triển. Một mé dãy Sơn Triều dáng dấp phố xá đã hiện lên.

Mùa xuân này tôi về lại quê nhà mong được nhìn ngắm lại những sân cải trổ hoa, những sân hành xanh mướt mà ngày xưa, vào ngày xuân, ít có nhà nào thiếu vắng. Giờ chẳng còn mấy. Hầu hết thanh niên đã đi làm công nhân trong nhà máy... Cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều. Những đứa bé bây giờ cũng đã bụ bẫm, lanh lợi khác xưa.

Năm 2004, quê tôi lại thêm một niềm vui mới khi được UBND tỉnh đồng ý để huyện tiến hành khảo sát lập quy hoạch xây dựng cụm dân cư khu vực Phú Hòa để phát triển thành thị trấn trong tương lai. Vậy là chỉ sau 2 năm thành lập, cái thôn mới Tân Hòa đã trở thành chiếc áo chật.

Tôi cầm bảng Thuyết minh quy hoạch xây dựng công trình cụm dân cư Phú Hòa mà ngỡ ngàng. Cả cánh đồng Mua, nơi cho tôi hạt gạo, con cua, con cáy… của thời ấu thơ rồi sẽ không còn nữa. Nó sẽ được nâng mặt bằng và rồi những trường học, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hóa, thư viện, chợ thị trấn… sẽ lại mọc lên cùng với khu dân cư mật độ cao, khu nhà vườn...

Mười lăm năm để hình thành và phát triển thị trấn Phú Hòa, biến Phú Hòa thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị phía Nam huyện, tạo mối quan hệ liên hoàn với chuỗi đô thị An Nhơn...

Mười lăm năm… tôi nhẩm tính, cuộc đời tôi còn đủ dài để có thêm hàng trăm lần xúc cảm trong mỗi lần trở về thăm quê tôi, bên dãy Sơn Triều.

. Quang Khanh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bên bếp lửa dưới những mái nhà tình nghĩa  (30/01/2005)
Bình Định đất và người  (29/01/2005)
Cuộc hồi sinh của thảm xơ dừa  (29/01/2005)
Người "thắp lửa" đăng quang!  (29/01/2005)
Xây thương hiệu cho rượu Bầu Đá  (29/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Trước vận hội mới  (29/01/2005)
Mưu sinh bên miệng tử thần  (29/01/2005)
Phút giao thừa chợt sáng  (29/01/2005)
Chiếc áo Tết  (29/01/2005)
Năm Gà nói chuyện tranh gà  (29/01/2005)
Những vồng vạn thọ  (29/01/2005)
Thơ xuân  (29/01/2005)
Cô giáo trẻ và niềm hạnh phúc "trồng người"  (29/01/2005)
Câu hò đậu tuổi 80  (29/01/2005)
Vị phó giáo sư 38 tuổi và luận án tiến sĩ viết dưới… gầm cầu thang  (29/01/2005)